18/04/2025 | 01:16 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Càng trong khó khăn, càng vững vàng

Vũ Thanh Vân
Càng trong khó khăn, càng vững vàng Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới Đức (WUS)_Ảnh: AJC
Hơn 5 năm chưa trở lại, dù vẫn theo dõi thời sự, trò chuyện với những người bạn, nhưng tôi khó mà hình dung được châu Âu đã khác gì sau ngần ấy thời gian. Đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga - Ukraina, làn sóng dân nhập cư, tình trạng kinh tế trì trệ, lạm phát tăng cao,... có lẽ ảnh hưởng nhiều đến đời sống xã hội. Mang tâm thế tò mò ấy trong chuyến đi đến Đức và Áo cuối tháng 10-2023, để rồi khi trở về tôi thấy ấm lòng vì trong bối cảnh khó khăn, đất nước mình vẫn vững vàng, nhịp sống vẫn bình yên.

Cái gì cũng đắt hơn

Trước chuyến đi, những người bạn đồng nghiệp ở Đức cho tôi biết về tình hình lạm phát. Giá cả, nhất là giá thực phẩm, tăng đáng kể. Trong bối cảnh giá cả gia tăng mà thu nhập không tăng, mọi người buộc phải tiết kiệm chi tiêu, nhất là các khoản chi điện, nước, đồng thời giảm bớt những chi phí không thiết yếu như đặt mua báo. Vé máy bay cho chặng Hà Nội - Frankfurt cũng tăng đáng kể so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19.

TS Kambis Ghawami - Chủ tịch Tổ chức Hỗ trợ đại học thế giới Đức (WUS) -đón đoàn chúng tôi tại sân bay Frankfurt khi chuyến bay hạ cánh lúc trời tờ mờ sáng. Ông giúp chúng tôi gọi một chiếc taxi cỡ lớn về khách sạn. 

Theo trí nhớ của tôi, giá cước taxi đã tăng gần gấp đôi so với năm 2018, chưa kể cộng thêm phụ phí hơn 4 euro cho đoàn từ 6 người trở lên. Còn khi đến sân bay Vienna (Áo), lái xe taxi cỡ lớn tại sân bay không đồng ý cho một người ngồi cạnh ghế lái và nhất quyết yêu cầu chúng tôi gọi 2 xe. 

Đây cũng lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến “cò taxi” tại sân bay Áo với chi phí cạnh tranh hơn cho nhóm đi đông người. Lái xe loại này đều là người nhập cư và lái xe không mào.

Từ tháng 3-2022, giá xăng và dầu diesel tiêu chuẩn tại Đức đã tăng kỷ lục, vượt ngưỡng 2 euro/lít do ảnh hưởng của cuộc chiến giữa Nga và Ukraina. Đến tháng 8-2022, giá xăng dầu ở Đức đã đắt hơn ở tất cả các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu (EU). 

Đà tăng này tiếp tục được duy trì trong năm 2023, do sự biến động của giá dầu thô trên thị trường quốc tế và nhu cầu đi lại nhiều hơn vào mùa hè. Khi chia tay, người lái taxi nào cũng không quên đưa cho tôi danh thiếp với lời nhắn, nhớ gọi tôi nếu cần ra sân bay hoặc cần đi đâu.

Tại Đức và Áo, các nhà hàng Việt Nam ngày càng phổ biến. Ông Kambis Ghawami cho biết, gần đây các nhà hàng Việt Nam phổ biến hơn các nhà hàng Trung Quốc. Các món ăn Việt Nam lên ngôi vì được chế biến ít dầu mỡ và hài hòa các loại gia vị. 

Các món ăn của Việt Nam mà người Đức thích là phở bò, bún gà, các món cuốn, nhưng đối với ông Kambis Ghawami, đồ ăn Việt Nam ở Hà Nội vẫn là đặc sắc và khó quên nhất. 

Tại Frankfurt, các món ăn Việt Nam đã được điều chỉnh phần nào cho phù hợp với khẩu vị của người Đức. Điều đáng chú ý, giá của một bát phở khoảng 12 - 13 euro, tăng khoảng 40% so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19.

 “Lạm phát thực phẩm” là tình trạng đang diễn ra ở Đức và Áo. Giá thực phẩm tăng là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng lạm phát càng thêm tồi tệ. 

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), giá lương thực tháng 7-2023 tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả các loại thực phẩm đều tăng giá chóng mặt trong năm 2023. 

Giá đường, mứt, mật ong và các loại thực phẩm ngọt tăng cao nhất - hơn 18,9%; các sản phẩm ngũ cốc, bánh mì tăng 16,6%; rau tăng 15,7%, trong khi cá và hải sản tăng 14,1%. Cùng với sự gia tăng của giá điện, xăng dầu, giá thực phẩm tăng gây áp lực rất lớn đến đời sống của người dân.

Căn phòng không bật điện

Giá thực phẩm tăng cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá đồ ăn tại các nhà hàng gia tăng. Giá đồ ăn tại các nhà hàng còn tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm 2023 khi Chính phủ Đức đưa mức thuế giá trị gia tăng của các nhà hàng từ mức 7% hiện tại trở lại mức 19%. 

Việc duy trì mức thuế 7% là giải pháp của Chính phủ Đức trong gói hỗ trợ ngành dịch vụ, khách sạn trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Khi đại dịch được kiểm soát, gói hỗ trợ này cũng sẽ chấm dứt, gây ra lo ngại về khả năng đóng cửa của hàng nghìn nhà hàng tại Đức. 

Một số nhà hàng đã công bố 2 mức giá trong thực đơn, gồm mức giá hiện tại và mức giá dự kiến khi thuế giá trị gia tăng trở lại 19%. Mức tăng thuế này đương nhiên sẽ được cơ cấu vào giá đồ ăn. Nếu người dân muốn tiết kiệm chi phí, họ buộc phải đi siêu thị mua đồ tự nấu nướng thay vì đi ăn ở nhà hàng.


Đức là một trong những quốc gia có giá điện cao nhất thế giới. Đầu năm 2022, giá điện tăng mạnh. Theo báo cáo của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đức, giá điện đồng loạt tăng hơn 50% so với các tháng đầu năm từ tháng 10-2022. Giá điện tăng đè nặng lên ngân sách chi tiêu vốn đang chật vật của các hộ gia đình. Tại các thành phố lớn như Frankfurt, Hamburg, Stuttgart, giá điện lên tới hơn 50 cent/kWh (tương đương khoảng 12.000 đồng/kWh). Giá điện tăng một phần là do giá khí đốt tăng. Đức sử dụng nguồn khí tự nhiên nhập từ Nga để sản xuất điện. Khi chiến sự Nga - Ukraina nổ ra, nguồn cung khí đốt từ Nga sang Đức qua đường ống Nord Stream 1 bị ảnh hưởng.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, chúng tôi được chứng kiến không ít cách người dân và cả quan chức tiết kiệm chi phí cho gia đình, xã hội, trong đó có lần làm việc ở văn phòng của Giáo sư Roland Koch - nguyên Thủ hiến bang Hessen. 

Là một chính trị gia và luật sư, ông Roland Koch giữ chức vụ Thủ hiến bang Hessen từ năm 1999 đến năm 2010. Trong thời gian làm thủ hiến, ông tích cực hỗ trợ việc mở Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt năm 2008 và ủng hộ việc thành lập Đại học Việt - Đức. 

Dưới sự lãnh đạo của ông Roland Koch, bang Hessen là bang đầu tiên và duy nhất của Đức đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam từ năm 2007. Tiếp chúng tôi vào một buổi chiều mưa tại văn phòng, ông hào hứng chia sẻ quan điểm của mình về chính trị và kinh tế. 

Ông say sưa nói trong hơn 2 tiếng đồng hồ, từ 2 giờ đến hơn 4 giờ chiều. Vấn đề lạm phát tại Đức lại được đề cập, rồi đến vấn đề thể chế chính trị và xã hội nói chung, hay cách thức các chính phủ đưa ra những chính sách phù hợp để thiết lập trật tự xã hội, đồng thời khuyến khích, trao cơ hội cho các cá nhân để đóng góp cho xã hội, hiện thực hóa cuộc sống mong ước của bản thân.

Tối mùa đông đến nhanh hơn, nhất là khi trời có thêm cơn mưa. Đến lúc mọi người chụp ảnh trước khi chia tay, ông mới đứng dậy bật đèn. Lúc đó chúng tôi mới chợt nhận ra sự khác biệt sáng tối giữa phòng làm việc và bầu trời bên ngoài. Điều tương tự cũng xảy ra khi chúng tôi đến làm việc tại tòa soạn báo Frankfurter Allgemeine. 

Chúng tôi làm việc trong căn phòng không bật điện, dù ngoài trời khá u ám do cơn mưa buổi sáng. Hóa ra, việc không bật điện là có chủ ý tiết kiệm.

