21/11/2024 | 19:50 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nền kinh tế đại dương: Chỉ bền vững nếu điều hòa được lợi ích

Thanh Nam
Nền kinh tế đại dương: Chỉ bền vững nếu điều hòa được lợi ích Thả lồng nuôi hàu làm sạch nước biển ở New York (Mỹ)_Ảnh: TL

Ba vấn đề cơ bản

Sự mâu thuẫn này tập trung chủ yếu quanh động lực để tạo lợi nhuận từ biển, chủ yếu qua xu hướng phát triển công nghiệp mới và kể cả truyền thống, đối nghịch với mục tiêu phát triển môi trường bền vững và nhu cầu của các cộng đồng bản địa.

Loài người có xu thế quay sang các đại dương, khi những nguồn tài nguyên dự trữ trên Trái đất đã trở nên cạn kiệt. Nhưng nguồn tài nguyên quý giá này cũng đang chịu tác động nghiêm trọng từ hoạt động của con người, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu, tình trạng a-xít hóa, đánh bắt hải sản quá mức, ô nhiễm và nhiều vấn đề khác. Bao phủ 2/3 bề mặt Trái đất, các đại dương là một phần thiết yếu cho cả hành tinh và cuộc sống con người. Không chỉ hỗ trợ làm giảm các tác động của biến đổi khí hậu, những hệ sinh thái này còn cung cấp nơi sinh sống cho hàng triệu loài sinh vật, hơn một nửa ô-xy chúng ta hít thở và thực phẩm cho hơn 1 tỷ người.

Về cơ bản, sự tồn tại của chúng ta phụ thuộc vào chất lượng các vùng biển sạch. Vì vậy, hình mẫu lý tưởng cho một “nền kinh tế đại dương” được xây dựng xung quanh “3 vấn đề cơ bản”, gồm: hoạch định chính sách, hội nhập kinh tế và các nhu cầu xã hội - môi trường cho tất cả lợi ích tối ưu. Với một định nghĩa tổng thể, bước tiếp theo là biến nó thành hiện thực.

Ai được và ai mất?

Một nhóm lớn các nhà nghiên cứu từ vùng duyên hải phía Nam bang New South Wales (Australia) đã đi tiên phong trong việc khảo sát những cách thức nhằm đưa lý thuyết “nền kinh tế đại dương” bền vững vào hoạt động thực tiễn. Đây là dự án nghiên cứu trong Chương trình các thách thức toàn cầu của Trường Đại học Wollongong (Australia), thu hút hơn 20 học giả thuộc nhiều khoa như sinh vật biển, nghệ thuật và nhân văn, khoa học xã hội, cơ khí và luật tham gia.

Trưởng nhóm dự án, nghiên cứu sinh Michelle Voyer thuộc Trung tâm Tài nguyên và An ninh đại dương quốc gia Australia, nhận định: “lâu nay, trong lĩnh vực quản lý đại dương, chúng ta có xu hướng suy nghĩ trong các khu vực biệt lập. Người làm hàng hải chỉ nghĩ tới hàng hải, khai thác thác hải sản chỉ nghĩ tới hải sản, và tương tự là cho tất cả các lĩnh vực khác. Nền kinh tế đại dương là một bức tranh lớn, tư duy của nó mang tính tổng thể, trên khắp các lĩnh vực khác nhau, vậy nên chúng ta phải đặt câu hỏi, làm thế nào để có sự quản lý theo một cách hội nhập hơn?”.

Để minh họa, chuyên gia Voyer mô tả một khảo sát của bà cùng các đồng sự liên quan tới dinh dưỡng và an ninh lương thực ở Timos Leste nhằm tìm kiếm cơ hội khả thi. Khu vực này là một ví dụ điển hình khi được hoạch định hướng nguồn tài nguyên vào mũi nhọn xuất khẩu hải sản, hoặc xây dựng các thị trường du lịch quốc tế tại quốc gia Đông Nam Á nhỏ bé này. Câu hỏi đặt ra là những hoạt động này sẽ tác động ra sao tới an ninh lương thực địa phương? Trưởng dự án Michelle Voyer phân tích: “sẽ rất thú vị khi chúng ta tách bạch những những lĩnh vực chồng chéo này và suy nghĩ về nó. Ai được và ai mất trong tất cả các kịch bản khác nhau mà nền kinh tế đại dương sẽ khuyến khích và thúc đẩy”.

Mới đây tại chính Australia, nhóm nghiên cứu đã đi bước tiếp theo khi tạo một câu chuyện bản đồ tương tác trực tuyến với mục đích gắn kết các cộng đồng liên quan và những chuyên gia đổi mới cùng thảo luận về lợi ích của nền kinh tế đại dương.

Tương tác cộng đồng

Trang web (www.arcgis.com /apps/Cascade) mở đầu với câu hỏi dành cho bạn đọc: “khi nhìn ra khắp đại dương... bạn nghĩ gì về tương lai?”. Đó là sự hoạch định về một tương lai xanh cho vùng biển phía Nam bang New South Wales với những mục tiêu rõ ràng như “nghề nghiệp, thu nhập và an ninh bền vững cho các cộng đồng duyên hải phía Nam Australia”. Nó cũng đồng nghĩa với việc duy trì những giá trị độc đáo của vùng là di sản, tính đa dạng sinh học, văn hóa và các truyền thống. Một tương lai xanh sẽ bao gồm công nghệ sáng tạo và kỹ năng để đạt được sự bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội.

Trang web này thực sự tạo sự đa dạng, bền vững và kết nối kiến thức với các cộng đồng bản địa vùng biển phía Nam bang New South Wales. Nó đánh giá sự kết nối văn hóa, xã hội và tinh thần, tạo sự chia sẻ đầy ý nghĩa cho tất cả những ai đang sinh sống hoặc có liên quan trực tiếp tới môi trường vùng duyên hải này.

Công chúng được khuyến khích chia sẻ các ý tưởng và thảo luận về các dự án mà họ muốn có trong khu vực. Trong khuôn khổ những sáng kiến hiện có, trang web đã tạo ra 40 câu chuyện bằng bản đồ theo các chủ đề về ý nghĩa văn hóa và xã hội. Những câu chuyện được đăng tải khá đa dạng và sáng tạo, từ sự tham gia của những người yêu thích môn lướt ván, tới các ngư dân, nhóm khai thác tảo biển để chế biến dược phẩm, những kỹ sư công nghệ chuyên cung cấp hình ảnh 3D về đa dạng sinh học biển, những chuyên gia phát triển kinh tế du lịch, nhóm nuôi trồng hàu để làm sạch nước biển...

Trên phạm vi toàn cầu, những dự án phối hợp tương tự về nền kinh tế đại dương đang được tiến hành ở San Diego (Mỹ), cảng Rotterdam (Hà Lan) và Đại học Nelson Mandela Metropolitan (Nam Phi). Tất cả đều với mục đích cung cấp những kinh nghiệm và các bài học quý báu nhằm tạo ra những nhóm cộng đồng kinh tế bền vững dựa trên những đại dương sạch.

Nghiên cứu sinh Michelle Voyer kết luận: “trong dài hạn, bằng việc áp dụng hình mẫu phát triển này cho nhiều vùng phụ thuộc vào biển như các đảo Thái Bình Dương, cơ hội sinh kế cho hàng triệu người đang được cải thiện cũng như chất lượng của các tài nguyên biển”./.

(HSSK 407: 25/9/2019)