18/04/2025 | 01:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Thương hiệu gạo Việt Nam và vị thế trên trường quốc tế

Vũ Ngọc Thanh
TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thương hiệu gạo Việt Nam và vị thế trên trường quốc tế Gạo Việt Nam ngày càng khẳng định thương hiệu, chất lượng, tạo dựng vị thế vững chắc trên trường quốc tế_Ảnh minh họa
Đến nay, có thể nói rằng lúa gạo Việt Nam đã cho thấy sự vững vàng trong hũ gạo của một số nước trên thế giới, xứng danh là “hạt vàng” của nước ta. Không chỉ năm 2023 mà cả ở các năm trước, giá trị xuất khẩu lúa gạo cho thấy thương hiệu gạo Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế.

Gặt hái thành quả ngọt ngào

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu được 8,2 triệu tấn lúa gạo, đạt kim ngạch khoảng 4,8 tỷ USD - mức cao nhất kể từ năm 1989 (khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu lúa gạo).

Điều đáng nói, tỷ trọng của lúa gạo chất lượng cao trong tổng lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 50% năm 2015 lên tới 74% năm 2020, đạt khoảng 85% năm 2023. Trung bình, lượng lúa gạo Việt Nam xuất khẩu đạt được ở mức khoảng 6 triệu tấn/năm và có xu hướng tăng lên ở năm sau so với năm trước, giá trị xuất khẩu lúa gạo Việt Nam liên tục đạt trên 3 tỷ USD/năm.

Về mặt thương hiệu chất lượng, lúa gạo Việt Nam ngày càng củng cố, phát triển, khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế. Có thể kể ra những ví dụ tiêu biểu như thương hiệu ST25 lần thứ hai được bình chọn và vinh danh là “Gạo ngon nhất thế giới”, năm 2023. Danh hiệu này góp phần giúp cho thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam chính thức được hưởng mức thuế suất ưu đãi tại thị trường Liên minh châu Âu (EU) kể từ ngày 19-12-2023. 

Ngoài ra, cùng với thương hiệu ST25, còn có thêm 10 thương hiệu lúa gạo của Việt Nam khác cũng được hưởng sự ưu đãi về thuế khi các thương hiệu này được xuất khẩu vào EU, trong đó bao gồm các thương hiệu Jasmine 85, ST24, ST5, ST20, Nàng Hoa 9, VĐ20, RVT, OM 490 và OM 5451.

Trên thị trường quốc tế, giá của lúa gạo Việt Nam liên tục tăng lên trong vài năm vừa qua. Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần thứ 3 của tháng 12-2023, giá của lúa gạo Việt Nam luôn ở mức 663 USD/tấn - mức giá rất cao mà lúa gạo Việt Nam có thể đạt được trong nhiều năm trở lại đây.

Quan sát tình hình trong năm 2024, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trườngthuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định rằng, sản lượng sản xuất lúa gạo trên thế giới có thể đạt được mức kỷ lục là khoảng 520 triệu tấn trong khi lượng tiêu dùng khoảng 525 triệu tấn, do đó sẽ gây ra sự thiếu hụt lượng cung trên thế giới khoảng 5 triệu tấn. 

Mặt khác, tổng lượng lúa gạo lưu kho trên thế giới đã giảm xuống chỉ còn trên dưới 160 triệu tấn, vì thế, đây là cơ hội lớn và điều kiện hết sức thuận lợi cho ngành sản xuất, chế biến lúa gạo Việt Nam.

Trong năm 2023, Philippines đối tác nhập khẩu lúa gạo thường xuyên và quan trọng của Việt Nam đã nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn, trong đó khoảng 90% tổng lượng nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi đó, Indonesia được dự báo nhu cầu nhập khẩu lúa gạo trong năm 2024 sẽ tăng thêm khoảng 600.000 tấn.

Thành công này của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam mang đến cơ hội, điều kiện thuận lợi cho việc tăng thu nhập, lợi nhuận kinh tế cho người nông dân trồng lúa gạo, sự phát triển của các doanh nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu ở Việt Nam cũng như góp sức vào việc bảo đảm an ninh lương thực của thế giới. 

