21/11/2024 | 16:43 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nhà nước pháp quyền và kiểm soát quyền lực

Phạm Nhẫn
Trong xã hội dân chủ, vấn đề kiểm soát quyền lực được đặc biệt coi trọng, bởi để bảo đảm dân chủ, không thể không kiểm soát quyền lực. Hiệu quả thực sự của việc kiểm soát quyền lực sẽ cho thấy xã hội có thật sự dân chủ hay không và nền dân chủ ở đó hoàn hảo hay khiếm khuyết, bền vững hay bất ổn. Từ đó có thể thấy, nhà nước pháp quyền đưa lại cách thức kiểm soát quyền lực hiệu quả thiết thực nhất và cao nhất.

Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023 tại Hà Nội, ngày 27-9-2022_Ảnh: quochoi.vn

Tương tác trên nhiều phương diện

Là mô hình nhà nước được tổ chức, hoạt động dựa trên nền tảng là pháp luật, theo pháp luật và trong khuôn khổ pháp luật hiện hành, nhà nước pháp quyền bảo đảm cho pháp luật hiện hành được thực thi đầy đủ, nghiêm chỉnh. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi chính quyền, người dân phải thượng tôn pháp luật, chấp hành pháp luật. Đồng thời, trong nhà nước pháp quyền, chính quyền và người dân đều luôn có thể tin tưởng rằng pháp luật được thực thi đầy đủ, nghiêm chỉnh. Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật là cơ sở quyền cho tất cả các cơ quan quyền lực nhà nước, đồng thời cũng cho chính quyền và người dân luôn có thể tin tưởng rằng pháp luật được tôn trọng, thực thi nghiêm chỉnh. Nhà nước pháp quyền vì thế vừa tạo ra cơ sở pháp lý cần thiết, vừa định hình khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho việc kiểm soát quyền lực.

Xã hội dân chủ có nhiều cách thức kiểm soát quyền lực nhưng cách thức nào cũng cần phải được hợp pháp hoá, tức là theo pháp luật và trong khuôn khổ pháp luật. Ở đây, có mối quan hệ tương tác với nhau giữa nhà nước pháp quyền và kiểm soát quyền lực. Sự tương tác này bộc lộ rõ nét nhất trên 3 phương diện.

Thứ nhất, nhà nước pháp quyền quyết định quyền hạn và cách thức các cơ quan, thể chế, tổ chức, công dân thực thi việc kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được kiểm soát. Trong nhà nước pháp quyền có sự phân quyền rành mạch giữa các cơ quan quyền lực nhà nước, nhưng vẫn bảo đảm tính thống nhất của quyền lực nhà nước, có quy định các cơ quan này phải phối hợp chặt chẽ với nhau như thế nào; kiểm soát, giám sát lẫn nhau như thế nào trong việc thực hiện các quyền được giao về lập pháp, hành pháp, tư pháp; cũng như có quy định cụ thể và rõ ràng về người dân có quyền và trách nhiệm tham gia việc giám sát quyền lực ra sao. Qua đó có thể thấy, việc kiểm soát quyền lực theo quy định, phân công, phân nhiệm của pháp luật hiện hành là thành tố không thể thiếu của nhà nước pháp quyền, là một trong những nội dung trọng tâm của nhà nước pháp quyền; xây dựng nhà nước pháp quyền là một trong những cách thức kiểm soát quyền lực hiệu quả thiết thực nhất và cao nhất.

Thứ hai, việc kiểm soát quyền lực phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng, hoàn thiện và hoạt động hiệu quả của nhà nước pháp quyền. Cách thức, hiệu quả thực tế của việc kiểm soát quyền lực trong xã hội dân chủ phản ánh không chỉ mức độ phát triển và hoàn thiện của nhà nước pháp quyền, mà còn phản ánh cả bản chất của nhà nước pháp quyền. Kiểm soát quyền lực thật sự hay hình thức cũng sẽ cho thấy nhà nước pháp quyền thực sự hay cũng chỉ hình thức.

Thứ ba, từ mối quan hệ tương tác lẫn nhau giữa nhà nước pháp quyền và kiểm soát quyền lực có thể thấy nó ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu sắc như thế nào tới ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và uy tín quốc tế của quốc gia. Một khi chính quyền và người dân đều tuân thủ pháp luật, đều có lòng tin vào nhà nước pháp quyền, việc kiểm soát quyền lực sẽ dễ dàng. Một khi việc kiểm soát quyền lực được thực hiện thường xuyên, hiệu quả, luật pháp được bảo đảm và nhà nước pháp quyền phát huy được cao độ hiệu quả thiết thực; khi ấy, an ninh và ổn định chính trị, xã hội được bảo đảm, qua đó tạo tiền đề thuận lợi cho đất nước phát triển kinh tế - xã hội thịnh vượng. Quốc gia nào trên thế giới gây dựng được quan hệ hài hòa giữa chính quyền và người dân, bảo đảm được an ninh, ổn định chính trị - xã hội, làm nên sự phát triển kinh tế - xã hội thì luôn dễ dàng hội nhập quốc tế thành công và nâng cao vị thế, uy tín của quốc gia.

Những vấn đề đặt ra

Cũng từ mối quan hệ tương tác lẫn nhau giữa nhà nước pháp quyền và kiểm soát quyền lực, có thể thấy những vấn đề đặt ra cho các quốc gia khi vận hành việc kiểm soát quyền lực.

Một là, khi xây dựng nhà nước pháp quyền phải coi trọng thỏa đáng việc xử lý vấn đề kiểm soát quyền lực. Trong quá trình này, việc kiểm soát quyền lực bắt đầu từ phân công quyền lực giữa các cơ quan quyền lực và xác định quyền hạn, cũng như phạm vi trách nhiệm của chính quyền, công dân, của tổ chức chính trị - xã hội và báo chí - truyền thông về tham gia kiểm soát quyền lực. Việc này phải thống nhất, minh bạch, cụ thể, rõ ràng để ngay từ đầu của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền ngăn chặn lạm dụng quyền lực hay kiểm soát quyền lực giả tạo hoặc nửa vời. Dùng việc xác định cụ thể và coi trọng kiểm soát quyền lực để ngăn chặn lạm dụng quyền lực.

Hai là, trong khuôn khổ nhà nước pháp quyền cần phải có sự phân công quyền hạn và trách nhiệm rõ ràng của các bên tham gia kiểm soát quyền lực, như ai được phép kiểm soát quyền lực của ai, kiểm soát quyền lực theo cơ chế và quy trình nào, công khai và minh bạch hóa việc kiểm soát quyền lực đến đâu. Chỉ như thế mới có thể vừa bảo đảm kiểm soát quyền lực để chống lạm dụng quyền lực, vừa đồng thời ngăn ngừa lạm dụng chính việc kiểm soát quyền lực.

Ba là, người dân đóng vai trò rất quan trọng và hoàn toàn không thể thiếu trong việc kiểm soát quyền lực, nhưng sự tham gia của người dân vào việc kiểm soát quyền lực cũng phải theo quy định và chế tài của pháp luật hiện hành, tức là theo những cơ chế, quy trình, tiêu chí liên quan đến việc kiểm soát quyền lực đã được xác định, quy định trong nhà nước pháp quyền. Như thế vừa bảo đảm quyền của người dân tham gia kiểm soát quyền lực, đồng thời cũng ngăn ngừa mọi mưu tính và hành vi lạm dụng việc kiểm soát quyền lực phục vụ cho những ý đồ đen tối.

Bốn là, trong khuôn khổ nhà nước pháp quyền, việc kiểm soát quyền lực phải được thực hiện thường xuyên ở mọi cơ quan quyền lực trong hệ thống chính trị. Vì thế, tuy bản chất của việc kiểm soát quyền lực ở mọi cấp, mọi nơi như nhau nhưng cách thức kiểm soát quyền lực lại có thể không như nhau, bởi tùy thuộc vào thực tiễn ở nơi đó. Chẳng hạn như việc kiểm soát quyền lực trong các đảng phái chính trị hay trong các tổ chức chính trị - xã hội được thực hiện theo quy định riêng của các đảng phái chính trị hay tổ chức chính trị xã hội ấy, cho dù không được trái với hay vượt ra ngoài khuôn khổ nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền phải bảo đảm sao cho quyền hạn khác nhau thì cơ chế kiểm soát quyền lực cũng khác nhau để bảo đảm tính kỷ cương nghiêm minh và hiệu quả thiết thực cao nhất của việc kiểm soát quyền lực. Cả trên phương diện này, nhà nước pháp quyền chi phối việc kiểm soát quyền lực theo nguyên tắc dùng quy định và cơ chế rõ ràng về kiểm soát quyền lực để trước hết ngăn ngừa lạm dụng quyền lực./.