05/10/2024 | 22:28 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Để Thành phố Hồ Chí Minh “thức” với kinh tế đêm

Khánh Linh
Làm sao để du khách “thức nhiều hơn” với Thành phố đang là bài toán đặt ra với chính quyền thành phố, giới nghiên cứu, doanh nhân và cộng đồng. Lời giải nằm ở kinh tế đêm với những điểm nhấn ẩm thực, mua sắm và vui chơi giải trí “từ tối hôm trước đến sáng hôm sau”.

Phố đi bộ Bùi Viện, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút du khách vào ban đêm_Ảnh: nld.com.vn

Nâng cao “chất lượng chi tiêu” của du khách

Những nghiên cứu thị trường mới nhất cho thấy sau đại dịch và giai đoạn suy trầm kinh tế hiện nay, số lượt du khách trên toàn cầu giảm đáng kể, nhưng thời gian lưu trú cũng như mức độ chi tiêu của du khách lại tăng. Bởi vậy, việc làm sao cho du khách “mở hầu bao” chi tiêu nhiều hơn đang trở thành trọng tâm chú ý của các điểm du lịch trên toàn cầu. Thành phố Hồ Chí Minh cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch, mỗi khách nước ngoài đến Việt Nam trong năm 2022 dành trung bình 357,12USD cho thuê, mướn khách sạn; 257,57USD cho ăn uống; 167,43USD cho mua sắm; 162,56USD cho phương tiện đi lại tại Việt Nam; 109,96USD cho tham quan và giải trí.

Như vậy, nguồn thu chủ yếu của ngành du lịch vẫn chỉ đến từ dịch vụ lưu trú và ăn uống (tương đương với 56,75% số tiền mà du khách chi tiêu), trong khi trên thế giới, phần thu mang lại nhiều giá trị kinh tế nhất lại đến từ mua sắm và dịch vụ tham quan - giải trí. Do đó, giải pháp nâng cao “chất lượng chi tiêu” của du khách chính là ở chỗ làm sao cho họ mua sắm nhiều hơn, vui chơi giải trí nhiều hơn, chứ không chỉ tập trung vào ăn uống và khách sạn giá rẻ như hiện nay.

“Du khách đến thành phố này, cả ngày đi chơi, đi tham quan ngoại ô mệt rã rời, tối về làm gì? Ngủ. Chỉ mùi khói thịt nướng ngoài phố thì không đủ kéo họ ra khỏi phòng. Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa mới “bắt” họ phải thức, phải đi ăn, đi chơi, đi nhảy múa, đi mua sắm... Có như thế, du lịch thành phố mới vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay và phát triển được”, giám đốc một công ty du lịch có tiếng ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ. Ông cũng cho biết, ở nhiều nước, kinh tế đêm mang lại tới hơn 70% doanh thu cho ngành du lịch. “Có thể nói, “bắt du khách phải thức” chính là bí quyết công nghệ du lịch hiện đại”.

Du khách ngắm Thành phố Hồ Chí Minh về đêm trên xe bus sông_Ảnh: TL

Tập trung vào ẩm thực

Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tiên trên cả nước nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế đêm. Các tuyến phố đi bộ, ăn đêm được mở và vận hành khá tốt. Mặc dù bị gián đoạn bởi đại dịch, nhưng các tuyến phố này vẫn cố gắng rất nhiều để thức khuya hơn với du khách, mang về cho tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố hơn 6 tỷ USD năm 2022 và hướng tới 14 tỷ USD năm 2030.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch Thành phố - Ủy ban nhân dân Thành phố đã có đề án phát triển kinh tế đêm và du lịch thông minh với 22 tuyến phố, chợ đêm được đưa vào quy hoạch. Trong chiến lược phát triển này, ẩm thực đang là trụ cột quan trọng nhất.

Hiện Thành phố có khoảng 16.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng có địa chỉ cố định, khoảng 16.000 quán ăn đường phố không cố định. Đây là hạ tầng chân rết vô cùng quan trọng để phát triển ngành ẩm thực nói riêng, kinh tế đêm nói chung. “Cái thiếu nhất của ẩm thực là thiếu một tầm nhìn chiến lược. Ẩm thực của chúng ta còn chưa xây dựng được thương hiệu xứng tầm thế giới. Du khách đã biết đến phở, bánh mì, chả giò,... nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra được cách thức khai thác những thương hiệu ấy. Các hàng quán ban đêm mới chỉ tập trung vào các món ăn đường phố giống như các nơi trên thế giới, để “ăn xổi” được ngay, mà chưa chăm lo tạo dựng những tên tuổi lâu dài để “bắt” du khách phải quay lại”, ông Nguyễn Việt Anh - nguyên Trưởng phòng Lữ hành, sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh - chia sẻ.

Thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều lợi điểm để “nâng tầm ẩm thực”. Là nơi hòa quyện của ẩm thực Việt - Pháp - Hoa gần như độc nhất vô nhị trên thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh và Việt Nam nói chung có thể định vị mình như một “bếp ăn toàn cầu”, một “nhà hàng của thế giới”. Để làm được điều này, Sở Du lịch Thành phố phải tập trung xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng các cơ sở dịch vụ ẩm thực trên địa bàn để bảo đảm các cơ sở chất lượng kém không làm hỏng thương hiệu chung của toàn thành phố.

Bên cạnh đó, hệ thống phố ăn đêm phải được kiện toàn. Thành phố đang quyết tâm xây dựng 22 tuyến phố ăn đêm - chợ đêm để phục vụ du khách. Nhiều tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực bước đầu định hình, tạo được sức hút như: phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện (quận 1); phố ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4); phố ẩm thực - mua sắm trên đường Hậu Giang (quận 6); phố ẩm thực trước kỳ đài Quang Trung, Hồ Thị Kỷ (quận 10). Mới đây, quận 3 đã khai trương phố ẩm thực Nguyễn Thượng Hiền, còn Phú Nhuận cũng đang chuẩn bị mở phố ẩm thực Phan Xích Long. Phố đi bộ hồ Con Rùa cũng đã chính thức đi vào hoạt động vào các tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần.

Đẩy mạnh mua sắm và giải trí

Các khu phố ẩm thực đêm đã góp phần không nhỏ cho du khách “thức” nhiều hơn với thành phố, tạo những bước đi đầu tiên cho kinh tế đêm. Tuy nhiên, về lâu về dài, kinh tế đêm của thành phố sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn nếu đẩy mạnh mua sắm và giải trí.

Mới đây, phát biểu khai mạc tọa đàm “Quản lý kinh tế đêm trên địa bàn quận 1”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1 Nguyễn Duy An nhấn mạnh: “kinh tế đêm là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra từ sau 18 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm: ẩm thực; mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24; nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện; các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm. Là quận trung tâm của thành phố, nơi tập trung mật độ cao các hoạt động kinh tế - thương mại - dịch vụ - văn hóa, việc nghiên cứu bài bản và xây dựng định hướng phát triển kinh tế đêm là hết sức cần thiết, nhằm phát huy tiềm năng của quận, tối đa hóa các lợi ích kinh tế - xã hội mà kinh tế đêm mang lại; đồng thời đưa ra những phương án giảm thiểu tác động tiêu cực của kinh tế đêm”.

Như vậy, tầm nhìn của các nhà quản lý không chỉ dừng lại ở ẩm thực đêm, mà còn mở rộng ra mua sắm đêm, giải trí đêm, các điểm du lịch ban đêm. Nhiều chuyên gia đề xuất nên lấy sông Sài Gòn làm điểm nhấn kinh tế đêm. Hiện Thành phố mới chỉ có các tàu nhà hàng hoạt động từ 8 giờ tối đến tầm 11 giờ đêm và các tuyến bus sông khá đơn điệu chạy ban ngày. Tuy nhiên, nếu nâng cấp và đầu tư bài bản hơn, sông Sài Gòn có thể trở thành một điểm vui chơi tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách với các chuyến tàu đêm, hai bên bờ sông cùng các bến đậu nhộp nhịp thâu đêm suốt sáng.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng nên quy hoạch để có những dịch vụ vui chơi đi kèm như: bar, vũ trường, thậm chí cả casino cho người nước ngoài chơi xuyên đêm. Hiện nay, thành phố mới chỉ có một vài show biểu diễn nghệ thuật như chương trình À Ố Show, quá nghèo nàn so với nhu cầu của du khách. Trong khi nhu cầu được thức, được chơi khi đi du lịch có thể mở ra những cơ hội lớn cho ngành này. Bên cạnh những cái lợi nhãn tiền của kinh tế đêm, Thành phố cũng không thể quên nó có thể ảnh hưởng đến cư dân hiện hữu và phải có các biện pháp khoanh vùng, cách ly hữu hiệu giữa phần “thức cùng du khách” và phần “ngủ” của người dân./.