Bản lĩnh của Đảng đưa đất nước phát triển, vững vàng trước mọi thử thách hiểm nghèo
Lê Thanh BàiĐại tá, TS, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự

Giai đoạn lịch sử đầy gian nan, thử thách
Mùa thu năm 1945, Đảng ta chọn đúng thời cơ, phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ngay sau khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh và trước khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương. Đó là một quyết định thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự nhạy cảm về chính trị.
Trong quá trình khởi nghĩa giành chính quyền, bản lĩnh của Đảng, đứng đầu là Lãnh tụ Hồ Chí Minh, chính là sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, kịp thời, nhạy bén, bình tĩnh, thận trọng và sáng tạo cao. Nhờ đó, chúng ta đã giành chính quyền một cách nhanh chóng thắng lợi, ít tổn thất nhất.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi ban đầu do thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đem lại, nhân dân ta và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trẻ tuổi phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thách thức.
Nền kinh tế nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, lại bị Pháp, Nhật vơ vét, bị chiến tranh và thiên tai tàn phá. Nạn đói khủng khiếp nhất trong lịch sử dân tộc đã cướp đi sinh mệnh của 2 triệu đồng bào (xấp xỉ 10% dân số cả nước).
Về mặt xã hội, chế độ cũ để lại hậu quả hết sức nặng nề. Sự thất học của nhân dân trở thành một thứ “giặc” - “giặc dốt”, chỉ có 10% dân số biết chữ nhưng chủ yếu ở mức tiểu học.
Các tệ nạn xã hội, hủ tục và lối sống lạc hậu qua hàng nghìn năm dưới các triều đại phong kiến và suốt 80 năm dưới chế độ thực dân đế quốc, phát xít thực dân là gánh nặng cho nhà nước cách mạng non trẻ.
Trong khi đó, các thế lực đế quốc, phản động cùng lúc kéo vào Việt Nam, tìm mọi cách tiêu diệt chính quyền cách mạng. Ở miền Bắc, gần 20 vạn quân Tưởng tiến vào chiếm đóng Thủ đô Hà Nội và hầu hết các thành phố, thị xã.
Ở miền Nam, ngày 6-9-1945, quân Anh kéo vào Sài Gòn, theo sau là những đơn vị bộ binh, xe bọc thép của quân đội viễn chinh Pháp. Ngày 23-9-1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn và sau đó đánh rộng ra các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ.
Trên đất nước ta chưa bao giờ cùng một lúc lại có nhiều kẻ thù như vậy. Đối chọi với chúng lại là một chính quyền cách mạng vừa mới thành lập chưa có kinh nghiệm xây dựng, tổ chức, quản lý đất nước.
Trước tình hình đó, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, đánh giá đúng tình hình, nhận thức rõ những khó khăn của ta, đồng thời cũng thấy được những mặt mạnh cơ bản của cách mạng để lãnh đạo cách mạng.
Chủ động phòng ngừa, hóa giải các nguy cơ
Ngay từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai chưa kết thúc, Đảng đã chỉ rõ: “... quân Đồng minh sắp vào nước ta và đế quốc Pháp lăm le khôi phục lại địa vị cũ ở Đông Dương”, hay “sự mâu thuẫn giữa Anh - Pháp - Mỹ và Liên Xô có thể làm cho Anh - Mỹ nhân nhượng với Pháp để Pháp trở lại Đông Dương”.
Thực tế diễn ra như dự báo, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng tấn công Sài Gòn, chính thức trở lại xâm lược nước ta. Cùng với chủ trương đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhằm ngăn chặn chiến tranh, hòa hoãn với các thế lực đế quốc, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh việc xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, tích cực chuẩn bị lực lượng để tiến hành kháng chiến.
Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”, ngày 25-11-1945, của Trung ương Đảng xác định nhiệm vụ chiến lược lúc này vẫn là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, khẩu hiệu đấu tranh vẫn là: “dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết” và đề ra nhiệm vụ trước mắt là củng cố chính quyền cách mạng, chống thực dân Pháp, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân.
Trong khi đàm phán hòa bình và chuẩn bị kháng chiến, Đảng quán triệt quan điểm: “Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp, không những không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy, và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần quyết chiến của dân tộc ta”.
Với tinh thần đó, trong quá trình đàm phán với Pháp, chúng ta tận dụng thời gian hòa hoãn để triển khai một loạt công việc cần kíp can hệ đến an ninh đất nước, trước hết là việc củng cố, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân.
Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành việc tổng tuyển cử, thành lập chính phủ, soạn thảo Hiến pháp, kiện toàn chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất...
Về kinh tế - tài chính, Đảng tổ chức lạc quyên cứu đói, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, khôi phục các nhà máy, hầm mỏ, lập ngân hàng, phát hành giấy bạc, tịch thu ruộng đất của địa chủ, phản động, chia lại ruộng đất, giảm tô cho nông dân, phát động nhân dân tự nguyện đóng góp tiền của thông qua “Tuần lễ vàng”, “Quỹ Độc lập”, thực hiện chế độ “đảm phụ quốc phòng”...
Về văn hóa - xã hội, Đảng vận động toàn dân xây dựng nền văn hóa mới, xóa bỏ tệ nạn xã hội, thực hiện nền giáo dục mới, phát động phong trào bình dân học vụ để diệt “giặc dốt”...
Đi đôi với việc củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng, Đảng chú trọng xây dựng quân đội quốc gia và lực lượng công an Việt Nam. Dựa vào lực lượng chính trị hùng hậu của quần chúng, ta tiến hành xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân. Ngay từ đầu, Đảng nhanh chóng nắm quyền lãnh đạo lực lượng vũ trang và thực hiện nhiều biện pháp để thống nhất chỉ huy, quản lý.
Hoạt động trong hoàn cảnh có nhiều đảng phái, nhiều tổ chức chính trị đối lập, để tránh sự công kích của kẻ thù, ngày 11-11-1945, Đảng ra Nghị quyết tự giải tán, thực chất là rút vào hoạt động bí mật để “lãnh đạo kín đáo và có hiệu quả hơn”.
Mặc dù phải hoạt động bí mật, nhưng Đảng vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo cách mạng thông qua hệ thống, chính sách của nhà nước, cán bộ trong bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt thông qua lãnh tụ của Đảng là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hành động tuyên bố tự giải tán đã thể hiện bản lĩnh của Đảng, được xây dựng trên cơ sở tin tưởng vào chính khả năng, tin tưởng vào đội ngũ đảng viên, vào quần chúng cách mạng. Dù ở hoàn cảnh nào, Đảng cũng giữ vị trí là trung tâm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.
Làm tròn sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng
Có thể khẳng định, trong tình thế cách mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng thể hiện được bản lĩnh chính trị độc lập, tự chủ. Sự nhất quán, tính chất thời sự và các dự báo khoa học là nét đặc trưng chủ yếu của các chủ trương chính sách của Đảng trong giai đoạn này. Đảng đã nỗ lực để khẳng định và làm tròn sứ mệnh lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.
Qua thời gian lãnh đạo kháng chiến ở miền Nam, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chuẩn bị kháng chiến toàn quốc, Đảng càng thêm có uy tín và kinh nghiệm.
Đội ngũ của Đảng thêm đông đảo, nhiều đảng viên, cán bộ được tăng cường cho các cơ quan, đoàn thể và lực lượng vũ trang. Hệ thống tổ chức từ Ban chấp hành Trung ương đến xứ ủy, tỉnh ủy, huyện ủy được củng cố, các chi bộ cơ sở phát triển rộng khắp.
Mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng được duy trì ngày càng chặt chẽ. Sự lớn mạnh của Đảng là nhân tố quyết định sự vững mạnh của chế độ mới.
Cũng qua chỉ đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam và xây dựng lực lượng mọi mặt ở miền Bắc, những quan điểm cơ bản chỉ đạo chiến tranh và đường lối kháng chiến dần được hình thành.
Đường lối đó xác định mục tiêu của cuộc kháng chiến là giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước; chỉ rõ lực lượng tiến hành cuộc kháng chiến là toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt; vạch ra phương hướng tiến hành chiến tranh là kết hợp đấu tranh vũ trang làm chủ yếu, tiến công địch trên tất cả các mặt trận: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, ngoại giao; phương châm chiến lược của cuộc kháng chiến là trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, quán triệt sâu sắc tư tưởng tích cực tiến công, thực hành tiến công địch một cách chủ động, kiên quyết, liên tục, từ nhỏ đến lớn, từ cục bộ đến toàn bộ.
Đây là những vấn đề cơ bản về đường lối kháng chiến. Đường lối đó được tiếp tục bổ sung và hoàn thiện trong quá trình Đảng chỉ đạo, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp trên phạm vi cả nước trong những năm đầu kháng chiến; là cơ sở để Đảng ta chủ động phát động kháng chiến trên toàn quốc vào ngày 19-12-1946.
15 tháng (2-9-1945 - 19-12-1946) chứa đựng khoảnh khắc lịch sử của dân tộc, nhưng cũng là một quãng thời gian đặc biệt, đất nước phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách nghiêm trọng.
Sự nghiệp đấu tranh để giữ vững chính quyền cách mạng trong những năm 1945 - 1946 của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kỳ tích, chứng tỏ bản lĩnh kiên cường của Đảng trước thử thách. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vững vàng tổ chức, lãnh đạo nhân dân chống “thù trong, giặc ngoài” đã chứng tỏ bản lĩnh của Đảng, chứng tỏ sức sống và tính ưu việt của một thiết chế chính trị xã hội mới trên đất nước Việt Nam.
Đó là tiền đề, là điều kiện cần thiết để đất nước vững bước tiến hành cuộc kháng chiến trên quy mô toàn quốc, nhằm đánh bại thực dân Pháp, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
Thực tế lịch sử đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo đầy trí tuệ và bản lĩnh của một Đảng tiên phong, dân tộc Việt Nam đã thực hiện thành công cuộc “kháng chiến, kiến quốc” để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tạo tiền đề cho những thắng lợi tiếp theo của sự nghiệp bảo vệ độc lập và dựng xây đất nước, đưa dân tộc ta, đất nước ta phát triển, vững vàng trước mọi thử thách hiểm nghèo./.
Các bài cũ hơn



