06/10/2024 | 00:40 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Kiểm soát quyền lực

Thành Nam - Tiến Thắng - Công Minh
Với việc Đảng Cộng hòa chiến thắng và giành lại quyền kiểm soát Hạ viện từ Đảng Dân chủ sau cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ vừa qua, nhiều nhà bình luận chính trị cho rằng, kết quả của cuộc bầu cử này còn có thể tạo ra những tác động không nhỏ tới các cuộc điều tra lớn của Liên bang đối với cựu Tổng thống Donald Trump...

Có thể nói, những diễn biến mới trên chính trường nước Mỹ những ngày qua không chỉ cho thấy sự phức tạp trong mối quan hệ chính trị ở cường quốc này, mà còn là ví dụ sinh động về việc thực thi và kiểm soát quyền lực chính trị cũng như vai trò quan trọng của vấn đề này trong việc định hình tương lai của mỗi quốc gia, thậm chí còn có thể tạo ra những tác động theo các chiều kích khác nhau tới những vấn đề quốc tế...

Trên thế giới, vấn đề kiểm soát quyền lực đã diễn ra từ lâu, theo nhiều cơ chế khác nhau, nhằm tránh việc lạm dụng quyền lực có thể gây ra những hậu quả khó lường. Tại Việt Nam, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, công tác xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước, trong đó có vấn đề kiểm soát quyền lực, luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt chú trọng.


I. MỘT SỐ NHẬN THỨC CƠ BẢN VỀ QUYỀN LỰC


GS. Joseph Nye (Mỹ) cho rằng, quyền lực bao gồm “quyền lực hành động” và “quyền lực tài nguyên”_Ảnh: ucla.edu

Quyền lực là gì?

Quyền lực không phải là một vấn đề mới trong đời sống chính trị - xã hội, mà đã tồn tại từ xa xưa trong lịch sử phát triển của loài người. Đây cũng là khái niệm trung tâm của các khoa học nghiên cứu về chính trị. Tuy nhiên, những biểu hiện của quyền lực trong thực tế cuộc sống là hết sức trừu tượng và đa dạng. Do đó, việc đề xuất một khái niệm khoa học về quyền lực luôn là thách thức không nhỏ.

Đầu thế kỷ XX, Max Weber - nhà xã hội học nổi tiếng người Đức - đã đưa ra định nghĩa rằng, quyền lực là khả năng mà một người hay nhóm người thực hiện ý chí của mình trong hành động cộng đồng, thậm chí bất chấp sự chống đối của người khác tham gia trong hành động đó.


Quyền lực cứng và quyền lực mềm

GS. J. Nye cũng đưa ra các khái niệm về “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm”. Trong đó, quyền lực cứng là quyền lực có được dựa trên sức mạnh quân sự và kinh tế, thúc đẩy người khác dựa vào vũ lực, thưởng, phạt và thiết lập nghị trình dựa trên các hành vi này. Còn quyền lực mềm là quyền lực được thực hiện thông qua khả năng lôi kéo người khác bằng sự hấp dẫn, khả năng thuyết phục và hành vi thu hút tích cực để đạt kết quả mong muốn.

Đến những năm 50 của thế kỷ XX, Robert A. Dahl - một học giả Mỹ nghiên cứu về chính trị - cho rằng, quyền lực tồn tại trong một mối quan hệ xã hội, nó có thể là bất cứ sự ảnh hưởng nào mà chủ thể này (cá nhân, nhóm) có được đối với người khác; là khả năng chỉ huy người khác phải hành động theo hướng ngược lại với sở thích và chiến lược ban đầu của họ. Chủ thể của các mối quan hệ quyền lực có thể là cá nhân, nhóm, các cơ quan, chính quyền hay nhà nước.

Cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, GS. Joseph Nye (Đại học Havard, Mỹ) đã tiếp tục phát triển khái niệm quyền lực và cho rằng quyền lực bao gồm: “quyền lực hành động” (sự tác động đến người khác qua những phương tiện nhất định nhằm đạt kết quả mong muốn) và “quyền lực tài nguyên” (người có nhiều nguồn lực, nhiều tài nguyên hữu hình và vô hình, vật thể và phi vật thể là người có nhiều quyền lực...).

Từ những quan niệm trên, có thể thấy sự có mặt của quyền lực trong tất cả các mối quan hệ xã hội. Theo nghĩa chung nhất, quyền lực là năng lực, khả năng tác động, chi phối của một chủ thể (tổ chức hay cá nhân) đối với một đối tượng nhất định, buộc họ phải thực hiện hành vi của mình theo ý chí của chủ thể, thông qua các phương tiện, phương thức nào đó, như uy tín, quyền hành, cơ chế, chính sách, quy định, thậm chí cưỡng bức thực hiện. Quyền lực xuất hiện trong mọi mối quan hệ giữa những cá nhân hay những nhóm người khác nhau. Nắm được quyền lực trong xã hội là nắm được khả năng chi phối những người khác, bảo vệ và thực hiện được lợi ích của mình trong mối quan hệ với lợi ích của những người khác.

Quyền lực chính trị

Hình thái quyền lực đặc biệt

Quyền lực chính trị là một hình thái đặc biệt, quan trọng nhất của quyền lực xã hội. Khi xã hội loài người xuất hiện chế độ tư hữu và bắt đầu phân chia thành giai cấp thống trị và bị trị, quyền lực của giai cấp thống trị xuất hiện và tập trung vào một nhóm người, thậm chí một người được giao quyền thay mặt cho giai cấp thống trị để cai quản, quản lý, điều hành xã hội, thống trị những người bị thống trị.

Trong xã hội dân chủ hiện đại, cá nhân, tổ chức không thể nắm quyền lực chính trị thuần túy thông qua sử dụng bạo lực. Quyền lực chính trị sẽ được ủy quyền cho đảng phái nào chiếm được lòng tin của đại đa số dân cư. Đảng phái được dân chúng tin tưởng qua bầu cử sẽ nắm quyền lực nhà nước.

Đặc điểm của quyền lực chính trị

- Quyền lực chính trị bao giờ cũng mang tính giai cấp, phản ánh lợi ích của giai cấp thông qua tổ chức đại diện của mình là đảng chính trị của giai cấp thống trị.

- Quyền lực chính trị tồn tại trong mối liên hệ lợi ích khi đặt nó trong quan hệ với giai cấp khác.

- Quyền lực chính trị của giai cấp thống trị được thực hiện trong xã hội thông qua phương tiện chủ yếu là nhà nước. Nhà nước là bộ máy quyền lực đặc biệt nằm trong tay giai cấp thống trị để hiện thực hóa các lợi ích của giai cấp này trong xã hội.

- Quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước có mối quan hệ qua lại chặt chẽ. Tuy nhiên, so với quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị rộng hơn, đa dạng hơn về phương pháp thực hiện cũng như hình thức biểu hiện.

Quyền lực nhà nước

Quyền lực nhà nước là bộ phận quan trọng nhất của quyền lực chính trị. Dựa trên những ưu thế mà nhà nước có được so với các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội, quyền lực nhà nước có tính cưỡng chế đơn phương đối với xã hội, buộc các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội phải phục tùng nhà nước. Quyền lực nhà nước bao trùm toàn bộ lãnh thổ quốc gia và có tính chất tuyệt đối, có tác động, can thiệp vào hầu hết các lĩnh vực với những mức độ khác nhau.

Mặc dù hiện tại quyền lực nhà nước vẫn còn mang tính chuyên chính, bạo lực (với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang và nhà tù), nhưng đã bị giới hạn chặt chẽ bởi hệ thống pháp luật tương đối ổn định và nhất quán theo nguyên tắc pháp quyền đi đôi với tăng cường giám sát của xã hội.

Quyền lực nhà nước trong xã hội hiện đại bao gồm 3 nhánh chủ yếu là quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp:

- Quyền lập pháp: quyền làm ra Hiến pháp và luật, do cơ quan lập pháp thực hiện. Cơ quan lập pháp ở các nước khác nhau có tên gọi khác nhau và cách thức tổ chức cũng khác nhau.

- Quyền hành pháp: quyền thực thi pháp luật, đưa pháp luật vào tổ chức xã hội và quản lý xã hội. Quyền hành pháp do một bộ máy hành chính nhà nước phức tạp trải rộng từ trung ương tới địa phương thực hiện.

- Quyền tư pháp: có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, do cơ quan tư pháp thực hiện.

Ở các nước khác nhau, mối quan hệ giữa 3 bộ phận quyền lực nhà nước này không giống nhau. Trong khi ở các nước tư bản, quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc “tam quyền phân lập” với nhiều biến thể, thì ở các nước xã hội chủ nghĩa như nước ta, 3 nhánh quyền lực này lại không được tổ chức đối trọng với nhau mà có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau.


II. LẠM DỤNG QUYỀN LỰC VÀ YÊU CẦU PHẢI KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC


Kiểm soát quyền lực là hệ thống những cơ chế, hoạt động kiểm tra, đánh giá, phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ những hành vi vượt quá giới hạn của các chủ thể nắm quyền lực_Ảnh minh họa

Lạm dụng quyền lực

Lịch sử xã hội loài người đã có rất nhiều thăng trầm, thậm chí phải trải qua nhiều chương đen tối. Một trong những lý do dẫn tới những giai đoạn đen tối đó là việc quyền lực bị tha hóa, lạm dụng. Ngay từ thế kỷ XVI, trong tác phẩm “Quân vương”

(Il Principe), Niccolò Machiavelli - một chính trị gia, triết gia và nhà sử học người Italia đã thảo luận về những cạm bẫy của quyền lực mà các nhà lãnh đạo có thể bị cuốn vào và dẫn họ đến con đường lạm dụng quyền lực. Tuy nhiên, cũng chính trong tác phẩm này, Machiavelli lại đưa ra nhiều lời khuyên cho những người cai trị trong việc duy trì quyền lực, bảo đảm một xã hội cân bằng, chẳng hạn như thông qua dùng vũ lực loại bỏ sự cạnh tranh của láng giềng và khuất phục các tầng lớp thấp hơn... Theo quan niệm hiện nay, đây là những biểu hiện của sự tha hóa, lạm dụng quyền lực.

Trên thực tế, với quyền lực chính trị được chiếm đoạt thông qua các biện pháp bất hợp pháp hoặc bất công, thường được gọi là quyền lực bất hợp pháp, các tổ chức, nhóm người hay cá nhân rất có thể sẽ sử dụng quyền lực chiếm đoạt được để phục vụ mục đích của “nhóm lợi ích” hoặc lợi ích của cá nhân, thay vì phục vụ mục đích, lợi ích chung.

Tha hóa quyền lực là việc thực hiện không đúng, không đầy đủ, không hết hoặc vượt quá quyền lực được trao trong quá trình thực thi chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, như lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, không thực hiện hay thực hiện không hết quyền lực được trao. Tha hóa quyền lực làm biến tướng bản chất, mục đích của quyền lực.

