Đào rừng Quảng Ninh vượt bão đón xuân
Phạm HọcTrải qua một mùa đông lạnh lẽo và khắc nghiệt, những cây đào ở huyện Bình Liêu, ở huyện Vân Đồn chỉ chờ xuân đến là bật hoa rực rỡ. Khi loài hoa này bung nở, những thôn bản của Bình Liêu khoác lên mình chiếc áo mới rực rỡ sắc hồng tươi, khiến lòng người cũng náo nức, hân hoan theo.
Đến Bình Liêu mùa xuân ở đâu cũng gặp đào rừng. Hoa đào ở góc vườn, hoa đào trước hiên nhà. Đào nở chênh vênh trên vách đá, rủ xuống mái nhà bà con người Dao hay xen kẽ những thửa ruộng bậc thang trên sườn núi. Từ dưới nhìn lên, hoa đào như lẫn vào mây trắng trôi bảng lảng trên đỉnh Cao Ly...
Giống đào ở Bình Liêu là giống đào bản địa có nguồn gốc từ rừng, có hoa nhỏ thưa, cánh mầu hồng nhạt gần giống như đào phai dưới xuôi. Thân cây mốc meo dáng cổ kính, hoang dại, hoa có 5 cánh khi nở bung ra, chứ không nhiều cánh nở chúm chím như bích đào.
Vậy nên có người ví cây đào rừng cũng giống như con người Bình Liêu, có gì là nở ra hết chứ không giấu giếm ai điều gì. Vẻ cổ kính hoang dại của đào rừng lại làm mê mẩn nhiều du khách, họ thường tìm đến các huyện vùng cao để mua đào rừng về chơi tết.
Hoa đào là biểu tượng của mùa xuân. Nhưng một điều rất hiếm gặp là ở Bình Liêu, hoa đào có thể nở đến 2 lần trong năm. Một lần vào mùa thu và một lần vào mùa xuân. Trời thu trong vắt, hơi thu se lạnh cũng là lúc đào Bình Liêu bung nở.
Có thể, các chuyên gia về nông nghiệp sẽ cần nhiều đề tài nghiên cứu về đào rừng ở Bình Liêu. Còn theo cách hiểu mộc mạc của bà con nơi đây, hoa đào nở mùa thu cũng không có gì lạ. Bởi lẽ do trồng ở vùng núi cao, nhiệt độ thấp hơn nên những cây đào ở đây không tuân theo quy luật ra hoa tự nhiên như những cây đào trồng ở vùng đồng bằng.
Cũng phải thừa nhận rằng, đào thu nở lác đác và khá nhanh tàn. Tuy nhiên, ngần đó thôi cũng đủ làm cho du khách có thêm trải nghiệm vừa lạ lẫm, vừa thú vị đối với những ai có dịp ghé thăm Bình Liêu.
Hoa đào mùa thu tàn nhanh để cho cây kịp xoay vòng một chu kỳ ra hoa mới. Khi cái rét của những ngày cuối đông dần dịu xuống, đất trời chuyển dần sang xuân ấm áp hơn thì đào rừng Bình Liêu bung nở hồng rực cả một góc trời.
Xưa kia, người dân chỉ trồng đào để chơi nên cây đào được trồng phân tán khắp nơi, ở ven đường, trên các sườn núi, bìa rừng, quanh các ngôi nhà... Nhưng qua thời gian, vẻ đẹp của đào rừng đã chinh phục nhiều du khách dưới xuôi, nhiều người tìm mua đào Bình Liêu để trưng trong nhà dịp tết.
Nắm bắt nhu cầu này, bà con Bình Liêu đã tăng diện tích trồng đào, vừa cung cấp đào phục vụ tết, vừa thử nghiệm làm du lịch trải nghiệm ngắm hoa đào mùa xuân. Như ở khu dân cư Trình Tường, thôn Bắc Cương (xã Hoành Mô) tuy chỉ có 15 hộ dân với 70 nhân khẩu nhưng số lượng đào được trồng đã lên đến vài nghìn cây.
Cũng tại Hoành Mô, gia đình anh Trần Đăng Hùng (thôn Co Sen) có 2,5ha trồng đào với quy mô 7.000 cây. Đầu năm 2024, gia đình anh Hùng xuất bán được những cành đào đầu tiên ra thị trường với giá bán trung bình từ 800.000 tới 1 triệu đồng cho mỗi gốc. Tết năm nay, cũng có hàng trăm gốc đào của gia đình anh theo bước chân du khách về dưới xuôi...
Mỗi độ xuân về, hoa đào làm cho không gian thiên nhiên núi rừng Bình Liêu đẹp đến mê mẩn. Màu sắc phớt hồng của hoa đào hòa quyện cùng màu xanh của bản làng, núi rừng thêm níu chân du khách.
Đến Bình Liêu mùa xuân, du khách còn được tham gia nhiều hoạt động du xuân, lễ hội, xem bóng đá nữ Sán Chỉ, nghe hội hát tháng ba dìu dặt. Cây đào đem lại cho bà con ở đây niềm tin về một cuộc sống ổn định, về một tương lai xây dựng quê hương, bản làng no ấm.
Theo những cánh đào phai, một mùa xuân mới tươi vui lại về với núi rừng, bản làng. Đào thì tên gọi là đào phai, nhưng mùa xuân ở Bình Liêu thì không hề phai nhạt. Không phai bởi núi rừng xanh thẫm, tình người nồng hậu, men rượu mềm môi và còn vì ở Bình Liêu một năm có đến 2 mùa đào nở. Với những sắc hoa đào nở nhiều tháng trong năm thì dường như Bình Liêu mùa nào cũng xuân vậy./.