Khúc dạo đầu cho sự thay đổi lớn
Gia NgọcTrong thời gian đại dịch COVID-19 đang hoành hành, Jose A. Sanz Moreno - Giáo sư ngành Luật Hiến pháp tại Đại học Tổng hợp Madrid, Tây Ban Nha - nhận định: trong hoạt động chính trị, với đặc điểm không thể đoán trước và tốc độ diễn biến ngày càng nhanh, một sự thật hiển nhiên được thấy rõ ràng là mạng xã hội, được sử dụng rộng rãi đặc biệt trong thời kỳ giãn cách xã hội, đã trở thành một công cụ cơ bản của hành động chính trị. Và giữa những bất định của một thời kỳ khó khăn, của nền chính trị phân cực, mất cân bằng xã hội và người dân thì bất mãn, chúng ta phải đối mặt với câu hỏi: liệu nền dân chủ hợp hiến có tồn tại được trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, và việc hình thành các bá chủ chính trị mới trên mạng xã hội không?
Theo Giáo sư Moreno, từ những quan sát của ông và các cộng sự, ông đã chuyển từ thái độ ban đầu là phấn khích trước những tác động tích cực của mạng xã hội đối với quá trình dân chủ hóa, trao quyền cho công dân sang thái độ thất vọng. Sự phân cực các thông điệp, phân chia xã hội, thao túng chính trị và thông tin sai lệch. Theo ông, mạng xã hội là nơi sản sinh ra những diễn ngôn cấp tiến nhất, đảng phái và dân túy nhất. Sau sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), châu Âu đã đi từ phương châm “thống nhất trong đa dạng” đến các xã hội “chia rẽ bởi các nửa đối kháng”. Điều này diễn ra không chỉ ở cựu lục địa mà cả bên kia bờ đại dương.
Mô hình truyền thông mới
Với sự gia tăng vai trò của các mạng xã hội, sự nhanh chóng trong việc thông tin liên lạc, vai trò của các nhân tố trung gian chính trị cổ điển đã mất đi. Các đảng phái, với tư cách là công cụ của công dân để tham gia vào các vấn đề công, đã không còn thiết yếu như trước. Các phương tiện truyền thông cổ điển, vốn được coi là “quyền lực thứ tư”, đã không còn uy quyền như cũ.
Các nhà lãnh đạo chính trị có thể tạo ra và duy trì mối quan hệ trực tiếp với công dân. Đây thực sự là cuộc cách mạng trong giao tiếp chính trị. Các chiến dịch tranh cử tổng thống ở Mỹ và nhiều nước nữa giờ đây không có điểm nào chung với những chiến dịch kiểu những năm đầu thế kỷ XXI. Trong mấy năm trở lại đây, các mạng xã hội cho phép những hoạt động mang tính đảng phái nhằm thu hút cử tri, vận động cử tri để kiếm phiếu bầu.
So sánh các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống, mà sức mạnh đã giảm đáng kể với sự xuất hiện của phương thức truyền thông trực tiếp của các chính trị gia với cử tri và công chúng, mạng xã hội cho phép chúng ta nhận ra rằng, sự thay đổi lớn nhất không phải là về mặt truyền thông, mà là khía cạnh chính trị: người dùng thụ động chuyển đổi sang thành một người giao tiếp tích cực. Sự phát triển theo cấp số nhân của truyền thông xã hội, truyền thông chủ động đang quyết định cả chương trình nghị sự chính trị. Trong khi đó, các định dạng truyền thông cũ đang cho thấy sự yếu kém.
Mô hình truyền thông trực tiếp giữa các nhà chính trị với cử tri và cả phe đối lập khiến các thông điệp và quy tắc bị phân cực và đơn giản hóa, cho phù hợp với công chúng và sự tham gia rộng rãi của họ vào chính trị.
Ảnh hưởng ngày càng lớn
Ngày càng có nhiều người sử dụng mạng xã hội, với thời gian ngày càng tăng, như một phương tiện chủ yếu không chỉ để giao tiếp mà còn thu thập thông tin chính trị, từ đó xác định điểm đến cho lá phiếu của họ. Ngày càng nhiều người tương tác, chia sẻ, xây dựng ý chí chính trị, từ các chiến dịch vận động nhỏ ở địa phương đến các phong trào toàn cầu, các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý,... thông qua mạng xã hội. Ảnh hưởng của mạng xã hội trong việc xác định người thắng kẻ thua có thể đưa đến một kết luận tạm thời rằng, thế giới kỹ thuật số đang dạo đầu một quá trình mới trong sự phát triển chính trị. Điều này thể hiện rõ từ chiến lược đã giúp Barack Obama thắng cử Tổng thống Mỹ, rồi đến cuộc bầu cử mà Donald Trump giành chiến thắng, cũng như sau đó là lần thất bại của ông mà các mạng xã hội lớn đều góp phần tích cực; hay việc nước Anh rời Liên minh châu Âu với cuộc trưng cầu dân ý về Brexit. Khi Twitter, Facebook đồng loạt chặn đường ông D. Trump, người ta mới thấy rõ mạng xã hội đáng sợ ra sao trong đời sống chính trị.
Các chiến dịch bầu cử, về bản chất là những quảng cáo tiếp thị chính trị, ở đó các chính trị gia và đảng phái quảng cáo những “món hàng” mà cử tri sẽ mua bằng lá phiếu. Ưu thế của mạng xã hội là ảnh hưởng nhiều đến lớp trẻ, do đó truyền thông chính trị trên mạng xã hội cũng nhằm vào đối tượng “khách hàng” này nhiều hơn. Giao tiếp trực tiếp - điều mà mạng xã hội cho phép nhưng các phương tiện truyền thông đại chúng truyền thống khiếm khuyết - dường như làm cho người dân và chính trị gia có thể đồng nhất với nhau.
Thao túng chính trị trên mạng xã hội
Trên mạng xã hội có hoạt động truyền thông hợp pháp để thu hút cử tri, nhưng cũng có truyền thông để thao túng, hướng người dùng theo những hành vi nhất định. Cuộc chiến thao túng cử tri được hiểu là thông qua sử dụng, lạm dụng mạng xã hội, thông tin sai lệch, phân tích và sử dụng giả mạo dữ liệu lớn, thuật toán tùy chỉnh, trí tuệ nhân tạo, robot,... để làm thay đổi cán cân bầu cử hoặc trưng cầu dân ý.
Không áp phích biểu tình đảng phái hay tranh biện, nhưng truyền thông trên mạng xã hội lại có thể phân khúc theo thị hiếu, xu hướng, mong muốn, được kích hoạt đến từng máy tính hay điện thoại di động của mỗi cá nhân. Cuộc đối đầu giữa các đảng phái, khi chuyển sang phương tiện truyền thông xã hội, được gọi là chiến tranh thông tin. Thế giới số và mạng xã hội, quá trình số hóa sẽ còn tác động đến chính trị mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai gần. Đó là lý do vì sao các cơ quan công quyền muốn xây dựng các chuẩn mực, luật cứng và quy tắc mềm để ngăn chặn hoạt động thao túng chính trị, nhưng hầu hết chưa được như ý muốn.
Nước Đức có quy định phạt nặng các nền tảng không xóa nội dung bất hợp pháp, tuy vậy cũng không ngăn được thông tin giả. Trong khi đó, các nước Pháp, Italia, Tây Ban Nha chưa có quy định bảo vệ công dân trước tin tức giả. Đó là chưa kể việc thao túng thông qua dữ liệu lớn và dấu vết kỹ thuật số của người dùng để lại trên mạng, khiến cách thức tham gia chính trị trên mạng ảo bị tác động rất mạnh.
Đội ngũ của các chính trị gia không xa lạ gì với cách phát triển “mạng lưới bot” để tăng cường tuyên truyền, tấn công đối thủ, thậm chí đe dọa. Thông tin chính trị vừa cá nhân hóa lại được tung ra với tần suất cao đến từng cá nhân. Các mạng xã hội thu thập dữ liệu cá nhân, qua đó tạo ra các cấu hình hành vi phức tạp, nhắm đến mục tiêu thông tin có mục đích, có thể bán cho bất kỳ ai trả giá cao. Trong các cuộc bầu cử đang có biến động, những thông tin có mục đích này có thể quyết định chiến thắng hay thất bại. Bởi vậy có thể nói, trong truyền thông chính trị thời đại mới, các ông lớn công nghệ đang nổi dần lên như những người nắm giữ cuộc chơi./.
(HSSK 472: 10/6/2022)