21/11/2024 | 18:25 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Già hóa dân số: Thách thức mới đối với vấn đề thu nhập hưu trí ở Malaysia

Lâm Phong
Già hóa dân số: Thách thức mới đối với vấn đề thu nhập hưu trí ở Malaysia Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi tại Putrajaya, Malaysia_Ảnh: AFP
Nếu xuất hiện tại các quốc gia đang phát triển, vấn đề già hóa dân số đặt ra những thách thức lớn, nhất là việc bảo đảm an sinh xã hội, thu nhập hưu trí cho người già, bởi thu nhập của người lao động không cao, tích lũy không lớn và nền kinh tế chưa đủ khả năng để gánh vác tốt việc bảo đảm đời sống cho những người già có thu nhập thấp.


Dân số già hóa và vấn đề thu nhập hưu trí

Chính phủ Malaysia phải đi tìm lời giải cho bài toán bảo đảm đời sống cho những người cao tuổi thuộc nhóm 40% thu nhập thấp. Với sự tư vấn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), quỹ hưu trí với mục đích trợ cấp hằng tháng cho những người cao tuổi thuộc nhóm cần trợ cấp này được thành lập. Trong báo cáo Giám sát kinh tế Malaysia, WB khẳng định tầm quan trọng của việc xem xét bảo đảm người Malaysia có đủ thu nhập cho tuổi già, bởi đến năm 2044, quốc gia Đông Nam Á này sẽ có tới 14% dân số từ 65 tuổi trở lên. Quá trình già hóa dân số của Malaysia sẽ diễn ra với tốc độ tương tự như các quốc gia khác tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, chẳng hạn như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Trung Quốc, nhanh hơn nhiều so với một số quốc gia châu Âu. WB đặc biệt lưu ý, Malaysia được dự đoán chỉ mất hơn 20 năm nữa để trở thành một quốc gia già hóa dân số như Nhật Bản. Người Malaysia có thể đã quen với khái niệm về các chương trình an sinh xã hội như quỹ tiết kiệm hưu trí của khu vực tư nhân mang tên Quỹ Tiết kiệm cho nhân viên (EPF) và tổ chức an sinh xã hội thường dựa trên các ràng buộc tiêu chuẩn giữa người sử dụng lao động và người lao động về thu nhập khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, môi trường làm việc đang thay đổi, ngày càng có nhiều người Malaysia làm việc bán thời gian hoặc tự kinh doanh, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều lao động đối mặt với tình trạng không nhận được lương hưu khi về già.

Các tính toán của WB cho thấy, khoảng gần 40% số lao động ở Malaysia không có bảo hiểm theo quỹ hưu trí của khu vực tư nhân EPF hoặc quỹ hưu trí của chính phủ. Ngay cả đối với những người Malaysia đóng góp vào EPF để tiết kiệm cho hưu trí, rất nhiều người nhận được khoản tiền trợ cấp hằng tháng rất thấp (do số dư trong quỹ thấp khi họ nghỉ hưu ở độ tuổi 50 tương đối sớm và chỉ có thể bắt đầu rút tiền từ tài khoản EPF của mình ở tuổi 55). Đáng chú ý, những người trong nhóm thu nhập thấp cũng có xu hướng đóng góp EPF trung bình tương đối thấp. Đặc biệt đối với phụ nữ, các yếu tố dẫn đến việc thiếu bảo hiểm hưu trí, bao gồm tỷ lệ tham gia tương đối thấp của họ vào lực lượng lao động của Malaysia (55,5%) so với nam giới (80,8%), trong khi khoảng cách tiền lương theo giới cũng được cho là góp phần vào mức đóng góp thấp hơn của phụ nữ.

Theo báo cáo của WB, Malaysia cần phải thực hiện chi trả “lương hưu xã hội không đóng góp” để giúp đỡ những người già nghèo, dễ bị tổn thương và bảo vệ họ khỏi nghèo đói, bởi hầu hết những người cao tuổi ở đây sẽ có khoản tiết kiệm không đủ cho nhu cầu cuộc sống hằng ngày.

