20/05/2024 | 10:15 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Phát triển kinh tế biển


Chiếm hơn 70% bề mặt Trái đất, đại dương và biển không chỉ giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cân bằng môi trường sống của Trái đất mà từ lâu đã trở thành nguồn sinh kế của hàng tỷ người trên thế giới, là nền tảng kinh tế của phần lớn các quốc gia thông qua những hoạt động từ khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản đến du lịch, vận chuyển hàng hóa quốc tế... Bên cạnh những lợi ích về khí hậu, theo ước tính, mỗi năm các đại dương và vùng biển mang lại nguồn lợi kinh tế khoảng 2.500 tỷ USD, cung cấp hải sản - nguồn protein chính cho hơn 3 tỷ người...
Mặc dù vậy, các đại dương cũng đang phải đối mặt với những mối đe dọa chưa từng có do hoạt động của chính con người như tình trạng đánh bắt quá mức đe dọa sự ổn định của nguồn lợi hải sản, tình trạng xả thải từ đất liền và các hoạt động trên biển gây nguy cơ ô nhiễm hay những diễn biến biến đổi khí hậu gây tổn hại cho các rạn san hô và các hệ sinh thái quan trọng... Đó là những vấn đề hết sức cấp thiết đang đòi hỏi cộng đồng quốc tế cũng như mỗi quốc gia phải có những giải pháp phù hợp trong quá trình phát triển kinh tế biển theo định hướng xây dựng nền kinh tế biển xanh, để thế kỷ XXI thực sự là thế kỷ của đại dương.

I. ĐẠI DƯƠNG VÀ BIỂN: MỘT SỐ HIỂU BIẾT CHUNG


Đại dương và biển

Khác nhau và giống nhau

Trong cuộc sống, nhiều người thường không có sự phân biệt khi sử dụng thuật ngữ đại dương và biển. Tuy nhiên, trên thực tế, đây là 2 thuật ngữ địa lý có sự khác biệt. Cụ thể:

- Đại dương là một vùng nước mặn rộng lớn và liên tục, chiếm gần 70% tổng bề mặt Trái đất. Trên Trái đất có 5 đại dương khác nhau gồm: Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Nam Đại Dương và Bắc Băng Dương. Trong đó, Thái Bình Dương là lớn nhất và Bắc Băng Dương là nhỏ nhất. Năm đại dương kết hợp với nhau tạo thành một khối nước mặn lớn thường được gọi là đại dương thế giới.

- Biển cũng là vùng nước mặn, nhưng có diện tích nhỏ hơn đại dương và thường nằm ở nơi đất và đại dương gặp nhau. Thông thường, biển được bao quanh một phần bởi đất liền.

Sự khác biệt giữa đại dương và biển là ở độ sâu, diện tích và sinh vật biển. Mặc dù vậy, thuật ngữ đại dương và biển thường được sử dụng thay thế cho nhau vì chúng gần như có nghĩa tương tự.

Nguồn tài nguyên phong phú, vai trò quan trọng

Chiếm khoảng 71% diện tích bề mặt Trái đất, chứa trong đó 97% tổng lượng nước của Trái đất, khối lượng nước khổng lồ của biển, đại dương đã hấp thụ 3/4 năng lượng Mặt trời, làm bốc hơi khoảng 1.500 tỷ mét khối/ngày để biến thành mưa. Nhờ quá trình này, nước tự nhiên trên mặt Trái đất luôn ở trong trạng thái tuần hoàn liên tục, cung cấp nước ngọt cho sự sống và con người trên hành tinh. Trên hành trình từ lục địa vào đại dương thế giới, mỗi năm, nước được bổ sung 5,4 tỷ tấn các chất tan, các muối từ đất đá lục địa để con người khai thác phục vụ cho cuộc sống.

Với bề mặt nước mặn rộng lớn, đại dương và biển còn hấp thụ 93% nhiệt lượng được tạo ra bởi khí thải carbon dioxide và thu được gần 30% lượng khí carbon dioxide thải vào khí quyển mỗi năm. Vì vậy, biển và đại dương còn được xem là “bể chứa” nhiệt và carbon lớn nhất Trái đất.

Bên cạnh đó, nước biển cũng là nguồn cung cấp năng lượng, đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với các ngành khai thác năng lượng nhiệt hạch, năng lượng sóng và thủy triều.


Hiện nay, người ta tìm thấy trong biển, đại dương có khoảng 70 nguyên tố hóa học và những khoáng sản với trữ lượng lớn hơn nhiều trữ lượng có trên lục địa. Ở các vùng thềm lục địa có khoảng hơn trăm tỷ tấn dầu mỏ. Hàm lượng khoáng sản khai thác ở biển cũng rất cao. Những khối đá kim loại ở bề mặt đáy các đại dương như Thái Bình Dương đã chứa đựng 27 nguyên tố trong một khối mănggan, sắt, côban, niken, đồng... Phần lớn các vật chất được sản xuất ra ở lục địa đều có thể khai thác và sản xuất được bằng nguyên liệu từ biển và đại dương. Đây được xem là một kho tàng khổng lồ vô cùng quý giá đang được loài người khai thác với hiệu quả ngày càng cao.

Theo cách phân loại chung, tài nguyên biển được xác định theo không gian biển, bao gồm tài nguyên sinh vật, tài nguyên không sinh vật và các nguồn tài nguyên đặc biệt.

- Tài nguyên sinh vật: bao gồm các loài sinh vật thủy sinh và các loài sinh vật trên đảo.

- Tài nguyên không sinh vật: bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên năng lượng và các loại tài nguyên vị thế khác.

- Các nguồn tài nguyên đặc biệt: là những điều kiện tự nhiên như địa hình bờ biển và đảo, khoảng không mặt biển; tài nguyên trong khối nước, trên đáy và trong lòng đất dưới đáy biển, ở vùng đất liền ven biển...

Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), các nhà khoa học ước tính biển và đại dương là nơi sinh sống của hơn 2 triệu loài động vật, thực vật. Trong đó, 90% số loài vẫn chưa được xác định đầy đủ. Điều đó không chỉ đóng góp quan trọng vào sự đa dạng sinh học trên Trái đất, mà còn đem đến một nguồn lợi thực phẩm vô cùng quý giá, giàu dinh dưỡng để phục vụ cuộc sống con người. Một thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cho biết, mỗi năm, các vùng biển và đại dương cung cấp hàng trăm triệu tấn cá (năm 2016, sản lượng cá đánh bắt và nuôi là khoảng 171 triệu tấn), đáp ứng nguồn protein chính cho hơn 3 tỷ người.

Ngoài khả năng cung cấp tài nguyên và năng lượng, biển và đại dương còn đóng vai trò quan trọng và to lớn về giao thông vận tải. Những tuyến đường chủ yếu nối liền các lục địa đều chạy qua đại dương. Trên 90% hàng hóa vận tải quốc tế đều bằng đường biển vì phương thức vận tải này ưu việt hơn các phương thức vận chuyển khác ở mức giá rẻ (bằng 1/10 giá vận chuyển đường sắt, 1/100 giá vận chuyển đường không).

Từ đất liền đến biển khơi

Lịch sử thế giới cho thấy, từ khoảng thế kỷ thứ III Trước công nguyên trở về trước, con người luôn nhận thức rằng không gian sinh tồn chủ yếu của mình là ở đất liền chứ không phải là biển, dù hoạt động đánh bắt cá trên các vùng biển đã được thực hiện để phục vụ nhu cầu ăn uống. Tuy nhiên, sự phát triển khoa học kỹ thuật, đặc biệt là việc phát minh ra la bàn và công nghệ đóng tàu thuyền đã giúp con người có thể tiến ra các vùng biển xa để khai phá các vùng đất mới... Mặc dù vậy, phải đến thế kỷ thứ XIII, khi người châu Âu tiếp tục hoàn thiện chiếc la bàn và đóng được thuyền đi biển Caravel với sức chở lớn thì các chuyến hải trình mới thực sự tạo nên những đột phá. Những cuộc thám hiểm của Christopher Columbus, Balboa (người Tây Ban Nha), Vasco da Gama, Magellan (người Bồ Đào Nha) từ cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI đã tặng nhân loại những hiểu biết mới về nhiều lục địa trên Trái đất và các biển, đại dương; đồng thời đưa các quốc gia này trở thành những “bá chủ” của đại dương.

“Hiến pháp về biển và đại dương”

Để tạo cơ sở pháp lý trong việc xác định các vùng biển và căn cứ cho các quốc gia xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển..., năm 1982, Hội nghị Liên hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3 đã thông qua một Công ước mới của Liên hợp quốc về Luật Biển (thường gọi là Công ước Luật Biển 1982 hay UNCLOS). Công ước có hiệu lực từ ngày 16-11-1994 được coi như “Hiến pháp về biển và đại dương của loài người”, trở thành một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất của thế kỷ XX.

Theo Công ước Luật biển 1982, toàn bộ biển và đại dương thế giới đã được quy hoạch và thể chế hóa. Hầu như không còn vùng biển, đại dương nào tự do để các quốc gia mặc sức chiếm lĩnh. Cụ thể, Công ước đã đưa ra các quy chế pháp lý về các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; chế độ pháp lý của vùng biển quốc tế và đáy đại dương-di sản chung của loài người; việc sử dụng và quản lý tài nguyên biển bao gồm tài nguyên sinh vật và không sinh vật; vấn đề bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an ninh trật tự trên biển; vấn đề giải quyết tranh chấp và hợp tác quốc tế về biển; quy chế hoạt động của Cơ quan quyền lực quốc tế về đáy đại dương, Ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa, Tòa án Luật biển quốc tế, Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước...

Công ước còn yêu cầu các quốc gia thành viên phải chấp thuận sự điều chỉnh cả gói và không cho phép bảo lưu bất kỳ điều khoản nào, ngoại trừ những tuyên bố cụ thể theo quy định của Công ước, bảo đảm việc tuân thủ và thực hiện đầy đủ Công ước.

Đến thời cận đại, thế kỷ thứ XVIII, nước Anh đã vươn lên chiếm vị trí hàng đầu trên mặt biển sau khi đánh bại địch thủ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp đã khống chế các đường hàng hải. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, con người chủ yếu mới quan tâm tới việc chinh phục biển về chiều rộng bằng giao thông vận tải và đánh cá, mà chưa chinh phục được chiều sâu của biển, đại dương. Vì thế, các tranh chấp về biển từ thế kỷ XV về trước hầu như chưa xuất hiện.

Tuy nhiên, đến giai đoạn sau này, nhận thức của nhân loại về biển đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Con người có nhiều thành tựu về khả năng khám phá, chinh phục độ sâu của biển, đáy biển, khai thác các nguồn tài nguyên giàu có trong lòng đất dưới đáy biển. Biển không chỉ được xem là tuyến đường giao thông hiệu quả hay nơi cung cấp nguồn hải sản khổng lồ mà còn là kho tàng vô cùng quý giá đầy tiềm năng cho sự phát triển và an ninh của các nước có biển nói riêng, của thế giới nói chung. Từ thế kỷ thứ XX, các cường quốc lớn đều là quốc gia có biển như: Mỹ, Nga, Nhật, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và các quốc gia có biển đều có điều kiện để trở thành các nước có nền kinh tế và quân sự hùng mạnh. Vì vậy, biển ngày càng được tận dụng, khai thác triệt để và cũng là nơi xảy ra nhiều tranh chấp giữa các quốc gia.


II. KINH TẾ BIỂN - ĐỘNG LỰC CHÍNH CỦA NỀN KINH TẾ TOÀN CẦU


Kinh tế biển: Nhiều cách tiếp cận

Cũng như cách tiếp cận với thuật ngữ biển và đại dương, trên thế giới, thuật ngữ liên quan đến kinh tế biển (hay kinh tế đại dương) cũng được sử dụng chưa thống nhất. Theo đó, các thuật ngữ thường được sử dụng bao gồm: công nghiệp đại dương, kinh tế biển, kinh tế đại dương, công nghiệp hàng hải... Tùy theo cách tiếp cận mà mỗi tác giả, quốc gia có cách hiểu khác nhau về thuật ngữ này.

Theo một số học giả phương Tây, kinh tế biển (hay kinh tế đại dương) là tổng hợp các ngành kinh tế diễn ra trên biển và các hoạt động có liên quan đến khai thác, sử dụng biển như: vận tải biển, du lịch biển, thương mại biển, công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo gắn với tài nguyên biển và các ngành hỗ trợ như giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học - công nghệ biển. Một số tác giả Trung Quốc cho rằng, kinh tế biển là lĩnh vực đa ngành bao gồm các ngành nghề biển truyền thống như đánh bắt hải sản, làm muối và vận tải biển; nghề biển mới phát triển như khai thác dầu khí, nghề nuôi thả hải sản và du lịch biển; nghề biển tương lai như khai thác các nguồn năng lượng biển, khai thác khoáng sản dưới biển sâu và các ngành nghề lợi dụng nước biển; và các ngành kinh tế ở dải đất liền ven biển như nông nghiệp, công nghiệp ven biển, hệ thống hải cảng, đặc khu kinh tế cho phát triển vận tải biển và nuôi trồng thủy sản ven biển.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) định nghĩa: kinh tế biển bao gồm các hoạt động kinh tế theo ngành và liên ngành liên quan tới biển, đại dương và các đường bờ biển. Kinh tế biển còn bao gồm các hoạt động hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cần thiết đối với sự vận hành của các ngành nghề này được bố trí ở bất kỳ đâu, có thể ngay ở các quốc gia không có biển.

Còn Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho rằng, kinh tế biển hướng tới mở rộng giới hạn kinh tế của các quốc gia ven biển vượt ra ngoài lãnh thổ trên đất liền. Kinh tế biển có hàm ý là một nền kinh tế bền vững dựa vào môi trường biển cùng hệ sinh thái biển liên quan tới đa dạng sinh học, các nguồn gene của sinh vật biển và các nguồn tài nguyên biển.

Các ngành kinh tế biển

Cũng từ cách hiểu thiếu thống nhất của khái niệm kinh tế biển (kinh tế đại dương) mà phạm vi ngành của nền kinh tế biển cũng có sự thay đổi đáng kể theo quốc gia. Đơn cử như tại Mỹ, danh mục ngành kinh tế biển bao gồm 6 ngành, nhưng tại Nhật Bản, danh mục này lại có tới 33 ngành. Tuy nhiên, một số định chế quốc tế đã đưa ra cách phân loại ngành kinh tế biển theo 2 nhóm: ngành kinh tế truyền thống và mới nổi. Trong đó:

- Các ngành truyền thống bao gồm: đánh bắt cá; chế biến hải sản; cảng biển; đóng tàu và sửa chữa tàu biển; khai thác dầu khí ngoài khơi (nước nông); xây dựng và chế tạo ngoài biển; du lịch biển và ven biển; dịch vụ kinh doanh hàng hải; nghiên cứu và triển khai và giáo dục hàng hải; nạo vét luồng lạch biển.

- Các ngành kinh tế biển mới nổi bao gồm: nuôi trồng thủy sản trên biển; khai thác dầu và khí vùng biểu sâu và rất sâu; năng lượng gió ngoài biển; năng lượng tái tạo từ biển; khai thác mỏ dưới đáy biển; giám sát và an toàn hàng hải; công nghệ sinh học biển; dịch vụ và sản phẩm hàng hải công nghệ cao; một số ngành nghề khác.

Nền kinh tế có quy mô lớn

Mặc dù phạm vi ngành của nền kinh tế biển thay đổi đáng kể theo quốc gia, tuy nhiên quy mô rộng lớn của kinh tế biển là điều không ai có thể phủ nhận.

Theo thống kê sơ bộ, hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới đang sinh sống ven biển, coi biển và vùng ven biển là môi trường sống quan trọng hàng đầu của mình. Giá trị của kinh tế biển trên toàn thế giới vào khoảng 6.000 tỷ USD mỗi năm.

Nhiều nghiên cứu được một số quốc gia thực hiện cũng cho thấy, nền kinh tế biển nay các ngành kinh tế biển đóng góp từ 1% đến 5% GDP của đất nước họ.

Trên thực tế, do cách tiếp cận và thống kê khác nhau nên có khá nhiều kết quả khác nhau về giá trị của kinh tế biển. Đơn cử như các tính toán của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính sản lượng kinh tế đại dương trong năm 2010 (năm cơ sở để tính toán) ở mức 1.500 tỷ USD giá trị gia tăng, tương đương khoảng 2,5% tổng giá trị gia tăng thế giới (GVA). Trong khi đó, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên cho rằng tổng sản phẩm kinh tế biển (bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ) hàng năm ít nhất đạt 2.500 tỷ USD.

Tương tự, với định nghĩa, tiêu chuẩn phân loại và phạm vi của nền kinh tế đại dương giữa các quốc gia là khác nhau nên việc so sánh quy mô kinh tế biển giữa các quốc gia cũng rất khó khăn.

Trong số các ngành nghề gắn với kinh tế biển, đánh bắt cá là hoạt động có truyền thống lâu đời và phổ biến nhất. Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính, trong năm 2016, tổng sản lượng cá biển đánh bắt được trên thế giới lên tới 171 triệu tấn với giá trị bán trực tiếp khoảng 362 tỷ USD và đem lại kim ngạch xuất khẩu khoảng 143 tỷ USD.

Ngoài đánh bắt cá, lĩnh vực nuôi trồng hải sản trên biển cũng tăng trưởng nhanh và nhờ đó bảo đảm tính bền vững, phần nào hạn chế tình trạng khai thác, đánh bắt quá mức đang diễn ra khá phổ biến, nhất là ở các nước đang phát triển.

Bên cạnh đó, các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi cũng đóng góp một phần đáng kể (khoảng 30%) tổng giá trị gia tăng của các ngành kinh tế biển. Tiếp theo là du lịch ven biển và hàng hải (đóng góp 26%); cảng (13%); các ngành công nghiệp khác chiếm khoảng 5% trở xuống.

Tính chung, các ngành công nghiệp dựa trên đại dương đóng góp khoảng 31 triệu việc làm toàn thời gian trực tiếp (số liệu năm 2010). Trong đó, lĩnh vực sử dụng lao động lớn nhất là nghề khai thác hải sản công nghiệp (36%) và du lịch ven biển và hàng hải (23%). Các ngành công nghiệp còn lại chiếm tỷ lệ từ dưới 1% đến 8%.

III. NHỮNG DỰ BÁO VÀ ĐỊNH HƯỚNG QUAN TRỌNG CHO PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN


Nhiều yếu tố tác động

Trong một báo cáo được công bố mới đây, OECD nhận định rằng, trong khoảng từ nay đến năm 2030, nền kinh tế đại dương sẽ chịu những ảnh hưởng rất lớn bởi sự phát triển của dân số toàn cầu, nền kinh tế, khí hậu và môi trường, công nghệ cũng như các biện pháp điều tiết và quản lý đại dương.

Theo dự báo của OECD, tốc độ tăng dân số toàn cầu sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ về cá và các loại hải sản khác. Với tư cách là người tiêu dùng, dân số gia tăng cũng sẽ kích thích vận tải hàng hóa và vận tải hành khách trên biển cũng như hoạt động sản xuất thiết bị hàng hải, thăm dò dầu khí ngoài khơi. Dân số già cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng, tạo cơ hội cho ngành y tế và dược phẩm đẩy nhanh nghiên cứu công nghệ sinh học biển vào các loại thuốc và phương pháp điều trị mới.

Mặc dù triển vọng dài hạn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn còn khiêm tốn nhưng theo dự báo, hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2050. Với khoảng 90% hàng hóa quốc tế được vận chuyển bằng đường biển, động lực cho các doanh nghiệp vận tải và cảng là rất đáng kể.

Cùng với đó, các vấn đề năng lượng cũng sẽ chi phối mạnh mẽ tới các ngành kinh tế biển, cả với tư cách là người sử dụng năng lượng và nhà cung cấp năng lượng. Trong bối cảnh giá dầu và khí cao, ngành năng lượng tái tạo gió ngoài khơi có thể được thúc đẩy mạnh mẽ. Mặt khác, thị trường toàn cầu cho các hệ thống năng lượng đại dương (thủy triều, sóng, dòng chảy đại dương...) cũng có nhiều tiềm năng trong dài hạn.

Trong những thập niên tới, những tiến bộ khoa học và công nghệ dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng cả trong việc giải quyết nhiều thách thức môi trường liên quan đến đại dương nêu trên và trong sự phát triển hơn nữa của các hoạt động kinh tế trên đại dương...

Một số dự báo

Với những yếu tố tác động trên, OECD dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế biển có thể sẽ vượt xa tốc độ tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Dự kiến, các ngành nuôi trồng hải sản, khai thác điện gió ngoài khơi, chế biến cá, đóng tàu và sửa chữa tàu biển sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Trong điều kiện bình thường, giá trị gia tăng của kinh tế biển toàn thế giới ước tính sẽ đạt hơn 3.000 tỷ USD vào năm 2030. Du lịch ven biển và hàng hải, bao gồm cả ngành công nghiệp tàu biển, dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất (26%), tiếp theo là khai thác dầu khí ngoài khơi (21%) và hoạt động cảng (16%).

Năm 2030, các ngành công nghiệp dựa trên đại dương được dự đoán sẽ sử dụng hơn 40 triệu lao động trực tiếp toàn thời gian, phần lớn sẽ làm việc trong lĩnh vực khai thác và chế biến hải sản và ngành du lịch ven biển, hàng hải. Ngoại trừ nghề đánh bắt hải sản, sự gia tăng lao động trong tất cả các ngành công nghiệp đại dương có khả năng sẽ cao hơn so với các ngành kinh tế khác trên phạm vi toàn cầu.

Trong tiến trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030, kinh tế biển xanh đã được hầu hết các quốc gia công nhận là giải pháp phát triển bền vững biển và dần đưa thành yêu cầu bắt buộc trong chiến lược, chính sách phát triển. Kinh tế biển xanh được hiểu là “sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển, đại dương nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, đồng thời bảo tồn sức khỏe của các hệ sinh thái biển, đại dương”.

Cần phối hợp vượt qua thách thức

Tuy nhiên, cùng với xu hướng phát triển trên, các hoạt động kinh tế biển cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Khi lượng khí thải carbon dioxide nhân tạo tăng lên theo thời gian, đại dương sẽ hấp thụ phần lớn lượng khí thải này, dẫn đến axit hóa đại dương. Ngoài ra, nhiệt độ nước biển và mực nước biển đang tăng và dòng hải lưu thay đổi cũng sẽ dẫn đến mất đa dạng sinh học và môi trường sống, thay đổi thành phần cá và kiểu di cư; đồng thời khiến tần suất xảy ra các hiện tượng thời tiết đại dương khắc nghiệt dày hơn. Triển vọng phát triển đại dương trong tương lai cũng ngày càng bị ảnh hưởng xấu do tình trạng ô nhiễm trên đất liền, đặc biệt là dòng chảy hóa chất nông nghiệp, ô nhiễm nhựa hay tình trạng đánh bắt cá quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi này...

Để bảo đảm triển vọng phát triển dài hạn của các ngành kinh tế biển cũng như nâng cao đóng góp của kinh tế biển tới tăng trưởng và việc làm, đồng thời quản lý đại dương và biển theo hướng nâng cao trách nhiệm và bảo đảm bền vững, OECD cho rằng cần tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong khoa học và công nghệ biển với tư cách là một phương tiện để kích thích sự đổi mới và tăng cường phát triển bền vững của kinh tế biển.

Cùng với đó, các quốc gia cần tăng cường quản lý tổng hợp đại dương. Điều đó đòi hỏi sử dụng nhiều hơn các phân tích kinh tế và các công cụ kinh tế trong quản lý đại dương tích hợp, ví dụ bằng cách thiết lập các nền tảng quốc tế để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất, qua đó đẩy mạnh các nỗ lực để đánh giá hiệu quả kinh tế của đầu tư công trong nghiên cứu biển. Giải pháp này cũng nhằm thúc đẩy đổi mới trong cấu trúc quản trị và tăng cường sự tham gia của các bên liên quan để đưa ra các chính sách quản lý đại dương tích hợp hiệu quả và bao quát hơn.

Ngoài ra, cần cải thiện cơ sở thống kê và phương pháp đo lường quy mô và hiệu suất của các ngành kinh tế biển và đóng góp của các ngành này cho nền kinh tế. Xây dựng tầm nhìn xa đối với sự phát triển kinh tế biển...


IV. KINH TẾ BIỂN TRONG CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA, KHU VỰC


Mỹ: Điều hòa lợi ích các hoạt động kinh tế biển

Các vùng biển, ven biển được xem là nền tảng của nền kinh tế, an ninh, khả năng cạnh tranh toàn cầu... của Mỹ. Chính phủ nước này cho biết, các ngành công nghiệp đại dương đã tạo việc làm cho hàng triệu người Mỹ (năm 2010 là hơn 2,7 triệu lao động) và hỗ trợ sự phát triển mạnh mẽ nền kinh tế quốc gia. Các hoạt động sản xuất năng lượng trong nước từ vùng biển liên bang đã góp phần củng cố an ninh quốc gia và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Thông qua thương mại hàng hải, các loại hàng hóa, nguyên vật liệu được cung cấp để hỗ trợ các hoạt động sản xuất của Mỹ cũng như bảo đảm nhu cầu và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nước này. Bên cạnh đó, nguồn lợi hải sản cũng góp phần bảo đảm lượng thực phẩm cho người dân và mang đến những cơ hội xuất khẩu to lớn. Ngoài cung cấp nước sạch, biển cũng là môi trường quan trọng để người Mỹ câu cá, chèo thuyền và thực hiện các loại hình giải trí khác...

Với ý nghĩa đó, giữa năm 2013, Mỹ ban hành một kế hoạch quản lý đại dương và đưa ra chiến lược nhằm điều hòa lợi ích giữa hoạt động đánh bắt cá, thăm dò năng lượng ngoài khơi và các hoạt động giải trí trên biển.

Năm 2018, Tổng thống Mỹ ban hành Sắc lệnh hành pháp liên quan đến chính sách đại dương nhằm thúc đẩy các lợi ích kinh tế, an ninh và môi trường, bảo đảm duy trì và tăng cường những lợi ích quốc gia thông qua việc cải thiện khả năng tiếp cận dữ liệu và thông tin hàng hải; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong các vấn đề liên quan đến đại dương cũng như sự tham gia của các ngành công nghiệp hàng hải, cộng đồng khoa học - công nghệ và các bên liên quan khác trên đại dương. Để thúc đẩy các lợi ích kinh tế biển, Sắc lệnh này cũng nêu rõ sự hỗ trợ của chính phủ liên bang thông qua quan hệ đối tác khu vực.

Cụ thể, theo Sắc lệnh này, Mỹ tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong những hoạt động liên quan đến đại dương để mang lại lợi ích kinh tế, an ninh và môi trường cho các thế hệ người Mỹ hiện tại và tương lai. Cùng với đó, sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế của các cộng đồng ven biển và thúc đẩy các ngành công nghiệp đại dương; phát triển khoa học và công nghệ đại dương; phát triển nghề đánh bắt và hàng hải... Sắc lệnh cũng bảo đảm rằng các quy định và quyết định quản lý của liên bang không ngăn chặn việc sử dụng hiệu quả và bền vững các vùng biển, ven biển...

Nhật Bản: Khẳng định tầm quan trọng của chính sách đại dương

Là quốc gia hải đảo, sớm có nhận thức và tầm nhìn về biển, đảo, Nhật Bản sớm chú trọng tới việc phát triển nghề cá, vận chuyển, đóng tàu và các ngành công nghiệp khác cũng như chuẩn bị cho các mối đe dọa từ biển như sóng thần và nước biển dâng do bão...

Đặc biệt, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập kế hoạch phát triển tổng thể với các vùng công nghiệp trọng điểm tập trung ở các vùng bờ biển. Kế hoạch này và các chính sách liên quan góp phần đưa Nhật Bản trở thành cường quốc số một trong khu vực về phát triển kinh tế biển.

Khác với các chính sách trước đó tập trung chủ yếu vào phát triển kinh tế biển, Chính sách Đại dương thứ ba của Nhật Bản (ban hành năm 2018) tập trung vào an ninh hàng hải trong bối cảnh các mối đe dọa ngày càng tăng. Chính sách này nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển và cơ quan thủy sản để tăng cường phản ứng đối với các hoạt động bất hợp pháp của nước ngoài.

Đạo luật cơ bản về chính sách đại dương của Nhật Bản (Đạo luật số 33 năm 2007) xác định, việc phát triển và sử dụng các đại dương là cơ sở tồn tại cho nền kinh tế và xã hội của đất nước, bảo đảm sự đa dạng sinh học, môi trường biển, là nền tảng của sự tồn tại của loài người. Đạo luật cũng xác định các nguyên tắc hướng dẫn về những vấn đề liên quan đến đại dương và đặt ra nền tảng cho chính sách đại dương...

Trong bối cảnh các nước trên thế giới đều chạy đua hướng ra biển, tháng 5-2008, Chính phủ Nhật Bản phê chuẩn chính sách mới về đại dương (chính sách này được xem xét sau mỗi 5 năm).

Theo đó, chính sách Đại dương đầu tiên (năm 2008) của Nhật Bản hướng đến việc việc thúc đẩy việc khai thác bền vững khu vực biển mà Nhật Bản thực thi quyền tài phán của mình. Chính sách Đại dương thứ hai (năm 2013) đặt ra một số ưu tiên, trong đó có việc tăng cường hợp tác và đóng góp cho cộng đồng quốc tế, nhằm đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia hàng hải; đồng thời hướng tới mục tiêu xây dựng quốc gia giàu có và thịnh vượng thông qua phát triển các ngành kinh tế biển.

EU: Hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh

Biển và đại dương được xác định là động lực của nền kinh tế châu Âu (EU) và có tiềm năng lớn để phục vụ mục tiêu đổi mới và tăng trưởng cho các quốc gia trong khu vực. Để hiện thực hóa các mục tiêu này, năm 2012, EU ban hành Chiến lược phát triển đến năm 2020, trong đó xác định rõ phương hướng và giải pháp trong phát triển kinh tế biển theo định hướng tăng trưởng xanh.

Theo Chiến lược này, EU tập trung phát triển các ngành có tiềm năng cao cho việc làm và tăng trưởng bền vững, như: nuôi trồng thủy sản, du lịch ven biển, công nghệ sinh học biển và khai thác đáy biển. Trong nuôi trồng thủy hải sản, EU xác định 4 lĩnh vực ưu tiên, đó là: giảm gánh nặng hành chính; cải thiện khả năng tiếp cận không gian và nước; tăng khả năng cạnh tranh và khai thác lợi thế cạnh tranh từ tiêu chuẩn cao về chất lượng, sức khỏe và môi trường. Các nước EU được yêu cầu thiết lập các kế hoạch cụ thể để thúc đẩy hoạt động nuôi trồng thủy sản; đồng thời tăng cường hợp tác để nâng cao khả năng cạnh tranh và các hoạt động sản xuất...

Năm 2014, EU thông qua “Chiến lược châu Âu về tăng trưởng và thúc đẩy việc làm trong lĩnh vực du lịch ven biển và hàng hải” nhằm khai thác tối đa tiềm năng của lĩnh vực đầy triển vọng này với 14 hành động cụ thể như xây dựng hướng dẫn trực tuyến về các cơ hội tài trợ chính cho ngành và hỗ trợ phát triển quan hệ đối tác để phát triển các dự án du lịch bền vững và sáng tạo ở các khu vực ven biển...

Chiến lược kinh tế biển xanh của EU cũng xác định các giải pháp nhằm nâng cao kiến thức về biển, cải thiện tiếp cận thông tin về biển; quy hoạch không gian hàng hảiđể bảo đảm quản lý hiệu quả và bền vững các hoạt động trên biển; nâng cao các hoạt động giám sát hàng hải tích hợp để cung cấp cho chính quyền một bức tranh tốt hơn về những gì đang xảy ra trên biển, từ đó có giải pháp kịp thời trước những vấn đề liên quan...

Cùng với đó, EU cũng đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường các hoạt động khám phá sự đa dạng sinh học biển, tạo điều kiện cho việc phát triển các loại dược phẩm hoặc enzyme mới có thể chịu được các điều kiện khắc nghiệt và do đó có giá trị kinh tế cao...

Về năng lượng, EU cũng xác định biển và đại dương cung cấp nguồn năng lượng tái tạo rất lớn. Các công nghệ năng lượng đại dương đang được phát triển để khai thác tiềm năng của thủy triều và sóng, cũng như sự khác biệt về nhiệt độ và độ mặn. Sự phát triển của ngành mới nổi này không chỉ giúp EU đạt được các mục tiêu giảm năng lượng tái tạo và khí nhà kính, mà còn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua đổi mới và tạo ra việc làm mới, chất lượng cao. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, EU đưa ra lộ trình xây dựng chiến lược năng lượng đại dương của khu vực.

Ngoài ra, nhiều tổ chức trong EU cũng được khuyến khích tham gia vào các nghiên cứu và dự án nhằm khai thác hiệu quả hơn các loại tài nguyên dưới đáy biển, qua đó bảo đảm an ninh nguồn cung và lấp đầy những khoảng trống trên thị trường nguyên liệu. Đây cũng là ngành được EU xác định là có tiềm năng tạo ra tăng trưởng và việc làm bền vững cho các thế hệ tương lai.

V. VIỆT NAM VỚI MỤC TIÊU TRỞ THÀNH QUỐC GIA BIỂN MẠNH


Tiềm năng to lớn

Việt Nam có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế biển và giao lưu, hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó Biển Đông đóng vai trò “cầu nối” quan trọng, là cửa mở với các nước trên thế giới.

Tiềm năng nổi bật của kinh tế biển Việt Nam là nguồn tài nguyên dầu khí với trữ lượng lớn, tập trung chủ yếu ở thềm lục địa. Với chiều dài bờ biển lên tới 3.260km, có nhiều vũng vịnh, trong đó nhiều vũng vịnh tương đối sâu và kín, nước ta cũng có nhiều thuận lợi trong phát triển hàng hải, xây dựng các cảng nước sâu và cho việc trú ngụ của tàu thuyền.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có mặt trong danh sách 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và danh sách 20 vùng biển có lợi ích kinh tế lớn nhất toàn cầu do hải sản đem lại, với khoảng 12.000 loài sinh vật, trong đó có trên 2.000 loài cá, sản lượng khai thác hàng triệu tấn mỗi năm.

