Phong phú và linh hoạt trong tổ chức hoạt động
Nghĩa HàSau giờ thứ 8...
Với rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sau 8 giờ làm việc còn tiếp tục cống hiến cho tổ chức, cho đơn vị, cho địa phương.
Nhiều nơi, Công đoàn Viên chức địa phương đã tổ chức các hoạt động để khắc họa khoảng thời gian ngoài 8 giờ làm việc, tham mưu giỏi, phục vụ tốt.
Bên cạnh đó, để nâng cao kỹ năng, kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhiều nơi Công đoàn Viên chức tổ chức các sân chơi bổ ích.
Đơn cử như “Sau giờ thứ 8” do Công đoàn Viên chức tỉnh Quảng Ninh tổ chức. Tham dự có 3 đội chơi, gồm Chi cục Chăn nuôi và thú y, Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Thủy sản. Các đội thi trải qua 4 phần: Lời chào người lao động; Kiến thức pháp luật; Nhịp sống người lao động; Nhịp điệu người lao động với chủ đề về chính sách pháp luật, như Luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Quy chế dân chủ cơ sở...
Thông qua hình thức sân khấu hóa, các đội tham gia đã thể hiện kiến thức, kỹ năng của mình từ những tình huống thực tế tại đơn vị.
Điều quan trọng, “Sau giờ thứ 8” trở thành nơi để các công chức, viên chức, người lao động trao đổi kinh nghiệm, học hỏi thêm kiến thức lẫn nhau để từ đó nâng cao kiến thức pháp luật lao động, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Đặc biệt, “sân chơi” này đã khẳng định rõ ý nghĩa và hiệu quả của việc lồng ghép tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật với các hoạt động vui chơi lành mạnh cho công nhân, viên chức, người lao động lao động sau những giờ làm việc căng thẳng.
... đến Hội diễn văn nghệ
Trung tuần tháng 11-2024, Công đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức liên hoan văn nghệ tại Trung tâm Học viện nhằm thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm truyền thống Học viện và 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
Với ý nghĩa thiết thực, đáp ứng đúng nguyện vọng của đoàn viên nên liên hoan văn nghệ diễn ra với sự có mặt của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học viên tại trung tâm Học viện.
Đặc biệt, những ngày trước khi diễn ra Liên hoan, sau giờ làm việc, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học viên hăng say tập luyện các tiết mục tham gia liên hoan văn nghệ.
Mỗi tiết mục văn nghệ đều được thể hiện với tình cảm và niềm tự hào của người cán bộ, công chức trường Đảng. Từ đó, tạo nên những tiết mục văn nghệ thật đặc sắc trong đêm liên hoan.
Đêm lên hoan đã trở thành cơ hội để các đoàn viên của Học viện thể hiện tài năng, năng khiếu và sự nhiệt huyết của bản thân. Các tiết mục văn nghệ tham gia đa dạng, phong phú. Có những ca khúc cách mạng hào hùng, những điệu múa dân tộc truyền thống và cũng có những ca khúc sôi động nhưng trên hết tất cả đều thể hiện tình yêu đối với Học viện, sự tri ân sâu sắc đến các thầy cô giáo và niềm tự hào về truyền thống của Học viện.
TS. Phạm Thị Thành - Chủ tịch Công đoàn Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - cho biết: Liên hoan văn nghệ thành công tốt đẹp, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người tham dự. Đây không chỉ là một hoạt động văn hóa đơn thuần mà còn là dịp để toàn thể cán bộ, học viên cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng, bày tỏ lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước và hướng tới tương lai với những thành công mới.
Những hoạt động nâng cao kiến thức cho đoàn viên
Không chỉ dừng ở những hoạt động xuất phát từ nhu cầu của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công đoàn viên chức nhiều nơi còn triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao kiến thức cho họ. Điều quan trọng là ở các hoạt động do công đoàn tổ chức, đều có sự hiện diện của lãnh đạo đơn vị.
Đơn cử như tại Bộ Khoa học và Công nghệ. Ở chương trình “Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại ngày nay” do Công đoàn Bộ tổ chức, ông Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cùng các lãnh đạo Bộ đã tới dự. Sự có mặt này cho thấy việc phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn và chuyên môn cũng như uy tín của công đoàn đối với lãnh đạo đơn vị.
Nhiều chị em cho biết, qua chương trình “Vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại ngày nay” họ hiểu được sâu thêm, tự hào thêm về vai trò của nữ giới từ xưa đến nay để từ đó phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò của mình tại vị trí công tác cũng như trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Điều động viên họ là Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực, vượt khó, trách nhiệm và những đóng góp to lớn của các nữ công chức, viên chức và người lao động vào thành tích chung của Bộ, của ngành.
Bộ trưởng còn bày tỏ tin tưởng với tài năng, trí tuệ và nhiệt huyết, đội ngũ cán bộ nữ của Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với những lời căn dặn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”...
Công đoàn Bộ Nội vụ tổ chức tham quan, tìm hiểu Tòa nhà Quốc hội và Hoàng thành Thăng Long cho nữ đoàn viên các công đoàn trực thuộc Công đoàn Bộ. Đây là hoạt động nhằm giúp công đoàn viên thuộc Công đoàn Bộ Nội vụ hiểu hơn về lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội Việt Nam qua quá trình hình thành và phát triển, tìm hiểu di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội.
Với không ít cán bộ nữ, đây là lần đầu tiên được vào 2 địa điểm này, qua hoạt động do công đoàn tổ chức, các chị biết Tòa nhà Quốc hội Việt Nam hiện này có tiền thân là Hội trường Ba Đình được xây dựng vào những năm 60 của thế kỷ XX với mục đích chính là để phục vụ các hoạt động của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội. Hội trường Ba Đình đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử trọng đại liên quan đến các vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước.
Những sự kiện được tổ chức tại đây không chỉ có ý nghĩa chính trị mà còn rất thiêng liêng, thân thiết, là niềm tin, là tình cảm của nhân dân cả nước đối với Đảng, Nhà nước trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước...
Những câu chuyện về lịch sử, về tòa nhà được các chị kể lại cho các thành viên trong gia đình, nhất là các con để lan tỏa tình yêu đất nước./.