50 năm ngày Mỹ rút quân khỏi Việt Nam (29-3-1973 - 29-3-2023): Mặt trận ngoại giao quân sự độc nhất vô nhị
Nguyễn Năng LựcNgày 28-3-1973, một chiến sĩ quân giải phóng miền Nam giám sát khi các sĩ quan quân đội Mỹ chuẩn bị máy bay tại Sân bay Tân Sơn Nhất_Ảnh: TL
Hội nghị Paris kéo dài 4 năm, 8 tháng, 14 ngày (từ ngày 13-5-1968 đến ngày 27-1-1973), trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao giữa Việt Nam và Mỹ, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và đã có hàng nghìn cuộc mít-tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam, là hội nghị dài nhất trong lịch sử ngoại giao thế giới với kết quả là việc ký kết Hiệp định Paris về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” ngày 27-1-1973.
Theo các điều khoản của Hiệp định, bốn bên gồm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH), Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Mỹ và Việt Nam Cộng hòa (VNCH) sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban Liên hợp quân sự (LHQS) bốn bên, hoạt động trong 60 ngày. Hai bên miền Nam Việt Nam sẽ cử ngay đại diện để thành lập Ban LHQS hai bên, tiếp tục hoạt động sau thời hạn 60 ngày.
Ban LHQS có nhiệm vụ bảo đảm sự phối hợp hành động của các bên nhằm thực hiện những điều khoản về quân sự mà Hiệp định đã quy định. Phía VNCH bố trí trụ sở Ban LHQS tại Trại Davis - nguyên là một trại lính của quân đội Mỹ nằm gần sát phía Tây Nam Sân bay Tân Sơn Nhất - để dễ bề khống chế 2 phái đoàn cộng sản. Nơi đây là trụ sở của Ban LHQS bốn bên Trung ương trong giai đoạn 60 ngày và sau đó là trụ sở Ban LHQS hai bên Trung ương, đồng thời là trụ sở, nơi đóng quân của 2 phái đoàn quân sự ta từ ngày 28-1-1973 đến ngày 30-4-1975. Có thể nói trong lịch sử chiến tranh thế giới cũng như của dân tộc ta, chưa từng có trường hợp nào mà một bên đối địch lại hợp pháp cắm được một bộ phận lực lượng của mình công khai, hiên ngang ngay tại trung tâm đầu não của đối phương, được thế giới công nhận và dư luận quốc tế quan tâm theo dõi.
Cuộc đấu tranh để thi hành Hiệp định là mặt trận ngoại giao quân sự đầy cam go, thử thách và có cả hy sinh. Suốt 823 ngày đêm, các chiến sĩ trên mặt trận ngoại giao quân sự đặc biệt này phải sống trong hoàn cảnh khó khăn về điều kiện sinh hoạt, tiếng ồn của động cơ máy bay lên xuống hằng trăm lượt mỗi ngày, xung quanh là vòng vây, vọng gác, rào thép gai và những thủ đoạn tâm lý chiến tinh vi của địch...
Không cần nói cũng có thể hiểu được thái độ của Mỹ và chính quyền Sài Gòn với việc thi hành Hiệp định Paris. Cay cú trước tình thế bị Mỹ bỏ rơi, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từng tuyên bố chính sách “Bốn không”: không thương lượng với cộng sản; không có hoạt động của cộng sản hoặc phe đối lập ở phía Nam Khu phi quân sự vĩ tuyến 17 (DMZ); không chính phủ liên hiệp và không nhường một tấc đất nào, một thôn ấp nào cho cộng sản.
Hiệp định ký chưa ráo mực, đối phương đã giở thủ đoạn phá hoại. Họ đưa đoàn xe du lịch cắm cờ trắng ra sân bay đón 2 đoàn tiền trạm của ta về Trại Davis. Trưa 28-1-1973, máy bay chở Đoàn đại biểu quân sự (ĐBQS) Chính phủ VNDCCH (Đoàn A) do Thiếu tướng Lê Quang Hòa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - làm Trưởng đoàn và các bộ phận tiền trạm hạ cánh xuống Sân bay Tân Sơn Nhất. Đại diện chính quyền Sài Gòn yêu cầu Đoàn ta phải làm thủ tục xin “visa” nhập cảnh mới cho xuống. Hơn 1 ngày ngồi trên máy bay, lính Sài Gòn phải phục dịch cả chuyện đổ bô cho quân ta.
Theo thỏa thuận, Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Đoàn B) do Trung tướng Trần Văn Trà làm Trưởng đoàn phải được trực thăng Mỹ đón từ Sân bay Thiện Ngôn trong vùng giải phóng về Trại Davis trong cùng ngày 28-1-1973. Nhưng đến giờ hẹn, trực thăng của Mỹ không tới mà lại xuất hiện máy bay chiến đấu của Không quân Sài Gòn đến ném bom xung quanh. Ta đã kiên quyết đấu tranh, cảnh giác đề phòng nên địch phải chịu thua, đưa 2 đoàn ta về Trụ sở.
Hiệp định Paris quy định: trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ký kết Hiệp định, sẽ hoàn thành việc rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam mọi quân đội, cố vấn quân sự và nhân viên quân sự, kể cả nhân viên quân sự kỹ thuật, nhân viên quân sự liên quan đến chương trình bình định, vũ khí, đạn dược và công cụ chiến tranh của Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ (Điều 5). Mỹ đặt ra mục tiêu rút quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ trong trật tự và an toàn, đồng thời tiếp sức để chính quyền Sài Gòn có thể đứng vững sau khi Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam, tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, biến miền Nam thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
Đối với chúng ta, việc rút hết quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ là mục tiêu chủ yếu và xuyên suốt từ ngày bắt đầu cuộc đàm phán với Mỹ ở Paris và trong quá trình đấu tranh thi hành Hiệp định Paris ở miền Nam. Đây cũng là mục tiêu quan trọng nhất mà 2 đoàn ĐBQS ta quyết tâm thực hiện trong mọi tình huống, dù khó khăn hay phức tạp đến đâu. Trên thực tế, việc thực hiện mục tiêu này đã gặp nhiều khó khăn, trở ngại ngay từ đầu.
Từ giữa tháng 10-1972 đến trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực vào 0 giờ ngày 28-1-1973, Mỹ đã mở 2 chiến dịch quy mô lớn là Enhance (Tăng cường) và Enhance Plus để chuyên chở ồ ạt vũ khí, đạn dược cho quân đội Sài Gòn với tổng trị giá trên 2 tỷ USD. Ngày 23-1-1973, đúng thời điểm ký tắt Hiệp định Paris, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh “tràn ngập lãnh thổ bằng cờ quốc gia”. Chỉ vài giờ trước khi Hiệp định có hiệu lực, một lữ đoàn hỗn hợp của quân đội Sài Gòn đã tấn công, lấn chiếm cảng Cửa Việt, vùng giải phóng của ta từ “mùa hè đỏ lửa 1972”. Thế nhưng, binh lính VNCH đã phải hỗn loạn tháo chạy, bỏ lại hàng trăm xác xe tăng, thiết giáp, xác lính tử trận và mấy trăm lính bị bắt làm tù binh.
Phía Mỹ đã cố tình không thông báo kế hoạch rút quân đợt 1, đòi gắn việc rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam với việc trao trả tù binh Mỹ bị bắt ở chiến trường Lào, là nội dung không có trong Hiệp định Paris. Phía Mỹ còn âm mưu chỉ rút quân, để lại toàn bộ vũ khí, khí cụ chiến tranh cho chính quyền Sài Gòn. Mỹ cũng có ý đồ “cài cắm” lại các nhân viên quân sự, trong đó có một số thành viên Đoàn ĐBQS Mỹ trong Ban LHQS 4 bên và 159 lính thủy đánh bộ bảo vệ Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn. Họ đã ký hợp đồng với các nhà thầu Mỹ, để các cố vấn và nhân viên quân sự, được thuê dưới danh nghĩa “nhân viên dân sự làm việc theo hợp đồng”, hỗ trợ Phòng Tùy viên quân sự - DAO và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hậu cần cho quân đội Sài Gòn...
Tất cả những âm mưu đó đều thất bại trước lập trường kiên định, trí thông minh, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ 2 đoàn ta. Mỹ buộc phải chấp hành đúng, đủ quy định. Mỗi đợt Mỹ rút quân đều có quân ta giám sát tại điểm tập kết lên máy bay. Quân ta còn lên tận máy bay đếm đầu, điểm danh từng người lính Mỹ.
Ngày 29-3-1973, trong số những quân nhân Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam có Đại tướng Friedrich Wayend - Tổng Chỉ huy Bộ Tư lệnh tối cao Mỹ (MACV) - và 5 sĩ quan cao cấp tùy tùng. Người lính Mỹ cuối cùng trong danh sách lên máy bay là hạ sĩ McBielsky. Khi cả toán lính đã vào khoang máy bay, bỗng nhiên Đại tá không quân Oden vốn đã lên máy bay từ trước lại nhảy xuống đất. Oden cầm chai rượu vang, ngửa cổ tu, rượu chảy tràn ra mép, xuống cổ áo rồi trao cho Đại tá quân cảnh VNCH tên là Ngưu đón chai rượu tu ừng ực. Vì thế, Oden lại được ghi nhận là người lính Mỹ cuối cùng rút khỏi miền Nam theo Hiệp định Paris. Chiếc DC-9 số hiệu 40.619 thuộc Bộ Chỉ huy vận tải quân sự Mỹ là chiếc máy bay đã đưa 95 quân nhân Mỹ cuối cùng lặng lẽ rời khỏi mảnh đất đã trở thành định mệnh của nước Mỹ.
Có một trường hợp được “đặc cách”. Thiếu tướng Gilbert Woodward - Trưởng Phái đoàn quân sự Mỹ trong Ban LHQS 4 bên đã gặp Thiếu tướng Lê Quang Hòa - Trưởng đoàn Chính phủ VNDCCH - xin ở lại một đêm để thu xếp việc gia đình, hôm sau sẽ bay sang Thái Lan trên chiếc U-21. Được ta đồng ý, G. Woodward trở thành người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi miền Nam theo Hiệp định Paris.
Hơn 2 năm sau, vào lúc 9h30 ngày 30-4-1975, 2 chiến sĩ Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn của Đoàn B cắm lá cờ giải phóng trên đỉnh tháp nước Sân bay Tân Sơn Nhất. 11h30, xe tăng số hiệu 390 của Quân Giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh, Trung tá Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 Bùi Văn Tùng thảo Lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc trên đài phát thanh. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng kết thúc thắng lợi, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối./.









Các bài cũ hơn


