05/10/2024 | 22:31 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thế giới đã không thể như trước

Linh Sam
Thế giới đã không thể như trước Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “trật tự thế giới đơn cực đã kết thúc!” tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg, ngày 17-6-2022_Ảnh: Reuters
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh đời sống quốc tế năm 2022, có thể khẳng định cuộc xung đột nổ ra ở Ukraina kể từ ngày 24-2-2022 là một cơn địa chấn địa - chính trị làm rung chuyển toàn bộ thế giới. Nói cách khác, thế giới đã không thể như trước, nhất là khi cục diện chiến trường Ukraina hiện nay vẫn tiếp tục ở thế giằng co với tính chất và mức độ giao tranh ngày càng nghiêm trọng, tác động sâu sắc đến tình hình an ninh - chính trị, kinh tế - xã hội toàn cầu.

Trật tự thế giới đơn cực đã kết thúc?

Bốn tháng sau khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina, vào trung tuần tháng 6-2022, từ thành phố St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố: “trật tự thế giới đơn cực đã kết thúc!”. Đó chính là trật tự thế giới đã được định dạng sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt với Mỹ được coi là “cực” còn lại duy nhất sau cuộc đối đầu gay gắt kéo dài suốt gần nửa thế kỷ với Liên Xô (trước đây). Trong gần nửa thế kỷ đó, có không ít những thời điểm thế giới bên bờ vực của chiến tranh hạt nhân, như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba tháng 10-1962; cuộc tập trận Able Archer của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1983... Theo quan điểm của Nga, cuộc xung đột này đã phá tan “trò chơi địa - chính trị của phương Tây” - muốn biến Ukraina trở thành mối đe dọa lâu dài đối với Nga.

Cuộc xung đột ở Ukraina đã làm biến đổi các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Giờ đây, Mỹ phải tập trung toàn bộ sức lực để giải quyết cuộc khủng hoảng ở châu Âu, không đủ lực để hướng vào một nhiệm vụ chiến lược quan trọng là kiềm chế sức mạnh kinh tế và quân sự đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Cả Trung Quốc và Nga đều tuyên bố không chấp nhận trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo, sẽ nỗ lực phối hợp chung để xây dựng trật tự thế giới đa cực. Nói cách khác, ít nhất là thế giới có một cực là Mỹ, còn cực kia là mối liên kết giữa Nga với Trung Quốc chung lập trường đối lập với Mỹ trong việc hình thành trật tự an ninh quốc tế. Đó là chưa kể hàng loạt trung tâm mới của một trật tự thế giới đa cực đang tiếp tục nổi lên: các quốc gia đơn lẻ, như Ấn Độ, Nhật Bản; các tổ chức khu vực, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)...

Chính sự hình thành mối quan hệ Nga - Trung Quốc cùng sự nổi lên của những trung tâm quyền lực mới trên bản đồ địa - chính trị thế giới khiến viễn cảnh về một thế giới đơn cực ngày càng trở nên xa vời.

Mỹ lợi đủ đường

Không mất nhiều công sức, NATO đẩy đường biên giới của liên minh này đến sát biên giới nước Nga với việc bất ngờ thêm 2 thành viên xin gia nhập là Phần Lan và Thụy Điển có tiềm lực kinh tế, quốc phòng hùng hậu, cùng vị trí chiến lược địa lý hết sức thuận lợi. Trong khi Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu ngăn NATO đặt các hệ thống vũ khí tiến công trên lãnh thổ Ukraina (nếu nước này trở thành thành viên NATO), thì giờ đây, NATO có khả năng thực hiện điều đó ở ngay “cửa ngõ” của nước Nga, trên lãnh thổ 2 thành viên tương lai của mình.

Cuộc xung đột Nga - Ukraina cũng một lần nữa gắn kết các nước phương Tây lại với nhau dưới sự dẫn dắt chủ đạo của Mỹ, như từng xảy ra trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Thế giới chứng kiến sự thống nhất đáng ngạc nhiên của các nước Liên minh châu Âu (EU) trước những tác động từ việc Mỹ sẵn sàng từ bỏ mọi hình thức của “quyền tự chủ chiến lược”, liên tục tiến hành các gói trừng phạt nhằm vào Nga, cũng như đầu tư rất nhiều vũ khí, trang thiết bị quân sự cho Ukraina. Nhờ sự hỗ trợ liên tục quan trọng đó từ Mỹ và các nước phương Tây, Ukraina đã trụ vững sau 1 năm diễn ra cuộc chiến tranh không cân sức với Nga. Chiến tranh càng kéo dài, không gian giao tranh càng mở rộng, mức độ khốc liệt càng tăng lên thì các tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ càng có thêm những thị trường màu mỡ, không chỉ ở châu Âu mà còn trên khắp thế giới. Có thể nói, cuộc xung đột Nga - Ukraina đã mang lại cho ngành công nghiệp quân sự của Mỹ một sức sống mới, với những khách hàng mới có tiềm năng vô cùng lớn. Những đòn trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga, nhất là trong lĩnh vực dầu khí, vô hình trung biến các nước châu Âu thành những khách hàng bắt buộc phải mua khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ với giá cao, thay cho khí đốt giá rẻ của Nga; đồng thời, mang lại không ít việc làm và thu nhập cho ngành công nghiệp khí đốt của Mỹ... Nói cách khác, cuộc xung đột Nga - Ukraina mang lại lợi ích đủ đường cho Mỹ.

