21/11/2024 | 20:07 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Du lịch sáng tạo: Khai thác và giữ gìn nguồn lực văn hóa

Vũ Thanh Vân
Trải nghiệm văn hóa địa phương và tham gia các hoạt động sáng tạo trở thành động cơ, nhu cầu của ngày càng nhiều du khách. Văn hóa địa phương càng độc đáo, đặc sắc, trải nghiệm của du khách càng đáng nhớ và sâu sắc. Dù mới xuất hiện trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhưng du lịch sáng tạo đang trở thành xu hướng phổ biến nhằm khai thác đồng thời giữ gìn các nguồn lực văn hóa.

Đoàn khách quốc tế đầu tiên đến thăm thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam khi Việt Nam mở cửa du lịch sau đại dịch COVID-19, năm 2022_Ảnh: vnanet.vn

Hướng tới trải nghiệm chủ động

Khái niệm du lịch sáng tạo được 2 chuyên gia Greg Richards, Đại học Tilburg và Crispin Raymond, Công ty Crispin Raymond và đồng sự (Hà Lan) đưa ra lần đầu tiên năm 2000 trong bài viết Du lịch sáng tạo, đăng trên ấn phẩm ATLAS News 23. Theo đó, du lịch sáng tạo mang lại cho du khách cơ hội phát triển tiềm năng sáng tạo của mình thông qua quá trình tham gia chủ động vào các hoạt động và trải nghiệm đặc trưng tại địa điểm du lịch. Là hình thức kế thừa, phát huy du lịch văn hóa, du lịch sáng tạo đề cao việc khai thác các nguồn lực văn hóa để du khách chuyển từ vai trò người tham quan sang người tham gia các hoạt động văn hóa.

Greg Richards và Crispin Raymond cho rằng, trong khi các nguồn lực văn hóa như bảo tàng, đền đài, chùa chiền, cung điện, danh lam thắng cảnh sẽ xuống cấp hoặc mai một theo thời gian, thì tiềm năng sáng tạo là vô hạn. Khách du lịch dù vẫn hứng thú với việc tham quan các di sản, giá trị văn hóa, nhưng sẽ háo hức được trải nghiệm, được trở thành một phần trong nền văn hóa đó. Các địa danh lịch sử, văn hóa ở châu Á, châu Âu, châu Phi tiếp tục thu hút du khách từ năm này qua năm khác, nhưng du lịch truyền thống sẽ trở thành lối mòn, trong khi du khách, đặc biệt du khách trẻ, có mong muốn khám phá, tích lũy trải nghiệm. Sự cạnh tranh giữa các địa danh du lịch nổi tiếng khi đó không chỉ còn dựa vào vẻ đẹp tự nhiên, giá trị lịch sử mà còn ở khả năng tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm văn hóa và tham gia các hoạt động mang tính sáng tạo.

Trên thực tế, sau mỗi chuyến du lịch, thứ còn lại trong tâm trí của du khách đều là những cảm xúc, ấn tượng, ký ức về trải nghiệm con người, ẩm thực, phong cảnh... Họ không thể mang theo con người, ẩm thực và phong cảnh của một địa phương, nhưng họ sẽ giữ mãi những trải nghiệm ở đó trong tâm trí. Chính vì vậy, du lịch sáng tạo hướng tới tạo cơ hội cho du khách được tham gia các hoạt động văn hóa, hòa mình vào đời sống địa phương, chứ không chỉ là người quan sát, đứng bên lề các hoạt động văn hóa. Du khách đến làng nghề gốm sứ truyền thống không chỉ được chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm sứ, tham quan quy trình sản xuất đồ gốm, mà còn được tự tay nhào nặn và làm ra những sản phẩm của riêng mình. Hay thay vì chỉ ngồi thưởng thức các món ăn, du khách được hướng dẫn cách chuẩn bị, chế biến món ăn, nhờ vậy ấn tượng trở nên sâu đậm.

Năm 2006, UNESCO xác định du lịch sáng tạo là hoạt động hướng tới trải nghiệm chủ động và chân thực cho du khách với cơ hội học tập ở các công trình nghệ thuật, di sản, địa danh, nhờ vậy du khách có sự kết nối với văn hóa địa phương và tham gia vào quá trình sáng tạo văn hóa. Du khách có thể tham gia vào các hoạt động như biểu diễn nghệ thuật truyền thống, thiết kế các sản phẩm thủ công, chế biến các món ăn đặc sản, học ngôn ngữ địa phương, chơi các trò chơi hoặc môn thể thao. Các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo văn hóa càng đa dạng, hấp dẫn, du khách càng hào hứng tham gia, tạo nên lợi thế cạnh tranh của địa phương mà những nơi khác không thể có được. Tất nhiên, các địa phương cần nghiên cứu đặc điểm, nhu cầu của nhiều nhóm du khách khác nhau nhằm thiết kế, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo văn hóa phù hợp.

Du lịch sáng tạo không chỉ được nhìn nhận như hoạt động nghỉ dưỡng mà còn được xem như một phần của quá trình phát triển bản thân, học tập suốt đời và giao tiếp liên văn hóa. Các nhóm du khách như những người có học vấn, thu nhập cao, hoặc du khách đến từ các nền văn hóa ưa phiêu lưu, học hỏi, sẽ muốn hòa nhập vào đời sống văn hóa sở tại. Đối với những nhóm du khách như vậy, du lịch sáng tạo là hoạt động “nghỉ dưỡng nghiêm túc”, hình thức “tiêu dùng bậc cao” hơn là hoạt động nghỉ dưỡng, giải trí, tái tạo sức lao động đơn thuần. Một nghiên cứu với du khách châu Âu cho thấy, 2/3 số du khách đến các địa danh văn hóa là do họ mong muốn học được những điều mới mẻ, những điều mà họ không có thời gian và cơ hội tìm hiểu trong cuộc sống hằng ngày.

Du khách quốc tế trải nghiệm tự tay làm sản phẩm tại làng gốm Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội_Ảnh: TL

Con đường phát triển bền vững

Có vai trò quan trọng trong việc khai thác, gìn giữ các nguồn lực văn hóa vật chất và tinh thần, du lịch sáng tạo trở thành xu hướng trong ngành du lịch hiện nay với những lợi ích không thể phủ nhận. Các di sản văn hóa như di tích lịch sử, thắng cảnh và các địa danh văn hóa, lịch sử khác không còn được coi là đối tượng tham quan, chiêm ngưỡng mà trở thành môi trường của trải nghiệm văn hóa. Khách du lịch chủ động tham gia các hoạt động trải nghiệm, khám phá, nâng cao sự nhạy cảm văn hóa, đồng thời tạo ra kênh trao đổi, giao lưu giữa văn hóa của mình và văn hóa bản địa. Ở tầm vĩ mô, quá trình này tăng cường hiểu biết liên văn hóa, giúp các nền văn hóa khác nhau xích lại gần nhau hơn.

Thách thức cơ bản đặt ra với du lịch sáng tạo là xây dựng các hoạt động đa dạng, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm du khách khác nhau. Các hoạt động này không mang tính đơn lẻ, tách biệt mà có tính hệ thống, toàn diện, tạo ra các trải nghiệm liên tục, nhất quán và chân thật cho du khách. Các hoạt động trải nghiệm và sáng tạo văn hóa phải là hoạt động thực tế, không mang tính phô diễn, tính hình thức. Muốn làm được điều này, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch sáng tạo phải khai thác tối đa thế mạnh của nguồn lực văn hóa gắn với nhu cầu cụ thể của du khách. Việc thiết kế các hoạt động du lịch sáng tạo một mặt đề cao tính độc đáo, đặc sắc của văn hóa địa phương, mặt khác tránh dễ dãi chiều theo những thị hiếu đơn giản của du khách.