Để củng cố, duy trì, phát huy hơn nữa những thành công ngọt ngào, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam cần phải tiếp tục thực hiện chiến lược phát triển lúa gạo theo hướng chất lượng cao và giá trị lớn, hiện đại, thân thiện môi trường, kiên định theo định hướng chính là nâng cao chất lượng trong sản xuất các sản phẩm lúa gạo, coi trọng việc nâng cao chất lượng và giá trị hơn gia tăng số lượng. 

Duy trì phát triển bền vững vựa sản xuất xen canh lúa - cá - tôm - trái cây ở đồng bằng sông Cửu Long theo nguyên lý “thuận thiên” được xác định tại Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017, của Chính phủ, “Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Một định hướng hết sức quan trọng là tăng cường, đẩy mạnh thực hiện liên kết chuỗi vững chắc trong quá trình phát triển của ngành sản xuất lúa gạo ở Việt Nam. 

Hiện nay, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Thái Bình Seed, Tập đoàn Tân Long và một số doanh nghiệp khác đã và đang tiếp tục liên kết chặt chẽ với các hộ nông dân trồng lúa gạo để tạo dựng chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững. Có như vậy mới chủ động trong việc sản xuất ra sản phẩm mà thế giới cần, thay vì làm ra sản phẩm mà ta có.

Cơ sở và nguyên nhân của thành công

Theo những ý kiến phân tích, đánh giá về thành công kể trên của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam, có thể thấy, việc Ấn Độ (nước chiếm tới hơn 40% tổng lượng cung ứng lúa gạo trên thế giới) thực hiện việc hạn chế xuất khẩu gạo ra thế giới đã tạo ra “cơ hội vàng” cho các nước xuất khẩu lúa gạo khác trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 120/NQ-CP chính là cơ sở vững chắc cho thành công của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam, vì đã định hướng và tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự chuyển đổi từ phương thức sản xuất, canh tác theo lối truyền thống sang phương thức tổ chức sản xuất theo lối “thuận thiên” với nội hàm là thích ứng với tác động bất lợi của sự biến đổi khí hậu, sống chung với lũ lụt, coi lũ, nước mặn, nước lợ chính là nguồn lực, là tài nguyên cho phát triển kinh tế, xã hội của toàn vùng.

Nghị quyết số 120/NQ-CP được đánh giá là một nghị quyết mang tính lịch sử, vì trước đó chưa bao giờ khu vực đồng bằng sông Cửu Long có được những định hướng và chính sách tạo ra sự thay đổi lớn đến như vậy. 

Nghị quyết số 120/NQ-CP cho thấy tầm tư duy chiến lược, chủ trương mang tính đột phá trong quản lý phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững và sản xuất nông nghiệp vững chắc, ổn định lâu dài cho vùng đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh phải thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, thân thiện với môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh. 

Giúp tạo dựng hệ thống cơ chế, chính sách mới phù hợp cho việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng như giao thông, đô thị, ổn định vùng dân cư an sinh; gắn kết các quy hoạch phát triển các lĩnh vực với nhau; đem đến những hoạt động đầu tư lớn; giải quyết được các vấn đề cấp bách; hoạt động hợp tác quốc tế được thúc đẩy, mở rộng, góp phần thu hút nguồn lực chất lượng và công nghệ tiên tiến vào vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thêm vào đó, Nghị quyết số 120/NQ-CP đã thúc đẩy sự chuyển đổi ở mức quy mô lớn về cơ cấu kinh tế và vùng lãnh thổ trên cơ sở phát huy tối đa thế mạnh, tiềm năng hiện có của vùng đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường sự kết nối liên vùng với Thành phố Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, nhất là thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị kết nối cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ; phát triển kết cấu hạ tầng bằng các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, khắc phục sự cố sạt lở và sụt lún bờ sông, bờ biển; tăng cường bảo vệ môi trường và bảo đảm an sinh xã hội./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện