21/11/2024 | 19:36 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kinh tế đêm trong nỗ lực phục hồi ở Đông Nam Á

Phan Lương
Kinh tế đêm trong nỗ lực phục hồi ở Đông Nam Á Khách du lịch ngắm thành phố Singapore về đêm trên xe bus 2 tầng_Ảnh: TL
Dỡ bỏ hạn chế đi lại, đặc biệt mở cửa biên giới để tiếp đón du khách quốc tế, các thành phố khắp Đông Nam Á, từ Bangkok đến Hà Nội, từ Singapore đến Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả đều đang tìm nhiều biện pháp để hồi phục sức hấp dẫn, năng động và kích thích tiêu dùng của mình. Cụm từ nóng nhất suốt năm qua và nửa đầu năm nay chính là “kinh tế đêm”. Rất nhiều biện pháp đã được thực hiện để “bật đèn”, khiến các hoạt động về đêm trở nên thú vị hơn với người dân và du khách, những người muốn có nhiều trải nghiệm khác trong buổi tối thay vì ở nhà hàng hay quán bar.

Du lịch đêm cũng góp phần giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu. Không khí nóng ẩm và nhiệt độ cao vào ban ngày ở Đông Nam Á thường mát mẻ hơn vào buổi tối, khiến du khách có nhiều cơ hội khám phá hơn. Rất nhiều biện pháp thúc đẩy trải nghiệm về đêm như tích hợp mua sắm, ăn uống và tham quan, cũng như những địa điểm check-in đẹp đã được nhà chức trách các nước đưa ra. Mục tiêu ưu tiên là tái kích thích người tiêu dùng mua sắm tại cửa hàng, đặc biệt khi đi du lịch. Mặc dù vậy, nỗ lực hồi sinh các khu vực trung tâm thành phố để thu hút người dân và du khách chi tiêu nhiều hơn không phải nhiệm vụ dễ dàng, do sự phổ biến rộng rãi của thương mại điện tử.

Theo ghi nhận của Bain & Co và Facebook, ở Đông Nam Á, 70 triệu người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng thương mại điện tử trong thời kỳ đại dịch. Đáng lưu ý, báo cáo nhận định “với việc ngày càng có nhiều người cơ cấu chi tiêu của mình quanh các nền tảng trực tuyến, mức tiêu dùng tập trung vào kỹ thuật số ngày càng có nhiều khả năng sẽ được duy trì” sau đại dịch. Cho đến nay, nhận định về nhu cầu “chi tiêu trả thù” của du khách có thể kích thích hoạt động kinh tế bán lẻ sau khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ vẫn chưa thành hiện thực, phần lớn bởi tình trạng các nền kinh tế vẫn đang phải vật lộn tìm cách phục hồi trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất định.

Đến nay, nỗ lực phục hồi hoạt động kinh tế đêm ở châu Á nói chung, đặc biệt là Đông Nam Á nói riêng, vẫn vấp phải rất nhiều khó khăn. Theo Nikkei Asia, dựa trên hình ảnh vệ tinh của NASA, Tokyo vẫn tối hơn vào buổi tối so với năm 2019 - thời điểm trước khi có đại dịch COVID-19. Nhiều trung tâm giải trí phải tạm thời đóng cửa vì ảnh hưởng của đại dịch. Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 4-2022 đến tháng 10-2022, số liệu cho thấy ánh sáng ở Paris và London đã tăng lần lượt là 3,2% và 1,4% so với trung bình cùng kỳ của năm 2019, trong khi giảm 3,2% ở New York và 11,6% ở Tokyo.

Còn tại Singapore, sự bùng nổ của các hoạt động giải trí về đêm sau khi chính phủ dỡ bỏ phong tỏa phòng chống dịch trong năm 2022 đã rất nhanh lụi tàn. Rất nhiều cơ sở giải trí chật vật tìm cách duy trì hoạt động. Nhiều lý do được nhắc đến, chẳng hạn như thiếu hụt vốn đầu tư sau 2 năm phải đóng cửa, cũng như sự thay đổi trong chính sách cấp giấy phép hoạt động của chính quyền. Dù hoạt động kinh tế đêm tại Singapore vẫn đang phục hồi, nhưng cùng với đó là chi phí thuê địa điểm cũng như năng lượng tăng mạnh. Rất nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ đã phải đóng cửa, hoặc nỗ lực tìm cách thích ứng với môi trường mới.

Nguyên nhân phần lớn là bởi sự hồi phục chậm trễ trong hoạt động kinh tế đêm ở những nơi này. Đại dịch COVID-19 đã để lại di chứng rất lớn, khi nhiều người giờ đây đã thay đổi lối sống, phương thức làm việc cũng như thói quen sinh hoạt và chi tiêu. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt lao động cũng là một nguyên nhân khác. Rất nhiều người đã đổi nghề trong giai đoạn đại dịch, khiến ngành dịch vụ trở nên thiếu nhân lực để đáp ứng nhu cầu. Bên cạnh đó, nền kinh tế chật vật phục hồi, trong bối cảnh lạm phát cao và các ngân hàng trung ương siết chặt chính sách nới lỏng tiền tệ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để kích cầu, nhà chức trách các địa phương vẫn cần phải tăng đầu tư để khôi phục các chợ đêm, thắp sáng đô thị cũng như mở rộng các hoạt động du lịch. Chẳng hạn những cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/7 cần được mở rộng tại các khu vực trung tâm và dân cư đông đúc. Theo các chuyên gia, các thành phố muốn thúc đẩy xu hướng tương tác mới trong hoạt động kinh tế đêm cần phải phân biệt rõ giữa trải nghiệm tại cửa hàng và mua sắm trực tuyến. Bên cạnh đó, hoạt động bán lẻ ở các khu vực trung tâm cần được cải tạo, thời gian mở cửa kéo dài hơn. Đáng lưu ý, việc “thắp sáng” thành phố sẽ được những người dùng mạng xã hội ưa thích để check-in trong các hoạt động kinh tế đêm.

Bên cạnh việc thúc đẩy các chính sách kích thích, việc bảo đảm an toàn cho các hoạt động này cũng thực sự là một vấn đề cần được nhà chức trách quan tâm. Trước hết, chính là vấn đề đi lại. Hầu hết các phương tiện giao thông công cộng đều ngừng hoạt động khá sớm, khiến việc đi lại của những người muốn tận hưởng trải nghiệm cuộc sống về đêm tại đô thị gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, theo các chuyên gia, việc tạo cho người dân và du khách không gian kết nối và những chuyến đi an toàn vào ban đêm phụ thuộc rất lớn vào việc hoạch định chính sách của chính quyền thành phố. Các không gian công cộng cần sự linh hoạt để trở nên hấp dẫn hơn vào tất cả giai đoạn trong ngày, kể cả ban đêm, với sự an toàn và tiện lợi là cốt lõi trong thiết kế của chúng. Với phương tiện giao thông công cộng, kế hoạch còn bao gồm cả việc tạo đủ ánh sáng, an ninh cho các điểm đón khách và tần suất phục vụ. Nhiều thành phố đã nhận ra điều này và đã hành động, chẳng hạn như tại Australia.

Kinh tế đêm là một phần hợp nhất trong cơ cấu thương mại, văn hóa và xã hội của bất kỳ đô thị lớn nào. Hoạt động kinh tế đêm hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội phát triển, sự sôi động và văn hóa cho các thành phố và là chất xúc tác để định hình cuộc sống sau hoàng hôn ở khu vực đô thị. Trong bối cảnh hiện nay, “sức khỏe” của hoạt động kinh tế đêm chính là một chỉ dấu khác nữa cho thấy sự phục hồi nhanh chóng đến đâu của một nền kinh tế nói chung, cũng như sẽ đóng góp một phần quan trọng trong nỗ lực phục hồi và phát triển của bất kỳ quốc gia nào, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn và trở ngại như hiện nay. Nó tất yếu đòi hỏi sự quan tâm thích đáng và hoạch định chính sách phù hợp của các chính phủ./.