Du lịch sáng tạo đồng nghĩa với du lịch bền vững và trong một số trường hợp đối lập với du lịch giá rẻ, nó hướng tới thu hút số lượng du khách ít hơn nhưng có nhu cầu khác biệt và mức độ sẵn sàng chi trả cao hơn. Một số quốc gia thậm chí áp dụng các biện pháp hạn chế, nhằm lựa chọn du khách đáp ứng được các tiêu chí nhất định. Bhutan là một trong những quốc gia như vậy, khi đặt ra những yêu cầu khắt khe với du khách nước ngoài. Thị thực du lịch chỉ cấp cho du khách theo yêu cầu của các công ty du lịch được chính phủ cấp phép, do đó, du khách tự túc gần như không có cơ hội đến đất nước của Phật giáo kim cương thừa này. Biện pháp kiểm soát này góp phần duy trì không khí yên tĩnh cần thiết tại các chùa chiền, không phá vỡ lối sống chậm rãi của người dân. Trong khi đó, số tiền tối thiểu du khách phải chi trả mỗi ngày là 200USD. Biện pháp này khiến du khách càng có nhu cầu và mơ ước đến trải nghiệm, khám phá Bhutan.

Trong mô hình du lịch sáng tạo, cộng đồng địa phương tập trung vào việc bảo tồn các di tích lịch sử, bảo vệ các tập quán truyền thống, gìn giữ các giá trị văn hóa. Sự nguyên vẹn, nguyên bản và đặc sắc của các nguồn lực văn hóa truyền thống chính là yếu tố thu hút du khách. Du khách tìm đến để trải nghiệm những hoạt động văn hóa mà họ không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác. Theo nghĩa này, du lịch sáng tạo là con đường phát triển bền vững, tránh hiện tượng khai thác quá đà hoặc lạm dụng các di sản văn hóa đến mức khiến cho di sản mất đi tính nguyên sơ hoặc hiện tượng dịch vụ du lịch bị thương mại hóa đến mức gây cho du khách cảm giác chán ghét, khiến họ không muốn quay trở lại nữa.

Ziyan Yin và các đồng sự trong nghiên cứu Cơ chế hình thành trải nghiệm du lịch đáng nhớ trong mô hình du lịch sáng tạo: Nhìn từ phương diện nhận thức biểu hiện đăng trên tạp chí Bền vững (Sustainability, Mỹ) cho rằng, du lịch sáng tạo cần mang lại cho du khách cơ hội làm những thứ mới mẻ, hấp dẫn, mang tính đặc sắc văn hóa địa phương. Du lịch sáng tạo “thúc đẩy trí tuệ, kỹ năng và tài năng của những con người sáng tạo nhằm thúc đẩy và gìn giữ các nguồn lực văn hóa, tạo ra các sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao với sự hỗ trợ của công nghệ”. Du lịch sáng tạo ý nghĩa sẽ khuyến khích du khách quay trở lại, xây dựng cộng đồng du khách trung thành và hình thành sức hút tự nhiên với các du khách tiềm năng.

Tuy nhiên, các nhà phát triển du lịch cảnh báo, du lịch sáng tạo nếu không được triển khai một cách hợp lý sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến văn hóa sở tại. Các khu nhà ổ chuột ở Brazil được chuyển hóa thành địa điểm du lịch, thu hút khách du lịch đến trải nghiệm đời sống nghèo khó. Hay một làng cổ ở Trung Quốc tiếp nhận hàng nghìn lượt người mỗi ngày đến tham quan cảnh đẹp, khám phá ẩm thực, tham gia các hoạt động như pha trà, làm bánh hay viết thư pháp. Khi hạ tầng vật chất bị quá tải và người dân địa phương chạy theo lợi nhuận, văn hóa bị đối xử thô bạo như công cụ kiếm tiền hơn là đối tượng phải gìn giữ, phát huy. Ranh giới giữa khai thác và gìn giữ nguồn lực văn hóa cho du lịch rất mong manh, đòi hỏi tư duy văn hóa để làm du lịch, chứ không phải tư duy du lịch để bóc lột văn hóa./.