21/11/2024 | 23:53 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Cơ hội “vàng” ở Đông Nam Á

Phan Lương
Cơ hội “vàng” ở Đông Nam Á Một trung tâm dữ liệu tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan_Ảnh: TL
Chuyển đổi số, được tạo ra nhờ sự ra đời của Internet vạn vật (IoT), đang nhanh chóng trở thành một thực tại hằng ngày trên khắp thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp đã có bước chuyển đổi mô hình tạo ra doanh thu hoàn toàn mới khi có thêm hàng tỷ thiết bị được kết nối, trong đó dữ liệu lớn (Big Data) đang là một vấn đề rất được quan tâm. Với rất nhiều nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ thuộc loại cao nhất thế giới, không hề ngạc nhiên khi Đông Nam Á đang có cơ hội “vàng” trong lĩnh vực công nghệ này.

Tiềm năng rất lớn

Ngày nay, càng nhiều người dân Đông Nam Á đang dựa vào công nghệ trong hoạt động đời sống thường nhật của mình hơn nhiều nơi khác trên thế giới, qua đó kéo theo sự bùng nổ của các ứng dụng trên thiết bị di động thông minh. Châu Á cũng là nơi có nhiều tập đoàn công nghệ khổng lồ, và vì hệ sinh thái liên quan này, hiện có tới 1/3 số nhà phát triển các ứng dụng di động là ở châu Á. Do vậy, xây dựng trung tâm dữ liệu để phục vụ cho Big Data ở Đông Nam Á đang có bước phát triển nhanh.

Theo Research and Markets, thị trường xây dựng trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á dự kiến sẽ vượt quá 3 tỷ USD từ nay đến năm 2028. Dù có thể tăng trưởng âm trong giai đoạn 2022 - 2023 do những hạn chế đầu tư vì đại dịch COVID-19, nhưng với việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại và nhu cầu thuê đặt máy chủ gia tăng ở những nước như Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Indonesia, dự kiến tốc độ tăng trưởng của thị trường sẽ được nâng cao.

Nỗ lực đầu tư vào thị trường xây dựng trung tâm dữ liệu Đông Nam Á còn được thúc đẩy bởi các sáng kiến số hóa, tăng trưởng kết nối và ứng dụng những công nghệ như 5G, Big Data, IoT và trí tuệ nhân tạo (AI) của chính phủ các nước trong khu vực. Theo đó, thị trường đã chứng kiến những khoản đầu tư lớn vào trung tâm dữ liệu hiện đại ở một số thành phố, chẳng hạn cơ sở EC61 của Edge Centres tại Thái Lan, với kế hoạch bổ sung nhiều cơ sở khác nữa trong tương lai gần.

Đông Nam Á cũng có năng lực kết nối mạnh mẽ với phần còn lại của thế giới thông qua các tuyến cáp ngầm hiện hành và nhu cầu kết nối ngày càng tăng đã dẫn đến việc sẵn sàng triển khai các tuyến cáp mới trong những năm tới. Cầu thị trường về hiệu quả, cùng với việc áp dụng các công nghệ hiện đại như AI, sẽ đẩy nhanh giải pháp liên quan đến dữ liệu, đặc biệt là cơ sở hạ tầng của Big Data.

Đáng chú ý, các tổ chức và doanh nghiệp ở Đông Nam Á đang nhận ra lợi ích từ những khoản đầu tư vào dữ liệu và AI. Dự kiến trong 2 năm 2023 - 2024, 77% số doanh nghiệp khu vực sẽ tăng cường sử dụng các giải pháp AI và dữ liệu cho trải nghiệm khách hàng, 75% cho nguồn nhân lực và 72% cho marketing. Lợi tức đầu tư sẽ được đo lường bằng những thuật ngữ tài chính nội bộ như tăng tỷ suất lợi nhuận, tối ưu hóa chi phí, giảm chi phí vận hành,... trên tất cả các ngành kinh doanh, bao gồm cả công nghệ thông tin. Điều này sẽ giúp xác định và ưu tiên hóa các trường hợp kinh doanh về dữ liệu.

Thách thức không nhỏ

Theo các chuyên gia, việc sử dụng Big Data hiệu quả sẽ cho phép công nghệ AI có tác động lớn hơn cho các tổ chức và doanh nghiệp ở Đông Nam Á. Với doanh nghiệp, việc sử dụng AI để đạt hiệu quả và năng suất cao hơn luôn là mục tiêu cuối cùng. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp đang phải đối mặt với những rào cản trong việc tận dụng tối đa dữ liệu và AI. Một báo cáo gần đây của Kyndryl cho thấy việc áp dụng AI trong doanh nghiệp ở Đông Nam Á vẫn còn thấp. Thống kê mới nhất cho thấy, chỉ 7% số doanh nghiệp ở Đông Nam Á đang tập trung xây dựng nền tảng dữ liệu và AI phù hợp cho hoạt động kinh doanh.

