23/11/2024 | 16:27 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Phát triển kinh tế biển vùng duyên hải miền Trung và phía Nam: Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

LÂM QUÂN
Phát triển kinh tế biển vùng duyên hải miền Trung và phía Nam: Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp Biển Mũi Né (tỉnh Bình Thuận) - điểm đến ưa thích của khách du lịch_Ảnh: TTXVN

Nhiều tiềm năng và lợi thế

Các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam có rất nhiều lợi thế, tiềm năng về phát triển kinh tế biển, bởi bờ biển nơi đây trải dài gần 2.500km, với hàng ngàn đảo lớn nhỏ khác nhau; về địa giới hành chính đã hình thành 7 huyện đảo là Lý Sơn, Phú Quý, Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Đảo, Kiên Hải và Phú Quốc. Trong đó, đáng chú ý là vùng duyên hải miền Trung nằm ven biển dài với 1.430km bờ biển, được xem là “mặt tiền” của Việt Nam nhìn ra Biển Đông, nên có ưu thế rất quan trọng về kinh tế biển. Tại phía Nam, riêng vùng biển Đông Nam bộ có hơn 300km, với thế mạnh khai thác cảng biển trong phát triển kinh tế; còn vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long tiếp giáp biển với bờ biển dài khoảng 700km. Có thể nói, những yếu tố điều kiện tự nhiên của khu vực này chính là tiềm năng, lợi thế để các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Các chuyên gia kinh tế nhận định: Vùng biển của các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam là cửa ngõ đi ra biển Đông nối liền với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nơi đây có nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu,... là điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế biển tổng hợp với các ngành chủ lực.

Nhận định về việc khai thác lợi thế của vùng, GS, TS. Đoàn Thị Hồng Vân - Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: Với lợi thế, tiềm năng có nhiều bãi biển đẹp, địa danh nổi tiếng, nên vùng biển duyên hải miền Trung và phía Nam rất thuận lợi trong phát triển du lịch; nơi đây còn có ngư trường rộng, nguồn lợi hải sản lớn là tiền đề để phát triển khai thác và nuôi trồng thủy hải sản. Trong khi đó, các vũng, vịnh ven biển độ sâu lớn, rất thuận lợi để phát triển các cảng biển nước sâu, trong đó, vùng biển Đông Nam bộ đã hình thành hệ thống cảng biển nhóm 5, là trung tâm dịch vụ logistics lớn nhất nước ta và nhiều năm qua hệ thống cảng biển nhóm 5 đảm nhận khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa, trên 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam. Ngoài ra, PGS, TS. Trương Minh Dục - Học viện Chính trị khu vực III còn chỉ ra, đây là khu vực được đánh giá có tiềm năng về năng lượng gió và năng lượng mặt trời, là tiền đề cho phát triển khai thác năng lượng tái tạo.

Khó khăn, thách thức cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được đối với phát triển kinh tế biển của các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam, các chuyên gia kinh tế cho rằng vẫn còn nhiều thách thức gây ảnh hưởng đến nỗ lực hướng mạnh ra biển, thậm chí, nhiều nơi còn nảy sinh những mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển và hải đảo, điều này không chỉ làm cạn kiệt tài nguyên, mà môi trường biển cũng bị biến đổi theo chiều hướng xấu.

Theo TS. Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, khó khăn, hạn chế lớn nhất trong phát triển kinh tế biển hiện nay ở khu vực này là công tác quản lý của nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế biển còn yếu, quy hoạch không gian biển rời rạc, hệ thống pháp lý liên quan chưa hoàn chỉnh. Trong khi, do phát triển tràn lan các khu kinh tế ven biển đang hiện hữu khiến cho đầu tư dàn trải; trong mô hình phát triển các khu kinh tế ven biển nói riêng và kinh tế biển nói chung thiếu “đầu tàu”, chưa thực sự áp dụng quy luật lan tỏa trong phát triển.

Nhận định về một vấn đề khá mới mẻ và là hạn chế trước xu thế mới đối với phát triển kinh tế biển nước ta nói chung và các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam nói riêng, PGS, TS. Lý Hoàng Ánh, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay khái niệm “kinh tế biển xanh” và “phát triển bền vững kinh tế biển” vẫn chưa được vận dụng một cách rõ rệt ở nước ta. Mặc dù, vấn đề này đã hình thành và tồn tại trong suốt hơn 20 năm thực hiện phát triển bền vững (từ Rio - 92) với 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Do đó, quá trình chuyển từ kinh tế biển “nâu” sang “xanh” ở vùng duyên hải miền Trung và phía Nam của nước ta vẫn gặp nhiều thách thức. PGS, TS. Lý Hoàng Ánh lý giải, nguyên nhân là do nhận thức về khái niệm trên của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ. Trong khi đó, TS. Đinh Kiệm, Trường Đại học Lao Động Xã hội - Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo, thời gian gần đây môi trường biển vùng duyên hải miền Trung và phía Nam biến đổi theo chiều hướng xấu. Ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven đổ ra biển, khiến môi trường tiếp tục bị ô nhiễm, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi hải sản giảm sút, các hệ sinh thái biển quan trọng bị suy thoái.

Ngoài ra, nhiều nhà khoa học, chuyên gia kinh tế còn cho biết, do việc quan tâm đào tạo nguồn nhân lực biển chưa trở thành nhân tố then chốt trong phát triển bền vững kinh tế biển. Hay thực tiễn đang diễn ra sự mâu thuẫn phát triển mục tiêu của địa phương với vùng và liên vùng; mâu thuẫn giữa phát triển manh mún, đơn lẻ, tập thể với phát huy lợi thế so sánh đòi hỏi phải có tư duy hệ thống... Bởi vậy, quy mô, tốc độ, chất lượng phát triển kinh tế biển so với điều kiện, tiềm năng còn nhiều hạn chế, chưa được tương xứng; chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch ở một số địa phương có biển và ven biển chưa cao, chưa chuyên nghiệp, chưa thật hấp dẫn du khách. Đáng nói nữa là, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thủy sản còn bất cập chưa thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng vùng biển, ven biển và vốn đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật vùng ven biển, hải đảo chưa đáp ứng nhu cầu.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra mục tiêu “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại”.

Để thực hiện tốt Nghị quyết số 36, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, thách thức mà nền kinh tế biển của các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam đang gặp phải, ông Hoàng Nhất Thống - Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng: cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nhất là xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và địa phương góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, vị trí, vai trò của biển và hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thương hiệu các sản phẩm, sản vật biển, đảo đặc sắc của địa phương đến với người dân trong nước và quốc tế. Chia sẻ về giải pháp mang tính phát huy sức mạnh tổng lực, GS, TS. Đoàn Thị Hồng Vân - Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh gợi ý, cùng với việc tăng cường liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương, cần phải liên kết đa chiều - tức là liên kết từ trong nhận thức, từ chủ trương, chính sách cho đến người dân phải có một sự kết nối chặt chẽ với nhau. Như vậy mới có thể động viên tổng lực các nguồn lực của đất nước để phát triển nền kinh tế biển nói riêng và cả nền kinh tế nói chung”.

Cùng với các giải pháp trên, các chuyên gia kinh tế còn cho rằng các tỉnh, thành duyên hải miền Trung và phía Nam cần thực hiện đồng bộ với các giải pháp như: tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng quy hoạch theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm phù hợp thực tiễn, quy hoạch của vùng và cả nước; quan tâm đến phát triển khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế biển theo mô hình kinh tế xanh, sạch. Cùng với đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực biển, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, cần chú trọng huy động, phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ phát triển kinh tế vùng ven biển, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, theo hướng hiện đại, tạo cơ sở để phát triển các loại hình kinh tế biển, đảo. Bên cạnh đó, không ngừng tăng cường hợp tác quốc tế về biển; có cơ chế, chính sách hợp lý để huy động, khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển. Song song với phát triển kinh tế biển phải gắn kết chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quốc gia; bảo đảm an ninh, an toàn cho dân cư, người lao động và các hoạt động kinh tế khu vực biển./.

(HSSK 407: 25/9/2019)