Trong trường hợp quyền lực được xem là quyền lực hợp pháp, chẳng hạn như được trao cho một thực thể bởi người dân của một quốc gia, sức mạnh của quyền lực có thể được sử dụng cho các mục đích tốt, như theo đuổi các mục tiêu tập thể của xã hội và thúc đẩy một quốc gia tiến lên. Nhưng mặt khác, nếu được đặt vào tay đối tượng xấu, quyền lực chính trị có thể được sử dụng cho mục đích xấu, có thể bị tha hóa, lạm dụng bởi một tổ chức, của cả một nhóm người, thậm chí của một cá nhân.

Trong các chế độ xã hội dân chủ, về bản chất, quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước là sự ủy quyền của công dân cho hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước, nhằm bảo đảm quyền lợi của chính người dân và tạo sự ổn định, phát triển quốc gia. Tuy nhiên, vì chủ nghĩa cá nhân, lợi ích cá nhân hoặc của “nhóm lợi ích”, khi được trao quyền lực, được quyền tự chủ hành động, các tổ chức, cá nhân được giao thực hiện nhiệm vụ công lại có thể sử dụng quyền lực đó không chỉ để phục vụ lợi ích công cộng, mà còn coi đây là quyền lực của mình, cố ý sử dụng vì lợi ích không chính đáng cho bản thân hoặc những người thuộc nhóm nào đó, thậm chí là xâm phạm, làm tổn hại đến lợi ích chung.

Quyền lực phải gắn liền với trách nhiệm

Theo các nhà chính trị học, nội hàm của quyền lực luôn có 2 yếu tố cân bằng, đó là quyền được điều khiển, sai khiến người khác (lợi ích) và sự chịu trách nhiệm về hậu quả của sự điều khiển đó (trách nhiệm). Cá nhân, nhóm được giao quyền lực có khả năng yêu cầu, bắt buộc người khác phải thực hiện theo những mệnh lệnh của mình thì đương nhiên họ cũng phải chịu trách nhiệm với hành vi của chính mình. Sự cân đối giữa quyền lực và trách nhiệm cũng chính là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quản lý ở các mức độ, phạm vi khác nhau. Nếu sự ràng buộc này bị phá vỡ hay trách nhiệm không ở vị trí tương xứng với quyền lực, sự tha hóa quyền lực, lạm dụng quyền lực, tình trạng độc đoán, chuyên quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi cá nhân, trốn tránh trách nhiệm,... sẽ là một hệ quả tất yếu, từ đó dẫn đến sự bất ổn trong tổ chức, xã hội và rộng hơn là sự bất ổn của quốc gia.

Kiểm soát quyền lực - yêu cầu tất yếu

Ngay từ thế kỷ XVIII, các nhà triết học và chính trị học người Anh đã quan tâm nghiên cứu vấn đề kiểm soát quyền lực. Lord Acton - nhà sử học và chính trị gia Công giáo người Anh - có tuyên bố nổi tiếng: “quyền lực có xu hướng tha hóa; quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối”. Do vậy, quyền lực cần được kiểm soát chặt chẽ.

Có thể nói, trong lịch sử cũng như hiện tại, kiểm soát quyền lực là vấn đề mà mọi thiết chế chính trị đều quan tâm, bởi nếu quyền lực, trong đó có quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước không được kiểm soát, tính nghiêm minh của pháp luật không được bảo đảm thì quyền lực sẽ bị tha hóa, lạm dụng và không quốc gia nào có thể phát triển nhanh, ổn định và bền vững được. Tuy nhiên, mục đích của việc kiểm soát quyền lực ở mỗi thiết chế chính trị là khác nhau. Bên cạnh thể chế, luật pháp, sự kiểm soát quyền lực nhà nước còn chịu tác động, ảnh hưởng mạnh bởi tương quan quyền lực giữa các đảng, các lực lượng chính trị trong xã hội. Tùy thuộc vào mô hình tổ chức quyền lực nhà nước và hệ thống đảng phái, mỗi quốc gia có những cách thức kiểm soát quyền lực nhà nước tương ứng. Trong các chế độ xã hội dân chủ, với sự thừa nhận và khẳng định quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân, việc kiểm soát quyền lực nhà nước được đặt ra một cách rõ ràng và quyết liệt hơn. Nếu quyền lực bị tha hóa, lạm dụng mà không bị kiểm soát thì sẽ gây nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội, cho nhân dân, mà một trong những biểu hiện phổ biến nhất, để lại những hậu quả rõ rệt nhất hiện nay là nạn tham nhũng. Tình trạng này không chỉ làm xói mòn lòng tin của người dân vào nhà nước, chính phủ, mà còn làm cho các chính sách công trở nên kém hiệu quả và công bằng, cản trở quá trình phát triển chung của xã hội. Bởi vậy, kiểm soát quyền lực sẽ góp phần bảo đảm quyền lực nhà nước được thực thi đúng mục đích, hiệu quả, phù hợp với lợi ích, ý chí của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của xã hội...

Kiểm soát quyền lực có thể hiểu ngắn gọn là hệ thống những cơ chế, hoạt động kiểm tra, đánh giá, phát hiện, ngăn chặn, loại bỏ những hành vi vượt quá giới hạn được ủy quyền của các chủ thể nắm quyền lực nhằm bảo đảm cho việc thực thi quyền lực đúng quy định, đúng mục đích, đúng quyền hạn và có hiệu quả.


III. LẠM DỤNG QUYỀN LỰC - MỘT SỐ “BÀI HỌC LỚN”


Người dân đọc báo viết về sự kiện Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố từ chức vào ngày 9-8-1974 bên ngoài Nhà Trắng_Ảnh: USN

Sự thiếu vắng cơ chế kiểm soát quyền lực, có cơ chế kiểm soát nhưng người nắm giữ quyền lực vẫn cố tình lạm dụng,... đã gây ra nhiều hậu quả không chỉ đối với mỗi cá nhân, mà trong một số trường hợp, còn trở thành mối nguy đối với nhân loại.