Ngộ ra điều này, chúng tôi cũng hiểu tại sao ông chủ khách sạn tại Áo lại tắt hệ thống sưởi trong phòng khi chúng tôi đi ra ngoài. Mỗi khi trở về, ông thân thiện nhắc chúng tôi, nhớ bật sưởi lên cho đỡ lạnh. Học tập tinh thần tiết kiệm của ông chủ, mỗi lần đi ra khỏi phòng, chúng tôi đều tắt đèn và các thiết bị điện. 

Kinh tế khó khăn, lạm phát gia tăng, giá thực phẩm, giá điện, giá xăng dầu đều cao khiến cuộc sống của người dân thêm khó khăn, trong khi làn sóng người di cư từ Ukraina và một số quốc gia khác đã đặt gánh nặng lên nền kinh tế các nước châu Âu, trong đó có Đức và Áo.

Những nguy cơ hiện hữu

Khi lạm phát hoành hành, đời sống xã hội khó khăn, tỷ lệ người dân bất mãn với chính trị có xu hướng gia tăng. Trong bối cảnh đó, các đảng cực hữu cũng có xu hướng mạnh lên, nhận được sự ủng hộ của những người bất mãn với tình hình kinh tế - xã hội. 

Tại Đức, điển hình là Đảng Lựa chọn khác cho nước Đức (Alternative fur Deutschland) theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, chủ trương không tiếp nhận người nhập cư và đề cao chủng tộc Đức. 

Còn tại Áo, Đảng Tự do (FPO) là đảng bảo thủ dân tộc, dân túy cánh hữu, có xu hướng cực đoan. Trong tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát tăng ở Áo, người dân bất mãn với chính phủ đương nhiệm và có xu hướng gia tăng ủng hộ đảng FPO.

Đảng Lựa chọn khác cho nước Đức chủ trương xem xét lại vai trò của Đức trong EU, cho rằng sự tham gia này làm suy yếu nước Đức. Các đảng cánh hữu ở Đức và Áo đều chủ trương không tiếp nhận người nhập cư, cho rằng người nhập cư gia tăng thêm gánh nặng đối với ngân sách, trong khi lại làm giảm phúc lợi đối với những người bản xứ. 

Các chuyên gia chính trị lo ngại, những khó khăn của nền kinh tế nếu không được giải quyết có thể dẫn đến những xu hướng cực đoan. Nếu các đảng cực hữu giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử sắp tới, những khó khăn, phức tạp sẽ không chỉ dừng lại trong lĩnh vực kinh tế.

Tình hình kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao không phải là câu chuyện riêng của 2 nước Đức, Áo mà nhiều quốc gia ở châu Âu và trên thế giới. Đại dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế thế giới vào tình trạng chậm tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm. 

Cuộc chiến Nga - Ukraina không chỉ mang tính khu vực, mà còn có ảnh hưởng dây chuyền, đặc biệt đến giá xăng dầu - sản phẩm đầu vào vô cùng nhạy cảm của nền kinh tế. Giá xăng dầu tăng kéo theo sự gia tăng giá của hàng loạt mặt hàng khác. 

Thế nhưng, càng trong khó khăn, lại càng phải vững vàng và vai trò điều hành của chính phủ càng trở nên quan trọng.

Trở về Việt Nam, từ các phương tiện truyền thông, nghe thông tin Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng về kinh tế, cảm giác ấm lòng, tôi nhớ đến cuộc trao đổi với Giáo sư Roland Koch. 

Trong cuộc trò chuyện đó, ông nhấn mạnh, con người trong xã hội nào cũng đều mong muốn có cơ hội phát triển tốt hơn, được đáp ứng các nhu cầu và nguyện vọng của mình. 

Sự đáp ứng nhu cầu này sẽ dẫn đến mong muốn đáp ứng yêu cầu cao hơn, đòi hỏi nguồn lực nhiều hơn và năng lực điều hành hiệu quả hơn của chính phủ. 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lạm phát gia tăng, mức độ hệ thống có thể đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của người dân sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, mỗi quốc gia phải tìm ra phương thức vận hành tối ưu phù hợp với thể chế chính trị và xã hội, trong đó giải quyết được các mâu thuẫn, xung đột. 

Càng trong hoàn cảnh khó khăn, cơ hội phát triển của người dân càng cần được bảo đảm. Nếu chính phủ không có sự vững vàng cần thiết, cơ hội phát triển của người dân sẽ bị đánh cắp./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện