06/10/2024 | 03:06 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đông Nam Á: Quan ngại về việc dư luận bị thao túng trên mạng xã hội

Phan Lương
Đông Nam Á: Quan ngại về việc dư luận bị thao túng trên mạng xã hội Mạng xã hội TikTok được nhìn nhận đã đóng vai trò rất lớn trong chiến thắng áp đảo của tổng thống đắc cử Philippines Ferdinand Marcos Jr._Ảnh Reuters
Ngày càng nhiều học giả và các nhà quan sát chính trị bày tỏ quan ngại về ý kiến dư luận bị thao túng trên mạng xã hội ở Đông Nam Á, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực đã và đang bước vào những cuộc bầu cử quan trọng.

Công cụ mới

Sự phát triển của công nghệ viễn thông đang thâm nhập sâu rộng vào đời sống con người. Một hình thức phát triển công nghệ viễn thông là truyền thông mới đã cho ra đời truyền thông xã hội. Và dĩ nhiên, thế giới chính trị không thể tách biệt khỏi ảnh hưởng của sự phát triển truyền thông mới và truyền thông xã hội. Những năm gần đây, truyền thông xã hội giống như hai mặt của một đồng xu với các chính trị gia. Một mặt, sự thành công trong việc tận dụng mạng xã hội giúp các chính trị gia nhận được sự ủng hộ tích cực của công chúng. Mặt khác, sự thất bại có nguy cơ hủy hoại hình ảnh mà họ cố gắng tạo dựng.

Đông Nam Á cũng không phải ngoại lệ, với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh của người dân khá cao trong khu vực. Tại Singapore, tỷ lệ này là 87%, ở Malaysia là 83% và Thái Lan là 75%. Tuy nhiên, tính về tỷ lệ tăng trưởng thị trường, Philippines lại đứng đầu khu vực với hơn 90%. Với sự mở rộng của điện thoại thông minh, truyền thông xã hội đã tăng trưởng nhanh chóng ở Đông Nam Á. Malaysia có tỷ lệ người dân tham gia mạng xã hội cao nhất khu vực, lên tới 81%, tiếp đó là Singapore (79%), Philippines (67%) và Indonesia (59%). Người Philippines cũng dành thời gian cho mạng xã hội nhiều nhất khu vực, với xấp xỉ 3 giờ 53 phút mỗi ngày.

Trong bối cảnh đó, theo nhận định của các chuyên gia, ảnh hưởng của truyền thông xã hội trong chính trị, đặc biệt liên quan đến truyền thông chính trị, là rất lớn trong giai đoạn diễn ra các chiến dịch vận động tranh cử. Các chính trị gia trong khu vực từ nhiều năm qua đã tìm cách gây ảnh hưởng dư luận thông qua các mạng xã hội như Facebook, Twitter hay YouTube để thúc đẩy quan điểm chính trị của mình và thu hút nhiều sự ủng hộ hơn.

Trên thực tế, truyền thông xã hội là phương tiện lý tưởng và là cơ sở thông tin để các chính trị gia tìm hiểu dư luận về chính sách, lập trường chính trị, cũng như xây dựng sự ủng hộ của cộng đồng. Năng lực tạo ra không gian đối thoại giữa chính trị gia với dư luận và thu hút cử tri khiến mạng xã hội ngày càng trở nên quan trọng hơn với chính trị gia. Ví dụ rõ ràng nhất về sự thành công trong việc sử dụng mạng xã hội được xem là một trong những yếu tố quan trọng giúp Tổng thống Mỹ Barack Obama tái đắc cử hồi năm 2012. Ước tính có tới 30% số thông điệp tranh cử được ông B. Obama truyền tải qua truyền thông mới.

TikTok ảnh hưởng dư luận như thế nào?

Tại Indonesia, từ vài năm qua, truyền thông xã hội đã bắt đầu được các chính trị gia tận dụng trong những chiến dịch tranh cử. Những người ủng hộ ông Joko Widodo trong chiến dịch tranh cử Thị trưởng Jakarta đã sử dụng YouTube, Instagram, Facebook hay Twitter để tăng cường khả năng cạnh tranh. Thậm chí, có hẳn một game trực tuyến có nội dung giống như Angry Birds, với nhân vật chính là ông Jokowi. Tuy nhiên, trải qua 1 thập niên, giờ đây TikTok - ứng dụng được tải về nhiều nhất ở Đông Nam Á hiện nay - đang trở thành một công cụ chiến lược mới của các chính trị gia trong khu vực.

Không như các công cụ truyền thông xã hội khác, TikTok là ứng dụng tương đối mới khi chỉ phát triển bùng nổ vào đầu giai đoạn đại dịch COVID-19. Ứng dụng của nhà phát triển Trung Quốc Bytedance, đã đưa ra nhiều tính năng độc đáo cho phép nội dung tuyên truyền tiếp cận đến lượng công chúng lớn hơn, do mô hình chia sẻ nội dung mới lạ so với những công cụ mạng xã hội khác, khi không dựa vào lượng người theo dõi mà thay vào đó là chính nội dung đăng tải.

Điều này đồng nghĩa bất kỳ ai có thể tạo ra nội dung “đủ hứng thú” sẽ có thể xuất hiện trên trang của người dùng ứng dụng TikTok, mở ra cánh cửa cơ hội mới và rất lớn cho các chính trị gia, đặc biệt trong những chiến dịch tranh cử. Với cơ chế giới thiệu nội dung như vậy, mô hình của TikTok có thể tạo ra bong bóng thông tin với người dùng và ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế giới quan của dư luận. Tuy nhiên, trong khi những mạng xã hội khác như Facebook, Twitter và Google đã có những bước đi nghiêm túc trong cuộc chiến chống lạm dụng và sử dụng các nền tảng này vì mục đích tuyên truyền, TikTok lại chưa có những chính sách nghiêm ngặt như vậy, khi chủ yếu dựa vào giám sát nội bộ và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như hệ thống gắn cờ cộng đồng.

Trong nỗ lực mới nhất, TikTok đã đưa ra những hướng dẫn cộng đồng để tránh việc sử dụng sai nền tảng này. Tuy nhiên, các nội dung chính trị vẫn xuất hiện tràn ngập trên TikTok, chẳng hạn như trong mục “trực tiếp”. Bởi không như các nội dung phải được tải lên, tính năng trực tiếp tạo ra thách thức rất lớn trong việc quản lý và giám sát do bản chất truyền tải gần theo thời gian thực, khiến công nghệ giám sát AI trở nên kém hiệu quả. Trong khi việc sử dụng nhân lực 24/7 để giám sát các video phát trực tiếp là không thể, cách thức tốt nhất là củng cố sự can dự của cộng đồng, thông qua hệ thống gắn cờ cộng đồng để giúp xác định những nội dung vi phạm chính sách. TikTok đang gặp khó khăn trong việc giám sát nội dung người dùng đăng tải trên nền tảng này.

Hai mặt của vấn đề

Như đã thấy ở trên, luôn có hai mặt của một vấn đề. Bên cạnh khả năng gây tương tác và ảnh hưởng lớn đến công chúng, truyền thông mới cũng chính là mảnh đất màu mỡ của tin giả. Thay vì áp dụng những kỹ thuật truyền thông chính thống như trước đây, các nhóm vận động chính trị hiện nay thành thục những chiến lược thao túng thông tin trên mạng xã hội, như trả tiền cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội để tạo nội dung có lợi, hay kết hợp với những công nghệ bot hay deepfake - điều từng diễn ra trong các cuộc bầu cử ở Mỹ và nhiều quốc gia khác thời gian qua.

Trong bối cảnh hàng loạt cuộc bầu cử quan trọng ở Philippines, Malaysia và Indonesia diễn ra trong năm nay và năm sau, TikTok được dự báo sẽ là chiến trường thông tin chính trị mới ở Đông Nam Á. Thực tế cho thấy, dự báo này đã đúng. Trong cuộc bầu cử tổng thống ở Philippines hồi đầu tháng 5-2022, mạng xã hội, cụ thể là TikTok, được nhìn nhận đã đóng vai trò rất lớn trong chiến thắng áp đảo của ứng cử viên Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr.

Phong tỏa và những hạn chế phòng, chống dịch COVID-19 đã khiến các ứng cử viên tổng thống ở Philippines khó có thể tổ chức những chiến dịch vận động tranh cử trực tiếp và phù hợp. Những quy định hạn chế số người tập trung, cùng với hơn 90% số người Philippines tiếp cận Internet qua mạng xã hội đồng nghĩa các ứng cử viên phải dựa chủ yếu vào mạng xã hội để thu hút sự quan tâm và sự ủng hộ của cử tri. Hoàn cảnh tranh cử như vậy trên thực tế cũng phù hợp với một xu thế lâu nay ở Philippines, đó là sự dịch chuyển ngày càng nhanh từ truyền thông truyền thống sang truyền thông xã hội, khi thông tin tự do và ai cũng có thể tiếp cận, nhưng không nhất thiết là thật.

Xuyên suốt cuộc bầu cử, ông Marcos Jr. đã áp dụng một chiến lược truyền thông mạnh mẽ trên các mạng xã hội. Thậm chí, ông thẳng thừng từ chối tham gia tranh luận trên truyền hình, thay vào đó lựa chọn truyền thông phi chính thống để gây ảnh hưởng đến cử tri trong quá trình vận động tranh cử./.

(HSSK 472: 10/6/2022)

Chuyên mục: Bên lề sự kiện