WB cho rằng, trong ngắn hạn hoặc trung hạn, lựa chọn thiết thực là áp dụng trợ cấp lương hưu xã hội tương đối khiêm tốn, với mức trợ cấp 350RM (khoảng 79USD) mỗi tháng dành cho những người từ 65 tuổi trở lên thuộc nhóm 40% số người có thu nhập thấp. Mức trợ cấp như vậy dự kiến tiêu tốn khoảng 1,6% nguồn thu của chính phủ, sau đó Malaysia có thể mở rộng phạm vi trợ cấp hoặc tăng số tiền trợ cấp của chương trình hưu trí xã hội này nếu ngân sách cho phép.

WB nhấn mạnh, Malaysia không chỉ cần hỗ trợ về mặt tài chính mà còn phải giải quyết nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi. Những thách thức để cải thiện các dịch vụ bao gồm: quản lý ngành và thực thi các tiêu chuẩn cơ bản; cải thiện phạm vi và chất lượng của các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; có đủ nguồn vốn như thông qua trợ cấp của chính phủ, quyên góp cho nhu cầu chăm sóc người già của các hộ gia đình có thu nhập thấp; tăng số lượng nhân viên chăm sóc và các cơ sở xã hội đủ tiêu chuẩn.

Mặc dù các gia đình ở Malaysia đều hỗ trợ tài chính cho những người lớn tuổi không còn khả năng làm việc, song với việc dân số đô thị hóa ngày càng tăng, xu hướng người già không sống cùng con cháu đã đặt ra nhiệm vụ phải điều chỉnh hệ thống tiết kiệm hưu trí để hỗ trợ cho những công dân cao tuổi ngày càng gia tăng như hiện nay.

Cần những giải pháp đi kèm

Những đề xuất trên của WB đối với Malaysia đòi hỏi việc tăng chi tiêu của chính phủ và đặt gánh nặng mới lên ngân sách nhà nước. Theo đề xuất của báo cáo, WB kêu gọi Chính phủ Malaysia đa dạng hóa các nguồn thu và tăng thu để có quỹ cho một hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện hơn. Malaysia có thể tăng mức thuế đối với thu nhập cá nhân, với việc đánh giá lại các khoản giảm trừ và miễn trừ thuế hiện tại mà nhiều người có thu nhập cao đang được áp dụng. Giải pháp này được coi như phương tiện để tăng doanh thu và phân phối lại thu nhập. Chính phủ Malaysia cũng có thể xem xét việc mở rộng đánh thuế đối với các khoản lãi từ vốn đầu tư tài chính, xem xét tính khả thi của các loại thuế khác đối với thu nhập phi lao động. Cụ thể, hiện tại, thuế thu nhập từ bất động sản tại Malaysia rất hạn chế. Bất bình đẳng về của cải lớn hơn đáng kể so với bất bình đẳng về thu nhập, vì vậy, việc đánh thuế một phần lợi nhuận thu được từ tài sản bất động sản sẽ mang lại nguồn thu nhập quan trọng mới cho khu vực công... Bên cạnh đó, xem xét việc bỏ dần các miễn trừ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu, mặt hàng cao cấp, xa xỉ, nhất là những mặt hàng không nằm trong giỏ tiêu dùng của nhóm 40% số người có thu nhập thấp. Giải pháp này có thể tạo điều kiện tăng doanh thu ngân sách mà không gây nguy hiểm cho sức mua của các hộ gia đình có thu nhập thấp hơn.

Già hóa dân số với thách thức về thu nhập hưu trí là bài toán không chỉ đặt ra đối với riêng Malaysia hay các nước trong khu vực, mà còn đối với bất cứ nền kinh tế đang phát triển đã vượt qua giai đoạn vàng về tỷ lệ dân số - khi lực lượng lao động đông đảo và gánh nặng của quỹ hưu trí chưa lớn. Với đề xuất về hỗ trợ hưu trí và các giải pháp tăng thu ngân sách đi kèm của WB, Malaysia có thể tham khảo để giải bài toán này, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện