21/11/2024 | 19:52 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đấu tranh dư luận - sứ mệnh và vai trò đặc biệt

Trần Văn Thư
Đấu tranh dư luận - sứ mệnh và vai trò đặc biệt Tuyên truyền, giáo dục nâng cao khả năng “tự đề kháng, tự miễn dịch” cho thanh niên quân đội trước thông tin xấu độc là việc làm rất cần thiết_Ảnh: bienphong.com.vn
Trong hệ sinh thái truyền thông đa dạng, kết nối và chi phối lẫn nhau, truyền thông chính trị chiếm vai trò đặc biệt bởi tính chính thống của nó. Điều này xuất phát từ đặc điểm, truyền thông chính trị phản ánh định hướng chính sách chính thức của quốc gia, cho thấy bức tranh đầy đủ về đời sống chính trị và xã hội trong quốc gia. Bên cạnh việc cung cấp thông tin, sứ mệnh của truyền thông chính trị còn là đấu tranh dư luận.

Nhiệm vụ cốt lõi

Truyền thông đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh và ổn định của quốc gia. Chính quyền cần và sử dụng truyền thông để lãnh đạo, quản trị đất nước. Người dân cần và sử dụng truyền thông phục vụ cho những mưu cầu cuộc sống cá nhân. Các doanh nghiệp, tổ chức cần và sử dụng truyền thông để hoạt động nhằm vươn tới những mục tiêu đặt ra. Truyền thông vừa là môi trường, vừa là công cụ để các bên tương tác với nhau.

Đối với truyền thông chính trị, bên cạnh cung cấp thông tin, một chức năng và nhiệm vụ cốt lõi đặc biệt quan trọng là định hướng nhận thức và phản ứng của dư luận về chính sách của nhà nước, về những sự kiện hay biến động lớn ở trong nước hoặc ở bên ngoài nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến đất nước. Sứ mệnh của truyền thông chính trị còn là đấu tranh dư luận.

Đấu tranh dư luận, liên quan đến đối nội cũng như đối ngoại, song hành với truyền thông chính sách trong truyền thông chính trị. Truyền thông chính sách đặt trọng tâm vào phổ biến, phổ cập, tuyên truyền và giải thích chính sách. Còn đấu tranh dư luận là làm sáng tỏ sự thật, vạch trần sai trái, bóc mẽ những ý đồ đen tối, giúp công chúng nhận diện rõ và tách bạch cái đúng với cái sai, cái thật với cái giả, cái lành mạnh với cái không trong sáng, để rồi từ nhận thức đúng đắn và đầy đủ mà thể hiện thái độ, hành động đúng đắn, kịp thời. Trong thế giới hiện đại ngày nay, truyền thông đa phương tiện phát triển rất mạnh mẽ, thế giới lại toàn cầu hóa sâu rộng, các quốc gia hội nhập quốc tế toàn diện, truyền thông chính trị càng phải đặc biệt coi trọng chuyện đấu tranh dư luận.

Truyền thông chính trị được thực hiện qua 3 kênh, chủ yếu là các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống, các hình thức truyền thông không chính thức và truyền thông thông qua các tổ chức chính trị - xã hội. Tùy theo sử dụng kênh truyền thông chính trị nào, việc đấu tranh dư luận phải được tổ chức và vận hành tương ứng.

Trong đấu tranh dư luận, truyền thông chính trị tập trung vào việc chỉ ra sự thật và vạch trần bịa đặt. Truyền thông chính trị sử dụng những chứng cứ xác thực, dữ liệu đã được kiểm chứng, thông tin nguồn và lập luận sắc bén, logic, có sức thuyết phục để đưa ra ánh sáng những ý đồ đen tối của đối tượng nào đó (có thể là một chính phủ quốc gia, tổ chức hoặc cá nhân) bịa đặt thông tin, bóp méo sự thật, làm sai lệch chứng cớ, lũng đoạn dữ liệu để thao túng dư luận, tác động trực tiếp tới nhận thức, phản ứng và hành động của công chúng. Để làm việc này, truyền thông chính trị sử dụng trước hết các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, đồng thời cũng sử dụng cả những kênh và hình thức truyền thông khác để tiếp cận, truyền tải thông điệp một cách nhanh nhất tới diện công chúng rộng lớn nhất. Truyền thông chính trị cung cấp thông tin và lập luận dưới nhiều hình thức, mức độ khác nhau để công chúng dễ nắm bắt thực chất vấn đề, dễ tự kiểm chứng, thuyết phục công chúng bởi tính khách quan, xác thực của thông tin và lập luận.