“Bạo chúa” Nero

Nero Claudius Caesar (37 - 68 Sau công nguyên) trở thành Hoàng đế thứ 5 của La Mã khi mới 16 tuổi, sau khi cha nuôi của ông - Hoàng đế Claudius - đột ngột qua đời.

Trong 5 năm đầu tiên làm hoàng đế, Nero được đánh giá cao về sự cởi mở chính trị, thúc đẩy việc chia sẻ quyền lực với Thượng viện và chấm dứt các phiên tòa chính trị kín... Tuy nhiên, những năm sau đó, Nero đã dần tha hóa và trở thành một trong những nhà cai trị tàn ác và trác táng nhất của Roma.

Không chỉ được cho là đứng đằng sau cái chết của những người thân thuộc của mình, Nero còn bị cáo buộc là đã chủ trương tạo ra vụ đại hỏa hoạn kéo dài tới 5 ngày, phá hủy nặng nề hơn một nửa thành Roma, khiến rất nhiều người chết hay rơi vào cảnh lầm than..., chỉ nhằm dọn đất để xây một cung điện trên Đồi Palatine.

Dù việc Nero có thực sự liên quan đến thảm họa này hay không vẫn là điều còn gây nhiều tranh cãi, nhưng có một thực tế là ông đã làm chệch hướng sự chú ý về vai trò của mình bằng cách đổ lỗi cho các thành viên của Cơ đốc giáo. Ông ra lệnh thực hiện mọi hình thức đàn áp, tra tấn tàn bạo nhất với những người được cho là thủ phạm và những người có liên quan. Đồng thời, ông cũng sử dụng hết ngân khố La Mã để xây dựng lại thành phố xung quanh khu phức hợp Cung điện Domus Aurea (“Ngôi nhà Vàng”) rộng 100 mẫu Anh.

Sự tốn kém trong việc tái thiết Roma cộng với chi phí bỏ ra để đối phó với những cuộc nổi dậy ở Anh và Judea, xung đột với Parthia,... buộc ông phải phá giá đồng tiền đế quốc, hạ thấp hàm lượng bạc của đồng denarius xuống 10%. Năm 65, sau khi phát hiện một âm mưu ám sát mình, hoàng đế đã ra lệnh giết nhiều người có liên quan.

Vì không thể chịu nổi sự bạo tàn của Nero, nhiều lực lượng, kể cả Đội cận vệ đã “quay lưng” lại với hoàng đế, thậm chí Thượng viện cũng tuyên bố ông là kẻ thù của nhân dân. Dù đã cố gắng chạy trốn khỏi La Mã, nhưng khi biết rằng mình sắp bị bắt và hành quyết, Nero đã tự kết liễu đời mình.

Cái chết của “Bạo chúa” Nero ở tuổi 30 đã kết thúc triều đại Julio Claudians - triều đại đầu tiên cai trị La Mã từ năm 27 Trước công nguyên, đồng thời gây ra một thời kỳ hỗn loạn trong lịch sử đế quốc này, một thời kỳ mà nhà sử học Tacitus đã mô tả là “đầy tai họa”.

Trùm phát xít Adolf Hitle và tội ác chống lại loài người

Chủ tịch Đảng Quốc xã A. Hitler đã trở thành Thủ tướng Đức sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 1-1933. Mặc dù Đảng Quốc xã nắm quyền và chính quyền một cách hợp pháp, nhưng quyền lực chính trị của đảng này chủ yếu được củng cố dựa vào các biện pháp cưỡng bức và vũ lực. Khởi đầu cho việc này là trong buổi trưa ngày 2-8-1934, ngay sau khi Tổng thống Đức Paul von Hindenburg qua đời, A. Hitler tuyên bố gộp 2 chức vụ thủ tướng và tổng thống làm một. Kể từ đây, A. Hitler trở thành người đàn ông quyền lực nhất nước Đức và đó cũng là cơ hội để nhà độc tài Đức Quốc xã sử dụng quyền lực để thực hiện hàng loạt tội ác nghiêm trọng. Các phương tiện truyền thông bị kiểm duyệt gắt gao và hoạt động tuyên truyền của Đức Quốc xã được đẩy mạnh hơn bao giờ hết để gây ảnh hưởng đến các hệ tư tưởng. Quyền lực cứng được sử dụng thông qua việc thành lập lực lượng cảnh sát bí mật nhằm loại bỏ “những kẻ thù của nhà nước” và những kẻ phản bội tiềm năng đã nói hoặc hành động chống lại chế độ Quốc xã. Những người không phục tùng đã bị làm nhục công khai, bị tra tấn, bị đưa đến các trại tập trung... Ngoài sự độc tài, chuyên chế, phản dân chủ, xâm lược, dã man tàn bạo, phát xít Đức do A. Hitle đứng đầu còn có một quan điểm chủng tộc bệnh hoạn: coi chủng tộc German là thượng đẳng (chúng tự lấy tên là người Aryan); các dân tộc Do Thái, Gypsy, Slavơ là hạ đẳng, cần phải bị tiêu diệt. Kể từ khi lên nắm quyền, A. Hitler ra lệnh cho cấp dưới bắt giữ người Do Thái và đưa đến các trại tập trung. Tại đây, các tù nhân người Do Thái bị tra tấn và giết hại theo những cách rùng rợn. Theo ước tính, khoảng 6 triệu người Do Thái bị chính quyền Đức quốc xã giết hại theo mệnh lệnh của Hitler. Không chỉ tàn sát người Do Thái và người thuộc các “chủng tộc hạ đẳng” theo quan điểm bệnh hoạn của mình, trùm phát xít A. Hitler còn cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người tàn tật, khuyết tật bẩm sinh, người đồng tính... Đây là những nhóm đối tượng mà Hitler muốn thanh trừng để theo đuổi chủng tộc Aryan hoàn hảo.

Ước tính, Chiến tranh thế giới thứ hai đã cướp đi mạng sống của 60 triệu người, làm 90 triệu người bị thương và tàn tật, tiêu tốn 1.384 tỷ USD chi phí quân sự trực tiếp và thiệt hại vật chất khoảng 4.000 tỷ USD. Những thiệt hại từ cuộc chiến tranh do Hitler châm ngòi được đánh giá là bằng tất cả các cuộc chiến tranh trong 1.000 năm trước đó cộng lại.

Nghiêm trọng hơn cả, tháng 9-1939, chế độ Quốc xã xâm lược Ba Lan, châm ngòi cho Chiến tranh thế giới thứ hai - cuộc chiến tranh lớn nhất, khốc liệt nhất và tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử loài người.

Tổng thống Mỹ Richard Nixon và vụ bê bối Watergate

Vụ bê bối Watergate bắt đầu vào sáng sớm ngày 17-6-1972, khi một số tên trộm bị bắt tại văn phòng của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ, nằm trong khu phức hợp các tòa nhà Watergate ở Thủ đô Washington, Mỹ để đánh cắp bản sao của các tài liệu tối mật và nghe lén điện thoại.

Mặc dù hành động này được cho là để phục vụ chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Richard Nixon, khi các thám tử tìm thấy bản sao số điện thoại của Ủy ban Tái tranh cử tại Nhà Trắng trong số đồ đạc của bọn trộm, nhưng trong bài phát biểu sau đó, R. Nixon thề rằng nhân viên Nhà Trắng không liên quan đến vụ đột nhập. Hầu hết cử tri đều tin vào điều đó và vào tháng 11-1972, Tổng thống R. Nixon tái đắc cử với chiến thắng áp đảo.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra sau đó, các nhà điều tra đã phát hiện R. Nixon đã không trung thực. Chẳng hạn như vài ngày sau vụ đột nhập, ông ta đã sắp xếp việc cung cấp hàng trăm nghìn USD cho những tên trộm để “bịt miệng” chúng. Chưa hết, quá trình điều tra của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) còn gặp nhiều khó khăn do sự cản trở của tổng thống và các phụ tá của ông ta, thậm chí những người này còn có kế hoạch chỉ đạo Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) cản trở cuộc điều tra.

Dù một số người liên quan đến vụ đột nhập đã nhận tội để tránh bị xét xử và một số người bị kết án, nhưng các phóng viên của Washington Post, thẩm phán xét xử vụ án này và các thành viên của Ủy ban Điều tra Thượng viện vẫn nghi ngờ. Với nhiều áp lực khác nhau, một số phụ tá của R. Nixon buộc phải ra làm chứng trước đại bồi thẩm đoàn về sự lạm quyền của Tổng thống. Mặc dù vậy, R. Nixon vẫn bằng mọi cách, nhất là sử dụng đặc quyền hành pháp của tổng thống, để không cung cấp các bằng chứng chống lại mình, thậm chí không chịu thực hiện lệnh của Tòa án Tối cao về việc giao nộp các cuộn băng bằng chứng. Điều đó buộc Ủy ban Tư pháp Hạ viện quyết định bỏ phiếu luận tội R. Nixon vì tội cản trở công lý, lạm dụng quyền lực, che đậy tội phạm và một số vi phạm Hiến pháp.

Trước những sức ép đó, ngày 5-8-1974, R. Nixon buộc phải công bố các đoạn băng cung cấp bằng chứng không thể phủ nhận về sự đồng lõa của ông trong vụ Watergate. Trước sự luận tội gần như chắc chắn của Quốc hội, R. Nixon buộc phải từ chức vào ngày 8-8.

Việc R. Nixon lạm dụng quyền lực Tổng thống có ảnh hưởng lâu dài đến đời sống chính trị Mỹ, tạo ra bầu không khí hoài nghi và ngờ vực.

Guinea Xích đạo lao đao vì hối lộ, tham nhũng

Năm 1979, ông Teodoro Obiang Nguema lật đổ chú của mình trong một cuộc đảo chính quân sự và giữ chức tổng thống từ đó tới nay.

Để duy trì quyền lực sau nhiều âm mưu đảo chính, các thành viên của gia đình Tổng thống cũng được giao nắm giữ các vai trò quan trọng trong chính phủ, giữ quyền kiểm soát tuyệt đối đối với đất nước; các cuộc biểu tình hầu như bị cấm, phương tiện truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ, các đối thủ chính trị thường bị bắt.

Việc phát hiện ra dầu ngoài khơi vào năm 1996 đã biến Guinea Xích đạo trở thành quốc gia giàu thứ ba ở châu Phi cận Sahara, xét về thu nhập bình quân đầu người vào năm 2021. Tuy nhiên, của cải của đất nước chỉ tập trung trong tay một số gia đình; chỉ có 60% trong tổng số 1,4 triệu người dân nước này có thu nhập vừa đủ sống, tình tình trạng nghèo đói vẫn lan tràn.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo các nhà quan sát, bắt nguồn từ nạn hối lộ, tham nhũng. Báo cáo của Tổ chức Theo dõi nhân quyền năm 2018 cho biết: “quỹ thu nhập khổng lồ từ dầu mỏ được phân chia cho một số ít người quanh tổng thống, trong khi ít cải thiện về quyền lợi của đa số người dân như chăm sóc sức khỏe hay giáo dục tiểu học”; “quản lý công quỹ kém, nạn tham nhũng cùng sự bất công vẫn tồn tại”. Quốc gia này cũng “được” xếp hạng 172 trong số 180 quốc gia về Chỉ số Nhận thức tham nhũng năm 2021 của Tổ chức Minh bạch quốc tế.

Theo nhiều nhà quan sát, hằng năm, Guinea Xích đạo dành khoảng 80% ngân sách cho đầu tư kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, điều đáng nói là nguồn vốn này lại được đổ vào những dự án như những con đường cao tốc không có người sử dụng, những hệ thống khách sạn 5 sao “chỉ được dùng 1 lần” hay xây dựng thủ đô mới ở giữa rừng gọi là Oyala, xây dựng các tòa nhà chính phủ với số lượng vượt quá nhu cầu ở Bata và các sân bay lớn... Dù thông tin hầu hết những hợp đồng này được trao cho các công ty thuộc sở hữu của đệ nhất phu nhân hay con trai của tổng thống vẫn cần được kiểm chứng, song nguồn tài sản khổng lồ và độ ăn chơi không ai có thể bì được với rất nhiều bộ sưu tập siêu xe, du thuyền, biệt thự, tác phẩm nghệ thuật,... của Teodorin - Phó Tổng thống Guinea Xích đạo, đồng thời là con trai tổng thống là điều mà ai cũng biết. Năm 2014, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố ông này về tội rửa tiền và tịch thu tài sản trị giá 30 triệu USD. Năm 2017, chính quyền Pháp kết tội ông tham ô và tịch thu tài sản trị giá 35 triệu USD, trong khi Thụy Sĩ tịch thu 24 siêu xe của ông. Tuy nhiên, đây chỉ được xem là “giọt nước trong đại dương” so với dòng tiền bất chính đã chảy ra khỏi đất nước.


IV. CƠ CHẾ, HOẠT ĐỘNG KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA


Một phiên họp Hạ viện Mỹ tại Thủ đô Washington_Ảnh: AFP

Tại Mỹ

Nền chính trị Mỹ được xây dựng trên những ý tưởng của thời đại Khai sáng, với nền tảng là khế ước xã hội. Theo đó, những người cai trị quốc gia chỉ có quyền làm những gì khi có sự đồng ý của những người bị cai trị. Người dân sẽ trao quyền lực cho chính phủ để đổi lấy những lợi ích như an ninh, phúc lợi xã hội và kết cấu hạ tầng. Mặt khác, nếu chính phủ vi phạm khế ước xã hội, người dân có quyền nổi dậy chống lại chính phủ.

Mỹ thực hiện cơ chế tam quyền phân lập triệt để giữa 3 nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp; mỗi nhánh có quyền kiểm soát đối với quyền lực của các nhánh khác, giúp cân bằng quyền lực giữa cả 3. Chẳng hạn, tổng thống là nguyên thủ quốc gia và nắm toàn bộ quyền quản lý, điều hành quốc gia, là người đứng đầu nhà nước và cũng là người đứng đầu cơ quan hành pháp, có trách nhiệm thi hành các luật do Quốc hội (Thượng nghị viện và Hạ nghị viện) thông qua. Phần lớn các văn bản luật mà Nghị viện thông qua có nguồn gốc từ sáng kiến của hành pháp. Để bảo đảm rằng luật sẽ được thi hành một cách chính xác, tổng thống đưa ra các lệnh thi hành và các quy định liên bang. Tuy nhiên, tổng thống cũng có quyền phủ quyết dự luật do Quốc hội đã thông qua. Mặc dù vậy, Nghị viện cũng có quyền bác bỏ sự phủ quyết này của tổng thống nếu có 2/3 số phiếu đồng ý của cả 2 viện.

Tại Mỹ, hành vi lạm dụng quyền lực được mô tả khác nhau, như tội phạm cổ cồn trắng, tội phạm kinh tế, tội phạm có tổ chức, tội phạm nghề nghiệp, tham nhũng công, tội phạm có tổ chức...

Để ngăn chặn các loại tội phạm này, Bộ Tư pháp, các cơ quan quản lý liên bang, tiểu bang đặc biệt chú trọng tới việc thu thập dữ liệu, đề xuất bổ sung luật và điều tra... Nhiều chương trình đào tạo được thiết lập để phát triển các kỹ năng cần thiết trong điều tra loại tội phạm này. Trên phạm vi quốc tế, các thông tin liên quan cũng được chú trọng chia sẻ...

Đối với nhánh tư pháp, tổng thống có trách nhiệm đề cử các thành viên của Tòa án Tối cao. Dù các ứng cử viên của Tòa án Tối cao phải được Quốc hội phê chuẩn, nhưng Tòa án Tối cao có quyền kiểm tra Quốc hội bằng cách xem xét, xác định tính hợp hiến của các luật. Tòa cũng có thể kiểm soát quyền lực của tổng thống bằng cách bác bỏ các mệnh lệnh hành pháp của tổng thống.

Dù không kiểm soát hành pháp với danh nghĩa là kiểm soát cơ quan do mình lập ra, nhưng Nghị viện cũng thường xuyên tiến hành hoạt động điều trần đối với cơ quan hành pháp để thu thập ý kiến về một dự luật, điều tra về một vấn đề hoặc giám sát, đánh giá hoạt động của chính phủ. Nghị viện cũng có thể thực hiện thủ tục luận tội đối với các quan chức hành pháp liên bang (tổng thống, phó tổng thống, bộ trưởng...). Kết quả cao nhất của thủ tục này là khả năng truất quyền đối với đương sự (khi toàn bộ các điều khoản luận tội đạt được đa số phiếu tán thành của các thành viên tham gia luận tội).

