06/10/2024 | 00:37 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Góp phần hồi sinh ngành du lịch châu Á - Thái Bình Dương

Thanh Nam
Góp phần hồi sinh ngành du lịch châu Á - Thái Bình Dương Du khách quốc tế đến Thành phố Hồ Chí Minh những ngày đầu năm 2023_Ảnh: thanhnien.vn
Đại dịch COVID-19 thúc đẩy làn sóng thu thập dữ liệu. Tuy có những rủi ro nhất định nhưng nó nhanh chóng tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các lĩnh vực, đặc biệt trong việc hồi sinh ngành du lịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dữ liệu lớn đang đóng vai trò rất quan trọng cho ngành du lịch trong năm 2023 “bản lề”, được coi là bước ngoặt của du lịch châu Á - Thái Bình Dương khi ngành dịch vụ này chỉ bắt đầu được định hình trở lại từ cuối năm 2022.

Dữ liệu lớn được tạo ra bất cứ khi nào

Quá trình hồi phục ngành du lịch được tiếp thêm động lực nhờ ngày càng nhiều quốc gia mở cửa biên giới, nhất là khi Trung Quốc từ bỏ chính sách “Zero COVID” vào đầu năm 2023. Dù châu Á - Thái Bình Dương là nơi chịu sự tàn phá nặng nề nhất của đại dịch, nhưng cũng là khu vực có quá trình số hóa thật nhanh chóng. Lượng lớn dữ liệu được thu thập hàng ngày (Big Data - dữ liệu lớn) trong ngành công nghiệp du lịch có thể là chìa khóa cho sự hồi phục thành công.

Big Data bao gồm số lượng lớn những bộ dữ liệu được tạo ra, lưu trữ và nhanh chóng được nhận biết. Điều đặc thù là lượng dữ liệu lớn này liên quan tới hàng triệu, thậm chí hàng tỷ điểm dữ liệu được thu thập theo thời gian thực, đòi hỏi những kỹ năng, thuật toán mới để sắp xếp so với những lượng dữ liệu nhỏ hơn trước đây.

Trong khu vực du lịch, dữ liệu lớn được tạo ra bất cứ khi nào, ví dụ như lượng khách hàng đang tham gia tìm kiếm online các chuyến lữ hành, đặt vé qua các nền tảng trực tuyến như hệ thống đặt phòng (khách sạn) toàn cầu... Ngay khi các du khách bắt đầu cuộc hành trình, những dữ liệu lớn về thói quen khi đi lại có thể được thu thập. Chỉ cần được xử lý và phân tích một cách hợp thức, dữ liệu lớn có thể cung cấp những cái nhìn thấu đáo đầy giá trị về các xu hướng, hành vi của người tiêu dùng và các triển vọng.

Thúc đẩy ngành du lịch, định hình những chính sách liên quan

Xu thế ngày một gia tăng hiện nay là chính phủ các nước châu Á đang khai thác triệt để dữ liệu lớn không chỉ nhằm thúc đẩy ngành du lịch, mà còn định hình và thực thi những chính sách liên quan đến du lịch. Tổng cục Du lịch Thái Lan là một ví dụ. Từ năm 2018, cơ quan này hợp tác chặt chẽ với Expedia - công ty hàng đầu thế giới trong ngành đặt vé du lịch, để chạy quảng cáo trên vô số nền tảng web của hãng, vốn có tới 750 triệu lượt view mỗi tháng. Điều này giúp thu hút thêm nhiều du khách phân khúc hạng sang, cũng như các du khách lần đầu tiên tới Thái Lan; cân bằng các luồng giao thông đi lại trong những mùa du lịch cao điểm cũng như thấp điểm; phân tán lượng khách đi tới những tỉnh ít phổ biến hơn trên bản đồ du lịch.

Cũng từ năm 2018, Tổng cục Du lịch Singapore phát triển một nền tảng có tên gọi “Mạng lưới phân tích du lịch Singapore” (STAN) để có những đánh giá xuyên suốt hơn nữa về các dữ liệu từ các nguồn thu thập riêng của họ, cũng như các đơn vị lữ hành nhà nước và đối tác trong ngành công nghiệp Big Data. Tới năm 2019, STAN hợp nhất hơn 20.000 tên miền dữ liệu nội địa và ký 15 thỏa thuận chia sẻ thông tin với một số nhà cung cấp dữ liệu lớn nhất thế giới như Grab, Tencent và Expedia. Tổng cục Du lịch Singapore đã đủ nguồn dữ liệu để nghiên cứu kỹ càng những thị trường nguồn chủ chốt mà một trong những thành công rõ rệt là hỗ trợ các nhà bán lẻ xây dựng những chiến dịch bán hàng hiệu quả, cũng như đưa ra các sản phẩm du lịch hợp lý.

