21/11/2024 | 17:40 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Doanh nghiệp nỗ lực, lãnh đạo địa phương sát cánh đồng hành

LÂM QUÂN
Doanh nghiệp nỗ lực, lãnh đạo địa phương sát cánh đồng hành Chương trình “Chợ 0 đồng” gồm nhu yếu phẩm, đồ gia dụng thiết yếu dành cho 300 công nhân lao động và người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương_Ảnh: L.Q
Từng bước phục hồi sau đại dịch COVID-19, vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) vừa duy trì sản xuất, kinh doanh, vừa chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác mới nên đơn hàng ngày càng tăng, nhưng lại đối diện với sự thiếu hụt nguồn lao động. Trước bối cảnh đó, lãnh đạo các tỉnh, thành phố của vùng đã sát cánh đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, bảo đảm phúc lợi xã hội cho người lao động yên tâm làm việc, gắn bó lâu dài.

Đơn hàng tăng, nguồn lao động thiếu hụt

Là nơi tập trung số lượng lớn các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), vùng ĐNB thu hút số lượng lớn lao động trên khắp cả nước, nhưng đại dịch COVID-19 bùng phát cách đây ít năm đã để lại rất nhiều hệ lụy. Trong đó, có không ít DN rút lui khỏi thị trường do chuỗi sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng; hàng trăm ngàn lao động dịch chuyển và rời vùng ĐNB đi nơi khác làm việc hoặc về quê do DN cắt giảm lao động, không có việc làm.

Trước bối cảnh đó, cùng với sự nỗ lực của mỗi DN, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐNB luôn sát cánh đồng hành thông qua nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ DN, hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục duy trì đà phục hồi, đơn hàng xuất khẩu ngày càng tăng; nhiều DN không chỉ ký kết được nhiều đơn hàng trong năm, thậm chí có đơn hàng đã ký tới quý I-2025. 

Thế nhưng, khi đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, nhất là bảo đảm đúng, đủ yêu cầu của khách hàng, các DN ở vùng ĐNB lại thường xuyên đối mặt với tình trạng người lao động nghỉ việc, thiếu lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến khâu sản xuất, dẫn đến các chỉ tiêu kinh doanh không đạt. 

Để giải quyết vấn đề này, các DN đã chủ động lập kế hoạch, phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm, tham gia ngày hội tuyển dụng, đăng thông tin trên các trang tuyển dụng uy tín để tuyển dụng nguồn lao động mới; thực hiện nhiều giải pháp để “giữ chân” người lao động hiện có, nhất là lao động có kinh nghiệm và tay nghề cao. 

Tuy nhiên, các DN nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, tốn nhiều chi phí cho việc tuyển dụng, đào tạo và thời gian.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do thị trường lao động có nhiều biến động, sự không phù hợp giữa nhu cầu việc làm và nguồn nhân lực đang thất nghiệp; trong khi, dù có nhiều vị trí việc làm trống, nhưng không phù hợp về kỹ năng, kinh nghiệm hoặc địa điểm làm việc mong muốn của người lao động; môi trường làm việc độc hại, thu nhập thấp, ăn uống và sinh hoạt không được bảo đảm; chi phí sinh hoạt liên tục tăng nhưng thu nhập không đáp ứng được khiến người lao động không mặn mà với công việc tại các đô thị; công tác tư vấn, kết nối, định hướng giữa doanh nghiệp với trung tâm giới thiệu việc làm và người lao động hiệu quả chưa cao. 

Trong khi đó, thời gian gần đây KCN, KCX phát triển rộng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều lao động có xu hướng trở về quê làm việc, vừa giảm bớt gánh nặng thuê nhà, vừa có nơi ở, nơi học cho con em của họ ổn định hơn.

Một số cách làm hay

Để góp phần hỗ trợ khắc phục thực trạng trên, nhiều năm qua, các tỉnh, thành phố vùng ĐNB đã đề ra những chủ trương, chính sách thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm để sát cánh, đồng hành với DN nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư.

Được xem là đô thị năng động nhất nước, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) hiện có lực lượng lao động khoảng 5 triệu người, thu hút từ nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, chủ yếu làm việc ở KCN, KCX và dịch vụ. 

Nhiều năm qua, TPHCM đã triển khai các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, bảo vệ việc làm, quyền và phúc lợi xã hội cho người lao động; tổ chức nhiều chương trình chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, nhất là lao động nữ, lao động di cư, lao động khu vực phi chính thức,... đạt nhiều kết quả rất thiết thực. 

Để thu hút và “giữ chân” người lao động, trong giai đoạn 2021 - 2025, TPHCM có 91 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích đất 210,4ha, hiện có 49/91 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo kế hoạch, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội của TPHCM đến năm 2030 là đầu tư xây dựng 69.700 cho đến 93.000 căn hộ.

Là một trong những trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước, tỉnh Bình Dương có tỷ lệ công nhân lao động ngoài tỉnh chiếm hơn 85% (gần 1,2 triệu người), nên địa phương này luôn xem công nhân lao động là chủ thể trong định hướng phát triển của tỉnh. 

Từ năm 2011, tỉnh Bình Dương đã quan tâm, thực hiện chính sách xây dựng nhà ở xã hội giúp công nhân lao động an cư lạc nghiệp, gắn bó lâu dài, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. 

Để tiếp tục dành nhiều sự quan tâm, thực hiện kịp thời, hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, ngày 11-1-2022, Tỉnh ủy Bình Dương ban hành Chương trình số 57-CTr/TU, về “Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động”. 

Sau hơn 2 năm thực hiện, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống công đoàn trong toàn tỉnh, chủ trương này đã được cụ thể hóa bằng nhiều chương trình, chính sách thiết thực hướng về công nhân lao động như: “Chuyến tàu Xuân nghĩa tình”, “Tết nhân ái”, “Chợ Tết Công đoàn”, “Tiếp sức đến trường”, Hỗ trợ dài hạn”, ... với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng. 

Ngoài ra, công đoàn các cấp xây dựng kênh tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của công nhân lao động để đề ra giải pháp kịp thời, tích cực giải quyết khó khăn, vướng mắc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ.

Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng bộ, chính quyền địa phương, nhiều DN chủ động thực hiện chính sách chăm lo tốt đời sống để “giữ chân” người lao động. Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất Thương mại xuất nhập khẩu Ngũ Lâm Việt (Công ty Ngũ Lâm Việt) đứng chân tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ngay từ khi thành lập (năm 2013) đã có ý tưởng xây khu lưu trú và nhà trẻ miễn phí giúp người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với nơi làm việc. 

Sau 4 năm hoạt động, Công ty Ngũ Lâm Việt đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng khu lưu trú, giải quyết chỗ ở cho toàn bộ người lao động của Công ty được ở trọ miễn phí, hàng tháng, chỉ phải trả tiền điện, nước; các cháu đang trong độ tuổi học mầm non đều được công ty thuê giáo viên về chăm sóc, dạy dỗ tại công ty... 

Điều đó tạo điều kiện và góp phần giải tỏa những nỗi lo để người lao động yên tâm làm việc.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, nhiều DN ở vùng ĐNB đã vượt khó để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; đặc biệt, vào các dịp tết nguyên đán, các DN nỗ lực duy trì thưởng tết cho người lao động bình quân 1 tháng lương/người và tổ chức nhiều chương trình, hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. 

Đó là sự cố gắng rất lớn của DN để ghi nhận sự gắn bó cũng như “giữ chân” người lao động, nhưng về lâu dài, đòi hỏi phải có có chủ trương, chính sách căn cơ bảo đảm việc làm bền vững để người lao động yên tâm gắn bó, nhất là lao động có tay nghề và kinh nghiệm.

Cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực

Trước xu thế phát triển mới, thị trường lao động có sự dịch chuyển và biến động rất lớn. Để góp phần “giữ chân” và thu hút người lao động, theo nhiều chuyên gia, trong thời gian tới cộng đồng DN ở vùng ĐNB cần quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp căn cơ sau đây.

Một là, thông thường người lao động làm việc tại các KCN, KCX đều đến từ địa phương khác, nên nhu cầu về nhà ở rất quan trọng. Cùng với việc thực hiện tốt tinh thần Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, ngày 28-3-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động”, các DN quan tâm bố trí nơi ở hoặc hỗ trợ một phần chi phí ở trọ giúp người lao động yên tâm làm việc.

Hai là, ngoài việc thực hiện chi trả kịp thời lương tối thiểu vùng theo quy định, các DN cần nghiên cứu mô hình trả lương, thưởng linh hoạt cho người lao động. Bởi thực tế trên thế giới, mô hình này khi được thực hiện đã góp phần giảm tỷ lệ lao động nghỉ việc đáng kể.

Ba là, quan tâm phát triển đoàn viên, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Từ đó, công đoàn làm tốt việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời phối hợp với chủ DN quan tâm đến các chế độ, chính sách tiền lương, thưởng và các phúc lợi xã hội; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Bốn là, các chủ DN thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội như chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động; đồng thời, quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa phục vụ người lao động để họ có điều kiện cải thiện đời sống tinh thần, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, giúp người lao động có thêm niềm vui trong công việc và gắn bó lâu dài./.