21/11/2024 | 20:29 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Đưa nghị quyết của Đảng đến với nhân dân trong bối cảnh mới

Nguyễn Lương Ngọc
TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Đưa nghị quyết của Đảng đến với nhân dân trong bối cảnh mới Quang cảnh Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII, ngày 4-5-2022_Ảnh: TTXVN
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là một trong những phương cách quan trọng để Đảng đến gần với dân hơn, và ngược lại, để dân tin Đảng, hiểu hơn về Đảng, tạo nên sự gắn kết chặt chẽ giữa Đảng với nhân dân. Trong bối cảnh mới, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc học tập, quán triệt, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống đã và đang trở thành xu thế tất yếu.

Ứng dụng linh hoạt trong thế giới số

Sau khi ban hành, việc triển khai học tập, quán triệt nghị quyết là một trong hai hoạt động quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng đối với xã hội. Đây là một khâu, một giai đoạn quan trọng nhằm chuyển tải những nội dung của nghị quyết tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Là tiền đề quan trọng mang tới sự thành công trong việc thực hiện nghị quyết của Đảng. Chỉ thị số 01-CT/TW được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 9-3-2021 đã chỉ rõ, tổ chức thật tốt việc quán triệt, học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng là để “tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong nhân dân”.

Nhiều năm, việc nghiên cứu, học tập thường được các báo cáo viên trực tiếp truyền đạt, mang tính trình tự, theo từng cấp, như Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “mỗi nghị quyết phải mau chóng truyền đến các cấp dưới, đến đảng viên, đến dân chúng. Cách tiện nhất là khai hội với các đảng viên, khai hội với dân chúng (hoặc binh sĩ), phái người đến báo cáo, giải thích. Các cấp dưới, đảng viên và dân chúng (hoặc binh sĩ) phải thảo luận những mệnh lệnh và nghị quyết đó cho rõ ràng, hiểu thấu ý nghĩa của nó và định cách thi hành cho đúng”[1].

Ngày nay, khoa học công nghệ chiếm vị trí ngày càng quan trọng đối với sự phát triển của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng. Chúng ta đang nói nhiều tới việc xây dựng nền tảng cho một xã hội số, một chính phủ số, một nền kinh tế số. Nhờ có mạng Internet, các ứng dụng trực tuyến ra đời và ngày càng hoàn thiện giúp cho việc chia sẻ, tiếp cận thông tin trở nên nhanh chóng, trực tiếp và đầy đủ hơn. Trong bối cảnh đó, việc triển khai học tập, truyền đạt nghị quyết của Đảng tới cán bộ, đảng viên và nhân dân cũng có những thay đổi mạnh mẽ. Hơn nữa, tác nhân COVID-19 càng thúc đẩy việc quán triệt, nghiên cứu, học tập nghị quyết của Đảng có những đổi mới căn bản so với cách làm truyền thống. Chẳng hạn, lần đầu tiên hội nghị theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-3-2021 với 67 điểm cầu các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và mở rộng đến hơn 7.400 điểm cầu cơ sở, với sự tham dự của gần 1 triệu đảng viên được tổ chức mà trước đó chưa bao giờ chúng ta thực hiện. Tiếp sau đó, Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Hội nghị tổng kết công tác Mặt trận Tổ quốc toàn quốc, hay quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII cũng diễn ra theo hình thức này. Có thể nói, đông đảo cán bộ, đảng viên lần đầu tiên được tham dự các hội nghị học tập, nghiên cứu nghị quyết của Đảng theo hình thức này đều hết sức nghiêm túc, xen lẫn tâm trạng phấn chấn và xúc động. Bởi, lần đầu tiên họ được nghe truyền đạt tinh thần, chủ trương, đường lối, tư tưởng của Đảng trực tiếp từ các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà không phải qua các lớp trung gian. Theo đánh giá của hầu hết cán bộ, đảng viên, các cấp ủy từ Trung ương tới cơ sở, và cả đông đảo quần chúng nhân dân đều hết sức ủng hộ, đồng tình, đánh giá cao cách làm mới của Đảng. Cách tổ chức như vậy vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức mà thông tin đến với đông đảo đảng viên và nhân dân một cách nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, hiệu quả.

Cần có những giải pháp phù hợp

Rõ ràng, việc tổ chức “đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống” với hình thức kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa cũ và mới, giữa trực tiếp với trực tuyến trong bối cảnh chúng ta vừa ứng phó với đại dịch COVID-19, vừa có sự hỗ trợ tốt của nền tảng khoa học công nghệ đã mang lại những hiệu quả rất đáng khích lệ. Đây là cách làm đã, đang và sẽ được áp dụng thường xuyên và phổ biến, là xu hướng không thể đảo ngược. Nó thể hiện tính linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo để đưa nghị quyết của Đảng đến với đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân được nhanh hơn, trực tiếp hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, chúng ta cũng phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai mà cần có những giải pháp phù hợp.

Một là, cần một lượng lớn ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, máy móc, thiết bị mới từ Trung ương tới cơ sở để đồng bộ hóa nền tảng công nghệ, bảo đảm thông suốt về đường truyền, chất lượng âm thanh, hình ảnh.

Hai là, cần đào tạo, đào tạo lại và duy trì một đội ngũ chuyên viên kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm trang thiết bị vận hành trơn tru và tiến hành thực hiện kết nối các hoạt động từ Trung ương đến cơ sở một cách thường xuyên, chất lượng cao.

Ba là, việc tổ chức học tập, triển khai nghị quyết của Đảng theo hình thức kết hợp giữa tập trung trực tiếp với trực tuyến mang tính rộng khắp cả nước trên nền tảng công nghệ số đòi hỏi phải bảo đảm an ninh mạng và bảo mật thông tin một cách tối đa. Đây thực sự là một thách thức không nhỏ, nhiều khó khăn trong bối cảnh các thế lực thù địch không ngừng và không từ bất kỳ thủ đoạn tinh vi nào để can thiệp, cắt xén hình ảnh, âm thanh để xuyên tạc, chống phá Đảng, chống phá Nhà nước ta.

Có thể khẳng định rằng, hoạt động đưa nghị quyết của Đảng đến với đảng viên, đến với nhân dân trong bối cảnh ngày nay vừa có những thuận lợi, vừa có cả những khó khăn, thách thức. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực phát huy những thành tựu đạt được, xử lý tốt và khéo các thách thức, tiếp tục có những cách làm hay, giải pháp mới góp phần mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân./.

(HSSK 472: 10/6/2022)



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.300