21/11/2024 | 17:02 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

An ninh lương thực Đông Nam Á: Một năm sau xung đột Ukraina

Phan Lương
An ninh lương thực Đông Nam Á: Một năm sau xung đột Ukraina Nga và Ukraina chiếm gần 1/3 lượng lúa mỳ xuất khẩu toàn cầu_Ảnh minh hoạ
Xung đột bùng phát giữa Nga và Ukraina cách đây hơn 1 năm khiến chuỗi cung ứng lương thực và phân bón từ 2 nước này bị gián đoạn, an ninh lương thực của nhiều quốc gia và khu vực trở nên bấp bênh.


Trước xung đột, Nga và Ukraina đều là những nước xuất khẩu nông sản lớn, chiếm 25% - 30% xuất khẩu lúa mì và 15% xuất khẩu ngô. Khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2-2022, chuỗi cung ứng ngũ cốc và phân bón của 2 nước gián đoạn đáng kể, với hệ quả những cú sốc trong hệ thống lương thực toàn cầu đã làm gia tăng nạn đói ở những quốc gia phụ thuộc nhập khẩu lương thực, cũng như lộ rõ nguy cơ dễ bị tổn thương do sự phụ thuộc này. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng do biện pháp quản lý chống dịch COVID-19 ở một số nước và tình trạng thời tiết cực đoan, như hạn hán, ở những nước khác.

Về tổng thể, Đông Nam Á đã ứng phó tương đối tốt nhờ phản ứng nhanh chóng từ chính phủ các nước khu vực nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hụt lương thực, cũng như năng lực sản xuất nông nghiệp tốt của mình. Hiện Đông Nam Á vẫn đóng vai trò kép quan trọng trong hệ thống lương thực toàn cầu, khi vừa là bên xuất khẩu, vừa là bên nhập khẩu lương thực quan trọng. Hai nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Thái Lan và Việt Nam. Dẫu vậy, khu vực cũng đang nhập khẩu đáng kể lúa mì, ngô và đậu nành làm thức ăn cho người và gia súc. Theo các chuyên gia, dự báo trong những năm tới, sự cân bằng lương thực ở Đông Nam Á nhiều khả năng nghiêng về phía nhập khẩu để đáp ứng cầu.

Các nước Đông Nam Á nhìn chung tương đối phụ thuộc nguồn nguyên liệu thô và phân bón nhập khẩu từ Nga và Ukraina. Theo đó, những nước nhập khẩu ngũ cốc chính là Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Đáng chú ý, ngũ cốc từ Nga và Ukraina chiếm tới 98% lượng nhập khẩu lúa mì của Lào. Về phân bón, Indonesia và Brunei là 2 nước phụ thuộc nhiều nhất, với kim ngạch nhập khẩu từ Nga và Ukraina lần lượt là 31,75% và 26,49%. Gián đoạn do xung đột với chuỗi cung ứng toàn cầu đã tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của các nước Đông Nam Á cũng như nhiều quốc gia châu Á khác, như Trung Quốc, đặt khu vực vào vị trí dễ bị tổn thương.

Sự dễ tổn thương

Tác động từ cuộc xung đột có thể được nhìn nhận ở 3 góc độ: tác động lên hoạt động xuất khẩu lương thực, phân bón của Nga và Ukrana; tác động lên sản xuất lương thực ở Đông Nam Á; tác động lên sản xuất lương thực ở các nước khác cũng xuất khẩu lương thực hoặc cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Sau hơn 1 năm, tác động của khủng hoảng xuất khẩu của Ukraina và Nga giờ đây đã được ghi nhận rõ ràng, với tác động lan truyền khiến sản lượng thịt giảm và giá thịt cao hơn do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng.

Việc giảm xuất khẩu phân bón từ Nga đã ảnh hưởng đến năng suất mùa vụ ở Đông Nam Á, cả trước mắt và trong dài hạn. Đáng chú ý, sản lượng gạo trước khủng hoảng đã đình trệ, thậm chí trong một số trường hợp còn giảm, với khoảng cách năng suất 50% tương đối phổ biến. Ngoài những hiện tượng thời tiết cực đoan gây nhiều thiệt hại, giá phân bón tăng cũng khiến diện tích trồng trọt và năng suất giảm. Hệ quả, nông dân sẽ buộc phải ưu tiên giữa sản xuất hoặc năng suất.

Do hệ thống thương mại lương thực toàn cầu được kết nối chặt chẽ, nhiều nước đã phải nỗ lực bảo đảm, thậm chí cạnh tranh để có được nguồn nhập khẩu ngũ cốc hoặc phân bón thay thế. Sự gia tăng các biện pháp bảo vệ an ninh lương thực do các chính phủ áp đặt như hạn chế và cấm xuất khẩu đã làm giảm sự sẵn có của nhiều mặt hàng chủ chốt. Chẳng hạn đến cuối tháng 3-2022, có 53 biện pháp can thiệp chính sách mới tác động đến thương mại lương thực đã được chính phủ các nước áp đặt, trong đó 31 biện pháp là hạn chế xuất khẩu và 9 biện pháp là can thiệp liên quan đến xuất khẩu lúa mì.

Một khía cạnh cũng cần được xem xét là khả năng tiếp cận kinh tế với lương thực, tức là mức tăng trong giá thực phẩm bán lẻ và lạm phát giá thực phẩm nói chung tác động thế nào đến sự sẵn có của lương thực ở Đông Nam Á. Với đông đảo người tiêu dùng, chi phí thực phẩm bán lẻ tiếp tục tăng do giá năng lượng tăng vọt. Các hộ gia đình trung bình ở Philippines chi 31% thu nhập cho thực phẩm tươi và đóng gói, trong khi các hộ gia đình thu nhập thấp hơn ở Indonesia chi tới 64% cho thực phẩm mỗi tháng. Lạm phát giá lương thực chắc chắn tác động nhiều nhất đến các hộ gia đình trung bình và thấp, đồng thời làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và đói ăn ở những nhóm dễ bị tổn thương.

Đa dạng và đổi mới

Chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã áp dụng một loạt biện pháp nhằm giảm bớt nguy cơ bất ổn an ninh lương thực. Trong khi Singapore nhấn mạnh đến chiến lược đa dạng hóa, một số nước như Philippines đang tìm cách mở rộng kho dự trữ. Campuchia đã hối thúc các công ty lương thực trong nước tăng sản lượng. Với Indonesia và Malaysia, các nước này đã áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu (tạm thời) với nhiều mặt hàng lương thực xuất khẩu chủ lực để bảo đảm đủ nguồn cung trong nước.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, để hỗ trợ những nỗ lực này trong dài hạn, chính phủ các nước khu vực cũng có thể cân nhắc đầu tư và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong nước. Theo hướng này, để tận dụng không gian đô thị và ven đô của mình, Singapore đặt mục tiêu sản xuất trong nước 30% nhu cầu dinh dưỡng trên 1% diện tích đất đến năm 2030, thay vì mục tiêu 10% hiện nay. Một phần thiết yếu của những nỗ lực như vậy chính là tăng cường năng lực thích ứng chính sách và đổi mới công nghệ của các bên.

Với việc thế giới nói chung và khu vực nói riêng đang bước vào một kỷ nguyên nhiều biến động và bất định, trong đó an ninh lương thực không được bảo đảm, các quốc gia Đông Nam Á cần được trang bị tốt hơn để tăng cường năng lực ứng phó. Nhiều chuyên gia khuyến nghị, các chính phủ có thể cân nhắc đầu tư sản xuất nguyên liệu đầu vào ngay ở trong nước (như phân bón và phân bón sinh học), đầu tư và ứng dụng công nghệ mới trong nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Đông Nam Á có thể tìm nguồn nhập khẩu thay thế và hình thành chuỗi cung ứng với Australia và New Zealand, trong khi tích cực triển khai chiến lược đa dạng hóa nguồn nhập khẩu để tránh phụ thuộc một quốc gia hay khu vực.

Các chuyên gia cũng cho rằng, chắc chắn cần thêm nhiều nghiên cứu hợp tác xuyên biên giới giữa các nước hơn nữa để phát triển những chiến lược dài hạn hơn về an ninh lương thực. Để làm được vậy, đổi mới công nghệ cây trồng và kết cấu hạ tầng chuỗi cung ứng khu vực sẽ cần phải được đẩy nhanh. Ở góc độ này, ASEAN - với tư cách tổ chức khu vực, sẽ đóng một vai trò quan trọng./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện