20/05/2024 | 12:04 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Truyền thông chính trị trong bối cảnh mới


Song song với cuộc chiến đang leo thang trên thực địa giữa Nga và Ukraina, những tháng qua, dư luận quốc tế còn được chứng kiến một “cuộc chiến truyền thông” tổng lực từ cả hai phía, không chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ 2 quốc gia. Trong khi đó, tại nước Mỹ, Twitter - nền tảng từng “loại bỏ” cựu Tổng thống Donald Trump sau cuộc tấn công của những người ủng hộ ông vào Điện Capitol - đã được tỷ phú Elon Musk sử dụng để đưa ra những tuyên bố mới về khuynh hướng chính trị; đồng thời chỉ trích việc Đảng Dân chủ đã dùng những “thủ đoạn bẩn thỉu” để “chống lại” ông vì kế hoạch mua lại Twitter...

Đó không chỉ là những ví dụ về sự hiện diện cũng như vai trò ngày càng quan trọng của truyền thông trong đời sống chính trị toàn cầu, mà còn cho thấy những thay đổi của hoạt động này trong môi trường truyền thông hiện đại gắn với sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội - nơi truyền thông chính trị không chỉ là công cụ của các chính trị gia, đảng phái hay hệ thống chính quyền,... và những “mặt trái” của truyền thông chính trị cũng bộc lộ rõ hơn.


I. TRUYỀN THÔNG VÀ CHÍNH TRỊ


Truyền thông

Hiểu một cách đơn giản nhất, truyền thông là những hoạt động truyền đạt hay lan truyền thông tin. Với nghĩa đó, chúng ta có thể thấy truyền thông là hiện tượng xã hội phổ biến, ra đời và luôn tồn tại cùng sự phát triển của xã hội loài người, được thực hành và có tác động đến tất cả mọi người trong xã hội.

Đến nay, tùy theo góc nhìn đối với truyền thông mà người ta đã đưa ra những định nghĩa, quan niệm về truyền thông khác nhau. Dù có những khác biệt, nhưng tất cả đều chứa đựng 2 yếu tố cơ bản của truyền thông, đó là “truyền đạt”, “thông tin”. Trong đó, định nghĩa phổ biến nhất được thừa nhận, đó là: truyền thông là quá trình chuyển tải, chia sẻ, trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, tư tưởng, tình cảm,... liên tục giữa 2 hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân/nhóm/cộng đồng xã hội. Truyền thông được thực hiện thông qua lời nói, ngôn ngữ, tín hiệu, hình ảnh, cử chỉ, hành vi...

Khi đề cập đến truyền thông, người ta thường quan tâm tới những yếu tố cấu thành, bao gồm:

- Nguồn phát: nơi chứa đựng thông tin tiềm năng và khởi xướng quá trình truyền thông. Nguồn phát cũng là chủ thể của quá trình truyền thông. Đây là một người hay một nhóm xã hội có thông điệp muốn chia sẻ đến những người khác, nhóm xã hội khác.

- Thông điệp: là nội dung thông tin được chia sẻ/trao đổi từ nguồn phát đến các đối tượng tiếp nhận.

- Kênh truyền thông: các phương tiện, con đường, cách thức chuyển tải thông điệp từ nguồn phát đến đối tượng tiếp nhận. Căn cứ vào tính chất và đặc điểm, có thể chia kênh truyền thông thành nhiều loại, như truyền thông cá nhân, truyền thông trực tiếp, truyền thông đại chúng, truyền thông đa phương tiện...

- Đối tượng tiếp nhận: là các cá nhân hay tập thể người tiếp nhận thông điệp trong quá trình truyền thông.

- Hiệu quả: hiệu quả của truyền thông được đánh giá thông qua sự biến đổi về tâm lý, nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng tiếp nhân. Trong quá trình truyền thông, nguồn phát và đối tượng truyền thông có thể thay đổi vị trí cho nhau, xen lẫn nhau.

Theo cách hiểu phổ biến, chính trị là toàn bộ những hoạt động có liên quan đến những mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội mà cốt lõi của nó là vấn đề giành chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước, sự tham gia vào công việc của nhà nước, sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước.

Chính trị

Cũng như truyền thông, chính trị là một hiện tượng xã hội phổ biến. Chính trị có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng về cơ bản, đó là quan hệ về lợi ích giữa các giai cấp, các nhóm xã hội, các quốc gia - dân tộc. Quan hệ lợi ích trong đời sống xã hội thực chất là quan hệ phân bổ các giá trị mà xã hội tạo ra. Vì vậy, về thực chất, chính trị là quan hệ giữa các giai cấp, các nhóm xã hội, các quốc gia dân tộc trong việc phân bổ các giá trị xã hội.

Truyền thông chính trị

Trong hoạt động chính trị, các chính phủ, đảng phái chính trị và các chủ thể chính trị khác có sự tương tác về thông tin với nhau và với cử tri vì các mục đích chính trị khác nhau. Quá trình tương tác thông tin đó được gọi là truyền thông chính trị. Trên thế giới, thuật ngữ “truyền thông chính trị” thường được sử dụng để chỉ một loạt hoạt động đa dạng, như tuyên truyền, tiếp thị bầu cử, tiếp thị chính trị, vận động chính trị và quan hệ công chúng chính trị...

Trên thực tế, các tổ chức chính trị (ví dụ như các đảng phái chính trị), các tác nhân chính trị (các chính trị gia, quan chức được bầu cử), giới truyền thông và các công dân đều có nhu cầu về truyền thông chính trị. Trong đó, các chủ thể chính trị như tổ chức chính trị, tác nhân chính trị sử dụng các loại hình truyền thông thông qua những công cụ khác nhau để đưa những mục tiêu cụ thể của họ tới các nhóm dân cư, khu vực, quốc gia,... nhằm hiện thực hóa các mục tiêu này. Vì vậy, trong một thời gian dài, truyền thông chính trị được nhìn nhận đơn giản là quá trình truyền tải thông tin từ các chủ thể chính trị đến công dân, có thể trực tiếp nhưng cũng có thể qua trung gian của các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, trong tiến trình dân chủ hóa, dù phần lớn công dân vẫn tham gia vào quá trình truyền thông chính trị ở vị trí thụ động thông qua việc tiếp nhận thông tin, nhưng ngày càng có nhiều người thể hiện vai trò chủ động trong hoạt động này qua việc thảo luận các vấn đề chính trị với bạn bè hoặc thành viên gia đình, đưa ra ý kiến của mình qua các chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc mạng xã hội... Thậm chí, không ít cử tri trở thành những công dân tích cực có khả năng tổ chức và tham gia vào các hoạt động chính trị. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, công dân cũng trở thành những chủ thể thực hiện truyền thông chính trị.

Như vậy, nói một cách cụ thể, truyền thông chính trị bao gồm các hoạt động liên quan đến việc tạo ra và trao đổi ý kiến, quan điểm giữa công dân, quan chức nhà nước, thể chế chính trị và các thực thể liên quan. Mục tiêu cao nhất mà truyền thông chính trị của một quốc gia hướng tới đó là mang đến sự hài lòng và tin tưởng của người dân vào hệ thống chính trị, thông qua việc người dân suy nghĩ tích cực về hệ thống chính trị của đất nước cũng như bộ máy chính phủ hiện hành; đồng thời đánh giá cao về các chính sách công đã, đang và sẽ áp dụng cũng như về cơ quan xây dựng chính sách.

Truyền thông chính sách là một bộ phận quan trọng của truyền thông chính trị. Đó là hoạt động của chính phủ nhằm lấy ý kiến nhân dân khi xây dựng chính sách mới, điều chỉnh chính sách hiện tại, đưa thông tin về chính sách đến người dân, tạo ra sự đồng thuận xã hội, thuyết phục người dân thay đổi nhận thức và thực hiện hành vi đúng pháp luật.


II. BA GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN TRUYỀN THÔNG CHÍNH TRỊ


Nhiều nghiên cứu cho thấy, truyền thông chính trị đã trải qua 3 giai đoạn khác nhau, gắn liền với sự phát triển của các phương tiện truyền thông.

Từ các “bữa tiệc chính trị” đến “thời đại của các tờ báo”

Giai đoạn này được xác định từ giữa thế kỷ XIX và mang những đặc trưng cơ bản nhất trong khoảng 20 năm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, được nhiều nhà nghiên cứu gọi là “thời kỳ hoàng kim của các bữa tiệc” và tiếp đó là “thời đại của các tờ báo”.

Theo đó, từ nửa cuối thế kỷ XIX, để tranh thủ sự ủng hộ của cử tri, các đảng phái tại nhiều nước phương Tây mà điển hình là Mỹ thường tiến hành các hoạt động truyền thông chính trị thông qua việc tổ chức những cuộc diễu hành lớn, các cuộc mít tinh, các buổi tiệc ngoài trời,... với sự tham gia của cộng đồng. Những cuộc tụ họp chính trị với những hình thức đó đặc biệt được ưa chuộng tại những vùng nông thôn, nơi người dân luôn muốn thoát ly khỏi cuộc sống nông nghiệp buồn tẻ. Những người tham dự vừa nghe các chính trị gia diễn thuyết, vừa có thể thưởng thức các món giải khát, đồ ăn, nói chuyện với bạn bè, xem trẻ em chơi trò chơi...

Khi báo in ra đời và phát triển, thu hút nhiều độc giả, các chính trị gia phương Tây đã tranh thủ cơ hội để phát triển các hệ thống truyền thông báo chí chính trị. Nhiều sáng kiến và tranh luận về cải cách xã hội, hệ thống chính trị đã được đăng tải trên báo, thu hút sự quan tâm của dư luận.

Một số nghiên cứu cho thấy, những đặc điểm cơ bản của truyền thông chính trị trong giai đoạn này thể hiện rõ nhất tại Mỹ. Theo đó, các chính trị gia đã xây dựng các bài phát biểu tập trung vào những vấn đề quan trọng đối với họ và người dân; những thay đổi lớn mà họ muốn thực hiện trong hành động quản lý cũng như các nguyên tắc và chính sách, xác định học thuyết chính trị của họ và phân biệt họ với các đối thủ chính trị của mình. Những thông điệp chính trị này được các tờ báo in đăng tải và tiếp cận với đông đảo công chúng, từ đó tạo được những phản ứng thích hợp đối với cử tri. Nhìn chung, các đảng phái chính trị cũng như các nhà lãnh đạo có khá nhiều thuận lợi trong việc truyền đi những thông điệp chính trị của mình qua các phương tiện truyền thông của thời kỳ này.

Kỷ nguyên của truyền hình

Những năm 60 của thế kỷ XX đã bắt đầu một giai đoạn mới, khi truyền thông chính trị gắn liền với sự phát triển của hệ thống truyền hình. Giai đoạn này được đặt tên là “kỷ nguyên truyền hình” hay “thời kỳ hiện đại của các cuộc vận động bầu cử”. Trong giai đoạn này, truyền hình trở thành phương tiện có tác động truyền thông rộng rãi nhất, tạo điều kiện cho việc phát triển chiến lược truyền thông chính trị trên truyền hình. Truyền hình trở thành một trong những phương tiện chính để truyền tải các thông điệp chính trị; đồng thời mở ra con đường chuyên nghiệp hóa truyền thông chính trị nói chung, truyền thông bầu cử nói riêng. Về mặt tích cực, các chiến dịch bầu cử bắt đầu được tổ chức và điều phối bởi những nhà lãnh đạo đảng và đằng sau tất cả các chiến lược truyền thông phục vụ bầu cử là những chuyên gia nghiên cứu dư luận và các chuyên gia tư vấn. Tuy nhiên, việc chú trọng truyền thông qua truyền hình cũng khiến các nhà vận động tranh cử giảm hình thức truyền thông trực tiếp, xa rời cử tri, trở nên thụ động hơn trong quá trình bầu cử... Điều đó cũng khiến lòng trung thành của cử tri đối với các đảng phái giảm đi đáng kể.

Với sự phát triển của truyền hình, thông tin về các sự kiện, diễn biến chính trị cũng được cung cấp đa dạng hơn, nguồn thông tin đa chiều hơn và có xu hướng công bằng hơn cho các đảng phái. Điều đó cũng thúc đẩy sự công bằng, khách quan và trung lập. Các kênh truyền thông tôn trọng những nguyên tắc này đã trở thành nền tảng trung tâm của truyền thông chính trị.

Truyền thông chính trị trong kỷ nguyên kỹ thuật số

Giai đoạn thứ ba của sự phát triển của các hệ thống truyền thông chính trị bắt đầu hình thành vào cuối thế kỷ XX, được gọi là “thời kỳ hậu hiện đại” hay “kỷ nguyên kỹ thuật số”. Trong giai đoạn này, sự xuất hiện và phát triển của Internet đã trở thành một nhân tố mới quan trọng, tạo điều kiện biến truyền thông đại chúng nói chung, truyền thông chính trị nói riêng, trở thành hình thức “siêu truyền thông”.

Những thay đổi lớn trong giai đoạn này không chỉ đến từ công nghệ, mà còn có nhiều thay đổi cả về hành vi của cử tri lẫn chiến lược truyền thông. Các hệ thống và cơ chế truyền thông chính trị của thời kỳ này trở nên phức tạp hơn nhiều so với các giai đoạn trước, với các đặc trưng như sự phong phú của phương tiện truyền thông (đa kênh); tính chuyên nghiệp được nâng cao, áp lực cạnh tranh gia tăng và những thay đổi trong cách mọi người tiếp nhận thông tin chính trị trong bối cảnh các kênh truyền tải thông điệp chính trị không chỉ nhân lên mà còn trở nên đa dạng, phân mảnh và phức tạp hơn nhiều so với những giai đoạn trước đó.

Trong giai đoạn này, truyền thông chính trị cũng “vay mượn” nhiều khía cạnh của truyền thông thương mại, chẳng hạn như tiếp thị chính trị, quản lý chiến lược, và cử tri - khán giả đôi khi được ví như những người “tiêu dùng chính trị”. Sự phân bổ lại quyền lực cùng với sự phát triển của các phương tiện thông tin trong kỷ nguyên số cũng ảnh hưởng đến những định hướng và chuẩn mực điều chỉnh hành vi của các tác nhân chính trị và các nhà báo khi tham gia vào hoạt động truyền thông chính trị. Với sự phát triển của truyền thông trên môi trường Internet, các phương pháp truyền thông chính trị tinh vi hơn đã được sử dụng để tiếp cận đối tượng mục tiêu, cụ thể là thông qua thư điện tử (email), bản tin hay gần đây là trên các mạng xã hội...


III. TRUYỀN THÔNG CHÍNH TRỊ: ĐÃ SẴN SÀNG BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN MỚI?


Trước khi Internet ra đời, truyền thông chính thống có sức ảnh hưởng to lớn tới công chúng thông qua việc định hướng và tái định hướng dư luận về nhiều vấn đề, trong đó có các vấn đề chính trị. Tuy nhiên, sự phát triển của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội, không chỉ ảnh hưởng đến vai trò của các phương tiện truyền thông chính thống mà còn là tiền đề tạo ra những thay đổi trong truyền thông chính trị.

Mạng xã hội - “thế lực truyền thông” mới

Xuất hiện lần đầu tiên năm 1995 với sự ra đời của trang Classmate có mục đích tạo môi trường kết nối giữa những người bạn học, nhưng phải đến hơn 10 năm sau, vào năm 2006, sự ra đời và thành công của Facebook mới mở ra một thời kỳ phát triển nhanh chóng của các mạng xã hội. Với hàng trăm dịch vụ mạng xã hội khác nhau và hàng tỷ người dùng trên khắp thế giới, mạng xã hội đã thực sự được xem là một “thế lực truyền thông mới”.

Theo thống kê, hiện Facebook là mạng xã hội lớn nhất thế giới với 2,7 tỷ người dùng tích cực. Trong khi đó, YouTube được xem là trang web chia sẻ video lớn nhất thế giới và là mạng xã hội lớn thứ hai thế giới về số người dùng tích cực (hơn 2 tỷ người). Trung bình mỗi ngày, người dùng trên toàn cầu đã xem hàng tỷ giờ video trên YouTube. Tương tự, Instagram - ứng dụng chia sẻ ảnh và video đến nay cũng có trên 1 tỷ thành viên tích cực, còn số thành viên TikTok cũng lên tới trên dưới 1 tỷ. Trung bình mỗi ngày, Twitter cũng là nơi chia sẻ của hơn 500 triệu đoạn nội dung...

Về bản chất, mạng xã hội là nền tảng trực tuyến, có thể vận hành trên tất cả các thiết bị công nghệ thông tin như máy tính để bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng hay điện thoại thông minh có kết nối Internet. Mạng xã hội cho phép người dùng tự sáng tạo, chia sẻ câu chuyện, bài viết, ý tưởng cá nhân, đăng ảnh, video, đồng thời thông báo về hoạt động, sự kiện trên mạng hoặc trong thế giới thực... Thông qua việc tạo điều kiện cho người dùng kết nối tài khoản của mình với tài khoản của các cá nhân, tổ chức khác, người dùng mạng xã hội có thể giao tiếp, chia sẻ với những người sống ở khắp nơi trên toàn thế giới vào bất kỳ thời điểm nào.

Điều khiến các mạng xã hội trở nên hấp dẫn và phổ biến trong xã hội xuất phát từ việc các mạng xã hội đã tạo ra một môi trường, cách thức mới giúp tất cả mọi người trên thế giới có cơ hội được tiếp nhận nguồn thông tin khổng lồ mà không một thư viện hay phương tiện thông tin đại chúng truyền thống nào có được; đồng thời dễ dàng thể hiện ý kiến, tự xây dựng, sáng tạo nội dung và tự “xuất bản” những thông tin/nội dung đó cho các thành viên khác trong cộng đồng...

“Quảng trường công cộng” cho truyền thông chính trị

Nếu như ở hình thức sơ khai nhất, truyền thông chính trị thường được thực hiện ngay tại các quảng trường, những địa điểm công cộng..., thì trong kỷ nguyên công nghệ, mạng xã hội cũng chính là những “quảng trường công cộng” - nơi tất cả mọi người đều có thể đến, trải nghiệm và thậm chí là trực tiếp tham gia vào các hoạt động này. Tuy nhiên, con người ở bất cứ đâu cũng có thể hiện diện trên “quảng trường ảo” không phải là một không gian địa lý cụ thể này.

Khác với truyền thông chính trị truyền thống - nơi dòng chảy thông tin thường theo một chiều và từ một nguồn cho nhiều người tiếp nhận - trong môi trường mạng xã hội, dòng chảy thông tin chính trị là đa chiều, có thể xuất phát từ rất nhiều nguồn và được chuyển tải đến cho nhiều người nhận. Với mạng xã hội, công chúng không còn ở vị trí thụ động tiếp nhận các thông điệp truyền thông từ các đảng phái, chính trị gia hay hệ thống chính quyền, mà chính họ còn có thể đảm nhiệm những vai trò mới, chẳng hạn như trở thành người tự đưa tin hay trở thành những biên tập viên bằng cách chia sẻ với bạn bè cũng như các “công dân mạng” khác về những xu hướng, tin tức chính trị trên mạng xã hội.

Điều đáng chú ý, khác với các phương tiện truyền thông tập trung, chẳng hạn như báo chí, mạng xã hội được xem là một sân chơi công bằng, nơi người dùng có thể thoải mái chia sẻ suy nghĩ, tâm tư, ý kiến hoặc thậm chí là các tác phẩm sáng tạo mà không bị can thiệp bởi những “người gác cổng” có quyền quyết định xem thông tin nào “xứng đáng” được đăng tải và thông tin nào không. Chính sự tự do phát tán thông tin này cho phép mọi công dân - người dùng Internet, nhất là ở các quốc gia đang phát triển, tham gia một cách tích cực hơn vào những vấn đề chính trị, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động truyền thông chính trị trong kỷ nguyên số.

Tin giả - vấn đề đáng lo ngại

Ở khía cạnh khác, sự phát triển của mạng xã hội với nguồn thông tin khổng lồ cũng đặt ra không ít lo ngại về tình trạng thông tin giả mạo. Không giống các kênh truyền thông chính trị truyền thống thường có nguồn cấp tin rõ ràng và những biên tập viên chịu trách nhiệm sàng lọc thông tin sai lệch, trên môi trường mạng xã hội, ai cũng có thể lan truyền thông tin giả mạo.

Trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, khái niệm tin tức giả được gắn với những câu chuyện hư cấu được tạo ra và xuất hiện như những bài báo thật. Những câu chuyện này đã được phổ biến trên không ít nền tảng tin tức hợp pháp, sau đó được chia sẻ trên mạng xã hội. Một tài liệu tổng hợp năm 2017 đã xác định 122 trang web thường xuyên xuất bản tin tức giả mạo. Nhiều tác giả được trả tiền để viết hoặc ghi lại thông tin sai lệch. Họ sử dụng các tương tác và thuật toán trên mạng xã hội để phổ biến, lan truyền nội dung đến những khu vực cụ thể.

Các câu chuyện, tin tức giả mạo tác động tới niềm tin của mọi người về các nhà lãnh đạo chính trị, đảng phái, tổ chức và những phương tiện truyền thông tin tức chính thống. Công chúng rơi vào trạng thái hoang mang vì không biết tin vào ai hoặc tin vào điều gì. Theo cách đó, các thế lực có thể dễ dàng thao túng các tiến trình chính trị của các quốc gia.


IV. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM


Sự phát triển của Internet và mạng xã hội đã tạo không gian mới cho các hoạt động truyền thông chính trị. Cả công chúng và chính trị gia đều sử dụng mạng xã hội cho các mục đích chính trị khác nhau.

Vai trò của mạng xã hội đối với truyền thông chính trị

Ngày nay, không có gì ngạc nhiên khi các kênh truyền thông xã hội tràn ngập những cuộc thảo luận chính trị bên cạnh các cuộc trò chuyện hàng ngày. Các chính trị gia và tổ chức chính trị cũng có xu hướng gia tăng sử dụng mạng xã hội để giao tiếp, thực hiện những chiến dịch vận động chính trị nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri tiềm năng, gây quỹ cho các đảng phái và những mục đích chính trị khác. Điều đó xuất phát từ những vai trò quan trọng của mạng xã hội đối với truyền thông chính trị dưới đây:

Gia tăng hiệu lực, hiệu quả của chiến dịch chính trị

Chiến dịch chính trị sử dụng mạng xã hội có thể đạt hiệu quả cao hơn trong việc vận động các cử tri tiềm năng. Một ví dụ về việc sử dụng mạng xã hội thành công là trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008. Trong chiến dịch tranh cử, ông Barack Obama sử dụng một cách có hệ thống các nền tảng mạng xã hội làm phương tiện chính để điều hành chiến dịch tranh cử của mình. Vào thời điểm đó, có 15 nền tảng mạng xã hội được ông B. Obama sử dụng cùng với trang web của riêng mình. Khi sử dụng hiệu quả mạng xã hội cho chiến dịch chính trị của mình, ông B. Obama đã đạt được thành công.

Tương tự, trong cuộc bầu cử ở Ấn Độ năm 2014, ông Narendra Modi cũng giành được chiến thắng nhờ biết phát huy khả năng của mạng xã hội - công cụ sử dụng dễ dàng nhất và có lẽ là ít tốn kém nhất để tiếp xúc và truyền thông đại chúng.

Đưa các chính trị gia đến gần hơn với các đơn vị bầu cử

Khác với các phương tiện truyền thông truyền thống, mạng xã hội cho phép những chính trị gia và cử tri của họ giao tiếp trực tiếp. Giao tiếp này có thể diễn ra ở mọi nơi, vào các thời điểm khác nhau và những chương trình nghị sự khác nhau.