Bức tranh an ninh - chính trị - kinh tế nhiều biến động

Phát biểu trước cuộc họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 6-2-2023, khi trình bày về các ưu tiên trong năm 2023, tập trung vào chiến sự Ukraina, khủng hoảng khí hậu và nghèo đói cùng cực, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho rằng, “chúng ta đang bước vào năm 2023 với một loạt thách thức chưa từng thấy”, đồng thời bày tỏ quan ngại “cuộc xung đột Nga - Ukraina leo thang có thể đẩy thế giới vào một cuộc chiến rộng lớn hơn”.

Về cục diện an ninh - chính trị - chiến lược, cuộc xung đột Nga - Ukraina đã và đang tác động tiêu cực tới môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực châu Âu và trên thế giới. Quá trình định hình cục diện “đa cực, đa trung tâm” đang được đẩy nhanh hơn với sự cạnh tranh quyết liệt hơn giữa các nước lớn; trong đó các “cực” sẽ không ngang bằng nhau, cả về sức mạnh tổng hợp, sức mạnh trên từng mặt, vị trí, vai trò trên trường quốc tế, cũng như ở từng khu vực và trên từng lĩnh vực... Các nước lớn đều ra sức tập hợp lực lượng do họ dẫn dắt. Cụ thể, ở châu Âu đã hình thành sự phân tuyến giữa Nga với Mỹ và các nước thành viên EU, NATO; tại châu Á - Thái Bình Dương, bên cạnh sự cạnh tranh địa chiến lược gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ, đang nổi lên sự tham gia của Nga để hình thành tam giác quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này tiếp tục đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy mạnh cải cách các thể chế đa phương cũng như tăng cường hệ thống luật pháp quốc tế với các chế tài có tính ràng buộc, giúp điều chỉnh cách hành xử của các nước trong quan hệ quốc tế. Môi trường an ninh ngày càng nguy hiểm đối với các nước nhỏ, nhất là các nước nằm trong “điểm nóng” cạnh tranh chiến lược của các nước lớn.

Về vấn đề suy thoái kinh tế và lạm phát, năm 2022, đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục tác động lên tăng trưởng của các nền kinh tế. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraina đã gây thêm nhiều gián đoạn nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, thổi bùng ngọn lửa lạm phát vốn ở mức cao, nay càng gia tăng. Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, lạm phát trở thành một hiện tượng toàn cầu, tác động đến toàn bộ các nước tiên tiến, gần 90% số thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Khoảng 2/3 các nền kinh tế tiên tiến và hơn 50% số thị trường mới nổi có mức lạm phát cao hơn mức lạm phát mục tiêu vào năm 2021.

Về khủng hoảng năng lượng, trong năm 2022, nhiều nền kinh tế ở châu Âu rơi vào suy thoái và đẩy châu lục này vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng chưa tìm ra lối thoát. Năng lượng vốn được ví như “dòng máu” cần có để vận hành mọi ngành công nghiệp, các hoạt động kinh tế - thương mại, hộ gia đình và cả hệ thống giao thông vận tải. Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraina và lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã làm đảo lộn thị trường năng lượng toàn cầu. Giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt gần 500% trong năm 2022 và đang được giao dịch gần mức cao kỷ lục. Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu hiện nay cũng là động lực giúp châu Âu quyết tâm hơn với dự định thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Thị trường năng lượng châu Âu cũng chuyển hướng sang khí thiên nhiên hóa lỏng của Mỹ. Ngoài Bắc Mỹ, các quốc gia như Algeria, Ai Cập, Israel, Qatar và Azerbaijan cũng trở thành những nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên thay thế quan trọng cho EU...

Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres cho biết, các nhà khoa học và chuyên gia an ninh hàng đầu đã điều chỉnh “đồng hồ tận thế” tới mốc 90 giây trước nửa đêm. Đây là lần đầu tiên “đồng hồ tận thế” được điều chỉnh trong vòng 3 năm trở lại đây, đánh dấu mức nhân loại tiến gần đến thảm họa toàn cầu nhất trong 76 năm qua.

Về khủng hoảng lương thực toàn cầu, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, thực tế nhiều chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu đã bị gián đoạn, nhưng sẽ không đến mức rơi vào khủng hoảng nếu không chịu thêm tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraina - 2 trong số những nhà xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới. Cộng hưởng với những biện pháp đáp trả lẫn nhau giữa các bên trong năm 2022 đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu và hậu cần, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp lương thực. Xung đột khiến Ukraina phải đóng cửa các cảng biển, trong khi Nga gặp khó khăn trong việc xuất khẩu do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các nước đồng minh áp đặt.

Có thể thấy, thế giới đã trải qua thời kỳ khó khăn chồng chất khó khăn khi liên tiếp xảy ra khủng hoảng, nhất là kể từ sau cuộc xung đột Nga - Ukraina. Ở thời điểm này, những yếu tố bất lợi, như cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát toàn cầu hay cạnh tranh địa - chính trị vẫn là những vấn đề nan giải. Chưa kể những diễn biến khó lường của dịch bệnh cùng với tác động ngày một nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại nặng nề đối với các nền kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Tất cả những yếu tố này đang trở thành lực cản cho sự phát triển của nhân loại, cũng như biến đổi hơn nữa trạng thái của cục diện thế giới trong thời gian tới./.