06/10/2024 | 00:47 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Làm giàu từ văn hóa

Tiến Thắng - Công Minh - Thảo Nguyên - Trí Dũng - Thành Nam
Không chỉ tạo ra những giá trị to lớn đối với đời sống tinh thần, hạnh phúc của mỗi cá nhân hay được xem là cơ sở tạo ra sự gắn kết cộng đồng, xã hội..., mà các khía cạnh văn hóa ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển. Trong những năm gần đây, các lĩnh vực văn hóa - sáng tạo trên toàn cầu đã thực sự trở thành hoạt động kinh tế sôi động thu hút nhiều lao động, tạo ra doanh thu hàng trăm tỷ USD mỗi năm cho các doanh nghiệp và nguồn thu thuế quan trọng của nhiều quốc gia.

Các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ văn hóa diễn ra hết sức sôi động và đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của hoạt động thương mại toàn cầu. Lĩnh vực du lịch văn hóa cũng ngày càng trở nên hấp dẫn, chiếm tới 40% tổng doanh thu du lịch quốc tế... Tất cả đã tạo ra những cơ hội lớn cho sự phát triển của nhiều gia đình, cộng đồng, địa phương và quốc gia. Tất nhiên, những cơ hội đó chỉ xuất hiện ở những nơi nguồn lực văn hóa được gìn giữ, khai thác và phát huy hiệu quả.

I. VĂN HÓA VÀ NGUỒN LỰC TỪ VĂN HÓA


Gói bánh chưng ngày tết - nét đẹp văn hóa của người Việt Nam_Ảnh: TL

Văn hóa là gì?

Văn hóa là một khái niệm khá rộng và phức tạp. Theo một số thống kê chưa đầy đủ, hiện trên thế giới có hàng trăm định nghĩa (khái niệm) về văn hóa, được kiến giải với những góc độ tiếp cận khác nhau.

Văn hóa theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.

Với cách hiểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa là một khái niệm rất rộng, bao gồm toàn bộ những gì do con người sáng tạo và phát minh ra.

Văn hóa theo quan điểm của UNESCO

Năm 1970, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã thừa nhận khái niệm chung của cộng đồng quốc tế về văn hóa. Theo đó, “văn hóa bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động”.

Năm 1994, UNESCO tiếp tục đưa ra định nghĩa cụ thể hơn về văn hóa. Theo tổ chức này, văn hóa được hiểu theo 2 nghĩa. Theo nghĩa rộng, “văn hóa là một phức hệ - tổng hợp các đặc trưng diện mạo về tinh thần, vật chất, tri thức và tình cảm,... khắc họa nên bản sắc của một cộng đồng gia đình, xóm làng, vùng, miền, quốc gia, xã hội... Văn hóa không chỉ bao gồm nghệ thuật, văn chương mà còn cả lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống giá trị, những truyền thống, tín ngưỡng...”. Còn theo nghĩa hẹp, “văn hóa là tổng thể những hệ thống biểu trưng (ký hiệu) chi phối cách ứng xử và giao tiếp trong cộng đồng, khiến cộng đồng đó có đặc thù riêng”.

Năm 2002, UNESCO định nghĩa: “văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”.

Một số nguồn lực từ văn hóa

Di sản văn hóa

Bên cạnh những khái niệm về văn hóa khá rộng như nêu trên, chúng ta còn hay nhắc đến thuật ngữ di sản văn hóa. Cũng theo UNESCO, di sản văn hóa là những thứ do con người hoặc thiên nhiên tạo ra và có giá trị đặc biệt đối với nhân loại. Di sản văn hóa có thể là một cái gì đó hữu hình, giống như một tác phẩm nghệ thuật; phi vật thể, như truyền thống và các hoạt động văn hóa hoặc tự nhiên, như cảnh quan được hình thành tự nhiên.

Không chỉ mang những giá trị văn hóa đặc biệt, di sản văn hóa của một xã hội còn được xem là một nguồn lực để phát triển kinh tế. Các quốc gia có thể khai thác các di sản văn hóa truyền thống hoặc tự nhiên để tạo ra sự giàu có thông qua hoạt động du lịch, ẩm thực, nghệ thuật và rất nhiều hoạt động khác. Những lợi thế của một cộng đồng, quốc gia có thể được tạo dựng từ khai thác di sản văn hóa bao gồm tạo việc làm, tăng thu hút đầu tư, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh...

Hàng hóa và dịch vụ văn hóa

Điều đầu tiên có thể xuất hiện trong suy nghĩ khi nói đến kinh tế chính là các hoạt động trao đổi hàng hóa truyền thống (như lương thực, thực phẩm hoặc quần áo) và dịch vụ (như phương tiện giao thông công cộng). Tương tự như vậy, khi đề cập đến yếu tố kinh tế trong văn hóa, người ta cũng có khái niệm về hàng hóa - dịch vụ văn hóa. Trên thực tế, sản phẩm - dịch vụ văn hóa cũng tồn tại dưới dạng vật chất và phi vật chất được kết tinh từ các giá trị văn hóa. Đây là những sản phẩm - dịch vụ thuộc mọi lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật - văn học,... như: xuất bản sách, âm nhạc, hội họa, điêu khắc, nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh,... được tạo ra với mục đích phục vụ, thỏa mãn nhu cầu văn hóa - tinh thần của con người.

Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều đưa những ngành sau vào thống kê lĩnh vực văn hóa và sáng tạo bao gồm: in ấn; sản xuất nhạc cụ; xuất bản sách, ấn phẩm định kỳ và các hoạt động xuất bản khác; sản xuất phim và chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; lập trình và phát thanh; thiết kế chuyên dụng; nhiếp ảnh; sáng tạo, nghệ thuật và giải trí; thư viện, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác.

Sản phẩm - dịch vụ văn hóa có thể do một cá nhân hay một cộng đồng sáng tạo ra. Cũng chính vì thế, các sản phẩm này luôn mang dấu ấn cá nhân, cộng đồng và luôn phản ánh, biểu hiện các yếu tố đặc trưng của dân tộc, địa phương, vùng miền..., được lưu giữ, trao truyền, kế thừa và phát triển.

Hiện nay, các sản phẩm dịch vụ - văn hóa thường được xem là “đầu ra” của các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo (CCS). Đó là tất cả các lĩnh vực có hoạt động dựa trên các giá trị văn hóa và/hoặc nghệ thuật, cũng như các hình thức sáng tạo khác, bất kể các hoạt động đó là định hướng thị trường hay phi thị trường.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lĩnh vực văn hóa và sáng tạo bao gồm kiến trúc, lưu trữ, thư viện và bảo tàng, thủ công nghệ thuật, nghe nhìn (bao gồm phim, truyền hình, trò chơi điện tử và đa phương tiện), di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, thiết kế, lễ hội, âm nhạc, văn học, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, phát thanh và hình ảnh nghệ thuật.

Văn hóa và sáng tạo được xem là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và hạnh phúc của người dân. Các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo là hoạt động kinh tế sôi động, tạo ra nhiều việc làm, doanh thu cho các doanh nghiệp và là nguồn thu thuế quan trọng; đồng thời làm tăng sức hấp dẫn của các địa điểm sinh sống, tham quan và đầu tư; hỗ trợ hòa nhập, nhất là cho các nhóm yếu thế.


II. LÀM GIÀU TỪ VĂN HÓA


Lễ hội hóa trang nổi tiếng thế giới Mardi Gras của Mỹ_Ảnh: Getty

Cùng với việc mang lại những giá trị tinh thần phong phú, các nguồn lực văn hóa còn là một trong những nguồn lực quan trọng trong tiến trình phát triển.

Lĩnh vực nhiều tiềm năng

Nhiều thống kê cho thấy, các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo đang trở thành động lực kinh tế ngày càng quan trọng với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế sáng tạo năm 2022 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo đóng góp đáng kể cho nền kinh tế thế giới. Cụ thể, vào năm 2020, các lĩnh vực này chiếm khoảng 24% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và chiếm 3,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Ngoài ra, các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo cung cấp 6,2% tổng số việc làm, với gần 50 triệu chỗ làm việc trên toàn thế giới và sử dụng nhiều lao động trẻ (15 - 29 tuổi) hơn so với các lĩnh vực khác. Chính vì vậy, UNCTAD cho rằng đây là lĩnh vực có nhiều tiềm năng trong việc thúc đẩy hòa nhập xã hội, đa dạng văn hóa và phát triển con người. Những yếu tố này cùng các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo có vai trò quan trọng để đạt được những mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Xét về hiệu quả cụ thể, một báo cáo được OECD công bố năm 2022 cho thấy, trong thập niên trước cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng về số lượng doanh nghiệp trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo cao hơn so với phần còn lại của nền kinh tế (18% so với 12%) ở các nước OECD. Năm 2018, các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo chiếm trung bình 7% tổng số doanh nghiệp và đóng góp trực tiếp 2,2% tổng giá trị gia tăng (GVA) của nền kinh tế các quốc gia này, tương đương với khoảng 666 tỷ USD. Trong đó, tại Anh, các lĩnh vực kinh tế sáng tạo đóng góp 3,8% trong tổng GVA của nền kinh tế; tại Mỹ, tỷ lệ này là 3,6% còn ở Pháp là 3,1%. Những phân ngành có đóng góp quan trọng cho GVA gồm: in ấn và phương tiện sao chép; hoạt động lập trình và phát thanh truyền hình; sản xuất phim, video và chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; kiến trúc.


Điệu nhảy T’sasala truyền thống - một trong những nét văn hóa nổi tiếng của Canada_Ảnh: TL

Tại Canada, văn hóa và thể thao chiếm 3% GDP, trong khi các sản phẩm văn hóa chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2019.

Tại Azerbaijan, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã đóng góp 1% GDP và 3,8% tổng số việc làm trong năm 2018.

Tại Mexico, lĩnh vực văn hóa đóng góp 2,9% GDP và tạo việc làm cho hơn 2,2 triệu người vào năm 2020.

Trong khi đó, ở Colombia, gần 500.000 người làm việc trong nền kinh tế sáng tạo vào năm 2021.

Tại các quốc gia OECD, sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa sáng tạo cũng có tác động quan trọng về xã hội, thông qua tính hiệu quả trong giải quyết việc làm. Cụ thể, ở một số nước OECD, trong tổng số 20 công việc thì có 1 công việc liên quan đến lĩnh vực này. Riêng ở các thành phố lớn, tỷ lệ lao động làm các công việc liên quan đến văn hóa và sáng tạo chiếm tới 10%. Điều đáng nói là, trong giai đoạn 2011 - 2019, tốc độ tăng trưởng việc làm văn hóa và sáng tạo đã đạt 13,4%, vượt xa tốc độ tăng trưởng việc làm nói chung ở hầu hết các quốc gia OECD là 9,1%. Hiệu quả này, theo nhiều phân tích, là do văn hóa sáng tạo là lĩnh vực đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (hiện 99% số doanh nghiệp trong lĩnh vực này là doanh nghiệp vừa và nhỏ) có tính linh hoạt cao, phù hợp với sự đa dạng của các yếu tố văn hóa.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo cũng tạo ra những tác động lan tỏa tới sự đổi mới của các lĩnh vực khác trong toàn bộ nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau, thông qua các sản phẩm - dịch vụ và nội dung mới, mô hình kinh doanh mới và cách thức hợp tác sản xuất, lưu chuyển lao động.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mức độ tham gia vào các lĩnh vực văn hóa sáng tạo có tác động tích cực đến hạnh phúc và sức khỏe cũng như khuyến khích sự gắn kết cộng đồng thông qua việc hỗ trợ hòa nhập đối với các nhóm yếu thế; đồng thời làm tăng sức hấp dẫn của các địa điểm là điểm đến để sinh sống, tham quan và đầu tư, từ đó thúc đẩy quá trình phát triển.

Nguồn thu quan trọng

Theo số liệu mới nhất của Viện Thống kê UNESCO (UIS), năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa - dịch vụ văn hóa toàn cầu đạt 271 tỷ USD.

Trước đó, một báo cáo của cơ quan này cho biết, thương mại hàng hóa - dịch vụ văn hóa đã có tốc độ tăng trưởng khá nhanh. Riêng trong giai đoạn 2004 - 2013, bất chấp suy thoái kinh tế toàn cầu và sự thay đổi lớn của người tiêu dùng, giá trị thương mại hàng hóa - dịch vụ văn hóa đã tăng gấp 2 lần, đạt 212,8 tỷ USD. “Đây là bằng chứng về vai trò quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay”, ông Silvia Montoya - Giám đốc UIS - nhận định.

Thống kê cho thấy, Trung Quốc hiện là nhà xuất khẩu hàng hóa - dịch vụ văn hóa hàng đầu, tiếp theo là Mỹ. Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu văn hóa của Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông) là 63,8 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với Mỹ (31,5 tỷ USD).

Tại châu Âu, theo thống kê của Liên minh châu Âu (EU), giá trị hàng hóa văn hóa xuất khẩu ra ngoài EU đã tăng 10,4% (từ 19,4 tỷ euro năm 2016 lên 21,4 tỷ euro vào năm 2021). Trong đó, các sản phẩm có đóng góp nhiều nhất là: đồ trang sức (48,6%), tác phẩm nghệ thuật (14,4%). Năm 2021, mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa văn hóa của EU một lần nữa thuộc về sản phẩm đồ trang sức (52,2%), tiếp theo là tác phẩm nghệ thuật (13,8%) và sách (8,3%).


III. DU LỊCH VĂN HÓA - TIỀM NĂNG QUAN TRỌNG


Du khách tham quan Bảo tàng Louvre ở Thủ đô Paris, Pháp_Ảnh: thanhnien.vn

Cùng với các sản phẩm - dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, du lịch văn hóa đã trở thành lĩnh vực quan trọng đối với nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển.

Văn hóa và giá trị của những điểm đến

Có thể nói, du lịch và văn hóa là không thể tách rời, trong đó văn hóa là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), sự hội tụ giữa du lịch và văn hóa đã đưa du lịch văn hóa trở thành một trong những thị trường du lịch lớn nhất toàn cầu. Điều đó dựa trên sự quan tâm ngày càng tăng của du khách đối với những trải nghiệm đích thực và đáng nhớ tại các điểm đến với dịch vụ văn hóa bền vững, khác biệt và được thiết kế cẩn thận. Trong khi đó, các nhà quản lý tài nguyên du lịch văn hóa cũng có rất nhiều nỗ lực trong việc ứng dụng và thực hiện các mô hình hài hòa lợi ích của tất cả tác nhân hội tụ tại các điểm đến, từ đó nâng cao giá trị của di sản và các biểu đạt văn hóa.

Theo thống kê của UNWTO, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1 tỷ người đi du lịch nước ngoài và 40% trong số đó lựa chọn điểm đến dựa trên nền tảng văn hóa của địa điểm du lịch với động cơ chính là được khám phá, tìm hiểu và trải nghiệm các điểm tham quan văn hóa vật thể và phi vật thể, tìm hiểu và tham gia vào các hoạt động văn hóa địa phương như lễ hội. Những điểm làm nên sự thu hút của du lịch văn hóa cũng có liên quan đến các di sản về nghệ thuật, âm nhạc, văn học...

Du lịch văn hóa bao gồm việc tham quan các điểm đến du lịch văn hóa, tham quan viện bảo tàng và di sản văn hóa, thưởng thức các chương trình biểu diễn văn hóa, trải nghiệm lối sống... Qua du lịch văn hóa, mọi người có thể hiểu được văn hóa của những quốc gia khác.

Với sức hấp dẫn đó, doanh thu du lịch văn hóa toàn cầu ước đạt 5,9 tỷ USD vào năm 2023, chiếm khoảng 40% tổng doanh thu du lịch toàn cầu và có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao trong 10 năm tới với doanh thu ước tính hơn 22 tỷ USD vào năm 2033. Bên cạnh mang lại giá trị trực tiếp về doanh thu, du lịch văn hóa cũng là lĩnh vực tạo ra hàng trăm triệu việc làm, mang lại thu nhập để bảo đảm cuộc sống cho nhiều người, nhiều gia đình. Nguồn thu nhập này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân ở các quốc gia đang phát triển.

Sau Pháp, Mỹ và Tây Ban Nha, Trung Quốc là quốc gia có điểm đến du lịch văn hóa hấp dẫn xếp thứ tư trên thế giới. Các bảo tàng Trung Quốc cũng rất nổi tiếng đối với khách du lịch: Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc ở Bắc Kinh là bảo tàng nổi tiếng thứ hai trên thế giới và thu hút 7 triệu du khách vào năm 2015, trong khi Bảo tàng Khoa học và Công nghệ Thượng Hải, với 6 triệu du khách, đứng ở vị trí thứ 9.

Năm 2015, Mexico đã trở thành 1 trong 10 điểm đến yêu thích của du khách quốc tế, với 32 triệu người. Một phần ba số khách du lịch này đã đến thăm các địa điểm khảo cổ quan trọng nhất của người Maya, trong khi 7,3 triệu du khách nước ngoài đã đến thăm ít nhất 1 bảo tàng.

Những giá trị du lịch văn hóa: Nhìn từ châu Âu

Trong những năm qua, châu Âu luôn là một trong những điểm đến du lịch văn hóa hàng đầu trên thế giới. Riêng năm 2022, gần 600 triệu khách du lịch đã đến thăm lục địa già, tạo ra doanh thu tổng cộng xấp xỉ 450 tỷ USD.

Sức hấp dẫn của du lịch văn hóa châu Âu là bởi đây là khu vực tập trung các bảo tàng hàng đầu thế giới cùng rất nhiều công trình kiến trúc, văn hóa nổi tiếng. Theo xếp hạng của Hiệp hội Giải trí theo chủ đề, châu Âu có 9 trong số 20 viện bảo tàng được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới. Trong đó, Bảo tàng Louvre ở Paris (Pháp) đã đón tới 8,7 triệu lượt khách vào năm 2015, đứng đầu danh sách; tiếp đó là Bảo tàng Anh (6,8 triệu lượt khách) và Bảo tàng Vatican (6 triệu lượt khách). Tại Tây Ban Nha cũng có 2 bảo tàng được xếp hạng tốt nhất là Bảo tàng Reina Sofia và Bảo tàng El Prado đều đón khoảng 3 triệu lượt khách mỗi năm.

Ngoài các bảo tàng, hình bóng của Tháp Eiffel (Pháp), Tháp London (Anh) hay Nhà thờ Sagrada Familia ở Barcelona (Tây Ban Nha) không chỉ được xem là biểu tượng cho các thành phố này mà còn là những điểm thu hút khách du lịch hàng đầu thế giới.

Và, giống như bất kỳ thương hiệu nào khác, những di tích này cũng mang những giá trị kinh tế rất lớn. Theo ước tính của Phòng Thương mại Monza và Brianza (Italia), Tháp Eiffel - nơi đón hơn 6 triệu khách du lịch ghé thăm mỗi năm có trị giá trên 434 tỷ USD, là công trình có giá trị nhất trong tất cả các công trình nổi tiếng trên thế giới được phân tích. Đây là con số khá lớn nếu so với giá trị 135 tỷ euro của Apple - thương hiệu giá trị nhất thế giới - được Forbes định giá cùng năm. Trong khi đó, Sagrada Familia của Antoni Gaudi - tượng đài nổi tiếng nhất của Barcelona, với hơn3 triệu du khách mỗi năm - có “giá trị danh tiếng” 90,37 tỷ euro; Đấu trường La Mã ở Rome trị giá 91 tỷ euro.

Mặc dù Tháp London có giá trị không cao bằng Tháp Eiffel, nhưng thủ đô của Anh với Cung điện Buckingham, Tháp đồng hồ Big Ben, Phòng trưng bày Quốc gia,... là thành phố nổi tiếng nhất ở châu Âu đối với khách du lịch, với khoảng 20 triệu lượt khách quốc tế đến thăm mỗi năm, mang lại khoảng 3,8 tỷ euro. Ngành du lịch văn hóa của thành phố cũng tạo việc làm cho khoảng 80.000 lao động trực tiếp.


IV. KINH NGHIỆM MỘT SỐ QUỐC GIA CHÂU Á TRONG VIỆC LÀM GIÀU TỪ VĂN HÓA


Triển lãm làn sóng Hallyu tại Bảo tàng V&A ở Thủ đô London, Anh, ngày 21-9-2022_Ảnh: Reuters

Việc phát huy các giá trị văn hóa đang dần trở thành nhận thức chung, là ưu tiên trong phát triển kinh tế của nhiều quốc gia.

Làn sóng Hàn Quốc

Tháng 2-2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cam kết sẽ tiếp tục quảng bá “nội dung Hàn Quốc” (K-content) trên khắp thế giới để nâng giá trị K-content lên top 4 toàn cầu. Năm 2021, xuất khẩu nội dung Hàn Quốc bao gồm K-pop, K-drama, K-movie, K-game và K-webtoons đã đạt 12,45 tỷ USD nhờ sự phổ biến của Hallyu (“làn sóng Hàn Quốc”) trên phạm vi toàn thế giới.

Không phải tới thời điểm này mới được chú trọng, làn sóng Hallyu đã ra đời từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX, với quyết định của Chính phủ Hàn Quốc về việc tự do hóa các lĩnh vực văn hóa sáng tạo trong nước, tự do hóa việc nhập khẩu các sản phẩm văn hóa Nhật Bản... Động thái này cùng với sự vào cuộc tích cực của khu vực tư nhân đã góp phần giúp “làn sóng Hàn Quốc” nhanh chóng lan rộng ở Nhật Bản, cũng như các nước châu Á khác và sau đó là trên phạm vi toàn cầu.

Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, hơn 60% trong số 231 triệu người đăng ký Netflix ở 190 quốc gia trên thế giới xem nội dung của Hàn Quốc. Đầu năm 2023, Netflix cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 2,5 tỷ USD vào nội dung Hàn Quốc trong 4 năm tới.

Với những bước đi táo bạo trong việc phát triển lĩnh vực văn hóa và sáng tạo, ngành công nghiệp nội dung văn hóa, bao gồm phim, video, trò chơi và phim truyền hình Hàn Quốc đã nhanh chóng đạt được những thành công ở cả thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời cho thấy Hàn Quốc đã đi trước nhiều quốc gia khác trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa - dịch vụ văn hóa. Hiện kim ngạch xuất khẩu các nội dung K chiếm khoảng 2,6% thị phần xuất khẩu sản phẩm văn hóa toàn cầu, lớn thứ 7 trên thế giới, tăng 7 bậc so với năm 2013; tạo ra doanh thu khoảng 114 tỷ USD và 680.000 việc làm. Đây cũng là lĩnh vực đạt tốc độ tăng trưởng nhanh, liên tục và để lại nhiều dấu ấn, đặc biệt là trong giai đoạn 2013 - 2020. Năm 2020, bộ phim “Ký sinh trùng” do Hàn Quốc sản xuất đã giành được 4 giải thưởng, trong đó có giải Phim hay nhất tại Oscar. Mức độ nổi tiếng toàn cầu của nhóm nhạc nam Hàn Quốc BTS cũng được xem là vô cùng lớn, khi mang về 56.000 tỷ won (tương đương 45,5 tỷ USD) chỉ trong năm 2021. Chưa kể sự phổ biến của các bộ phim truyền hình K với các kỷ lục toàn cầu trên các nền tảng như Netflix, trong đó có bộ phim nổi tiếng “Squid Game” (Trò chơi con mực)... Xứ sở Kim Chi cũng được liệt kê trong top 20 thế giới về biểu diễn và lễ kỷ niệm; nghệ thuật thị giác và hàng thủ công; dịch vụ thiết kế và sáng tạo.

Các thống kê cũng cho thấy, xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc đã tạo ra nhiều tác động gián tiếp khác cho nền kinh tế như thúc đẩy du lịch (năm 2018, doanh thu du lịch đạt 20,7 tỷ USD, tăng gấp đôi so với 10 năm trước đó) hay tạo điều kiện nâng cao hiệu quả xuất khẩu các mặt hàng liên quan. Người ta ước tính, nếu kim ngạch xuất khẩu K-content tăng thêm 100 triệu USD, thì xuất khẩu hàng tiêu dùng như mỹ phẩm, thời trang và thực phẩm,... sẽ tăng thêm 180 triệu USD.

Nhiều ý kiến cho rằng, hướng đi này góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức mạnh mềm của Hàn Quốc trong những năm qua.

Điểm đến du lịch văn hóa Thái Lan

Thái Lan là một trong số các quốc gia châu Á nổi tiếng với sự phát triển du lịch, trong đó có du lịch văn hóa. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, tình hình trong nước cũng gặp nhiều bất ổn, nhưng liên tục trong gần chục năm trước đại dịch, ngành du lịch Thái Lan vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 30% - 40%/năm và vững vàng trong nhóm 10 nước có tốc độ phát triển về du lịch nhanh nhất thế giới.

Một trong những lý do tạo nên thành công này là vào năm 2015, Thái Lan đã triển khai chiến dịch quốc gia Discover Thainess, hướng đến việc tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm cuộc sống người dân bản địa để cảm nhận rõ hơn những giá trị văn hóa đặc sắc Thái Lan. Trong chiến dịch này, Thái Lan tổ chức cuộc thi “One and Only” (Một và duy nhất) kêu gọi thể hiện những đặc trưng riêng có, độc đáo của người Thái và văn hóa Thái. Chương trình đăng tải các clip biểu diễn 5 nội dung: Muay Thái, nói tiếng Thái, làm vòng hoa kiểu Thái, múa truyền thống Thái, ẩm thực Thái để người tham gia chọn 1 trong 5 và làm theo. Những đối tượng thường sử dụng mạng xã hội được khuyến khích tham gia, chia sẻ.

Việc bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa rất được coi trọng, bởi điều này được Thái Lan xem là nền tảng để phát triển loại hình du lịch văn hóa. Chẳng hạn như tại Chiang Mai, kinh đô của Vương quốc Lanna trước đây, nơi được biết đến là “Đóa hồng phương Bắc” của Thái Lan, các bản sắc văn hóa cách đây hàng trăm năm còn được lưu giữ khá nguyên vẹn. Đó là việc giữ gìn tiếng địa phương, trang phục truyền thống, làm các mặt hàng thủ công. Hàng trăm ngôi đền, chùa cũng được gìn giữ kiến trúc, cảnh quan, tạo nên nét đặc trưng riêng, không thể trộn lẫn. Ở đây du khách được trải nghiệm, tham gia các lớp học nấu ăn, massage theo đúng truyền thống Thái Lan mà họ sẽ không thể tìm thấy được ở bất cứ một nơi nào khác.

Thái Lan tiếp tục tập trung vào việc tạo ra những trải nghiệm văn hóa độc đáo và sự gắn kết giữa khách và chủ nhà; đồng thời gia tăng giá trị và ý nghĩa cho các hoạt động du lịch với việc tăng cường tính sáng tạo trong các dịch vụ du lịch. Nước này cũng tập trung vào những tiến bộ công nghệ và chiến lược thiết kế nhằm thúc đẩy nền kinh tế du lịch văn hóa bằng công nghệ; đồng thời nhấn mạnh vào sự tương tác giúp du khách để có những trải nghiệm du lịch khác nhau.

Manga - mũi nhọn kinh tế Nhật Bản

Kể từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, truyện tranh Nhật Bản đã gây bão trên toàn thế giới và trở thành mặt hàng xuất khẩu văn hóa phổ biến nhất của Nhật Bản. Giống như hầu hết truyện tranh, manga (tạm dịch là “những bức tranh hay thay đổi”) là câu chuyện được tạo thành từ các hình ảnh được trình bày theo trình tự. Phong cách nghệ thuật và chủ đề nổi bật của manga đã vượt qua các rào cản văn hóa, tạo ấn tượng và thu hút một lượng lớn người hâm mộ trên toàn cầu. Nhiều bộ truyện còn được chuyển thành chương trình truyền hình,phim hoạt hình, vật phẩm sưu tầm và trò chơi điện tử, trở thành nhóm mặt hàng mang lại lợi nhuận kinh tế và xã hội thuộc loại cao nhất cho “đất nước Mặt trời mọc”, giúp Nhật Bản trở thành một trong những nhà xuất khẩu văn hóa phẩm lớn nhất thế giới.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế (WIPO), Bắc Mỹ là một trong những thị trường nước ngoài lớn nhất của manga với trị giá ước tính hàng trăm triệu USD. Các thị trường lớn cũng tồn tại ở nhiều nước châu Âu và châu Á. Bộ truyện Pokemon, ra mắt năm 1996, có lẽ là một trong những tác phẩm manga xuất khẩu có lợi nhuận cao nhất (trên 150 tỷ USD).

