Vấn đề an ninh phi truyền thống trong hội nhập quốc tế
Phạm Nhẫn
Vấn đề mang tính toàn cầu
Không thể không hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế nếu muốn giải quyết ổn thỏa, lâu bền vấn đề an ninh phi truyền thống. Nguyên nhân rất đơn giản là vấn đề an ninh phi truyền thống không bị bó hẹp trong phạm vi lãnh thổ quốc gia và không có quốc gia hay vùng lãnh thổ nào một mình có thể giải quyết nổi.
Đại dịch bùng phát năm 2020, khủng bố quốc tế, biến đổi khí hậu Trái đất hay an ninh mạng đều là những bằng chứng thuyết phục cho thấy an ninh phi truyền thống là hiện tượng và vấn đề mang tính toàn cầu, thách thức, đe dọa cả thế giới, vì thế đòi hỏi cả thế giới phải chung tay hợp tác cùng xử lý. Trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào đầu tháng 2-2023 cũng vậy. Thiên tai, thảm họa thiên nhiên có thể xảy ra ở bên trong một quốc gia hay vùng lãnh thổ, nhưng phạm vi ảnh hưởng tiêu cực của nó vẫn liên quan tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Đó là vì nó có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu hay các tuyến giao thông huyết mạch của thế giới; có thể gây nên làn sóng di tản, di cư kéo theo hàng loạt hệ lụy về chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội, con người và quan hệ quốc tế.
Cho tới nay, chính quyền các quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới đều phải dành ưu tiên chính sách thỏa đáng cho việc giải quyết vấn đề an ninh phi truyền thống. Trong việc này, tất cả đều phải coi trọng hợp tác và hội nhập quốc tế.
Có thể thấy được ở đây mối quan hệ tương tác qua lại giữa hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế với việc giải quyết vấn đề an ninh phi truyền thống. Cụ thể ở đây là dùng hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế để xử lý vấn đề an ninh phi truyền thống. Đồng thời, dùng việc xử lý vấn đề an ninh phi truyền thống để phục vụ hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế.
Những đặc trưng nổi bật nhất của vấn đề an ninh phi truyền thống là không phân biệt ranh giới quốc gia hay vùng lãnh thổ, rất đa dạng, gần như không bao giờ kết thúc và tác động tiêu cực có thể đến mức độ vô cùng nguy hại đối với con người, xã hội trên Trái đất. Kiềm chế, kiểm soát được đại dịch này không có nghĩa là bảo đảm được hoàn toàn đại dịch khác không bùng phát. Biến đổi khí hậu Trái đất là vấn đề còn đồng hành với con người trên con đường đi vào tương lai. An ninh phi truyền thống không phải là vấn đề của riêng ai. Các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, dù giàu có, thịnh vượng đến đâu, phát triển, hiện đại đến mức độ nào, đều không thể một mình giải quyết được vấn đề an ninh phi truyền thống. Tất cả đều phải hợp tác, dựa cậy lẫn nhau, cùng quyết tâm và cùng hành động. Có những vấn đề an ninh phi truyền thống có thể giải quyết được bằng các thỏa thuận song phương trong khuôn khổ quan hệ song phương. Có những vấn đề an ninh phi truyền thống lại chỉ có thể giải quyết được nhờ sự hợp tác của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, cần đến các thỏa thuận, các mối quan hệ hợp tác đa phương.
Biện pháp quan trọng, quyết định
Hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế giúp các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp cận được thông tin, tri thức, công nghệ, nguồn tài chính, tư vấn, kinh nghiệm thực tiễn từ các đối tác bên ngoài để sử dụng vào việc giải quyết những vấn đề an ninh phi truyền thống đặt ra đối với họ. Không có những nguồn lực và sự trợ giúp từ bên ngoài, các quốc gia và vùng lãnh thổ không thể phòng ngừa được hiệu quả nhất và xử lý với cái giá thấp nhất về mọi phương diện những vấn đề an ninh phi truyền thống tồn tại lâu nay, cũng như mới nảy sinh. Nhìn nhận như thế cũng có thể thấy, các quốc gia và vùng lãnh thổ không thể không coi hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế là một trong những biện pháp, cách thức quan trọng, quyết định nhất, không thể thiếu và không thể khác nếu muốn xử lý thành công, lâu dài vấn đề an ninh phi truyền thống. Trên phương diện này, hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế như thế nào, tức là các quyết sách liên quan đến chọn đối tác và khuôn khổ diễn đàn song phương, cũng như đa phương để hợp tác, lựa chọn lĩnh vực và mức độ, xác định phương thức và lộ trình thời gian thuộc về chủ quyền riêng của quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng đều không thể thiếu.
Đồng thời, các quốc gia và vùng lãnh thổ có thể sử dụng chính việc giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống để phục vụ công cuộc hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế. An ninh phi truyền thống là một trong những chủ đề nội dung luôn có tính thời sự trong chính trị thế giới; luôn được đề cập đến trong các sự kiện lớn của chính trị thế giới; luôn nổi bật trên chương trình nghị sự của tất cả các khuôn khổ diễn đàn đa phương và là một trong những lĩnh vực hợp tác song phương giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ. Thông qua việc giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống trong khuôn khổ phạm vi lãnh thổ riêng, tham gia vào công cuộc giải quyết vấn đề an ninh phi truyền thống mà các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cùng nhau tiến hành, từng bên có thể gây dựng, gia tăng vị thế, vai trò, ảnh hưởng quốc tế; thể hiện đóng góp tích cực riêng vào sự nghiệp chung; chứng tỏ là đối tác đáng tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Ở đây bộc lộ rất rõ mối quan hệ tương tác, chi phối lẫn nhau giữa trách nhiệm của cả cộng đồng quốc tế đối với từng quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với trách nhiệm của từng quốc gia và vùng lãnh thổ đối với thế giới về giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Toàn cầu hóa càng tiến triển, hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế càng mạnh mẽ, các thách thức về an ninh phi truyền thống càng phức tạp và nguy hại, càng cần phải phòng ngừa, ứng phó hiệu quả. Mặt khác, phòng ngừa, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống càng hiệu quả, càng có thể thuận lợi thúc đẩy tiến trình hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có lợi cho từng bên và cho tất cả trong cộng đồng quốc tế. Các vấn đề an ninh phi quốc gia còn dai dẳng, còn biến hóa và còn thêm nan giải. Vì thế, bên cạnh việc các quốc gia, vùng lãnh thổ phải kiên định nỗ lực riêng để giải quyết chúng, tăng cường hợp tác quốc tế, hội nhập quốc tế nói chung, phục vụ cho công cuộc phòng ngừa và ứng phó các thách thức về an ninh phi truyền thống nói riêng, cần được các quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục coi trọng đúng mức và quan tâm thỏa đáng./.