21/11/2024 | 19:32 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tiềm năng to lớn của du lịch văn hóa và di sản ASEAN

Phan Lương
Thời gian gần đây, Đông Nam Á trở thành lựa chọn hàng đầu cho các tour lưu diễn ở châu Á của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Điều này cho thấy vị thế đang lên của các nước ASEAN, cả về kết cấu hạ tầng cũng như tiềm năng phát triển.

Nhóm nhạc Blackpink, Hàn Quốc trong chuyến lưu diễn tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan, tháng 1-2023_Ảnh: TL

Sự lựa chọn mới

Theo các chuyên gia về du lịch, việc những nghệ sĩ nổi tiếng như Coldplay, Taylor Swift mới đây lựa chọn nhiều thành phố ở Đông Nam Á làm điểm dừng chân trong tour lưu diễn, thậm chí diễn nhiều ngày, cho thấy kết cấu hạ tầng hiện đại cũng như vị thế đang lên của khu vực trên bản đồ thị trường giải trí toàn cầu. Trước đây, các nghệ sĩ Âu - Mỹ khi lưu diễn khu vực châu Á - Thái Bình Dương thường cân nhắc những điểm đến như Nhật Bản hay Australia. Và nếu quan tâm đến thị trường Đông Nam Á, họ hay lựa chọn Singapore, do vị trí trung tâm kết nối của đảo quốc này trong khu vực.

Tuy nhiên, chiến lược này dường như đã thay đổi thời gian gần đây, khi Thái Lan và Việt Nam đang nổi lên như những địa điểm tổ chức show hấp dẫn tiềm tàng. Với dân số khu vực lên tới 600 triệu người, các nước ASEAN đã tạo ra tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo sức mua tương đương (PPP) vào khoảng 10,2 nghìn tỷ USD trong năm 2022, tương đương khoảng 6,5% GDP toàn cầu (PPP). Đây là một con số biết nói, khi cho thấy sức mua của giới trẻ và vị thế gia tăng tầng lớp trung lưu của các nước trong khu vực. Ngoài ra, với sự kết nối ngày càng thuận tiện giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á, chính trị ổn định, mức độ an toàn và khả năng bảo đảm an ninh là một trong nhiều lý do cho sự lựa chọn của các nghệ sĩ quốc tế.

Với vị thế ngày càng tăng của ASEAN cả về địa - chính trị và địa - kinh tế, cũng như sự gần gũi trong kết nối của khu vực đã khiến Đông Nam Á trở thành một trong những lựa chọn ưu tiên của giới nghệ sĩ biểu diễn toàn cầu. Theo các chuyên gia, với sự đa dạng về văn hóa của mình, việc trở thành điểm đến biểu diễn của các nghệ sĩ ở Đông Nam Á hứa hẹn biến chính những nghệ sĩ đó và những người hâm mộ họ trở thành khách du lịch và tận hưởng nhiều niềm vui khác, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia khu vực.

Xu hướng du lịch văn hóa

Có thể nói, du lịch văn hóa và di sản giờ đây có một vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế du lịch của một quốc gia, thậm chí còn vượt xa mục tiêu đó. Kết quả một khảo sát mới đây cho thấy hơn 50% số người được hỏi cho rằng, lịch sử và văn hóa đã tác động lớn đến quyết định lựa chọn điểm đến cho các kỳ nghỉ của họ. Xu hướng này ngày càng trở nên phổ biến ở các nước Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Ước tính giá trị toàn cầu trực tiếp của du lịch văn hóa và di sản sẽ lên tới hơn 1 tỷ USD, trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khoảng 327 triệu USD. Lĩnh vực này cũng trực tiếp tạo ra 50 triệu việc làm ở các nước APEC. Ngoài ra, lợi ích gián tiếp từ du lịch văn hóa và di sản có thể có giá trị ước tính lên tới 1 tỷ USD và tạo ra hơn 75 triệu việc làm khác nữa trong khu vực.

Rõ ràng, du khách sẽ có xu hướng ở lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn cho du lịch văn hóa và di sản. Một nghiên cứu cho thấy, du khách văn hóa và di sản có thể chi nhiều hơn 38% một ngày và ở lại lâu hơn 22% so với các dạng du khách khác. Cụ thể, du khách du lịch văn hóa và di sản thường lựa chọn các điểm tham quan di sản và văn hóa như các tòa nhà lịch sử, các di tích văn hóa, khảo cổ, công viên, phòng trưng bày nghệ thuật hoặc bảo tàng, tham gia các buổi biểu diễn âm nhạc, kịch hoặc nhạc kịch, các di sản dân tộc hoặc sinh thái và những điểm hấp dẫn tương tự. Với du khách văn hóa, những chuyến đi như thế là đáng nhớ hơn các kỳ nghỉ thông thường vì chúng cho phép họ biết thêm được những điều mới mẻ.

Bên cạnh đó, du lịch văn hóa và di sản cũng mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế cho các quốc gia điểm đến, như “bơm” thêm tiền mới vào nền kinh tế, thúc đẩy doanh nghiệp và doanh thu từ thuế; tạo thêm việc làm, cơ hội kinh doanh, sự kiện và điểm tham quan mới, qua đó giúp đa dạng hóa nền kinh tế địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và cho phép mở rộng quy mô; thúc đẩy việc tích cực bảo tồn và bảo vệ các nguồn tài nguyên quan trọng của địa phương; xây dựng và củng cố các mối quan hệ lớn giữa và trong cộng đồng sở tại; giúp khuyến khích phát triển và bảo trì các tiện nghi cộng đồng mới và/hoặc hiện có. Ngoài ra, du lịch di sản cũng sẽ giúp xây dựng các nguồn lực xã hội.

Đông Nam Á là nơi có nhiều nền văn hóa và truyền thống đa dạng, nhiều trong số đó đã được truyền qua nhiều thế hệ. Du lịch văn hóa và di sản có thể tác động tích cực đến các cộng đồng này bằng cách cung cấp những cơ hội kinh tế và giúp bảo tồn lối sống truyền thống của họ. Những người ủng hộ du lịch di sản và văn hóa ở Đông Nam Á giờ đây có thể chọn từ nhiều địa điểm thân thiện với môi trường, các hoạt động phiêu lưu sinh thái giúp bảo tồn thiên nhiên và hòa nhập văn hóa.

Nỗ lực của các nước ASEAN

Lâu nay, du lịch luôn là một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế của nhiều nước ASEAN khi tạo ra hàng triệu việc làm, thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp và quốc gia, cũng như thúc đẩy giao lưu văn hóa trong khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến lĩnh vực du lịch, và ASEAN cũng không phải là ngoại lệ. Giờ đây khi đại dịch qua đi, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhanh chóng xác định một khuôn khổ đến năm 2025 để tập trung các nguồn lực nhằm tái thiết ngành này.

Cụ thể, các nhà lãnh đạo ASEAN đã xác định 5 trụ cột và ưu tiên chiến lược chính, trong đó du lịch văn hóa và di sản đã được ưu tiên, khi nhấn mạnh đến những giá trị, sự đa dạng và di sản văn hóa của khu vực, đặt trọng tâm ưu tiên du lịch văn hóa; bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; quảng bá văn hóa sống và các ngành công nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và hòa bình giữa các nước trong khu vực; tập trung vào các vấn đề sức khỏe, an toàn và an ninh: ưu tiên quản lý các vấn đề an ninh; lập kế hoạch chuẩn bị cho khủng hoảng; quản lý rủi ro đa nguy cơ và tăng cường giao tiếp/quan hệ đối tác; chia sẻ thông tin từ các sáng kiến quốc tế.

Theo các chuyên gia, khi được hỗ trợ với những kế hoạch phù hợp và hiệu quả, ngành du lịch có thể là một công cụ mạnh mẽ để trao quyền cho nền kinh tế và người dân của một quốc gia. Khuôn khổ phục hồi sau COVID-19 của các nước ASEAN có thể được sử dụng để phát triển ngành du lịch tốt hơn, bền vững hơn, lâu dài hơn, cũng như kêu gọi tất cả các bên liên quan, cả khu vực công và tư, đều tham gia. Để bảo đảm thực hiện hiệu quả chiến lược mới này, các chuyên gia khẳng định các chính phủ trong khu vực sẽ cần kết hợp quản trị tốt, truyền thông, tham gia và giám sát từ các bên liên quan ở cấp khu vực và quốc gia./.