Khi du lịch trở thành ngành dịch vụ đa diện, nhiều nước có thể sử dụng dữ liệu lớn từ các nguồn khác nhau và chia sẻ thông tin cho nhiều lĩnh vực nhằm cải thiện các chính sách và dịch vụ. Tại Thái Lan, các bộ cảm biến thông minh được tận dụng triệt để phục vụ việc giám sát bờ biển và bảo đảm an toàn, cũng như tăng cường công tác bảo vệ an ninh, quản lý tàu bè, định vị và khảo sát thời tiết. Với Nhật Bản, hệ thống phân tích kinh tế khu vực và xã hội đã tạo ra những nền tảng so sánh trực quan về một loạt dữ liệu kinh tế, xã hội. Dữ liệu lớn được xây dựng từ các cơ quan chính phủ và khu vực kinh tế tư nhân cho phép tìm kiếm thông tin kể cả trong các phân tích vĩ mô (trong đó có những thay đổi trong cơ cấu công nghiệp) và phân tích vi mô. Việc này cho phép cơ quan quản lý nắm rõ thời gian lưu trú tại những điểm đến du lịch nổi tiếng, hoặc truy vết lịch sử khách đến viếng thăm những cửa hàng riêng biệt và văn phòng tại những khu vực mua sắm. Những phân tích mang tính hệ thống được sử dụng để nghiên cứu thói quen chi tiêu của du khách theo từng quốc gia, từ đó phát triển chiến lược marketing tương thích cho lý do khách thăm viếng từng khu vực trên đất nước Nhật Bản.

Những khó khăn chung

Tuy nhiên, vấn đề công nghệ, tính tổ chức, thể chế, tài chính liên quan đến việc triển khai và quản lý dữ liệu lớn của chính phủ vẫn là những khó khăn chung. Việc bảo mật thông tin cá nhân, an ninh mạng, khoảng cách trong năng lực của mỗi đơn vị cũng nằm trong những thách thức này. Khi ngày càng nhiều người dân có xu hướng chuyển sang các giao dịch online, thông tin cá nhân vẫn là vấn đề quan trọng nhất mà chính phủ phải giải quyết khi xử lý dữ liệu lớn. Ngay cả khi các điều luật liên quan tới thông tin cá nhân tiếp tục được hoàn thiện, hành lang pháp lý cần phải bắt kịp với các sáng tạo công nghệ. Hai ứng dụng về dữ liệu lớn, được coi là nghiên cứu tốt nhất, gồm quản lý điểm đến và sản phẩm du lịch (giao dịch thẻ tín dụng và dữ liệu định vị di động) kéo theo những mối lo ngại lớn về bảo vệ thông tin cá nhân để tránh bị tái nhận diện.

Trong khi ngành công nghiệp lữ hành ngày càng được số hóa, các du khách cũng có nhận thức tốt hơn về thực tế một lượng đáng kể thông tin về họ đang bị thu thập. Song nếu họ cảm thấy lượng thông tin cá nhân bị thu thập quá nhiều và xâm phạm tới cuộc sống riêng tư, số lượng du khách đến các điểm tham quan có thể bị sụt giảm lớn.

Liên quan chặt chẽ tới vấn đề thông tin cá nhân là an ninh mạng, tầm quan trọng của việc bảo vệ các máy tính, server lưu trữ thông tin, thiết bị di động, hệ thống điện tử, mạng máy tính và các dữ liệu. Những dữ liệu bị đánh cắp sẽ dẫn tới nguy cơ gian lận, ăn trộm thẻ tín dụng và các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, vi phạm sự an toàn và quyền lợi của các cá nhân, từ đó dẫn tới ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tài chính và danh tiếng của những chủ sở hữu dữ liệu.

Một vấn đề nữa đặt ra là sự thiếu hụt của đội ngũ chuyên gia, nhân viên công nghệ bảo mật thông tin ở trong tất cả các lĩnh vực hiện nay. Theo báo cáo từ năm 2020 của Liên đoàn Chứng nhận hệ thống an ninh quốc tế (IISSCC) - một tổ chức toàn cầu về chuyên gia an ninh mạng - nhu cầu nhân lực bảo vệ mạng của thế giới là khoảng 3,1 triệu người, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 2,1 triệu người./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện