05/11/2024 | 20:59 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Chiến thắng Thượng Đức - trận chiến hào hùng tại mặt trận Quảng Đà

Nguyễn Tấn Toàn
Chiến thắng Thượng Đức - trận chiến hào hùng tại mặt trận Quảng Đà Một góc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam_Ảnh: TL
Chiến thắng Thượng Đức năm 1974 là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển căn bản trong so sánh tương quan thế và lực trên chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Với chiến thắng này, bộ đội chủ lực của Bộ, Quân khu 5 cùng quân và dân Quảng Đà phá sập “cánh cửa thép” bảo vệ vòng ngoài của Khu liên hợp quân sự Đà Nẵng, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại Mùa Xuân năm 1975.

Chiến dịch quan trọng

Chi khu quận lỵ Thượng Đức (nay thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) được xây dựng trên điểm cao 54, cách thành phố Đà Nẵng về phía Tây khoảng 50km, cách biên giới Việt - Lào khoảng 40km, cách đường Trường Sơn Đông không xa về phía Đông. Ngay từ khi đổ bộ vào Đà Nẵng, quân đội Mỹ đã tiến hành xây dựng cao điểm 54 thành một cứ điểm có công sự vững chắc và hỏa lực mạnh. 

Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Thượng Đức là một cứ điểm của địch thường tập trung quân để tổ chức các cuộc hành quân lấn chiếm ra vùng mà ta đã giải phóng từ trước năm 1973. Đồng thời, đây cũng là một điểm chốt chặn ngăn cản lực lượng chủ lực của ta từ Quảng Trị cơ động vào Tây Nguyên, ngăn chặn lực lượng chủ lực của Quân khu 5 từ hướng Tây tiến công vào Đà Nẵng. Sang năm 1974, địch củng cố chi khu quận lỵ Thượng Đức kiên cố, được cho là “bất khả xâm phạm”, ví như “cánh cửa thép” bảo vệ cho Khu căn cứ liên hợp Đà Nẵng từ phía Tây.

“Quân chủ lực cơ động của ta đã mạnh hơn chủ lực cơ động của địch. Một hình thái mới bắt đầu xuất hiện: địch không còn khả năng chiếm lại các vị trí đã mất, quân ta có đủ khả năng tiến công tiêu diệt địch trong công sự kiên cố, tiêu diệt cụm cứ điểm, chi khu, quận lỵ, giữ được mục tiêu, chiếm đất, giải phóng dân ngay ở vùng giáp ranh”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, hiểm yếu của chi khu quân sự Thượng Đức, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định mở chiến dịch Thượng Đức đặt mật danh là K711.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Quân đoàn 2 (được Bộ Tổng Tư lệnh quyết định tăng cường phối thuộc cho Quân khu 5, từ ngày 29-7-1964), Trung đoàn 66 Sư đoàn 304 trực tiếp tiến công tiêu diệt địch trong quận lỵ Thượng Đức. Trong quá trình chiến đấu, lực lượng pháo binh tầm xa của Quân khu 5, Trung đoàn pháo binh 68, 2 đại đội B72 (tên lửa mặt đất chống tăng), 1 đại đội cối 160mm, 1 đại đội A72 (tên lửa bắn máy bay tầm thấp) trực tiếp chi viện.

Khi Sư đoàn 304 chiến đấu tiêu diệt địch ở chi khu quận lỵ Thượng Đức, Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 có nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng địch ở Ba Khe, Gò Cấm, bao vây Hà Sống, diệt trận địa pháo ở Núi Lở, chia cắt, ngăn chặn, đánh địch khi địch rút chạy từ Thượng Đức về Ái Nghĩa và lực lượng địch từ Đà Nẵng, Ái Nghĩa lên ứng cứu, giải tỏa cho lực lượng địch ở căn cứ Thượng Đức.

Tiểu đoàn 10 bộ đội địa phương Quảng Đà đánh địch phía Nam sông Vu Gia từ Ngọc Kinh đến giáp dãy Cấm Muồng thuộc vùng B Đại Lộc. Đến 8h30 phút ngày 7-8-1974, quân ta đã làm chủ hoàn toàn chi khu quân sự Thượng Đức, lá cờ quyết chiến quyết thắng của Đảng bộ nhân dân Quảng Đà dành tặng Sư đoàn 304 tung bay trên chi khu quân sự, quận lỵ Thượng Đức, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch.

Hồi tưởng lại những ký ức trong chiến dịch, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Sáu - nguyên Đại Đội trưởng Đại đội 1, lực lượng vũ trang huyện Đại Lộc - cho biết: “sau 3 đợt tiến công, giằng co ác liệt giữa ta và địch trong hơn 10 ngày, ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ lực lượng địch ở chi khu quận lỵ Thượng Đức, giải phóng hoàn toàn khu vực từ Bàng Tân đến Thượng Đức, làm chủ vùng giải phóng từ Thượng Đức đến vùng B huyện Đại Lộc. Số lượng bộ đội ta hy sinh trong chiến dịch rất lớn, đến nay nhiều phần mộ vẫn chưa được xác định danh tính, nhiều đồng đội đã mãi mãi nằm lại và không trở về”.

Chiến thắng Thượng Đức có ý nghĩa quan trọng khi đây là quận lỵ đầu tiên được giải phóng tại miền Nam sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết mà địch không chiếm lại được; đồng thời khiến quân đội của ngụy quân, ngụy quyền tổn thất, sa sút nghiêm trọng, không còn đủ sức mở các cuộc tiến công bình định, lấn chiếm như trước. 

Thắng lợi của chiến dịch Thượng Đức giúp quân đội ta triển khai các mũi tiến công trên khắp chiến trường Quân khu 5 và Tây Nguyên, tạo điều kiện quan trọng góp phần giải phóng các vùng đồng bằng và miền núi rộng lớn. Chiến thắng Thượng Đức được nhắc đến trong Hội nghị Bộ Chính trị (họp từ ngày 30-9 đến ngày 8-10-1974) như khẳng định thêm thời cơ của cách mạng Việt Nam trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975.

Thượng Đức ngày mới

Sau 50 năm kể từ ngày Thượng Đức được hoàn toàn giải phóng, diện mạo của xã Đại Lãnh không ngừng khởi sắc, trở thành vùng quê phát triển toàn diện, đáng sống, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn từng bước hoàn thiện.

Bà Lương Thị Danh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Lãnh - cho biết: “phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đại Lãnh không ngừng thi đua lập thành tích; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, kế hoạch đề ra, qua đó đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nền tảng quan trọng để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, xây dựng quê hương Đại Lãnh ngày càng phát triển”.

Năm 2011, xã Đại Lãnh bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi nguồn lực lớn. Xã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững gắn với những tiềm năng, lợi thế của địa phương; đưa giống mới vào sản xuất trong nông nghiệp, từng bước hình thành các mô hình hiệu quả kinh tế cao. 

Nhờ đó, phần lớn diện tích trồng lúa bị khô hạn, không hiệu quả được chuyển đổi sang trồng cây hằng năm, cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như dưa hấu, ổi, bưởi, cây có múi... Bên cạnh đó, địa phương tích cực tham mưu, phối hợp, tổ chức và quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với nhiều hình thức đa dạng, phong phú như vận động phát triển kinh tế, xây dựng hệ thống chính trị địa phương vững mạnh, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, thi đua xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư...

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, địa phương không ngừng nỗ lực thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, tạo nên những bứt phá trên các lĩnh vực. 

Năm 2019, xã Đại Lãnh được công nhận xã nông thôn mới, trong đó thôn Hoằng Phước Bắc đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2024 của xã Đại Lãnh ước thực hiện 316,7 tỷ đồng, đạt 51,82% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, tăng 12,74% so với cùng kỳ năm 2023. 

Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt gần 49 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 1,25%. Đường giao thông trục xã, liên xã được bê tông hóa 100%, bảo đảm thuận tiện cho các phương tiện di chuyển. Xã có 3 trường đạt danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia mức 2 và đạt chất lượng kiểm định giáo dục mức độ 3.

Thời gian tới, xã Đại Lãnh phấn đấu duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí đã đạt đối với các thôn đạt danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu, hoàn thành xây dựng nông thôn mới đối với các thôn đã đủ điều kiện và xây dựng phương án nông thôn mới kiểu mẫu đối với các thôn đã được phê duyệt. 

Theo đó, xã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn; nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, cải thiện cảnh quan, môi trường nơi sinh sống và sản xuất; phát triển đời sống văn hóa nông thôn theo hướng đẩy mạnh các phong trào văn hóa, thể thao cơ sở; bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của các hoạt động văn hóa truyền thống./.

26 July 2024
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)