21/11/2024 | 19:32 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Dữ liệu lớn và giấc mơ trở thành siêu cường kỹ thuật số của Trung Quốc

La Tuấn
Dữ liệu lớn và giấc mơ trở thành siêu cường kỹ thuật số của Trung Quốc Dữ liệu lớn được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội ở Trung Quốc_Ảnh: TL
Những năm gần đây, công nghệ Big Data (dữ liệu lớn) được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào đẩy nhanh quá trình số hóa, xây dựng và phát triển kinh tế số ở Trung Quốc cũng như hiện thực hóa giấc mơ siêu cường kỹ thuật số của Trung Quốc.


Tháng 11-2022, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc ra Sách Trắng có tựa đề “Cùng xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh trong không gian mạng”, trong đó khẳng định nền kinh tế số của Trung Quốc, liên tục xếp thứ 2 thế giới trong nhiều năm qua, đang trở thành đầu máy tăng trưởng quan trọng đối với quốc gia Đông Bắc Á này.

Theo Sách Trắng, Trung Quốc đạt được những tiến bộ trong việc thúc đẩy nền kinh tế số, xây dựng một môi trường trực tuyến trong sạch và lành mạnh cũng như đề phòng rủi ro đối với an ninh không gian mạng. Hiện nay, Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ các công nghệ và ứng dụng mới như Big Data (dữ liệu lớn), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và các mạng truyền thông thế hệ kế tiếp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ số hóa và dịch vụ dựa trên mạng sang trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác nhau. Sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế số Trung Quốc đi kèm với việc mở rộng xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Tính đến cuối năm 2022, đã có 1,05 tỷ người sử dụng mạng Internet ở Trung Quốc, tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 74,4%. Trung Quốc hiện cũng là quốc gia có hệ thống mạng 5G lớn nhất thế giới, trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu toàn cầu về công nghệ và tiêu chuẩn mạng 5G, trong đó có 2,31 triệu trạm thu phát sóng 5G, hơn 1 tỷ thuê bao điện thoại di động 5G.

Sách Trắng cho biết giá trị nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc năm 2021 đã đạt 45.500 tỷ nhân dân tệ (6.800 tỷ USD), chiếm 39,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Theo đó, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế kỹ thuật số ở Trung Quốc cao gấp hơn 3 lần GDP. Điều này cho thấy vai trò then chốt của kinh tế số trong thúc đẩy phát triển kinh tế của Trung Quốc.

Các chuyên gia nhận định rằng, Trung Quốc với lợi thế của thị trường quy mô lớn, dân số chiếm gần 1/5 dân số toàn cầu đã chuyển đổi thành cường quốc về sản xuất và công nghệ, hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh, cùng hệ sinh thái Internet dẫn đầu về đổi mới. Phát triển kinh tế số hiện được xem là lựa chọn tất yếu của Trung Quốc và đã đạt được nhiều dấu ấn, thành tựu. Kinh tế số tăng trưởng mạnh của Trung Quốc được thể hiện qua tốc độ tăng đột biến các giao dịch thương mại điện tử. Giao dịch thương mại điện tử của Trung Quốc hiện lớn hơn 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh, Mỹ và sở hữu một lượng lớn người dùng trong lĩnh vực thanh toán di động với giá trị giao dịch lớn hơn 11 lần giá trị giao dịch của Mỹ. Năm 2021, doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng trực tuyến của Trung Quốc đạt 10.800 tỷ nhân dân tệ (1.600 tỷ USD), tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đạt 1.920 tỷ nhân dân tệ (300 tỷ USD), tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Sách Trắng, Trung Quốc cũng nhanh chóng phát triển một hệ sinh thái công nghiệp mới trên nền tảng Internet bao gồm mạng lưới, dịch vụ và các ngành công nghiệp kết nối Internet. Hiện nay, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành sản xuất vẫn tiếp tục, trong đó 55,3% số quy trình trọng yếu của các doanh nghiệp lớn được kiểm soát bằng kỹ thuật số, việc áp dụng các công cụ nghiên cứu và phát triển (R&D) kỹ thuật số lên tới 74,7% (tính đến tháng 2-2022).

Thêm vào đó, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành nông nghiệp của Trung Quốc đang đạt được những tiến bộ ổn định. Theo sách trắng, 5G, IoT, Big Data và AI đã được áp dụng trong sản xuất và quản lý nông nghiệp. Đồng thời, việc phát triển công nghệ then chốt và nghiên cứu ứng dụng đổi mới phục vụ nông nghiệp thông minh, máy móc nông nghiệp cũng được tăng cường.

Chỉ riêng tại Bắc Kinh và Thượng Hải, kinh tế số chiếm gần 45% GDP, tương đương mức của Nhật Bản.

Đáng chú ý, các công nghệ số, nhất là dữ liệu lớn, đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho kinh tế sản xuất. Ngành Internet công nghiệp phát triển nhanh, với hơn 100 nền tảng Internet công nghiệp trọng điểm có tầm ảnh hưởng khu vực. Công nghệ số được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực tiêu dùng, thương mại điện tử, sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Theo số liệu thống kê, Trung Quốc đã triển khai 10 cụm trung tâm dữ liệu quốc gia, với năng lực tính toán đạt 13.500 triệu tỷ phép tính/giây, tương đương với 27 triệu máy tính cá nhân. Dự báo trong 5 năm tới, đầu tư vào các trung tâm dữ liệu lớn ở Trung Quốc sẽ tăng trưởng với tốc độ hơn 20%/năm với tổng mức đầu tư vượt 3.000 tỷ nhân dân tệ (450 tỷ USD).

Cùng với sự gia tăng nhu cầu về nguồn dữ liệu của toàn xã hội, các trung tâm Big Data đã trở thành công cụ hỗ trợ chủ yếu cho phát triển kinh tế số, không chỉ thúc đẩy phát triển ngành công nghệ thông tin và viễn thông, mà còn kéo theo cả quá trình chuyển đổi số của toàn xã hội. Với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số cùng nhiều thành tựu, dấu ấn, Trung Quốc xác định kinh tế kỹ thuật số là động lực chính cho tăng trưởng trong vài thập niên tới, đồng thời đặt mục tiêu biến việc đạt được khả năng tự cung cấp công nghệ trở thành ưu tiên hàng đầu của quốc gia.

Để tạo điều kiện hiện thực hóa giấc mơ trở thành siêu cường kỹ thuật số, Trung Quốc đã đưa nền kinh tế số trở thành một phần quan trọng trong chiến lược phát triển quốc gia. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển Kinh tế số đã đưa ra một lộ trình chi tiết và các biện pháp khuyến khích để củng cố lĩnh vực này.

Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ nâng cao năng lực của mình trong các lĩnh vực chiến lược, chẳng hạn như cảm biến, thông tin lượng tử, truyền thông, mạch tích hợp và chuỗi khối, cũng như thúc đẩy nghiên cứu và phát triển các công nghệ thế hệ tiếp theo như 6G. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển Kinh tế số của Trung Quốc cũng thông qua mục tiêu tăng sản lượng của các ngành công nghiệp cốt lõi trong nền kinh tế số lên 10% GDP vào năm 2025, tăng từ 7,8% trong năm 2020. Con số này đề cập cụ thể đến giá trị gia tăng trực tiếp của truyền thông, phần mềm và các dịch vụ công nghệ thông tin. Các mục tiêu khác bao gồm tăng tỷ lệ kết nối của các doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc với “nền tảng Internet công nghiệp” lên 45% và tăng số hộ gia đình Trung Quốc kết nối với băng thông rộng với tốc độ ít nhất 1 gigabyte/giây lên 60 triệu vào năm 2025.

 Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trên con đường tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giai đoạn phía trước, song với các chính sách, quy định tạo điều kiện thuận lợi, kinh tế số sẽ thúc đẩy việc nâng cấp cơ cấu kinh tế của Trung Quốc cùng với những đột phá về công nghệ chủ chốt và đạt được mức tăng trưởng cao ổn định. Theo dự kiến đến năm 2027, kinh tế số sẽ chiếm khoảng 50% GDP của Trung Quốc và trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước này./.
Chuyên mục: Bên lề sự kiện