Có thể nói, dù vẫn có nhiều trường hợp lạm quyền xảy ra trên thực tế, nhưng sự rõ ràng, rành mạch trong việc phân công quyền lực có tác động tích cực đến hiệu quả kiểm soát quyền lực tại Mỹ.

Tại Cộng hòa Liên bang Đức

Đức là một nhà nước liên bang nên sự phân cấp, phân quyền giữa liên bang và các bang là quan trọng, tránh lạm quyền, vượt quyền; sự tha hóa quyền lực cũng được phòng, chống, hạn chế bởi quy định nhiệm kỳ.

Tòa án Hiến pháp liên bang là cơ quan giám sát việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, sự tôn nghiêm của pháp luật, sự bất khả xâm phạm của Hiến pháp được quy định tại Luật Cơ bản năm 1949. Luật Cơ bản quy định, quyền lực nhà nước được thực hiện thông qua các cơ quan độc lập thực hiện của quyền lập pháp, của quyền thi hành pháp luật và của quyền tư pháp. Quyền lực cũng không tập trung vào một cơ quan nào mà được phân chia cho các cơ quan nhà nước khác nhau mang tính chuyên môn hóa. Mỗi cơ quan có những thẩm quyền và trách nhiệm khác nhau. Chẳng hạn, trong hoạt động lập pháp, quyền trình dự án luật là Chính phủ, Thượng viện, hay nghị sĩ hoặc ủy ban của Hạ viện; quyền thông qua luật là Hạ viện và Thượng viện; quyền ký phê chuẩn là tổng thống liên bang.

Quốc hội Liên bang là cơ quan quyền lực đại diện cao nhất của nhân dân, là phần quan trọng của hệ thống chính trị, đảm nhận 2 nhiệm vụ cơ bản là lập pháp và kiểm soát chính phủ.

Luật pháp Đức cũng quy định rõ việc phân quyền thông qua việc cùng thực hiện quyền lực và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan để giới hạn quyền lực nhà nước, ngăn ngừa nguy cơ lạm quyền và độc quyền. Nói cách khác, phân quyền là làm cho quyền lực giữa các cơ quan cân bằng, không có quyền lực nào vượt trội hơn quyền lực nào. Quyền lực được kiểm soát và cân bằng ở bên trong, giữa các cơ quan nhà nước và bên ngoài với các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do lập hội để tránh nguy cơ độc quyền, lạm quyền.

Theo chủ trương đa nguyên và cởi mở, Quốc hội Đức có nhiều đảng phái chính trị. Đảng đối lập có thể giám sát, tranh luận, phản biện với các kế hoạch, định hướng của Chính phủ, đứng đầu là thủ tướng liên bang đại diện cho đảng chiếm đa số trong Quốc hội. Các nghị sĩ Quốc hội cũng được thông tin về công việc và định hướng của Chính phủ. Quốc hội thành lập các cơ quan để thực hiện việc kiểm soát Chính phủ. Ủy ban Điều tra của Quốc hội có thể thực hiện công việc được giao trong trường hợp thành viên Chính phủ có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Quốc hội có thể bãi miễn Chính phủ sau khi lấy phiếu bất tín nhiệm hoặc ra Nghị quyết giao trách nhiệm cho Chính phủ thực hiện.

Tại Nhật Bản

Tại Nhật Bản, Nhật Hoàng là nguyên thủ quốc gia và có ảnh hưởng lớn trong xã hội. Tuy nhiên, quyền hạn của Nhật Hoàng cũng được quy định trong Hiến pháp.

Nghị viện Nhật Bản là cơ quan quyền lực tối cao, được cấu thành bởi Hạ nghị viện (đại diện cho ý kiến và nguyện vọng của quốc dân) và Thượng nghị viện (giám sát quyền lực và sự phán quyết của Hạ viện). Hạ viện có quyền lập ra Chính phủ, nhưng có thể bị giải tán trước nhiệm kỳ. Nếu Hạ viện bị giải tán, trong thời gian đó Thượng viện sẽ tạm ngưng kỳ họp.

Hạ viện Nhật Bản có nhiều ủy ban và Ban Điều tra đạo đức chính trị phụ trách việc kiểm tra, giám sát trách nhiệm và đạo đức của các nghị sĩ. Thượng viện cũng có các ủy ban, ngoài ra còn có Hội đồng về Đạo đức chính trị.

Nhánh quyền hành pháp tại Nhật Bản là nội các, đứng đầu là thủ tướng. Tập thể nội các chịu trách nhiệm trước Nghị viện và phải từ chức nếu bị Hạ viện bất tín nhiệm. Trong một số trường hợp, nội các Nhật Bản thực hiện theo yêu cầu của Nhật Hoàng, bao gồm: triệu tập Nghị viện, giải tán Hạ viện, tuyên bố tổng tuyển cử...

Bộ máy tư pháp Nhật Bản hoàn toàn độc lập với các ngành lập pháp và hành pháp. Chánh án Tòa án Tối cao do Nhật Hoàng bổ nhiệm trên cơ sở chỉ định của nội các; các thẩm phán do nội các bổ nhiệm. Việc bổ nhiệm các thẩm phán Tòa án Tối cao được xem xét lại trong một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc. Tòa án Tối cao có tiếng nói cuối cùng trong việc quyết định tính hợp hiến của các đạo luật, mệnh lệnh, quy định hoặc quy tắc.

V. Việt Nam: Chú trọng kiểm soát quyền lực

Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Ninh Bình, ngày 7-7-2022_Ảnh: tinhuyninhbinh.vn

Vấn đề luôn được đặc biệt quan tâm

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, công tác xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước, trong đó có vấn đề kiểm soát quyền lực, luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đặc biệt chú trọng.

Ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo và phê bình nghiêm khắc tình trạng quân phiệt quan liêu, óc địa vị, tính kiêu ngạo trong hàng ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước ở một số địa phương. Người cũng yêu cầu các tổ chức đảng và chính quyền phải “mang toàn bộ tinh thần cách mạng” mà sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm, hạn chế đó. Tại tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc kiểm tra công tác đối với cán bộ là 1 trong 5 phương pháp bồi dưỡng, quản lý cán bộ của Đảng. Người cũng yêu cầu, cùng với giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên: “Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.

Trong bản Di chúc để lại trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực cũng được thể hiện nhất quán trong các chủ trương, đường lối của Đảng. Báo cáo chính trị tại Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), nhấn mạnh: “chúng ta đã xác định mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý thành cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội” và “mọi cán bộ, bất cứ ở cương vị nào, đều phải sống và làm việc theo pháp luật, gương mẫu trong việc tôn trọng pháp luật. Không cho phép bất cứ ai dựa vào quyền thế để làm trái pháp luật. Mọi vi phạm đều phải được xử lý. Bất cứ ai phạm pháp đều phải đưa ra xét xử theo pháp luật”.

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) nhấn mạnh các nguyên tắc xây dựng Đảng, trong đó “lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”, “liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân”, “hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” và “tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội và mọi hành động chia rẽ, bè phái”. Đối với bộ máy nhà nước, “tổ chức và hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất quyền lực, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương”. Đặc biệt, Cương lĩnh xác định cơ chế vận hành và kiểm soát quyền lực nhà nước, theo đó, “Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền đó”.

Tại Đại hội XI của Đảng (năm 2011), khái niệm kiểm soát quyền lực chính thức được ghi nhận trong quan điểm chỉ đạo quá trình đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”.


Văn kiện Ðại hội XIII của Đảng chỉ rõ, một trong những     định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là phải “tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm    giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ,   công chức, viên chức”_Ảnh: TL

Ðến Ðại hội XIII, vấn đề kiểm soát quyền lực đã trở thành một nội dung quan trọng được nhấn mạnh. Văn kiện Ðại hội chỉ rõ, một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là phải “tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”; đồng thời, coi việc “tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền” là một trong các nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong sạch, vững mạnh, “tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước” là nội dung cần chú trọng để hoàn thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị là xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Các cơ chế, thể chế về kiểm soát quyền lực ở nước ta hiện nay

Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của vấn đề kiểm soát quyền lực, trong quá trình bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng tới việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm kiểm soát quyền lực chính trị.

Kiểm soát quyền lực, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh

Các cơ chế, thể chế kiểm soát quyền lực của Đảng đã được bao hàm trong các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng. Điều đó thể hiện qua các nguyên tắc như tập trung dân chủ; tập thể lãnh đạo - cá nhân phụ trách; kỷ luật nghiêm minh; nêu cao tính tiền phong gương mẫu của đảng viên; tự phê bình và phê bình; gắn bó mật thiết với nhân dân và được nhân dân giám sát; hoạt động trong khuôn khổ thể chế, pháp luật...

Bên cạnh đó, đại hội Đảng, chế độ bầu cử trong Đảng; công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy và ủy ban kiểm tra đảng đối với đảng viên và các tổ chức đảng được thực hiện theo Điều lệ Đảng cũng là những cơ chế góp phần quan trọng trong việc giám sát, kiểm soát quyền lực, bảo đảm sự dân chủ, trong sạch, vững mạnh và năng lực lãnh đạo trong nội bộ Đảng. Đặc biệt, ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW, “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền” với những yêu cầu cụ thể, hay trước đó là Quy định của Ban Chấp hành Trung ương “Về những điều đảng viên không được làm”.

Cùng với đó, Đảng cũng chú trọng phát huy vai trò của nhân dân với tính chất là lực lượng giám sát và tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng Đảng. Điều đó được thể hiện rõ trong Hiến pháp năm 2013: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”, hay được cụ thể hóa trong những quy định của Đảng, như “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”...

Kiểm soát quyền lực đối với Nhà nước

Đối với Nhà nước Việt Nam, việc kiểm soát quyền lực chính trị được thực hiện thông qua sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được chế định trong Hiến pháp và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; thông qua các chế định về bầu cử, bổ nhiệm, miễn nhiệm theo nhiệm kỳ hoặc không theo nhiệm kỳ theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lực được thực thi đúng đắn, hiệu quả, ngăn chặn, đề phòng sự lạm dụng quyền lực vì mục đích cá nhân hoặc hạn chế hiệu quả sử dụng quyền lực vì hạn chế về năng lực.

Việc kiểm soát quyền lực được thực hiện thông qua Hiến pháp, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chế độ tư pháp, bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân hoạt động theo đúng các quy định của Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, “Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ” (Điều 8 Hiến pháp năm 2013). Nguyên lý của giới hạn quyền lực nhà nước là Nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép.

Bên cạnh đó, thực hiện vai trò làm chủ, sự giám sát, phản biện của nhân dân một cách trực tiếp qua hệ thống bầu cử, qua hoàn thiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của hội đồng nhân dân các cấp, qua thực hiện quyền khiếu nại tố cao hoặc thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp... Thông qua các chế định này, người dân có quyền kiểm soát, giám sát, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình đối với các cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước trong việc thi hành công vụ./.

Chuyên mục: Hồ sơ