05/11/2024 | 22:33 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Võ Nguyên Giáp trong ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945

La Nguyễn Hữu Sơn
Võ Nguyên Giáp trong ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945 Tư lệnh Việt Nam Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp tại lễ duyệt binh lần đầu tiên ở Hà Nội, ngày 26-8-1945, ngay sau khi giành được chính quyền trong Cách mạng tháng Tám_Ảnh: TL
Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, nhà cách mạng Võ Nguyên Giáp (1911 - 2013) khi đó chưa đầy 35 tuổi đã được cử làm Bộ trưởng Nội vụ và Phó Bộ trưởng (thứ trưởng thường trực) Bộ Quốc phòng trong Chính phủ Lâm thời (từ ngày 28-8 đến hết năm 1945)... Giữa những ngày nước sôi lửa bỏng, chỉ trong tháng 9-1945, Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh bảo vệ nhà nước và xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng non trẻ.

Vừa nhận nhiệm vụ, Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Hồ Chí Minh ban hành sắc lệnh giải tán các đảng phái làm “phương hại đến nền độc lập Việt Nam” và sắc lệnh thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính địa phương các cấp. Ngày ấy, các cơ quan tuyên truyền, báo chí chủ yếu vẫn thân tình gọi các nhà lãnh đạo là “ông”, “anh”...

Nhằm cập nhật tình hình thời sự, chỉ 3 ngày sau Ngày Độc lập (2-9), Báo Cứu quốc (Cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Việt Minh) đã đăng toàn văn Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tường thuật chi tiết “Cuộc mít tinh và biểu tình tại vườn hoa Ba Đình trong buổi lễ Ngày Độc lập”, sau quốc ca, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập (Sau Hồ Chí Minh có Võ Nguyên Giáp ký tên cùng 13 vị khác trong Chính phủ) và tiếp đó: “sau khi Chính phủ tuyên thệ, anh Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Lâm thời, đứng lên giãi bày về tình hình trong nước và những chính sách của Chính phủ. Lời nói của anh Bộ trưởng trẻ tuổi ấy có một sức hùng hồn, khích động vô cùng. Những tiếng vỗ tay, những tiếng gào thét vì phấn khích của dân chúng luôn luôn đưa lên từ cái bể người đứng dưới đài... Sau anh Võ Nguyên Giáp là anh Trần Huy Liệu, tường trình về cái sứ mệnh của anh vừa rồi vào Huế nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại”(1)...

Điều đặc biệt, ngay cùng số báo này có bài giới thiệu khái lược Đời cách mạng của đồng chí Võ Nguyên Giáp, trong đó nhấn mạnh quá trình tham gia đoàn thể, kể cả những hy sinh cá nhân (vợ là Minh Thái, em Nguyễn Thị Minh Khai, bị bắt và hy sinh trong nhà lao Hà Nội), rồi đến đoạn kết: “Kỳ đại biểu Đại hội toàn quốc tại khu giải phóng vừa rồi anh được bầu vào Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam và hiện nay Ủy ban đó cải tổ thành Chính phủ Nhân dân Lâm thời và anh được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Cả một đời hy sinh phấn đấu cho quyền lợi dân tộc, anh Võ Nguyên Giáp thực sự xứng đáng cho quốc dân tin cậy lúc này”(2)...

Tròn 1 tuần sau Ngày Độc lập, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đại diện Chính phủ đã có buổi họp báo thông tin về các vấn đề Pháp và Đông Dương, sách lược đối phó với quân Tàu Tưởng, tình hình các đảng phái và nạn phỉ vùng biên giới phía Bắc. Báo Cứu quốc đưa tin: “Buổi tối hôm 5-9-45, anh Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Lâm thời Võ Nguyên Giáp đã triệu tập các nhà báo ở đây lại để cho biết vài việc quan trọng mới xảy ra gần đây” (bắt được một số quân Pháp nhảy dù xuống vài nơi trên đất nước ta, chúng tìm cách phá hoại các cơ quan công sở trọng yếu của Chính phủ ta, kháng nghị quân Tàu vào Lạng Sơn phải tôn trọng nền độc lập của Việt Nam, xác định nhiệm vụ đánh phỉ ở Quảng Ninh và cô lập đảng Đại Việt ở Vĩnh Yên...(3). Từ đây, có thể thấy rõ vai trò quan trọng của Võ Nguyên Giáp liên quan đến hầu hết các vấn đề đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại, ra sắc lệnh, ra lời kêu gọi đoàn kết, ủng hộ tổ chức Việt Minh, tình hình chiến sự, gương hy sinh và hoạt động đoàn thể kiến quốc trong khắp cả nước.

Lại qua 2 ngày sau, Báo Cứu quốc in nối trong 5 kỳ bài diễn văn của Võ Nguyên Giáp đọc trong Ngày Độc lập trình bày về tình hình trong nước, trong đó tập trung nhấn mạnh công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh: “Bắt đầu từ năm 1940, nhân dân ta sửa soạn đứng lên đuổi người Pháp, rồi người Nhật, để lấy lại nền Độc lập” (số 40); xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt: “Trong lúc chờ Quốc hội, Chính phủ Lâm thời có nhiệm vụ phải thi hành ngay những phương sách cấp bách về nội trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, tài chính, văn hóa và cứu tế” (số 41); nhấn mạnh nhiệm vụ chống giặc dốt: “Trong thời gian rất ngắn sẽ ban hành lệnh bắt buộc học chữ quốc ngữ để chống nạn mù chữ triệt để. Vấn đề vô cùng quan trọng ấy chúng ta chẳng chờ đến lúc sự sinh hoạt trở nên bình thường mới giải quyết. Ngay trong cái hoàn cảnh éo le này chúng ta cũng quả quyết tiến hành” (số 42); khẳng định ý chí bảo vệ nền độc lập dân tộc: “Ngày nay, chúng ta đã nắm chính quyền trong tay, đối với người Pháp chúng ta vẫn đối đãi tử tế. Nhưng đó không phải là thái độ khiếp nhược hay trìu mến họ đâu. Họ nên biết điều mà công nhận nền độc lập hoàn toàn của ta. Bằng như họ định dùng võ lực xâm lược thì ta sẽ giỏ đến giọt máu cuối cùng để chống lại họ. Và chắc chắn là họ sẽ thất bại một cách đau đớn” (số 43); và đi đến lời kết bày tỏ niềm tin chiến thắng và tương lai dân tộc: “Noi theo truyền thống của các thế hệ trước, thế hệ chúng ta sẽ đánh “một trận cuối cùng” để cho những thế hệ sau này mãi mãi được sống với độc lập, tự do và hạnh phúc” (kỳ 5, số 49)(4)... Những ý kiến này cơ bản thống nhất với định hướng đường lối mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã xác định với toàn thể đồng bào những ngày đầu kiến quốc.

Nhằm nắm bắt đầy đủ ý nguyện của các tầng lớp nhân dân, Đổng lý Văn phòng đã có thông cáo chi tiết về việc Bộ Nội vụ đóng tại trụ sở của Ủy ban nhân dân Bắc Bộ, thuộc Dinh Khâm sai cũ (nay là Nhà khách Chính phủ) và nhấn mạnh vị thế, tinh thần, thái độ ông Bộ trưởng của chế độ mới: “3) Ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp sẽ tiếp khách tại Bộ Nội vụ mỗi ngày từ 16 giờ đến 17 giờ, trừ chủ nhật và ngày lễ; 4) Trừ những trường hợp đặc biệt, ai muốn yết kiến ông Bộ trưởng ngoài giờ kể trên thì viết thơ đến trước, sẽ có thơ trả lời rõ ngày và giờ nào có thể tiếp chuyện”(5)...

Vốn là nhà giáo, nhà nghiên cứu và viết sách tuyên truyền cách mạng (với các bút danh Vân Đình, Hải Thanh), Võ Nguyên Giáp sớm tiếp tục có bài trong các sách Một nền văn hóa mới, Trang sử mới do Hội Văn hóa Cứu quốc xuất bản (cùng Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu và đại biểu các đoàn thể văn hóa)(6)... Nhập cuộc nhiệm vụ tổ chức, xây dựng lực lượng vũ trang, vào ngày 13-9, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyễn Giáp cùng Dương Đức Hiền, Vũ Đình Hòe, Trần Duy Hưng, Phạm Văn Đồng đã tham dự lễ khai giảng Trường Quân chính Việt Nam (nguyên là Trường Quân chính kháng Nhật, ngày nay là Trường Đại học Trần Quốc Tuấn đào tạo sĩ quan lục quân) với 278 học viên (Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Hiệu trưởng, Đại tá Nguyễn Khắc An làm Giám đốc).

Báo Cứu quốc tường thuật, sau các ý kiến của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng là đến Bộ trưởng Nội vụ: “Anh Võ Nguyên Giáp bắt đầu nói đến ý nghĩa về việc Hồ Chủ tịch làm Hiệu trưởng cho trường Quân chính này. Rồi anh nói đến cái nhiệm vụ và cái hy vọng lúc này, đặt ở mình các học sinh quân trường Quân chính. Nạn ngoại xâm bây giờ không phải chỉ đe dọa mà đã tràn vào vài nơi trong nước. Thêm nữa, trong nước, những phần tử phản động cũng đương hành động phá hoại nước nhà. Việc quốc phòng lúc này đương quan trọng hết sức. Bộ đội quân giải phóng của chúng ta vì khuếch trương ra rộng hơn trước nhiều nên ở khắp nơi đều thiếu cán bộ chỉ huy. Người ta mong đợi các bạn học sinh quân trường Quân chính ra sức luyện tập, dùi mài, để chóng tốt nghiệp, thành những cán bộ có năng lực đầy đủ, lấp vào các chỗ thiếu ấy”(7)...

Liên quan đến Trường Quân chính, chỉ năm ngày sau, Giám đốc Nguyễn Khắc An đã đưa tin: “Đêm Trung thu, học sinh trường Quân chính Việt Nam đã tổ chức một cuộc ca hát và diễn kịch. Ông Chủ nhiệm Giáo dục Phạm Văn Đồng và ông Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đến khai mạc cuộc vui (...). Sau khi phá cỗ Trung thu, cuộc vui chấm hết bằng những khẩu hiệu: Xung phong! Xung phong diệt xâm lăng! Tinh thần xung phong của Giải phóng quân bất tử! Tinh thần học sinh quân muôn năm! Trường Quân chính Việt Nam muôn năm!”(8)...

Nhận thức được tầm quan trọng của lực lượng cốt cán quân sự, hướng tới tinh thần đại đoàn kết và phát huy sức mạnh dân tộc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã sớm gửi thông báo (14-9) tới ủy ban nhân dân các tỉnh kêu gọi và triệu tập các sĩ quan thời Pháp thuộc hợp tác với chế độ mới. Trên tinh thần đó, Vũ Văn Thu - Giám đốc Sở Bảo an binh Bắc Bộ - đã ký xác nhận chuyển tiếp thông báo: “nhờ các ông thông sức cho tất cả các sĩ quan Việt nam hiện ngụ ở địa phương thuộc quyền ông, ai còn đủ lực và thực lòng muốn ra giúp nước, phải tới Bắc Bộ phủ Hà Nội để kịp dự vào cuộc hội nghị bàn về quốc phòng họp ngày 30 dương lịch tới”(9)...

Thực hiện nhiệm vụ trọng yếu nói trên, vào hồi 4 giờ chiều ngày 20-9-1945, tại Bắc Bộ phủ diễn ra cuộc họp của các sĩ quan, hạ sĩ quan thuộc lực lượng Bảo an binh cũ ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành về dự và thống nhất tuyên bố: “Binh gia hết sức ủng hộ Chính phủ Dân chủ Cộng hòa”. 

Phóng viên báo Cứu quốc đưa tin chi tiết: “Anh Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và một ủy viên của Ủy ban Nhân dân Bắc Bộ đã vạch rõ cái nhiệm vụ nặng nề của quân Giải phóng Việt Nam mà các bạn sĩ quan hiện đứng trong hàng ngũ. Lại nói rõ cái tinh thần mới của quân đội Giải phóng: bình đẳng, dân chủ, kỷ luật”, rồi trước khi giải tán, các sĩ quan đã gặp Hồ Chủ tịch và nhận thêm lời khuyên nhủ chân tình, xúc động, đầy sự cảm thông, ân nghĩa: “Lòng người thì đồng mà hoàn cảnh không đồng, tỉ như có người muốn cúng vàng vào quỹ Độc lập mà không có vàng; có người muốn xung vào quân đội mà yếu đuối quá. Các bạn có thể nói tấm lòng nhiệt thành ái quốc ai cũng có, nhưng vì hoàn cảnh khác nhau, các bạn phải gắng giúp Chính phủ những cái có thể được. Hoặc lăn lộn trong bộ đội, hoặc về tham gia giúp đỡ ở địa phương. Chính phủ lúc nào cũng chăm lo đến nhân tài của tổ quốc”(10)...

Trên một phương diện khác, ngay trong tháng 9-1945, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ được ủy nhiệm thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp đã ký nhiều sắc lệnh, thông tư như: cử ông Hoàng Minh Giám làm Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ (ký ngày 30-8)...; thiết quân luật ở Hà Nội (ký ngày 1-9)...; lập tại Hà Nội và các tỉnh trong nước một quỹ thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân sẵn lòng quyên góp Chính phủ để ủng hộ nền độc lập của quốc gia (ký ngày 4-9)...; ấn định quốc kỳ Việt Nam, cấm nhân dân không được đăng lính, bán thực phẩm, dẫn đường, liên lạc, làm tay sai cho quân đội Pháp, về sự buôn bán và chuyên chở thóc gạo, giải tán Đại Việt Quốc gia Xã hội đảng và Đại Việt Quốc dân đảng (ký ngày 5-9)...; trưng thu vật liệu ở các tư gia và tư sở (ký ngày 6-9)...; cải cách chế độ thuế khóa để đỡ gánh nặng cho dân chúng và hợp với công lý, Nha Khoáng chất và Kỹ nghệ Việt Nam tổ chức và trông coi công việc sản xuất binh khí và đạn dược (ký ngày 7-9)...; mở cuộc tổng tuyển cử để bầu quốc dân đại hội, việc học chữ Quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người, đặt ra một Bình dân Học vụ trong toàn cõi Việt Nam, thiết lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối, ban hành ngạch học quan, bổ dụng tùy theo năng lực, đặt ra trong toàn cõi Việt Nam ngạch thanh tra học vụ, sáp nhập vào Bộ Quốc gia Giáo dục Trường Viễn Đông Bác cổ, các nhà bảo tàng, các thư viện công và các học viện, cử ông Ngô Đình Nhu làm Giám đốc Nha Lưu trữ Công văn và Thư viện toàn quốc, cử ông Đỗ Đức Dục sung chức Đổng lý Văn phòng Bộ Quốc gia Giáo dục (ký ngày 8-9)...; cử ông Vĩnh Thụy làm Cố vấn Chính phủ lâm thời Dân chủ Cộng hòa (ký ngày 10-9), bãi đoạn a) điều thứ 2 trong sắc lệnh số 3 ký ngày mồng 1 tháng 9 năm 1945 thiết quân luật lại Hà Nội (nhân dân được đi lại ban đêm trong thành phố như thường), Luật lệ kế toán quốc gia, trợ cấp cho Quỹ Bắc Bộ Việt Nam để chi tiêu về Bảo an binh, Luật lệ Sở Tổng thanh tra và các Sở Thương chính, đặt Sở Thuế quan và và thuế gián thu, cử ông Trịnh Văn Bính làm Tổng Giám đốc Sở Thuế quan và thuế gián thu, vấn đề quyền sai áp hành chính các tài sản của tư nhân và pháp nhân thuộc quốc tịch các nước Hoa Kỳ, Anh, Hà Lan và thuộc địa tự trị của nước Anh (ký ngày 10-9)...; giải tán Việt Nam Hưng quốc Thanh niên hội và Việt Nam Thanh niên Ái quốc hội (ký ngày 12-9)...; xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình để tránh những sự bất trắc ảnh hưởng đến việc nội trị, ngoại giao, bãi bỏ hai ngạch quan hành chính và quan tư pháp, cử bác sĩ Hoàng Tích Trí giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế (ký ngày 13-9), đồng thời thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký các thông tư như: về việc cho phép các tư gia mua súng (ký ngày 10-9), về việc định rõ quyền hạn của Giải phóng quân trong khi thừa hành chức vụ (ký ngày 13-9)... Ngoài ra, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp còn trực tiếp ký các Nghị định: trưng thu động sản và bất động sản của Công ty Máy nước Hà Nội (ký ngày 31-8), ấn định giờ chính thức ở Đông Dương (ký ngày 1-9), trưng thu Nhà máy Métallurgie và tất cả máy móc cùng khí cụ của nhà mấy ấy, trưng thu các đồ phụ tùng về máy vô tuyến điện của Hãng Air France (ký ngày 8-9)(11)...

Một sự thống kê như trên cho thấy nhiều điều. Trước hết là tầm quan trọng của các công việc từ tổ chức chính quyền, quản lý xã hội, đối nội, đối ngoại đến hoạt động quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục mà Võ Nguyên Giáp phụ trách, điều hành. Chỉ trong 1 tháng mà phải thiết lập những nguyên tắc, quy định theo định hướng chế độ mới (quản lý hành chính, phổ cập chữ quốc ngữ, xác định hệ thống thuế mới...); thay đổi các biện pháp và nhân sự cho kịp tình hình đang biến chuyển mau lẹ từng ngày (thiết quân luật, ứng phó với quân Anh - Pháp và Tàu Tưởng, điều chuyển cán bộ...); phối hợp sách lược tuyên truyền, vận động với chuyên chính, bạo lực cách mạng (quyên góp, trưng thu, giải tán các tổ chức, nhóm phái chống đối...). 

Công việc bộn bề, có ngày Võ Nguyên Giáp ký tới 11 loại sắc lệnh, nghị định (ngày 8-9) và trực tiếp tham dự, phát biểu tại ngày lễ Độc lập, nhập cuộc vận động lực lượng Bảo an cũ, quán triệt nhiệm vụ với học viên trường Quân chính và gặp gỡ, trao đổi với nhiều đơn vị, tập thể và cá nhân khác, trong và ngoài giờ hành chính.

Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sôi động, Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã sát cánh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đề ra những quyết sách đúng đắn, góp phần quyết định xây dựng nhà nước công nông binh non trẻ, chuẩn bị điều kiện tốt nhất để cả nước bước vào cuộc trường kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp cho đến ngày thắng lợi./.

--------------------

(1) Hồng Hà (1945), Cuộc mít tinh và biểu tình tại vườn hoa Ba Đình trong buổi lễ Ngày Độc lập, Cứu quốc, số 36, ra ngày 5-9, tr. 1 - 2.

(2) T.C. (1945), Đời cách mạng của đồng chí Võ Nguyên Giáp, Cứu quốc, số 36, ra ngày 5-9, tr. 2.

(3) C.Q (1945), Anh Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tối hôm 5-9-45 đã cho các nhà báo biết..., Cứu quốc, số 38, ra ngày 9-9, tr. 1; số 38, ra ngày 9-9, tr. 1.

(4) Võ Nguyên Giáp (1945), Diễn văn của anh Võ Nguyên Giáp đọc trong ngày “Độc lập” trình bày về tình hình trong nước (5 kỳ), Cứu quốc, số 40, ra ngày 11-9, tr. 1; số 41, ra ngày 12-9, tr. 2; số 42, ra ngày 13-9, tr. 2; số 43, ra ngày 14-9, tr. 2; số 49, ra ngày 22-9, tr. 3

(5) Đổng lý Văn phòng (1945), Thông cáo, Cứu quốc, số 41, ra ngày 12-9, tr. 2.

(6) Hội Văn hóa Cứu quốc (1945), In sách Một nền văn hóa mới và Trang sử mới, Cứu quốc, số 42, ra ngày 13-9, tr. 2.

(7) C. Q (1945), Trường Quân chính Việt Nam bắt đầu khai giảng, Cứu quốc, số 43, ra ngày 14-9, tr. 1-2.

(8) Nguyễn Khắc An (1945), Lửa xung phong của trường Quân chính Việt Nam, Cứu quốc, số 43, ra ngày 19-9, tr. 1 - 2.

(9) Vũ Văn Thu (1945), Bộ trưởng Bộ Nội vụ gửi các Ủy ban Nhân dân hàng tỉnh, Cứu quốc, số 44, ra ngày 15-9, tr. 2.

(10) Phóng viên (1945), Cuộc họp của các sĩ quan và hạ sĩ quan, Cứu quốc, số 49, ra ngày 22-9, tr. 1.

(11) Chính phủ (1945), Việt Nam Dân quốc Công báo, ra ngày 29-9, tr. 3 - 13.

4 December 2023
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)