Cùng những tiềm năng về tài nguyên - môi trường, biển Việt Nam còn có khoảng 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, hàng trăm bãi tắm cát trắng trải dài từ Bắc vào Nam. Đây là điều kiện thuận lợi trong phát triển du lịch và kinh tế hải đảo...

Tập trung 5 mũi nhọn kinh tế biển

Nhận thức rõ những tiềm năng và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với tiến trình phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đưa ra nhiều chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển.

Tháng 2-2007, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu quan trọng nhất là phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết đã xác định đến năm 2020, phát triển thành công, có bước đột phá đối với 5 mũi nhọn kinh tế biển, ven biển, bao gồm: khai thác, chế biến dầu, khí; kinh tế hàng hải; khai thác và chế biến hải sản; du lịch biển và kinh tế hải đảo; xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển.

Thực hiện Nghị quyết, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương có biển đã cụ thể hóa Chiến lược biển vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế biển, qua đó đã đạt được những kết quả tích cực.

Trong lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí, 10 năm qua ngành dầu khí đã có nhiều nỗ lực trong thăm dò, khai thác các mỏ dầu, khí mới (bao gồm cả đầu tư các dự án dầu khí ở nước ngoài) và đẩy mạnh đầu tư các tổ hợp chế biến dầu, khí quy mô lớn. Nguồn thu từ dầu khí là nguồn đóng góp quan trọng đối với đất nước.

Những năm qua, lĩnh vực kinh tế hàng hải cũng có bước phát triển đáng kể. Giá trị sản lượng của ngành vận tải biển, dịch vụ cảng biển và đóng tàu liên tục gia tăng, với tốc độ tăng trong giai đoạn 2007 - 2010 là 22%/năm, giai đoạn 2011 - 2015 là 13%/năm. Đội tàu biển trong nước tính đến hết tháng 11-2017 có tổng trọng tải khoảng 7,8 triệu tấn, đứng thứ 4 trong ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tăng đều và đến năm 2017 đạt khoảng 511,6 triệu tấn.

Với việc quan tâm đầu tư của Nhà nước, kết quả hoạt động khai thác và chế biến hải sản đã tăng 50%, từ 2,07 triệu tấn năm 2007 lên 3,19 triệu tấn năm 2017. Công nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam được xếp loại khá trên thế giới, với 500 cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU. Giá trị xuất khẩu thủy sản những năm gần đây có xu hướng tăng, năm 2010 là 6,03 tỷ USD, năm 2016 đạt 7,05 tỷ USD.

Về du lịch, theo thống kê, từ năm 2000 đến năm 2017, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng từ 2,14 triệu lượt người lên 12,9 triệu lượt; khách du lịch nội địa tăng từ 11,2 triệu lượt lên 73,2 triệu lượt. Trong đó, khách du lịch đến 28 tỉnh, thành phố ven biển trong năm 2017 đạt khoảng 60 triệu lượt. Doanh thu du lịch của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 70% tổng doanh thu toàn ngành, góp phần quan trọng vào xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Đối với lĩnh vực xây dựng các khu kinh tế ven biển, tính đến hết năm 2017, cả nước có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập, với tổng diện tích gần 845.000ha, thu hút khoảng 78,6 tỷ USD vốn đầu tư. Bên cạnh đó, cả nước có 58 khu công nghiệp tập trung ven biển, với tổng diện tích đất công nghiệp gần 13.600ha. Năm 2016, các khu kinh tế ven biển đạt tổng doanh thu khoảng 8 tỷ USD, xuất khẩu đạt hơn 5 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 30.000 tỷ đồng, tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 130.000 lao động.

Phát triển bền vững kinh tế biển

Trên cơ sở đánh giá nghiêm túc những kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW cũng như một số hạn chế và nguyên nhân, tháng 10-2018, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với việc xác định mục tiêu đến năm 2030 là đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển...; Nghị quyết cũng nêu rõ tầm nhìn đến năm 2045 là đưa nước ta trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Về phát triển kinh tế biển và ven biển, Nghị quyết nêu rõ chủ trương đến năm 2030 phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới. Phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển. Phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

7 giải pháp chủ yếu

Nghị quyết cũng xác định 7 giải pháp chủ yếu trong thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội; hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển; phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển; đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển; tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển; chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển; huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh.

Theo đó, sẽ thực hiện một số khâu đột phá như hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển, ưu tiên hoàn thiện hành lang pháp lý, đổi mới, phát triển mô hình tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh quốc tế của các ngành kinh tế biển, các vùng biển, ven biển; hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và thống nhất về biển. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới các quy hoạch liên quan đến biển, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ giữa các ngành, địa phương. Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học, công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao. Phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, các khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng biển với các cảng biển dựa trên hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, kết nối chiến lược Bắc - Nam, Đông - Tây giữa các vùng trong nước và với quốc tế.../.

Duy Anh - Thành Nam - Khôi Nguyên - Tiến Thắng - Công Minh (thực hiện)

(HSSK 407: 25/9/2019)

Chuyên mục: Hồ sơ