Còn theo một nghiên cứu khác, có nhiều thách thức không nhỏ ở Đông Nam Á để triển khai dữ liệu và AI thành công. Điều này bao gồm việc tích hợp giải pháp AI trong những hệ thống hiện hành, ảnh hưởng đến 48% số doanh nghiệp trong khi 38% khác phải vật lộn với việc thu thập dữ liệu từ nhiều nguồn. 34% số doanh nghiệp cũng gặp vấn đề với chất lượng dữ liệu và 31% khác gặp khó khăn trong việc xác định dữ liệu phù hợp cho các mô hình AI. Những thách thức đó không hề lạ khi không ít doanh nghiệp tham gia AI mà không nghĩ về việc sử dụng công nghệ đó như thế nào.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng việc thiếu chính sách nội bộ và hiểu biết hạn chế về rủi ro (36%) là 2 thách thức lớn nhất với chính sách quản trị dữ liệu hiệu quả ở ASEAN. Những chính sách quản trị dữ liệu do các tổ chức ưu tiên dữ liệu xây dựng cần bao gồm các nguyên tắc về trách nhiệm giải trình và quyền sở hữu, những quy định được tiêu chuẩn hóa, một nhóm quản lý dữ liệu chuyên trách và một quy trình đánh giá thường xuyên những chính sách đã thiết lập.

Theo Ullrich Loeffler - Giám đốc điều hành công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Ecosystm - các lãnh đạo doanh nghiệp ở Đông Nam Á nhận ra dữ liệu là nền tảng cho hành trình đổi mới và chuyển đổi của mình. Tuy nhiên, việc xây dựng và triển khai một chiến lược dữ liệu tổng thể là không hề dễ và còn nhiều thách thức xung quanh việc tích hợp, chất lượng và quản trị của dữ liệu. Ông Joey Mak - Giám đốc quản lý Kyndryl Malaysia - cũng cho rằng, các lãnh đạo công nghệ thông tin và doanh nghiệp khu vực đã nhìn thấy tiềm năng trong việc tận dụng dữ liệu và AI để mở khóa cho thông tin sâu theo thời gian thực, mang lại sự nhanh nhạy cần thiết để thành công trong thị trường cạnh tranh và biến động ngày nay.

Tập trung vào tính bền vững

Đáng chú ý, một trong những xu hướng chính trong thị trường xây dựng trung tâm dữ liệu ở Đông Nam Á là tập trung ngày càng nhiều vào tính bền vững. Các chính phủ trong khu vực cũng đang thực hiện các sáng kiến để thị trường bền vững hơn bằng cách thúc đẩy việc sử dụng năng lượng xanh, giảm lượng khí thải carbon, đưa ra luật và tín chỉ carbon, đồng thời đưa ra các ưu đãi về thuế cho việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Các nhà khai thác thuê chỗ đặt máy chủ cũng cam kết trung hòa carbon và một số đang ký thỏa thuận mua bán điện để áp dụng các nguồn năng lượng xanh cho những hoạt động của trung tâm dữ liệu của họ. Việc áp dụng các dịch vụ 5G ở Đông Nam Á đang thúc đẩy việc triển khai các trung tâm dữ liệu biên trong khu vực. Những nước như Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về dịch vụ 5G. Nhu cầu ngày càng tăng với dịch vụ 5G sẽ thúc đẩy nhu cầu triển khai các trung tâm dữ liệu biên ở các thành phố cấp 1 và cấp 2 có mức độ kết nối thấp hoặc ở gần những cơ sở trung tâm dữ liệu lớn đã thiết lập. Chẳng hạn Edge Centers hiện phát triển hệ thống các cơ sở trung tâm biên ở một số quốc gia, như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Indonesia và Philippines.

Thị trường xây dựng trung tâm dữ liệu Đông Nam Á đang có sự tăng trưởng đáng kể, đặc biệt ở những nước như Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Những doanh nghiệp mới tham gia và sự mở rộng của các nhà khai thác Trung Quốc vào khu vực cũng đã góp phần vào sự tăng trưởng này. Những quốc gia khác, chẳng hạn như Philippines và Việt Nam, cũng nổi lên như những địa điểm mới chứng kiến sự gia tăng đầu tư cho các trung tâm dữ liệu lớn và dữ liệu biên. Sự tập trung vào tính bền vững trong khu vực, cũng như vai trò của 5G trong việc thúc đẩy đầu tư vào trung tâm dữ liệu biên, là hiện tượng đáng mừng. Sự hiện diện của cả các nhà cung cấp toàn cầu và địa phương trên thị trường cũng cho thấy một loạt giải pháp, chuyên môn hiện hành./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện