06/10/2024 | 00:43 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

ASEAN và chiến lược phát triển “kinh tế xanh lam”

Phan Lương
ASEAN và chiến lược phát triển “kinh tế xanh lam” Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang_Ảnh: TTXVN

Tiềm năng khổng lồ

Quỹ Thiên nhiên hoang dã thế giới nhận định giá trị tài sản của các đại dương vượt quá con số 24.000 tỷ USD, và trong khi ngành ngư nghiệp đang bị khai thác quá mức, vẫn còn nhiều không gian ở các ngành khác trong kinh tế biển để phát triển, như năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, vận tải biển, quản lý rác thải, du lịch và biến đổi khí hậu. Còn theo Ủy ban châu Âu (EC), đến năm 2030, kinh tế xanh lam toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng gấp đôi so với kinh tế truyền thống.

Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) ước tính các đại dương hiện đóng góp 1.500 tỷ USD/năm giá trị tăng thêm cho kinh tế toàn cầu. Trong đó, ngư nghiệp đang sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp 10% - 12% dân số thế giới, với hơn 90% trong số đó ở các nước đang phát triển. Các thị trường tài chính quốc tế đã “để mắt” tới kinh tế xanh lam. Đảo quốc Seychelles chuẩn bị ra mắt trái phiếu xanh lam (blue bond) đầu tiên trên thế giới sau khi được thông qua hồi năm ngoái. Các nhà phân tích của HSBC dự đoán các trái phiếu biển sẽ phát triển tốt.

Không chỉ mang lại lợi ích tiềm tàng cho các đảo quốc nhỏ hay kém phát triển như Seychelles, kinh tế xanh lam còn rất hữu ích với cả những nền kinh tế lớn. Trong cuốn sách “Kinh tế xanh lam: 10 năm, 100 sự đổi mới, 100 triệu việc làm”, tác giả Gunter Pauli giải thích rằng một “mô hình kinh doanh kinh tế xanh lam” sẽ chuyển đổi xã hội từ khan hiếm sang phong phú dựa trên những gì sẵn có tại địa phương, bằng cách giải quyết những vấn đề gây ra tác hại môi trường theo cách thức mới.

Đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã vượt trước các khu vực khác trong lĩnh vực kinh tế xanh lam. Đã có khoảng 3,3 triệu lao động tham gia các hoạt động kinh tế xanh lam trong năm 2014. Năm ngoái, BlueInvest - hội nghị đầu tiên nhằm mục đích thu hút đầu tư vào kinh tế xanh lam, đã được EU tổ chức. EU ước tính tổng giá trị gia tăng của kinh tế xanh lam là 500 tỷ euro/năm, thu hút khoảng 40% số người sống ở bán kính 50km từ biển đổ lại tham gia lực lượng lao động. Mỹ cũng đã lên kế hoạch phát triển kinh tế xanh lam, ở mức độ cao hơn. Trong bối cảnh đó, châu Á dường như đang tụt lại phía sau.

Nhu cầu bức thiết

Với đường bờ biển dài 173.000km, các nước Đông Nam Á đang tiếp giáp một trong những vùng biển có lợi ích kinh tế và hệ sinh thái phong phú bậc nhất thế giới. Kinh tế biển chiếm tỷ trọng đáng kể trong GDP của nhiều quốc gia khu vực, như xấp xỉ 22% với Việt Nam và 15% với Indonesia. Thái Lan và Việt Nam cũng nằm trong top 3 nước xuất khẩu thủy, hải sản hàng đầu khu vực. Đông Nam Á cũng có 6 trong số 25 hải cảng container tấp nập nhất thế giới và 2 trong số 10 nền kinh tế đóng tàu lớn nhất toàn cầu (Philippines và Việt Nam). Ở mức độ toàn diện hơn, Biển Đông cũng đã được thừa nhận là nơi có nguồn dự trữ dầu khí đáng kể.

Là khu vực phụ thuộc nhiều vào tài nguyên biển, các nước ASEAN thời gian qua đã nhận thức được tầm quan trọng của việc khai thác bền vững nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia trong dài hạn. Đã có nhiều dấu hiệu về tình trạng đánh bắt quá mức nguồn hải sản, cũng như các vùng ven biển được thừa nhận nằm trong số những nơi dễ chịu tác động nhất của biến đổi khí hậu. Nhiều nước bắt đầu hành động, thông qua một loạt biện pháp pháp lý và thực tiễn phù hợp với nguyên tắc của kinh tế lam.

Tại Thái Lan, Luật Thúc đẩy quản lý tài nguyên biển và ven biển đã có hiệu lực từ tháng 6-2015. Tại Việt Nam, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã xác định mục tiêu đến năm 2020 kinh tế biển và ven biển sẽ đóng góp khoảng 53% - 55% GDP cả nước và 55% - 60% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Can dự sâu sắc cả ở khái niệm và thực tiễn, kinh tế xanh lam cũng là một ưu tiên nghị sự của ASEAN. Hôm 12-9, ASEAN và Ấn Độ đã tổ chức hội thảo về kinh tế xanh lam lần thứ 3, với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ban, ngành hữu quan hai bên cũng như từ khu vực tư nhân, tổ chức quốc tế, giới học giả. Các đại biểu thảo luận sâu rộng về những lĩnh vực hợp tác kinh tế xanh lam tiềm tàng ASEAN - Ấn Độ, cũng như thách thức trong việc duy trì kinh tế xanh lam như một chất xúc tác cho tăng trưởng khu vực.

Hồi tháng 5-2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng phát động Kế hoạch hành động vì các đại dương khỏe mạnh và kinh tế xanh lam bền vững của khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Theo đó, ngân sách hỗ trợ tài chính và kỹ thuật mở rộng cho các dự án kinh tế biển và đại dương lên tới 5 tỷ USD trong giai đoạn 2019 - 2024. ADB còn phát động Sáng kiến tài chính đại dương để tạo cơ hội cho khu vực tư nhân đầu tư vào những dự án khả thi, thông qua công cụ như trái phiếu xanh lam để hút vốn. Sáng kiến này dự kiến được thí điểm ở Đông Nam Á với sự hợp tác của Quỹ Cơ sở hạ tầng ASEAN và Chính phủ Hàn Quốc.

Thách thức cần vượt qua

Con đường thực hiện kinh tế xanh lam ở ASEANcũng không dễ dàng. Cần phải thừa nhận lợi ích và các vấn đề biển được quan tâm ở nhiều mức độ khác nhau giữa các nước trong khu vực. Chẳng hạn, du lịch ven biển và biển là ưu tiên ở Philippines, Malaysia và Indonesia, trong khi lĩnh vực đóng tàu và kết cấu hạ tầng biển lại là ưu tiên của Indonesia, Malaysia, Singapore, Việt Nam và Philippines. Còn quản lý ngư nghiệp và xuất khẩu hải sản là một trọng tâm nghị sự ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines.

Hợp nhất và điều phối sự đa dạng trong lợi ích biển quốc gia dưới một khuôn khổ kinh tế xanh lam khu vực không chỉ đòi hỏi sự lãnh đạo và quyết tâm chính trị thống nhất, mà còn cần những biện pháp xây dựng năng lực, cũng như tâm lý hợp tác và chấp nhận thỏa hiệp giữa các bên. Trong bối cảnh đó, việc Cộng đồng ASEAN, trong đó kinh tế là một trụ cột, được thành lập vào năm 2015, thực sự có ý nghĩa quan trọng trong điều phối và thực hiện kế hoạch chung cho cả khu vực tiến tới hội nhập kinh tế toàn diện.

Một vấn đề khác cũng cần phải đề cập, đó là vấn đề an ninh truyền thống, như tranh chấp lãnh hải, giữa ASEAN với các cường quốc bên ngoài và giữa bản thân các nước thành viên. Bên cạnh đó, vấn đề an ninh phi truyền thống cũng là một xu thế đáng quan ngại. Năm 2016 chứng kiến một số lượng lớn vụ cướp biển diễn ra ở vùng biển Sulu, nơi ước tính có 55 triệu mét khối hàng hóa đi qua mỗi năm. Thủ phạm thường là các nhóm phiến quân Hồi giáo như Abu Sayyaf. Cùng với đó là nguy cơ khủng bố từ những nhóm khu vực có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Hợp tác đa phương để giải quyết những thách thức như vậy là hết sức cần thiết và cần phải được triển khai giữa các nước ASEAN. Rõ ràng, ở khía cạnh hợp tác kinh tế, các nước khu vực đến nay đã thể hiện sự sẵn sàng phối hợp, bất chấp những khác biệt rõ ràng về chính trị và an ninh. Chính vì thế, triển vọng về kinh tế xanh lam ở ASEAN cơ bản là tươi sáng, đồng nghĩa cánh cửa cơ hội để khai thác hiệu quả lợi ích tài nguyên biển và ven biển đang mở rộng./.

(HSSK 407: 25/9/2019)