Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế biển
Trần NhànBiến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, tàn phá môi trường sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên ở biển hiện đặt ra nhiều thách thức, thậm chí đe dọa an ninh và ổn định chính trị xã hội, cũng như tương lai phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của các quốc gia liên quan trên thế giới. Chính vì thế, phát triển kinh tế biển được các nước coi trọng ngày càng nhiều hơn.
Chiến lược phát triển cần đồng bộ, thích hợp, khả thi
Kinh tế biển là khái niệm được sử dụng để bao hàm nhiều ngành công nghiệp, ngư nghiệp, dịch vụ khác nhau như công nghiệp đóng tàu và vận tải biển, hải cảng và bến bãi, kho tàng cùng với những dịch vụ hậu cần liên quan, đánh bắt và chế biến hải sản, các ngành công nghiệp phụ trợ và cung ứng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ chuyên cho kinh tế biển. Những nội hàm này cho thấy việc phát triển kinh tế biển phụ thuộc không chỉ đơn thuần vào mức độ “những ưu đãi” nói trên của thiên nhiên như địa lý, khí hậu hay môi trường sinh thái biển, mà còn phụ thuộc rất đáng kể, nếu như không muốn nói là rất quyết định vào nguồn tài lực và đường lối, chính sách của các quốc gia. Ở mọi châu lục đều thấy có tình trạng, nhiều nước có những điều kiện về môi trường biển như nhau nhưng kinh tế biển lại phát triển rất khác nhau.
Cho nên bài học kinh nghiệm thành công trước hết về phát triển kinh tế biển ở các nước tại các nơi trên thế giới là bài học về đường lối, chính sách của chính phủ quốc gia. Từ xưa, con người đã chinh phục môi trường biển để sinh tồn, nhưng đều bắt nguồn từ tự phát. Kinh tế biển của quốc gia chỉ có thể bắt đầu phát triển thật sự và mạnh mẽ khi kinh tế biển được nhà nước định hướng, tổ chức, thúc đẩy thực hiện và hỗ trợ tài lực thiết thực. Nói theo cách khác, kinh tế biển chỉ có thể phát triển mạnh mẽ, thiết thực khi chính phủ quốc gia có được chiến lược phát triển kinh tế biển đồng bộ, thích hợp, cụ thể và khả thi. Ở đây cần phân biệt rõ giữa chiến lược quốc gia về biển nhằm mục tiêu trở thành cường quốc biển hoặc cường quốc thế giới về biển như Mỹ, Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ đã có và theo đuổi với chiến lược phát triển kinh tế biển. Chiến lược phát triển kinh tế biển là một bộ phận của chiến lược quốc gia về biển. Trong chiến lược quốc gia về biển còn có những thành tố khác nữa như về bảo đảm an ninh quốc gia trên biển, cứu hộ, cứu nạn trên biển, đối phó thiên tai trên biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển, hợp tác quốc tế về biển... Nhưng chiến lược nào cũng không thể thiếu vắng sự kết hợp giữa chính trị với kinh tế và luật pháp, giữa sự phát triển của quốc gia với hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế. Ví dụ điển hình nhất trên phương diện này là Liên minh châu Âu (EU). EU có chiến lược biển cho cả tổ chức và nhiều thành viên EU ven biển, đồng thời có chiến lược biển riêng để phát triển kinh tế biển. Sự song hành này và kết hợp giữa chiến lược chung của liên minh với chiến lược quốc gia riêng của thành viên về biển vừa tạo nên hiệu ứng cộng hưởng, vừa giúp các thành viên không được tiếp giáp với biển cũng có thể tận lợi được những lợi ích thiết thực, to lớn mà biển mang lại. Đương nhiên, đấy là biểu hiện của cấp độ và chất lượng rất cao về hợp tác, liên kết và nhất thể hóa châu lục. Định hướng và mô hình phát triển kinh tế biển này của EU rất đáng để được các tổ chức hợp tác và liên kết khu vực khác trên thế giới tham khảo và ứng dụng.
Xác định đúng trọng tâm, kịp thời thích ứng hóa
Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế biển xác lập vai trò và trách nhiệm quyết định của nhà nước trong việc phát triển kinh tế biển, cụ thể ở đây là tạo những điều kiện thuận lợi cần thiết về chính trị xã hội, luật pháp và tài chính, bảo đảm kết cấu hạ tầng kỹ thuật cần thiết, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Bài toán về phát triển kinh tế xã hội của quốc gia luôn còn là bài toán về xác định đúng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cùng với bảo đảm tiêu thụ... Rất nhiều khía cạnh quan trọng ở trong ấy chỉ nhà nước mới có thể xử lý ổn thỏa. Cũng chỉ nhà nước mới có thể bảo đảm được những tiêu chí như an ninh, an toàn trên biển trước những hành động chủ ý phá hoại, ngăn trở hay thù địch của bên ngoài, đấu tranh về pháp lý quốc tế với bên ngoài khi xảy ra tranh chấp hay xung đột trên biển...
Bài học kinh nghiệm thành công tiếp theo về phát triển kinh tế biển của các nước trên thế giới là bài học về xác định đúng trọng tâm và ưu tiên ngành nghề nào, phân đoạn nào trong quá trình tạo giá trị của kinh tế biển. Thực tế cho thấy, các nước thường tập trung dành ưu tiên hàng đầu phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho hải cảng, kho tàng, bến bãi và các dịch vụ hậu cần, cung ứng đặc thù kèm theo, cho công nghiệp đóng tàu và công nghiệp cung ứng phụ kiện cho đóng tàu, cho vận tải biển và cho các loại dịch vụ phục vụ phát triển kinh tế biển. Đức và Hàn Quốc tập trung hàng đầu cho ngành công nghiệp đóng tàu. Hà Lan hay Singapore chẳng hạn lại dành ưu tiên cho việc phát triển thương cảng và dịch vụ tài chính. Trung Quốc, Nhật Bản, các nước khu vực châu Mỹ đặc biệt coi trọng việc khai thác nguồn hải sản xa bờ... Trong thế giới hiện đại hiện tại, việc phát triển kinh tế biển không biệt lập với hội nhập khu vực và thế giới đối với tất cả các quốc gia. Tuy nhiên, các nước nhìn chung đều vừa tìm kiếm, gây dựng vị trí, vị thế thuận lợi nhất, có lợi nhất trong phân công lao động quốc tế và toàn cầu hóa; nhưng đồng thời phải coi trọng việc duy trì sự khép kín chuỗi giá trị ở mức độ nhất định để giảm thiểu tối đa mọi rủi ro bởi biến động thất thường từ môi trường chính trị, đối ngoại, an ninh và kinh tế đối ngoại ở bên ngoài.
Một bài học kinh nghiệm thành công khác nữa là kịp thời thích ứng hóa kinh tế biển vào những xu hướng chuyển biến chung của kinh tế biển trên thế giới mà có thể được gói gọn thành toàn cầu, thông minh, xanh và số hóa. Kinh tế biển đưa lại bằng chứng rõ nét nhất, thuyết phục nhất là quốc gia chỉ có thể phát triển kinh tế biển thành công khi hội nhập thực sự và sâu rộng vào khu vực, châu lục, thế giới, tức là phải tham gia chứ không chống lại toàn cầu hóa. Kinh tế biển chỉ có thể có được tương lai phát triển năng động, bền vững khi môi trường sinh thái biển nói riêng và thiên nhiên trên trái đất được bảo vệ, tức là kinh tế biển phải “xanh”. Và kinh tế biển phải được áp dụng những thành tựu mới nhất của phát triển khoa học, kỹ thuật và công nghệ, đồng thời chính khoa học, kỹ thuật và công nghệ lại quyết định rất đáng kể tương lai của kinh tế biển. Công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số... mở ra triển vọng mới cho phát triển kinh tế biển nhưng lại đồng thời đòi hỏi phải có ưu tiên chính sách, phải được tăng cường đầu tư tiền của, phải thúc đẩy hợp tác quốc tế. Cuộc cạnh tranh trên thế giới trong kinh tế biển hiện rất quyết liệt và những tác nhân nói trên làm cho nó sẽ trở nên còn quyết liệt hơn. Cho nên, bài toán về phát triển kinh tế biển đối với các quốc gia luôn đặt ra mới và đòi hỏi phải được giải kịp thời./.
(HSSK 407: 25/9/2019)