05/10/2024 | 22:29 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Công nghiệp văn hóa thời chuyển đổi số và hội nhập quốc tế

Đỗ Đức Long
Cho tới nay, thế giới đã có được nhận thức phổ cập chung là muốn làm giàu từ văn hóa, phải nhìn nhận văn hóa cũng là một ngành công nghiệp, phải gây dựng, phát triển nền công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, công nghiệp văn hóa ở các nơi rất khác nhau, vì tiền đề và nền văn hóa ở mỗi nơi khác nhau. Song, dù khác nhau như thế nào, nền công nghiệp văn hóa ở mọi nơi trên thế giới đều không thể đứng ngoài 2 xu thế lớn của thế giới hiện đại là chuyển đổi số và hội nhập quốc tế. Lễ hội Hoa phượng đỏ - Hải Phòng 2023 mang đậm bản sắc của thành phố cảng_Ảnh: TL

Liên quan mật thiết, tác động tới nhau

Chuyển đổi số và hội nhập quốc tế tác động hai mặt trực tiếp tới nền công nghiệp văn hóa. Chúng tạo tiền đề thuận lợi, mở ra triển vọng mới cho việc xây dựng, phát triển mạnh mẽ nền công nghiệp văn hóa, nhưng đồng thời cũng tạo ra môi trường và không gian mới mà nền công nghiệp văn hóa phải thích ứng để tồn tại, phát triển. Vì thế, những nơi muốn làm giàu từ văn hóa đều phải có chiến lược bài bản với định hướng rõ ràng và kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể để xây dựng, phát triển nền công nghiệp văn hóa riêng. Chuyển đổi số và hội nhập quốc tế liên quan mật thiết với nhau, tác động tới nhau. Chuyển đổi số giúp công nghiệp văn hóa hội nhập quốc tế, hội nhập quốc tế giúp công nghiệp văn hóa chuyển đổi số. Nhưng đồng thời cũng còn có thể thấy, nền công nghiệp văn hóa muốn thực hiện chuyển đổi số không thể không tham gia hội nhập quốc tế; và nếu muốn tham gia hội nhập quốc tế, không thể không thực hiện chuyển đổi số.

Văn hóa được nhận thức là động lực cho phát triển thịnh vượng, là một trong những bảo đảm cho phát triển thịnh vượng. Trong thế giới hiện đại ngày nay, việc làm giàu từ văn hóa luôn là sự kết hợp 2 khía cạnh của “làm giàu”: đem lại sự thịnh vượng về của cải vật chất và gia tăng mọi giá trị thuộc về sức mạnh mềm, luôn bao trùm cả 2 phạm vi dùng văn hóa để làm giàu ở trong quốc gia và làm giàu từ văn hóa ở bên ngoài quốc gia.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 18-6-2016, của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Mục tiêu tổng thể đề ra trong Chiến lược được xác định: Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam.

Những sản phẩm của công nghiệp văn hóa phục vụ trước hết nhu cầu tìm hiểu, nhận thức, trải nghiệm và hưởng thụ của con người - của người dân ở trong nước và người nước ngoài. Đồng thời, phục vụ việc gây dựng và không ngừng tăng cường sức mạnh mềm của quốc gia, vùng lãnh thổ. Thế giới toàn cầu hóa mạnh mẽ và biểu hiện ở chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, trong khi chuyển đổi số và hội nhập quốc tế góp phần thúc đẩy toàn cầu hóa tiến triển. Việc xây dựng, phát triển nền công nghiệp văn hóa được đặt trong bối cảnh có những mối quan hệ tương tác ấy.

Cội nguồn của nền công nghiệp văn hóa là nền văn hóa dân tộc đặc thù của các nơi trên thế giới. Những giá trị tinh hoa của các nền văn hóa khác trên thế giới được chắt lọc, tiếp thu qua quá trình giao thoa văn hóa giữa các nền văn hóa trong thế giới toàn cầu hóa. Bản sắc văn hóa dân tộc là thế mạnh quyết định trong công cuộc hội nhập quốc tế của nền công nghiệp văn hóa. Những giá trị tinh hoa của các nền văn hóa khác trên thế giới làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc.

Chuyển đổi số giúp bảo tồn tốt nhất những giá trị truyền thống, bản sắc của văn hóa dân tộc trước tác động phá hủy của thời gian và chuyển biến của thời cuộc. Hiệu ứng này biểu lộ rõ nét nhất ở những nơi trên thế giới bị chiến tranh tàn phá hay không có đủ nguồn tài lực cần thiết để duy tu, bảo dưỡng hay bảo vệ những công trình, di sản hay tác phẩm văn hóa. Đấy lại là những chất liệu không thể thiếu đối với công nghiệp văn hóa.

Mở đường chinh phục thị trường thế giới

Chuyển đổi số, hội nhập quốc tế giúp mở rộng không gian cho hoạt động văn hóa và mở rộng phạm vi, làm phong phú thêm loại hình sản phẩm cho công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ. Điện ảnh, văn học nghệ thuật cùng với âm nhạc có thể được coi là những ví dụ điển hình. Chẳng hạn như công nghệ số không chỉ giúp tạo nên những tác phẩm điện ảnh mới với ý tưởng sáng tạo nghệ thuật mới, với kỹ xảo, hiệu ứng điện ảnh mới, mà còn cả môi trường phát hành mới, tập tính hưởng thụ “nghệ thuật thứ bảy” mới và diện khán giả mới. Những điều này vừa là động lực mới, vừa là những tiền đề thuận lợi mới cho công cuộc phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa. Chuyển đổi số làm thay đổi cơ bản thế giới âm nhạc, trong đó có nền công nghiệp âm nhạc. Công nghiệp điện ảnh và công nghiệp âm nhạc sẽ không thể phát triển được nếu không chuyển đổi số kịp thời, triệt để. Đối với văn học nghệ thuật, công nghiệp in ấn cũng tương tự như vậy. Sách, báo điện tử không những chỉ làm nên cuộc cách mạng thực sự về văn hóa đọc, mà còn cả trong công nghiệp in ấn sách, báo và sáng tạo về sách, báo trong môi trường kỹ thuật số.

Chuyển đổi số còn thách thức công nghiệp văn hóa ở phương diện tạo nên diện đối tượng hưởng thụ sản phẩm văn hóa mới. Diện khách hàng, người tiêu dùng sản phẩm văn hóa này có tiềm năng lớn mạnh và bị cạnh tranh cả ở bên trong lẫn bên ngoài quốc gia. Nếu không chinh phục được họ, công nghiệp văn hóa cũng không thể phát triển thịnh vượng.

Chuyển đổi số, hội nhập quốc tế mở đường cho nền công nghiệp văn hóa quốc gia chinh phục thị trường thế giới. Công nghiệp văn hóa của quốc gia chỉ có thể tận lợi được nhiều nhất từ toàn cầu hóa khi phát triển, thích ứng hóa trở thành một bộ phận hữu cơ trong xu thế phát triển chung của công nghiệp văn hóa trong thế giới hiện đại. Thông qua chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, công nghiệp văn hóa có điều kiện, tiền đề thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế cho những sản phẩm của nó, chinh phục, khai thác thị trường thế giới bằng những sản phẩm đặc thù của nền văn hóa dân tộc, bằng chính những sản phẩm có hàm chứa tinh túy của các nền văn hóa khác trên thế giới.

Chuyển đổi số và hội nhập quốc tế cũng lại có những tác động trái chiều của chúng tới nền công nghiệp văn hóa của quốc gia. Trong thế giới hiện đại ngày nay, với sự tiến triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa, chuyển đổi số, hội nhập quốc tế trên bình diện thế giới diễn tiến theo những tiêu chí và tiêu chuẩn chung, nguyên tắc và khuôn khổ hành lang chung về chính trị, công nghệ thế giới, cũng như về pháp lý quốc tế. Nền công nghiệp văn hóa trong quá trình xây dựng, phát triển bị chế tài bởi và phải tuân thủ những điều trên khi tiến hành chuyển đổi số, tham gia hội nhập quốc tế. Do đó, để phát triển công nghiệp văn hóa dưới tác động của chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, cần phải lưu tâm thỏa đáng và ngay từ đầu tới mọi chiều hướng tác động của chuyển đổi số, hội nhập quốc tế đối với quốc gia nói chung, đối với chính nền công nghiệp văn hóa nói riêng. Cách tiếp cận đúng đắn ở đây phải là nhằm tới những hiệu ứng tích cực của chuyển đổi số, hội nhập quốc tế, đồng thời luôn nhận thức đầy đủ về tác động tiêu cực và cả nguy hại, rủi ro về chính trị, xã hội, an ninh, kinh tế mà chuyển đổi số, hội nhập quốc tế có thể gây ra cho quốc gia và cho chính nền công nghiệp văn hóa. Chuyển đổi số, hội nhập quốc tế giúp quốc gia làm giàu từ văn hóa nhưng cũng làm cho quốc gia phải thay đổi và bị thay đổi trên rất nhiều phương diện, trong đó có cả nền công nghiệp văn hóa./.