Trung gian giao tiếp chính trị hiệu quả

Mạng xã hội cũng được xem là trung gian giao tiếp chính trị với nhiều đối tượng hơn. Việc sử dụng mạng xã hội trong bối cảnh chính trị quốc tế cũng đã giúp các chính trị gia giao tiếp với nhiều đối tượng hơn từ các quốc tịch và ngôn ngữ khác nhau. Chẳng hạn như trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2014, các ứng cử viên tranh cử và các đảng của họ sử dụng mạng xã hội để giao tiếp với khán giả ở 28 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Theo nhiều nghiên cứu, các phương tiện truyền thông kỹ thuật số nói chung, mạng xã hội nói riêng tạo cơ hội cho truyền thông chính trị thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với bộ phận dân số vốn trước đây gặp khó khăn. Đây cũng là công cụ có thể thực hiện truyền thông khủng hoảng hiệu quả; đưa ra các báo cáo nhanh để bổ sung cho các cuộc họp báo; đồng thời xây dựng và củng cố niềm tin hiệu quả hơn...

Nhiều thuận lợi cho công chúng

Khác với các phương tiện truyền thông truyền thống, phương tiện truyền thông xã hội cung cấp quyền truy cập mở và miễn phí cho người dùng. Điều đó giúp công chúng dễ dàng tham gia trực tiếp trong các hoạt động chính trị, tăng khả năng giao tiếp và chuyển thông điệp của họ đến những chính trị gia và đảng phái chính trị, chính quyền.

Không giống như truyền thông chính trị sử dụng phương tiện truyền thông truyền thống tạo ra giao tiếp một chiều, truyền thông mạng xã hội cho phép giao tiếp hai chiều và nhiều chiều. Giao tiếp có đi có lại này sẽ khuyến khích công chúng tham gia tích cực hơn và có thể tạo ra những “tiếng nói mới trong các cuộc tranh luận chính trị”.

Vì cả công chúng và các chủ thể chính trị ngày nay có thể sử dụng rộng rãi mạng xã hội như một phương tiện để truyền thông chính trị; kênh truyền thông giữa hai bên không còn phụ thuộc vào phương tiện trung gian truyền thống nên không còn cần phải cạnh tranh để có một không gian trên các phương tiện truyền thông truyền thống để thảo luận về chính trị.

Bên cạnh đó, việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để truyền thông chính trị cho phép công chúng có thêm thông tin về chính trị và tăng cơ hội tìm hiểu về chính trị. Do đó, các chính trị gia, đảng phái chính trị và chính quyền cùng các phương tiện truyền thông truyền thống có thể sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để đẩy mạnh truyền thông chính trị cho công chúng và các đối tượng chính trị khác.

Một số vấn đề cần quan tâm

Mặc dù việc sử dụng mạng xã hội để truyền thông chính trị mang lại lợi ích cho cả các chủ thể chính trị lẫn công chúng, nhưng môi trường này cũng có một số nhược điểm cần quan tâm.

Đối với các chủ thể chính trị

Một bất lợi có thể có của việc sử dụng mạng xã hội đối với chính trị gia là hoạt động truyền thông xã hội cần có đủ kỹ năng và nguồn lực. Vì không phải tất cả các chính trị gia đều thông thạo công nghệ và có đủ kỹ năng giao tiếp, do đó có thể rất khó để họ bắt kịp với các ứng dụng truyền thông xã hội.

Ngoài ra, việc vận hành mạng xã hội cũng tốn nhiều thời gian. Bản chất của nền tảng truyền thông xã hội cho phép giao tiếp hai chiều sẽ buộc các chính trị gia, đảng phái phải phân bổ nhiều thời gian để trả lời những bình luận và bài đăng của nhiều khán giả. Để giải quyết vấn đề này, các chủ thể chính trị có xu hướng chỉ định một người hay tổ chức để cung cấp phản hồi. Điều này tạo ra gánh nặng khác cho nguồn nhân lực và quản lý.

Một bất lợi khác là việc sử dụng mạng xã hội như một phương tiện truyền thông chính trị trong khu vực công trực tuyến sẽ khiến các thông tin khó được kiểm soát hơn. Các chính trị gia, tổ chức chính trị ngày càng khó duy trì hình ảnh tích cực của họ vì người dùng mạng xã hội có thể tạo ra và phổ biến nhiều thông tin sai lệch lên các kênh truyền thông xã hội.

Đối với công chúng

Việc sử dụng mạng xã hội trong truyền thông chính trị có thể hạn chế sự tham gia của công chúng vào các hoạt động chính trị. Một yếu tố góp phần vào hạn chế này là sự kiểm duyệt của chính phủ đối với các phương tiện truyền thông xã hội. Ở những quốc gia nơi việc kiểm duyệt được áp dụng chặt chẽ đối với tất cả các nền tảng truyền thông, việc thực hiện truyền thông chính trị thông qua mạng xã hội sẽ rất khó khăn. Sẽ rất khó để thành viên của công chúng tham gia đầy đủ vào giao tiếp chính trị với các chính trị gia, đặc biệt là những người được coi là đối lập với chính phủ.

Một yếu tố khác góp phần vào việc hạn chế sự tham gia của công chúng vào truyền thông chính trị do sử dụng mạng xã hội là khoảng cách kỹ thuật số hiện có. Thực tế là sự phân chia kỹ thuật số vẫn tồn tại trong các cộng đồng ở mọi quốc gia cũng góp phần vào việc hạn chế sự tham gia của công chúng vào các hoạt động chính trị. Khoảng cách kỹ thuật số hiện tại cũng khiến việc sử dụng mạng xã hội để truyền thông chính trị không hiệu quả, vì không phải tất cả các thành viên trong xã hội đều có thể truy cập vào nền tảng truyền thông. Các thành viên trong xã hội không có khả năng truy cập Internet có thể bị gạt ra ngoài lề, không có nhiều cơ hội để tiếp xúc, giao tiếp với các chính trị gia để truyền đạt ý kiến, nguyện vọng của mình. Ngoài ra, việc sử dụng mạng xã hội đòi hỏi nhiều nguồn lực, kỹ năng và không hề dễ dàng đối với một bộ phận công chúng, nhất là những người không biết chữ...

Do vậy, vấn đề đặt ra là cần phải xem xét cách giải quyết những bất lợi để nâng cao lợi ích của việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cho công chúng, cũng như các chủ thể chính trị. Sự kết hợp của cả 2 phương tiện truyền thông (truyền thông truyền thống và truyền thông xã hội) sẽ làm tăng hiệu quả của truyền thông chính trị.


V. NHỮNG THAY ĐỔI TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA, KHU VỰC


Tại Mỹ

Mỹ là một trong số các quốc gia luôn đi đầu trong việc chuyển đổi công nghệ nói chung, công nghệ truyền thông chính trị nói riêng. Nhiều nghiên cứu đã ghi nhận, trong 3 thập niên qua, hệ thống truyền thông chính trị ở Mỹ đã trải qua những biến đổi lớn. Đặc biệt, sự phát triển của các phương tiện truyền thông xã hội, như Facebook, Twitter, YouTube..., từ các nền tảng hỗ trợ mạng lưới bạn bè trở thành các công cụ truyền thông chính trị mạnh mẽ là bước phát triển đặc biệt quan trọng.

Thực tế cho thấy, vai trò chính trị của mạng xã hội trong nền chính trị Mỹ đã được thiết lập từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2008. Chiến lược truyền thông xã hội của ứng cử viên Đảng Dân chủ Barack Obama khi đó đã khai thác tối đa tiềm năng kết nối, cộng tác và xây dựng cộng đồng của mạng xã hội. Phương tiện truyền thông xã hội đã được sử dụng để đưa ra lời kêu gọi cá nhân hóa đối với các cử tri; các cử tri đã tạo ra và khuếch đại thông điệp về những ứng cử viên mà không cần thông qua các tổ chức vận động chính thức hoặc đảng phái chính trị.

Thông qua việc sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội, các chính trị gia Mỹ cũng có thể huy động nhiều tiền hơn cho chiến dịch của họ trong thời gian ngắn hơn đáng kể so với khả năng có thể đạt được với các nền tảng truyền thống. Vào năm 2012, Tổng thống B. Obama đã huy động được hơn 1 tỷ USD cho chiến dịch tranh cử của mình, trong đó khoảng 690 triệu USD được quyên góp thông qua các khoản đóng góp trên mạng xã hội, email và trang web.

Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, ứng viên Donald Trump không chỉ sử dụng Twitter một cách hiệu quả để công khai đường lối của mình, mà còn để tấn công đối thủ. Những người ủng hộ ông cũng đã trở thành những người theo dõi nhiệt tình các thông điệp Twitter của ông trong suốt chiến dịch. Sau khi giành chiến thắng, Twitter cũng trở thành công cụ kết nối của Tổng thống Mỹ D. Trump với thế giới bên ngoài Nhà Trắng. Nhiều người gọi đây là thời kỳ “cai trị bằng tweet”, vì tổng thống luôn đưa ra những tuyên bố chính trị và thông báo chính sách lớn thông qua Twitter, thay vì tại các cuộc họp báo thường kỳ của tổng thống và các kênh radio như những người tiền nhiệm.

Đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, việc sử dụng mạng xã hội tiếp tục được các ứng cử viên tận dụng tối đa. Theo đó,2 ứng cử viên chính trong cuộc bầu cử này là Donald Trump và Joe Biden đã chi gần 100 triệu USD chỉ riêng cho việc quảng cáo trên Facebook...

