TikTok và “trận đại chiến” công nghệ Mỹ - Trung
Tường LinhCú đột phá và thuật toán “gây nghiện siêu tốc”
Hôm 23-3, trong phiên điều trần tại Hạ viện Mỹ, ông Shou Chew - Giám đốc điều hành TikTok - đã phải đối mặt với gần 5 giờ chỉ trích dữ dội từ các nhà lập pháp Mỹ về mối quan hệ của ứng dụng video này với công ty mẹ ở Trung Quốc và việc xử lý dữ liệu người dùng, cũng như những lo ngại về tác động của TikTok với sức khỏe tâm thần trẻ em và vấn đề an ninh quốc gia. Chỉ 1 ngày sau phiên điều trần, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tuyên bố các nhà lập pháp nước này sẽ thông qua một dự luật lưỡng đảng để cho phép chính quyền Tổng thống Joe Biden thông qua lệnh cấm ứng dụng TikTok. Trước đó, chính quyền của ông Joe Biden cũng từng đề xuất tối hậu thư yêu cầu công ty mẹ của TikTok là ByteDance (Trung Quốc) bán ứng dụng này cho người mua ở Mỹ hoặc đối mặt với lệnh cấm có thể xảy ra.
Đây là những diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc tranh cãi Mỹ - Trung xung quanh hoạt động của TikTok. Lâu nay, mạng Internet là “lãnh địa” của các tập đoàn Mỹ như Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Microsoft và Facebook. Nói về mạng xã hội trên phạm vi toàn cầu, các sản phẩm Mỹ như Facebook hay Instagram không có đối thủ. Tuy nhiên, trật tự này đang có nguy cơ thay đổi khi các ứng dụng mạng xã hội Trung Quốc như TikTok và WeChat xuất hiện. Ra đời tháng 9-2016, TikTok có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ), nhưng trên thực tế nền tảng xã hội này thuộc về công ty ByteDance của Trung Quốc và là phiên bản quốc tế của ứng dụng Douyin ở Trung Quốc. Dù sinh sau nhưng TikTok đang có bước nhảy vọt trên thị trường toàn cầu, nhất là ở Mỹ. Theo con số thống kê, hiện có tới 150 triệu người Mỹ sử dụng TikTok.
Cú đột phá của TikTok phần lớn nhờ vào thuật toán mà các chuyên gia đánh giá là “gây nghiện siêu tốc”, khiến người dùng không thể rời mắt khỏi ứng dụng này. Đây là thuật toán “độc nhất vô nhị” về mặt thu thập dữ liệu và phân tích chiến lược. Đại diện của ByteDance cho biết: “chúng tôi đã xây dựng những cỗ máy thông minh có khả năng hiểu và phân tích văn bản - hình ảnh - video bằng cách sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính. Điều này cho phép TikTok vừa phục vụ người dùng bằng những nội dung họ thấy thú vị nhất, đồng thời trao quyền cho các nhà sáng tạo chia sẻ nhiều hơn những khoảnh khắc với khán giả toàn cầu”.
Có điều, TikTok càng thành công bao nhiêu thì Washington lại càng lo lắng bấy nhiêu. Những đòn đánh ngầm nhằm vào TikTok bắt đầu xuất hiện. Mở đầu là những lời quan ngại trong giới luật pháp Mỹ rằng ứng dụng công nghệ này có thể là công cụ để theo dõi thông tin, do thám và truyền tải dữ liệu về Trung Quốc. Tiếp đó, một số chính trị gia Mỹ lên tiếng đặt câu hỏi về việc các nội dung lưu hành trên TikTok có thể gây hại cho sức khỏe tâm thần của thanh, thiếu niên Mỹ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, TikTok còn bị cáo buộc tuyên truyền các thông tin chống lại Mỹ, thậm chí là được Chính phủ Trung Quốc sử dụng để tác động đến nền chính trị và các cuộc bầu cử Mỹ. Cuối tháng 2 vừa rồi, Nhà Trắng ra lệnh cho tất cả nhân viên liên bang xóa ứng dụng TikTok khỏi thiết bị di động do chính phủ cấp trong vòng 30 ngày. Nay thì Quốc hội tính đến việc cho phép ông Joe Biden cấm hẳn TikTok hoạt động ở Mỹ.
Cuộc đối đầu giành quyền áp đặt luật chơi
Xét về bản chất, TikTok không có gì khác với các mạng xã hội khác của Mỹ. Trong một phân tích công bố vào năm 2021, Citizen Lab - tổ chức phi lợi nhuận trực thuộc Đại học Toronto (Canada) - lưu ý rằng TikTok thu thập thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ email và mạng wifi nhằm phân tích hành vi người dùng để phục vụ cho mục đích quảng cáo, không khác gì các ứng dụng Facebook, Instagram và Twitter. Để tránh bị công kích, TikTok cũng đã chủ động kiểm soát thông tin. TikTok khẳng định không cho phép truy cập các dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ cũng như không để bất kỳ cá nhân, tổ chức nào có thể thao túng các nội dung trên nền tảng mạng xã hội này. Hiện 100% lưu lượng truy cập của người dùng TikTok ở Mỹ là đi qua các máy chủ đặt ở Mỹ và do hãng Oracle của Mỹ quản lý.
Cho đến nay, chưa có bất kỳ bằng chứng nào khẳng định các cáo buộc nhằm vào TikTok là chính xác. Ngay một số chuyên gia Mỹ cũng cho rằng, các tính năng của ứng dụng này không phải là hoạt động gián điệp. Thế nhưng, những lời chỉ trích cùng yêu cầu cấm TikTok hoạt động vẫn liên tục xuất hiện. Vấn đề là bởi sự phát triển nhanh như vũ bão của TikTok đã đe dọa nghiêm trọng vị thế và lợi ích của các tập đoàn công nghệ Mỹ như Facebook hay Alphabet. Nhìn rộng ra cả lĩnh vực khoa học - công nghệ, Trung Quốc giờ cũng không còn ở “chiếu dưới” so với Mỹ. Đầu tháng 3-2023, Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) công bố nghiên cứu về lĩnh vực quốc phòng, không gian, năng lượng và công nghệ sinh học, trong đó cho thấy Trung Quốc đang dẫn đầu ở 37 trong số 44 lĩnh vực công nghệ quan trọng và mới nổi. Nước này cũng có khả năng nổi lên với vị thế độc quyền trong 10 lĩnh vực, trong đó có sinh học tổng hợp - lĩnh vực Trung Quốc chiếm tới hơn 30% tổng số nghiên cứu, cũng như pin điện, mạng không dây 5G và sản xuất nano.
Ngăn chặn Trung Quốc giành ưu thế trong lĩnh vực công nghệ cao đã trở thành yêu cầu cấp bách với Mỹ. Trong bối cảnh đó, TikTok bị cuốn vào cuộc đấu tranh địa-chính trị giữa Washington và Bắc Kinh, và việc Mỹ viện dẫn lý do an ninh quốc gia để tìm cách cấm TikTok chỉ là thể hiện bề nổi của tảng băng chìm là cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện Mỹ - Trung. Ông Jean-Francois di Meglio - Chủ tịch trung tâm Asia Centre tại Paris (Pháp) - giải thích: “hai nền kinh tế hàng đầu trên thế giới đang lao vào một cuộc đối đầu giành quyền áp đặt luật chơi với thế giới. Đó là một cuộc đọ sức về công nghệ mang tính chiến lược và quân sự”.
Trong “trận đại chiến” này, vũ khí chủ yếu không phải là đạn dược mà là đủ các loại linh kiện bán dẫn. Để giành chiến thắng, Washington áp dụng chiến thuật “giữ khoảng cách” và “chạy nhanh hơn”. “Giữ khoảng cách” có nghĩa là ngăn Trung Quốc làm chủ những công nghệ hiện đại nhất, bằng cách cắt nguồn cung cấp chip và linh kiện bán dẫn hiện đại nhất cho các nhà sản xuất Trung Quốc. “Chạy nhanh hơn” có nghĩa là các doanh nghiệp Mỹ phải rút ngắn thời gian, thu hút các nhà sản xuất chip hàng đầu trên thế giới mở nhà máy trên lãnh thổ Mỹ.
Trên thực tế, sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền (tháng 1-2021), Washington bắt đầu đẩy nhanh chiến lược ngăn chặn các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn của Trung Quốc. Đầu tháng 8-2022, Mỹ ban hành Đạo luật chip và khoa học, dự trù chi hơn 52 tỷ USD hỗ trợ các khâu “sản xuất, nghiên cứu và phát triển trong ngành công nghệ bán dẫn” ở Mỹ. Đến cuối tháng, Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định cấm xuất khẩu sang Trung Quốc các loại chip điện tử cao cấp sử dụng trong các lĩnh vực, từ công nghệ tạo hình ảo cho các trò chơi video cho đến các hệ thống điều khiển radar, vệ tinh, máy bay trinh sát...
Washington còn tìm cách hình thành một mặt trận chung tấn công công nghệ cao của Trung Quốc bằng cách lôi kéo, thuyết phục các đồng minh Hà Lan, Nhật Bản - những mắt xích quan trọng trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn trên thế giới - hạn chế xuất khẩu chip cao cấp cho Trung Quốc. Cuối tháng 2-2023, “Liên minh chip 4” gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) chính thức ra đời như một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm xây dựng chuỗi cung ứng chip ổn định và hạn chế sự tham gia của Trung Quốc.
Cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đang ngày càng gay gắt, lan rộng trên mọi lĩnh vực, từ sản suất chip, trí tuệ nhân tạo cho đến công nghệ 5G, 6G, công nghệ sinh học... Trong bối cảnh đó, việc TikTok cùng một loạt tập đoàn Trung Quốc như Huawei, ZTE, Tencent hay Alibaba,... bị gây khó dễ là điều dễ hiểu và xu hướng này sẽ có thể tiếp diễn trong thời gian tới. “Bức tường kỹ thuật số” giữa Trung Quốc và Mỹ đang “cao” hơn bao giờ hết và bóng dáng của một cuộc Chiến tranh lạnh về công nghệ Mỹ - Trung đã hiện rõ./.