Nhờ cốt truyện sáng tạo thu hút mọi lứa tuổi, đồ họa bắt mắt và sự sẵn có ngày càng tăng của các tựa sách trực tuyến, hiện nay doanh số bán truyện tranh Manga Nhật Bản tiếp tục tăng vọt lên những đỉnh cao mới cả trong và ngoài nước. Năm 2020, lần đầu tiên doanh số bán truyện tranh đã vượt mốc 600 tỷ yên, một phần lớn nhờ vào sự phổ biến của bộ manga “Demon Slayer”. Trong đó, doanh số bán truyện tranh in vẫn tương đối ổn định, đạt khoảng 250 tỷ yên; manga được phân phối dưới dạng truyện tranh điện tử trên điện thoại thông minh hoặc các thiết bị di động cũng tăng lên đáng kể.

Với tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, vừa qua, Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản Keidanren kêu gọi chính phủ nước này tăng cường quảng bá cho manga và trò chơi, coi đây như những mũi nhọn trong tăng trưởng kinh tế của quốc gia.


V. VIỆT NAM: KHAI THÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA PHỤC VỤ TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN


Giới thiệu nét đẹp văn hóa hát then - đàn tính của đồng bào dân tộc Tày trên hồ Ba Bể, tỉnh Bắk Kạn cho du khách quốc tế_Ảnh: TL

Khai thác tiềm năng văn hóa

Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa lâu đời. Nguồn tài nguyên văn hóa của Việt Nam rất phong phú, đa dạng với gần 40.000 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, hơn 59.000 di sản văn hóa phi vật thể, phân bổ khắp cả nước... Đây là những tài sản vô giá, có tiềm năng chuyển hóa thành các sản phẩm và dịch vụ độc đáo, góp phần tăng trưởng kinh tế, thương mại cũng như tạo ra thương hiệu và vị thế của văn hóa Việt Nam.

Với những tiềm năng đó, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát huy vai trò kinh tế của văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg, ngày 18-6-2016, của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, các ngành công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược đã tác động trực tiếp đến việc hình thành thị trường văn hóa với các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, giúp công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế dịch vụ quan trọng không chỉ góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm mà còn đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của nhân dân, thúc đẩy xuất khẩu văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

Trên thực tế, những năm gần đây, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển với nội dung, hình thức đa dạng. Nhiều loại hình, sản phẩm, dịch vụ văn hóa mới được tìm tòi, thử nghiệm, trình diễn đáp ứng nhu cầu ngày tăng của các tầng lớp nhân dân và bắt đầu vươn ra thế giới. Nhiều sản phẩm mới được đầu tư công phu, nội dung phong phú, đặc sắc, có chất lượng cao. Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân đã sử dụng hiệu quả hệ thống các nguồn lực, trong đó có nguồn lực văn hóa để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, như các ngành thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, thời trang, du lịch văn hóa...

Theo thống kê, tổng doanh thu hằng năm của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam đạt khoảng 60 triệu USD, nằm trong số 11 ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. Năm 2019, doanh thu của điện ảnh Việt Nam đạt 4.000 tỷ đồng (khoảng 176 triệu USD), vượt 20% so với mục tiêu đề ra. Năm 2021, toàn ngành xuất bản đạt hơn 460 triệu bản xuất bản phẩm, tăng hơn 1,5 lần so với năm 2001, với tổng doanh thu gần 3.000 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2002. Về xuất bản điện tử, năm 2021 là 2.300 xuất bản phẩm. Trong lĩnh vực quảng cáo, theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, năm 2019, doanh thu quảng cáo trên truyền hình đạt gần 45.000 tỷ đồng, báo in đạt hơn 1.450 tỷ đồng, quảng cáo ngoài trời đạt trên 1.440 tỷ đồng, quảng cáo trên Internet đạt hơn 16.600 tỷ đồng. Toàn ngành đang phấn đấu hoàn thành vượt mục tiêu 3,2 tỷ USD vào năm 2030.

Riêng trong lĩnh vực du lịch, doanh thu liên tục tăng qua các năm. Sau hơn 2 năm chống chọi với những khó khăn chưa từng có do đại dịch COVID-19, tổng doanh thu từ du lịch nước ta năm 2022 đã đạt 495.000 tỷ đồng, trong đó du lịch văn hóa ước chiếm khoảng 10%.

Có thể thấy, sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Theo thống kê, nếu năm 2013 xuất khẩu sản phẩm văn hóa mới đạt chưa đến 500 triệu USD thì đến năm 2019 đã lên tới gần 2,5 tỷ USD; đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa vào GDP cũng tăng từ 2,44% năm 2010 lên 3,61% vào năm 2018, với giá trị trên 8 tỷ USD.

Không ít tồn tại, hạn chế

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng thực tế cũng cho thấy, việc phát huy các nguồn lực văn hóa trong phát triển ở nước ta vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Cho đến nay, các sản phẩm, dịch vụ văn hóa Việt Nam vẫn chưa thực sự đa dạng, phong phú và chất lượng, chưa thực sự hấp dẫn, thiếu tính độc đáo, sáng tạo,... nên chưa đáp ứng được thị hiếu và thẩm mỹ ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Ngoài ra, nhiều sản phẩm chưa khai thác tối ưu các giá trị đặc sắc văn hóa bản địa, khó định hình thương hiệu quốc gia nên sức cạnh tranh không cao, gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận các thị trường quốc tế.

Riêng trong lĩnh vực du lịch, mặc dù du lịch văn hóa là một thế mạnh của Việt Nam nhưng dường như đang trở nên bão hòa với nhiều sản phẩm, dịch vụ tương tự nhau, thiếu bản sắc riêng. Thậm chí, không ít cơ sở, doanh nghiệp du lịch khai thác du lịch kiểu chộp giật, mạnh ai nấy làm, không những không tạo ra giá trị kinh tế mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến di sản và các giá trị văn hóa bản địa.

Theo các chuyên gia, vị trí khiêm tốn của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như thể chế quản trị để thúc đẩy thị trường dịch vụ văn hóa chưa hoàn thiện; trình độ quản lý nhà nước và kinh doanh chưa thích ứng với cơ chế thị trường, còn tồn tại tình trạng quan liêu, thiếu minh bạch, làm ăn manh mún, tự phát. Nhiều tổ chức văn hóa còn phụ thuộc vào sự bao cấp của Nhà nước, chưa năng động và đa dạng hóa mô hình hoạt động ở mức tối đa. Đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực văn hóa còn thấp, thiếu các biện pháp, cơ chế cụ thể để khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư cho công nghiệp văn hóa. Nguồn nhân lực quản lý và hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa - sáng tạo còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng, chưa khuyến khích được người trẻ, có kỹ năng tham gia. Các yếu tố kinh doanh trên lĩnh vực văn hóa như: việc tìm đầu ra cho sản phẩm, phát triển thị trường,... chưa được chú trọng đúng mức. Mặt khác, việc khai thác các giá trị văn hóa, sử dụng các chất liệu văn hóa bản địa chưa tạo được sự kết nối giữa truyền thống và đương đại khiến các sản phẩm ít có sự bứt phá trong thiết kế, ý tưởng sáng tạo, không đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng...

Một số giải pháp

Để chuyển hóa tiềm năng văn hóa Việt Nam thành những sản phẩm và dịch vụ có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề cần quan tâm trước hết là nâng cao nhận thức về vai trò của các sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý phù hợp, thuận lợi hơn cho hoạt động sáng tạo, sản xuất, lưu truyền và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Hoàn thiện và đẩy mạnh cơ chế thực thi các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Có chính sách ưu đãi về thuế và tiếp cận các nguồn lực như đất đai, vốn đối với việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm - dịch vụ văn hóa... Chú trọng nâng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại và các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để hỗ trợ nâng cao năng lực sáng tạo, năng lực quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ văn hóa.

Cùng với đó, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế đãi ngộ phù hợp để huy động nhân tài trong nước và quốc tế tham gia sáng tạo sản phẩm văn hóa Việt Nam, sản xuất ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa phù hợp với nhu cầu của xã hội. Thúc đẩy sự tiếp cận và tham gia của người dân vào quá trình hình thành các sản phẩm - dịch vụ văn hóa. Từng bước hình thành cộng đồng tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ văn hóa trong nước, qua đó phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục văn hóa, tạo tiền đề nâng cao chất lượng các sản phẩm - dịch vụ văn hóa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như nước ngoài.

Ngoài ra, cần thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa văn hóa để huy động và khai thác tối đa nguồn lực ngoài nhà nước. Phát huy tối đa tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực văn hóa và sáng tạo. Trong quá trình này cũng cần tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế; mở rộng hợp tác liên doanh, liên kết với các tổ chức nước ngoài trong việc sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiêu thụ các sản phẩm - dịch vụ văn hóa.../.

Chuyên mục: Hồ sơ