Tỉnh Quảng Bình chú trọng phát triển nguồn nhân lực
Phương Nam
Dân số tỉnh Quảng Bình hiện là 918.665 người, người lao động (NLĐ) trong độ tuổi lao động là 436.584 người, trong đó số có việc làm là 424.360 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,7% (lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29,5%).
Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo làm việc trong các lĩnh vực du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao đạt 66%.
Tỷ lệ lao động sau đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng có việc làm chiếm 83%, một số ngành, nghề đạt 100%. Tỷ lệ lao động sau đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng có việc làm, có thêm việc làm và thu nhập đạt từ 76%, các nghề phi nông nghiệp đạt trên 80%.
Toàn tỉnh hiện có 1 trường đại học, 3 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp 1 và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp hỗ trợ nông dân - phụ tỉnh.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để phát triển lao động, như Chỉ thị số 01-CT/TU, ngày 15-10-2010, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình, “Về việc tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy đảng đối với nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
Sau gần 15 năm thực hiện, hàng nghìn lao động nông thôn đã được hỗ trợ, đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trên 90% số lao động được đạo tạo có việc làm ổn định.
Từ năm 2012 đến năm 2021, tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề là 32.049 người (lao động nữ chiếm 60%); lao động có việc làm sau khi học nghề đạt 78%.
Từ năm 2011 đến năm 2021, thanh niên nông thôn tham gia học nghề tên địa bàn tỉnh là 129.338/167.673 người, có 22.434 lao động trực tiếp sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo nghề nông, lâm, ngư nghiệp (chiếm 70% tổng số lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo).
Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo lao động theo hướng “tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo và hiệu quả của giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo. Mỗi năm cần cung cấp cho thị trường lao động 20.000 lao động có tay nghề.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo quy mô đào tạo 25.000 người/năm, mỗi năm tuyển sinh mới 17.000 người. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh có tối thiểu 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 12 - 14 cơ sở công lập và 6 - 8 cơ sở ngoài công lập”.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Bình đã quan tâm phát triển đội ngũ nguồn nhân lực trên các lĩnh vực, bổ sung cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn cho một số cơ sở đào tạo; cử, tạo điều kiện cho giáo viên, giảng viên đang giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng, trường đào tạo nghề đi đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc…; thu hút, mời gọi, hợp tác với chuyên gia, cán bộ quản lý, lãnh đạo giỏi trên nhiều lĩnh vực đến công tác hoặc hỗ trợ cho tỉnh.
Đáng chú ý, ngày 10-12-2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2022 - 2025 với các nội dung, điều kiện hỗ trợ trình độ trung cấp hoặc cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Hàn Quốc và Nhật Bản...
Trong 3 năm 2021 - 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã phân bổ kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, quản lý, đánh giá giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng của các trường, cơ sở đào tạo trên địa bản tỉnh.
Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho các đối tượng là thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, lao động nông thôn và các đối tượng yếu thế.
Nhờ đó, tỷ lệ lao động sau đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng có việc làm chiếm 83%, có một số ngành nghề đạt 100%.
Tỷ lệ lao động sau đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng có việc làm, có thêm việc làm và thu nhập đạt từ 76%.
Nhiều mô hình đào tạo theo định hướng nội dung, mục đích của doanh nghiệp triển khai hiệu quả, được doanh nghiệp đặt hàng lao động đánh giá cao với các ngành, nghề như nghiệp vụ nhà hàng, quản trị khách sạn, kỹ thuật chế biến món ăn, du lịch, cơ khí...
Năm 2024, tỉnh Quảng Bình đặt mục tiêu tạo việc làm cho 19.500 lao động, trong đó đưa 5.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 14.750 lao động được giải quyết việc làm, trong đó, 4.895 người được tạo việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, 3.200 người được tạo việc làm thông qua công tác vay từ Quỹ quốc gia, 6.095 người được tạo việc làm việc ở nước ngoài theo diện hợp đồng lao động, 560 người được tạo việc làm thông qua việc thúc đẩy kết nối cung - cầu lao động.
Một số vấn đề đặt ra và giải pháp trọng tâm
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần cung cấp nhiều lao động có tay nghề cho thị trường, tạo được nhiều việc làm cho người lao động; tuy nhiên vấn đề lao động, việc làm của tỉnh Quảng Bình hiện nay vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, như tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn còn thấp so với mặt bằng chung; chất lượng đào tạo lao động chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; tỷ lệ phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa đạt mục tiêu đề ra, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của cơ sở đào tạo chưa đầy đủ, hiện đại; thiếu hụt đội ngũ giáo viên, giảng viên chất lượng cao...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng thời thực hiện mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu bình quân mỗi năm tạo việc làm cho 18.000 - 18.500 người lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,5%, trong đó, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra, tỉnh Quảng Bình tập trung thực hiện hiệu quả một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức về đào tạo nghề, lao động đến các cấp, các ngành cùng toàn thể nhân dân; nội dung, hình thức tuyên truyền và có định hướng cụ thể để lao động chọn ngành nghề đào tạo phù hợp với thực tế thị trường.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác khảo sát, dự báo nhu cầu thị trường, thông tin thị trường lao động, việc làm; đầu tư nguồn lực nâng cao năng lực các trung tâm dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh.
Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và đổi mới chương trình giảng dạy. Điều chỉnh và cập nhật chương trình đào tạo để phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng học sinh, sinh viên giỏi, xuất sắc để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, nghề trong tỉnh.
Tập trung vào đào tạo theo hướng kỹ năng thực hành và ứng dụng công nghệ mới, đồng thời tăng cường kỹ năng mềm cho người lao động.
Ba là, huy động các nguồn lực, tháo gỡ khó khăn để xây dựng trường Đại học Quảng Bình, các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh thành cơ sở đào tạo uy tín, có chất lượng đào tạo theo chuẩn.
Bốn là, tiếp tục tăng cường liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để phát triển chương trình đào tạo sát với yêu cầu của doanh nghiệp.
Tổ chức các chương trình thực tập, học việc tại doanh nghiệp giúp học viên, sinh viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng thực tế./.