21/11/2024 | 19:27 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tác động của toàn cầu hóa

TRẦN LAN PHƯƠNG
Tác động của toàn cầu hóa Toàn cầu hóa thúc đẩy tốc độ, chất lượng phát triển của công nghệ số và công nghệ thông tin_Ảnh minh họa
Theo cách đơn giản nhất, sản xuất thông minh có thể được định nghĩa là tối ưu hóa cao nhất việc tổ chức, vận hành, quản lý sản xuất dựa trên công nghệ kỹ thuật số, công nghệ thông tin và tự động hóa. Để có được các tiền đề cần thiết ấy, sản xuất thông minh chịu tác động rất mạnh mẽ và sâu sắc bởi toàn cầu hóa.

Quan hệ tương tác

Công nghệ số, công nghệ thông tin, tự động hóa là nền tảng vật chất, kỹ thuật và tiền đề không thể thiếu đối với sản xuất thông minh. Thông qua công nghệ số, công nghệ thông tin, nó phản ánh mức độ toàn cầu hóa cao trong thế giới hiện đại. Ở đây có mối quan hệ tương tác giữa toàn cầu hóa với công nghệ số, công nghệ thông tin. Toàn cầu hóa thúc đẩy tốc độ, chất lượng phát triển của công nghệ số và công nghệ thông tin; đồng thời tiến triển mạnh mẽ nhờ sự phát triển nhanh chóng, đột phá của công nghệ số và công nghệ thông tin. Bởi vậy, sản xuất thông minh ngay từ đầu đã bị chi phối bởi toàn cầu hóa. Để gây dựng, phát triển nền sản xuất thông minh, bất kể ở phạm vi, quy mô nào, cần phải lưu ý thỏa đáng ngay từ đầu tới thực trạng, triển vọng tác động của toàn cầu hóa tới môi trường sản xuất, kinh doanh trên mọi phương diện, đặc biệt tới công nghệ số và công nghệ thông tin. Có thể thấy rõ điều này qua vai trò của Internet đối với sản xuất thông minh. Internet là tên gọi chung cho các loại mạng thông tin toàn cầu, cũng là một trong những biểu tượng đặc trưng nhất cho toàn cầu hóa. Nó là sản phẩm của khoa học kỹ thuật hiện đại và công nghệ số phát triển; là tiền đề tiên quyết để phát triển công nghệ thông tin. Nói cách khác, không có mạng thông tin toàn cầu này, không thể có sản xuất thông minh. Qua đó cũng có thể thấy, ở thời kỳ ban đầu, toàn cầu hóa đi trước và sản xuất thông minh đi sau. Nhưng rồi cả hai đồng hành và tương tác với nhau. Toàn cầu hóa vừa bảo đảm, vừa thúc đẩy sản xuất thông minh; đồng thời sản xuất thông minh tạo động lực mới cho tiến triển của toàn cầu hóa. Các khu vực, quốc gia, cũng như địa phương trong quốc gia tham gia toàn cầu hóa bằng hội nhập khu vực và quốc tế, bằng sử dụng những sản phẩm, dịch vụ đặc thù của toàn cầu hóa. Qua đó gây dựng những tiền đề vật chất, kỹ thuật cần thiết để phát triển nền sản xuất thông minh, dùng chính sản xuất thông minh làm phương cách tăng cường tham gia thực chất vào toàn cầu hóa.

Mục đích của sản xuất thông minh là hiệu quả cao nhất của sản xuất kinh doanh trên mọi phương diện. Triết lý chủ đạo của sản xuất thông minh là tối ưu hóa tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận kinh doanh chỉ là một trong nhiều mục tiêu cụ thể, chứ không phải là mục tiêu duy nhất của sản xuất thông minh. Vì thế, tác động tích cực cũng như tiêu cực của toàn cầu hóa phải được lưu ý thỏa đáng ngay từ đầu và xuyên suốt toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh theo mô hình sản xuất thông minh, cụ thể ở đây là trong tổ chức, vận hành, quản lý nền sản xuất thông minh.

