Xung đột Nga - Ukraina: Cơ hội kiếm lời với lái súng
Tường LinhCông thức mục đích kép
Đầu tháng 12-2023, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khiến dư luận bất ngờ khi tiết lộ 90% ngân sách mà Mỹ hỗ trợ an ninh cho Ukraina được chi cho hoạt động sản xuất tại Mỹ và điều này góp phần giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng. Ông Blinken khẳng định: “điều đó đã tạo ra nhiều việc làm hơn cho người Mỹ, tăng trưởng nhiều hơn cho nền kinh tế của Mỹ. Vì vậy, đây là hoạt động đôi bên cùng có lợi mà chúng ta cần tiếp tục”. Hóa ra, đằng sau tuyên bố “hết lòng ủng hộ Ukraina” là công thức phục vụ mục đích kép của Washington: hỗ trợ các nỗ lực quốc phòng của Ukraina bằng cách gửi cho họ những vũ khí cũ và lạc hậu, đồng thời nâng cấp cho quân đội Mỹ những thiết bị mới hơn, hiện đại hơn. Thiếu tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu John G. Ferrari giải thích: “bằng cách chuyển vũ khí và trang bị cũ sang Ukraina, quân đội sẽ nhận được nhiều vũ khí hiện đại hơn”.
Thực tế thì tiền viện trợ mà các nhà lập pháp Mỹ phê duyệt cho Ukraina không trực tiếp đến nước này. Chúng được sử dụng ở các bang của Mỹ để chế tạo vũ khí mới, hoặc thay thế các loại vũ khí được gửi đến Kiev từ kho dự trữ của Mỹ. Theo thượng nghị sĩ J.D. Vance của bang Ohio, tình trạng suy yếu của cơ sở công nghiệp quốc phòng Mỹ là một vụ bê bối quốc gia. Duy tu, bảo quản nó là một trong những ưu tiên cấp bách nhất của Mỹ và viện trợ cho Ukraina đã góp phần giải quyết vấn nạn này. Chẳng hạn, kể từ năm 2005, Mỹ đã không chế tạo thêm tên lửa phòng không Stinger mới nào. Giờ đây, do nhu cầu viện trợ cho Ukraina, Lầu Năm Góc đã ký hợp đồng trị giá 624,6 triệu USD để chế tạo khoảng 1.400 chiếc Stinger mới nhằm thay thế số đã gửi đến Ukraina. Nếu không có việc viện trợ cho Ukraina, dây chuyền sản xuất Stinger ở Tucson, bang Arizona, sẽ phải “đóng băng” lâu dài.
Không chỉ kiếm lời trực tiếp, Mỹ còn khuyến khích các đồng minh trong khối quân sự NATO tặng hệ thống vũ khí cũ của Mỹ hoặc của Liên Xô cho Ukraina. Đổi lại, Mỹ hứa sẽ bán các hệ thống mới hơn, hiện đại hơn để thay thế. Ba Lan đã gửi 250 xe tăng cũ của Liên Xô và Đức đến Ukraina và ký thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD mua 250 xe tăng M1A2 Abrams và máy bay trực thăng Apache mới của Mỹ. Phần Lan hứa chuyển giao máy bay F/A-18 Hornets sau khi ký hợp đồng mua 64 chiếc F-35 với giá 9,4 tỷ USD của Mỹ...
Điều đó giải thích vì sao doanh thu của các nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Mỹ đang tăng vọt. Theo thông tin được đăng trên kênh Ravenstvo Media Telegram, dự kiến doanh thu của 25 nhà thầu quốc phòng hàng đầu của phương Tây, chủ yếu là của Mỹ, sẽ lên tới 448 tỷ USD trong năm 2023 và 554 tỷ USD vào năm 2026 nhờ sản xuất vũ khí cung cấp cho Ukraina và tái vũ trang ở châu Âu. Không phải ngẫu nhiên mà Giám đốc điều hành Raytheon Technologies, ông Greg Hayes tỏ ra đầy hứng khởi khi chia sẻ với các nhà đầu tư: “tôi có thể nói rằng chúng tôi đang nhìn thấy những cơ hội để bán hàng quốc tế”. Đề cập đến các sự kiện trên thế giới, trong đó có căng thẳng ở Đông Âu, ông Hayes khẳng định: “tất cả những điều đó đang gây áp lực lên một số chi tiêu quốc phòng ở đó. Vì vậy, tôi hoàn toàn mong đợi chúng ta sẽ thấy được một số lợi ích từ nó”.
Bàn tay ngầm sau chính trường
Với lợi nhuận khủng như vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngành công nghiệp vũ khí Mỹ tìm mọi cách duy trì dòng chảy thu nhập. Để hiện thực hóa mục tiêu này, họ tìm cách gây ảnh hưởng lên các quyết định thúc đẩy chi tiêu của Lầu Năm Góc, trước hết là thông qua các nỗ lực vận động hành lang (lobby). Ông William Hartung - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quincy - phân tích: “họ đóng góp cho chiến dịch tranh cử, họ thuê các cựu quan chức chính phủ, họ tài trợ cho các tổ chức tư vấn nắm giữ các quan điểm diều hâu, những người phục vụ trong các ủy ban của chính phủ chuyên xác định các mối đe dọa và sau đó thu lợi từ việc giải quyết các mối đe dọa đó. Họ đưa vũ khí của mình vào các bộ phim Hollywood, vì vậy chúng ảnh hưởng đến văn hóa cũng như chính trị”.
Theo báo cáo của Opensecrets.org - một tổ chức độc lập phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington - trong 2 thập niên qua, các nhà sản xuất vũ khí Mỹ đã chi 2,5 tỷ USD để vận động hành lang, thuê trung bình tới hơn 700 nhân viên lobby trong suốt 5 năm qua, tức là hơn 1 nhân viên lobby ứng với mỗi nghị sĩ Mỹ (Mỹ có 100 thượng nghị sĩ và 435 hạ nghị sĩ). Còn theo báo cáo của Giám đốc Dự án vũ khí và an ninh tại tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Chính sách quốc tế (CIP), trong các chiến dịch tranh cử kể từ năm 2001, các lái súng Mỹ đã chi tới 285 triệu USD với trọng tâm là các ứng viên tổng thống, giới lãnh đạo quốc hội, thành viên các ủy ban về quốc phòng ở cả 2 viện của Quốc hội Mỹ.
Thêm một ví dụ nữa để bạn đọc dễ hình dung. Theo báo cáo của POGO - tổ chức độc lập phi đảng phái có trụ sở ở Washington chuyên điều tra tình trạng lãng phí, tham nhũng và lạm dụng quyền lực - có tới 9/12 thành viên của Ủy ban Chiến lược Quốc phòng Mỹ có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với ngành công nghiệp quốc phòng. Cơ cấu trên đương nhiên sẽ có tác động tới các tính toán và kết luận của Ủy ban. Tương tự, có tới 4/5 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời gian gần đây là xuất thân từ các nhà thầu vũ khí hàng đầu. Dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, các Bộ trưởng Quốc phòng là: James Mattis từng là thành viên lãnh đạo của công ty vũ khí General Dynamics; Patrick Shanahan là cựu Giám đốc Điều hành tại Boeing - hãng nổi tiếng với việc chế tạo máy bay ném bom B-52; Mark Esper từng là Trưởng bộ phận quan hệ với chính phủ của hãng Raytheon Technologies. Thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng từng là thành viên ban lãnh đạo của hãng Raytheon Technologies.
Các tương tác kiểu này đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về việc lợi ích nhóm có ảnh hưởng lớn trong việc quyết định chính sách quốc phòng, cũng như các quyết định về mua sắm quốc phòng của Mỹ. Nguy hiểm hơn, để kiếm thêm lợi nhuận, các lái súng và tổ hợp công nghiệp quốc phòng còn tìm cách tác động đến Lầu Năm Góc để xây dựng các “thuyết đe dọa” khác nhau. Chẳng hạn, trong một báo cáo về Chiến lược Quốc phòng 2022, Bộ Quốc phòng Mỹ nêu các mối quan ngại về sức mạnh quân sự của Trung Quốc và gọi “cạnh tranh đại cường” là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh và ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, các đánh giá về mối “đe dọa” nhằm thúc đẩy chi tiêu quân sự của Mỹ không dựa trên các thách thức hiện nay như chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, mà thiên về phóng đại các rủi ro.
Tháng 1-1961, trong bài phát biểu chia tay nhân kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower tỏ ra lo ngại về ảnh hưởng không chính đáng của tổ hợp công nghiệp - quân sự trong việc thúc đẩy chi tiêu quốc phòng ngày càng cao. Ông cảnh báo: “trong các hội đồng chính phủ, chúng ta phải đề phòng việc tổ hợp công nghiệp - quân sự có được ảnh hưởng không chính đáng, dù có tìm kiếm hay không. Khả năng gia tăng thảm họa của quyền lực bị đặt nhầm chỗ vẫn tồn tại và sẽ tiếp tục tồn tại”.
Trở lại với cuộc xung đột Nga - Ukraina. Một quan chức của Liên minh châu Âu (EU) giấu tên nói với tờ Politico: “thực tế là, nếu bạn nhìn nhận một cách tỉnh táo, quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến này là Mỹ, vì họ bán nhiều khí đốt hơn và với giá cao hơn cũng như vì họ bán nhiều vũ khí hơn”. Còn ông Yuryi Sheliazhenko - Thư ký điều hành của Phong trào hòa bình Ukraina - nhận xét: “họ thu lợi từ chiến tranh và thúc đẩy chiến tranh. Thậm chí họ còn hy vọng thu được nhiều lợi ích hơn từ đổ máu, từ sự hủy diệt, miễn là không để leo thang thành quy mô của chiến tranh hạt nhân”./.