Thách thức đặt ra

Trong đấu tranh dư luận, thước đo hiệu quả thiết thực của truyền thông chính trị là định hướng nhận thức của công chúng và dư luận. Truyền thông chính trị thành công khi qua đó công chúng và dư luận có được nhận thức đúng đắn, lành mạnh về chủ đề nội dung của truyền thông chính trị. Nhận thức đúng đắn là tiền đề cần thiết đầu tiên cho sự hình thành thái độ, phản ứng đúng đắn, thích hợp về chủ đề nội dung của truyền thông chính trị. Yêu cầu đỏi hỏi đặt ra ở đây cho truyền thông chính trị là phải nhanh chóng, kịp thời, đủ mức mẫn cảm về chính trị và tâm lý, chủ động chứ không bị động, giải quyết vấn đề chứ không đối phó hệ lụy của vấn đề. Đấu tranh dư luận không phải là tranh luận, đôi co trên dư luận công khai, mà là lấy cái đúng để áp chế cái sai, dùng sự thật để bác bỏ cái bịa đặt, thuyết phục chứ không áp đặt, thuận lý chứ không khiên cưỡng. Vì thế, truyền thông chính trị phải vận dụng hình thức thích hợp, xác định mức độ hợp lý, coi trọng tính kịp thời và nhằm đúng đối tượng, để đối tượng hay vụ việc nào cũng đều có thể thu về được hiệu quả thiết thực cao nhất. Những yêu cầu này cũng là thách thức lớn nhất đối với truyền thông chính trị trong đấu tranh dư luận.

Truyền thông chính trị trong đấu tranh dư luận chỉ có thể hiệu quả khi chinh phục được lòng tin của công chúng và dư luận. Bản chất của đấu tranh dư luận trong truyền thông chính trị cũng còn là thuyết phục công chúng và dư luận tin vào thông tin, dữ liệu, phân tích, lập luận được đưa ra. Ở đây có sự kết hợp giữa 2 kịch bản. Một là, công chúng và dư luận vì tin tưởng vào truyền thông chính trị của bên nào đó nên tin tưởng vào những gì được truyền thông chính trị của bên ấy đưa ra. Hai là, công chúng và dư luận bị thuyết phục bởi nội dung, cách thức truyền thông chính trị của bên nào đó mà tin tưởng vào truyền thông chính trị của bên ấy.

Nhân tố con người là quyết định nhất trong truyền thông chính trị phục vụ đấu tranh dư luận. Nhân lực làm công tác này phải đáp ứng được những yêu cầu đòi hỏi đặt ra ngày càng cao về chuyên môn và nghiệp vụ đặc thù trong truyền thông chính trị phục vụ đấu tranh dư luận, nhưng trước hết phải có nhận thức chính trị đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng; phải nhạy bén, mẫn cảm về chính trị đối nội và đối ngoại; phải năng động, chủ động trong hoạt động truyền thông chính trị.

Đấu tranh dư luận là một nhiệm vụ, đồng thời cũng còn là một lĩnh vực đặc thù của truyền thông chính trị. Ở trong nước, truyền thông chính trị trên phương diện này là đối nội, còn hướng ra bên ngoài thì nó là hoạt động đối ngoại, bao hàm cả bản chất của ngoại giao trong nghĩa đen của ngôn từ ở mức độ nhất định. Ở đây, truyền thông chính trị là sự cọ sát và đấu tranh về ý thức hệ chính trị và về tư tưởng. Trên phương diện này, truyền thông chính trị phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại. Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại càng cần thiết, quan trọng, yêu cầu đòi hỏi đặt ra cho truyền thông chính trị lại càng cao.

Trong thế giới hiện đại, truyền thông chính trị phục vụ cho đấu tranh dư luận có được điều kiện, tiền đề thuận lợi nhờ thành tựu phát triển mới của khoa học, kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt của công nghệ số. Hệ sinh thái truyền thông hiện đại giúp truyền thông chính trị đáp ứng được rất nhiều yêu cầu đòi hỏi đặt ra. Nhưng, cũng chính hệ sinh thái truyền thông hiện đại ấy lại đồng thời gây nhiều khó khăn lớn cho truyền thông chính trị, khi nó bị lợi dụng và lạm dụng. Trong đấu tranh dư luận, truyền thông chính trị phải đối mặt với những thủ đoạn rất tinh vi và hiểm độc. Hình thức và công cụ truyền thông chính trị trong đấu tranh dư luận luôn cần phải được vận dụng linh hoạt và hiệu quả./.

(HSSK 472: 10/6/2022)