Hai mặt tác động

Toàn cầu hóa tiến triển không ngừng nghỉ, luôn có hai mặt tác động của nó. Vì thế, mô hình tổ chức, phương thức vận hành, hình thức quản lý nền sản xuất thông minh phải luôn được bảo đảm có khả năng kịp thời thích ứng hóa với biến động mới của toàn cầu hóa; luôn có thể được điều chỉnh, đổi mới sao cho kịp thời nhất, tốn kém ít nhất mà vẫn đạt được hiệu quả thiết thực cao nhất. Chẳng hạn như sản xuất thông minh phải luôn có được đủ năng lực đề kháng trước những tác động tiêu cực của biến động toàn cầu như biến đổi khí hậu, chính trị, kinh tế thế giới hay dịch bệnh. Thực tiễn dịch bệnh 2 năm vừa qua là thách thức lớn nhất từ trước tới nay đối với sản xuất thông minh. Dịch bệnh có thể dễ dàng, nhanh chóng lây lan khắp thế giới là một trong những hệ lụy tiêu cực của toàn cầu hóa. Dịch bệnh làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, cản trở hoạt động thông thương của các kênh tiêu thụ sản phẩm, ngăn trở các hoạt đông kinh tế đối ngoại, làm xáo động và xáo trộn thị trường lao động, suy giảm nhịp độ tăng trưởng của kinh tế thế giới, gây nhiều hệ lụy tiêu cực về chính trị - xã hội ở nhiều nơi trên thế giới. Nền sản xuất thông minh, vì thế, bị ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng. Bởi thế, những rủi ro từ phía toàn cầu hóa và những biến động toàn cầu được phòng ngừa, ứng phó càng hiệu quả, kịp thời, nền sản xuất thông minh càng hạn chế được tác động, hệ lụy tiêu cực từ sự phụ thuộc, tương tác với toàn cầu hóa.

Có nhiều cấp độ khác nhau về sản xuất thông minh. Nhưng ở thời đại ngày nay, nền sản xuất thông minh nào cũng đều gắn kết hữu cơ mật thiết với thế giới bên ngoài. Nói cách khác, nó bị toàn cầu hóa và phải toàn cầu hóa. Do đó, mức độ phát triển sản xuất thông minh của quốc gia phụ thuộc vào mức độ hội nhập quốc tế của quốc gia; mức độ phát triển sản xuất thông minh của doanh nghiệp phụ thuộc vào mức độ vững vàng, năng lực của doanh nghiệp trong tiến trình toàn cầu hóa. Trong điều kiện toàn cầu hóa, các quốc gia và doanh nghiệp phải kết nối, hợp tác với nhau về sản xuất thông minh mới có thể đạt được hiệu ứng tối ưu hóa cao nhất, phát triển sản xuất thông minh bền vững nhất. Thông qua hội nhập quốc tế, chính quyền quốc gia và khu vực tạo mọi tiền đề thuận lợi cho phát triển sản xuất thông minh. Trong khi đó, sản xuất thông minh phục vụ, thúc đẩy hội nhập quốc tế của doanh nghiệp, quốc gia và khu vực.

Thế giới ngày nay vẫn tồn tại tình trạng không đồng đều giữa các quốc gia, khu vực, châu lục về mức độ tham gia vào toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Vì thế, mức độ phát triển của sản xuất thông minh hiện tại cũng không đồng đều giữa các quốc gia, khu vực và châu lục. Tình trạng này làm cho sản xuất thông minh chưa thể phát huy tối đa tác động tích cực to lớn của nó đối với con người, doanh nghiệp và quốc gia. Để khắc phục thực trạng này, cần dành ưu tiên chính sách thoả đáng cho không chỉ phát triển sản xuất thông minh, mà còn cả cho hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau để phát triển sản xuất thông minh, chuyển giao và ứng dụng cái gọi là công nghệ tổ chức, vận hành và quản lý sản xuất thông minh”. Cả các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm về xã hội và đạo lý trong việc này./.