Có thể nói, các nhà lãnh đạo, đảng phái chính trị Mỹ đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội một cách hiệu quả để đạt được mục đích, không chỉ trong đối nội mà cả hoạt động đối ngoại. Chẳng hạn, vào năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã trao đổi với nhau trên Twitter, khiến căng thẳng giữa 2 quốc gia về vấn đề vũ khí hạt nhân leo thang. Ông D. Trump cũng tham gia vào cuộc chiến gay gắt trên Twitter với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau về thuế quan và thương mại...

Tại Đức

Theo một nghiên cứu vào năm 2020, ngày càng nhiều người Đức hoạt động trên các nền tảng kỹ thuật số. Trong đó, mỗi ngày có 68% dân số Đức trên 14 tuổi trò chuyện trên WhatsApp; 15% đắm mình trên Instagram; 14% có các hoạt động trên Facebook và khoảng 2% sử dụng Twitter... Đây được xem là cơ hội để các chủ thể chính trị Đức tăng cường truyền thông chính trị trên các kênh truyền thông xã hội, tiếp cận với các nhóm công chúng mục tiêu. Chẳng hạn, khi đối mặt với cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19, ngoài các chiến lược truyền thông truyền thống, Bộ Y tế Liên bang Đức đã đẩy mạnh các hình thức truyền thông qua mạng xã hội để tiếp cận nhiều người hơn với mục đích cung cấp thông tin và giáo dục về các vấn đề như sử dụng các các loại khẩu trang.

Để thúc đẩy nhận thức về các vấn đề liên quan đến đại dịch; đồng thời vô hiệu hóa các tin tức giả lan truyền, nhiều loại nội dung như đồ họa thông tin, biểu đồ hoạt hình, các cuộc họp báo trực tuyến trên YouTube và Facebook, cũng như các video có phụ đề và ngôn ngữ ký hiệu đã được sử dụng. Với chiến dịch rộng rãi nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19, Bộ Y tế Đức chứng minh rằng họ đang đi cùng thời đại. Điều đó cũng thể hiện qua cách thức giao tiếp chính trị của nhiều chính trị gia Đức hiện nay.

Tại Hàn Quốc

Kể từ giữa những năm thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI, môi trường truyền thông chính trị của Hàn Quốc đã thay đổi đáng kể do sự phát triển của công nghệ. Các cơ quan Chính phủ Hàn Quốc sử dụng truyền thông xã hội như một công cụ thúc đẩy chính sách. Thông qua các kênh trực tuyến, Chính phủ Hàn Quốc đẩy mạnh việc giao tiếp với công chúng, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hành chính nhà nước. Hiện tại, gần 20 bộ tại Hàn Quốc đã có người phát ngôn và bộ phận truyền thông độc lập điều hành các kênh truyền thông xã hội như Facebook và Twitter. Các kênh truyền thông dựa trên Internet ngày càng trở thành một loại không gian ảo để người dân tham gia vào các đường lối chính trị. Công tác truyền thông chính sách được các cơ quan khác nhau thực hiện theo hướng minh bạch hóa hoạt động của chính phủ và tăng cường sự tham gia của người dân.

Bên cạnh đó, các công cụ truyền thông trực tuyến cũng đóng vai trò quan trọng trong việc vận động tranh cử. Các ứng cử viên chủ yếu sử dụng các công cụ truyền thông trực tuyến để vận động cử tri.

Tại châu Phi

Tại nhiều quốc gia châu Phi, các nhà lãnh đạo chính trị thường coi mạng xã hội là một mối đe dọa vì nó có thể cung cấp cho công chúng khả năng tiếp cận thông tin nhiều hơn và dễ dàng tập hợp để thách thức các nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, nhiều nhà lãnh đạo châu Phi đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để củng cố những cấu trúc quyền lực hiện tại và bảo đảm khả năng thống trị.

Trên thực tế, khi điện thoại di động trở nên phổ biến, ngay cả ở các quốc gia nghèo nhất của châu Phi, mạng xã hội đã trở nên khá hấp dẫn. Các ứng dụng, như Facebook, Twitter, YouTube, WhatsApp,... đóng vai trò to lớn trong việc tạo ra, phổ biến các thông điệp truyền thông chính trị, chi phối các quá trình bầu cử. Các đảng chính trị tại lục địa đen được cho là đã chi những khoản tiền khổng lồ để thuê các công ty tư vấn thực hiện những chiến dịch truyền thông chính trị, thậm chí là thao túng nội dung chính trị trên mạng xã hội để giành lợi thế. Một ví dụ thường được nhắc tới là việc trước cuộc bầu cử năm 2013, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã thuê Cambridge Analytica - một công ty tư nhân chuyên về dữ liệu bầu cử để xây dựng chiến lược truyền thông bầu cử, và sau đó ông Uhuru Kenyatta đã giành chiến thắng trước phe đối lập./.

Thành Nam - Khôi Nguyên - Tiến Thắng - Công Minh (thực hiện)

(HSSK 472: 10/6/2022)

Chuyên mục: Hồ sơ