22/02/2025 | 02:01 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Tầm nhìn chiến lược gắn với tiềm năng

Vũ Thanh Lịch
Tầm nhìn chiến lược gắn với tiềm năng Những giá trị văn hóa, lịch sử của cố đô Hoa Lư và di sản Tràng An sẽ tạo động lực mới để thành phố thuộc tỉnh Ninh Bình phát triển_Ảnh: thanhnien.vn
Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực kinh tế/văn hóa có tính chuyên biệt cao, không chỉ làm gia tăng giá trị vật chất mà có khả năng gia tăng giá trị tinh thần. Lựa chọn công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mũi nhọn của tương lai sẽ khẳng định vị thế và tiềm năng phát triển của vùng đất Cố đô Hoa Lư.

Mảnh đất nhiều tiềm năng độc đáo

Tỉnh Ninh Bình được mẹ thiên nhiên ưu đãi, thuộc vùng tam giác kinh tế - văn hóa trọng điểm phía Nam châu thổ sông Hồng. Hoa Lư - Ninh Bình lưu giữ nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng của dân tộc, trải dài từ thời tiền sử đến ngày nay với hàng nghìn di tích lịch sử - văn hóa, hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể giá trị. 

Hơn 10 thế kỷ trước, nơi đây đã trở thành kinh đô của nhà nước Đại Cồ Việt - nhà nước quân chủ trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam. “Vốn” tài nguyên thiên nhiên - văn hóa dày dặn và rộng mở đó cho Ninh Bình cơ hội phát triển. Ngoại lực thời cơ cũng cho Ninh Bình cơ hội phát triển bứt phá trong tương lai. Tiềm lực mạnh mẽ đó cần được khai mở, phát huy.

Năm 2024, quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, tạo thêm cơ hội thúc đẩy tỉnh Ninh Bình phát triển các ngành công nghiệp văn hóa với cơ cấu đa dạng, sản phẩm, dịch vụ phong phú, đặc sắc. 

Ngày 4-3-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 218/QĐ-TTg, “Về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2035 Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Mô hình kinh tế di sản ở Ninh Bình đã và đang khẳng định thương hiệu và vị thế trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể được nghiên cứu, nhận diện, làm rõ, được người dân tự nguyện tự giác giữ gìn và phát huy trong đời sống xã hội. 

Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được bảo tồn cẩn trọng, trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế. Một số di tích là điểm đến thường xuyên của du khách như: Cố đô Hoa Lư, quần thể danh thắng Tràng An, nhà thờ đá Phát Diệm, núi Non Nước, đầm Vân Long, vườn quốc gia Cúc Phương... 

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm công ước của UNESCO về bảo vệ di sản thế giới (tháng 9-2022) tại Ninh Bình, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azouky khẳng định: khu di sản Tràng An là mô hình thành công kết hợp giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững với vai trò trung tâm của nhân dân mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên.

Các sự kiện văn hóa, khoa học, nghệ thuật mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức thu hút đông đảo du khách và giới chuyên gia, các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước tham gia, thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng giao lưu, hợp tác. 

Số lượng khách du lịch đến Ninh Bình ngày càng gia tăng cả về chất lượng và số lượng. Mật độ khách tương đối đồng đều ở các thời điểm do địa phương đã đầu tư bài bản và tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, thể thao chuyên nghiệp, đặc sắc vào mùa thấp điểm, thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến thưởng lãm vẻ đẹp của vùng đất cố đô non thanh thủy tú, con người hiền hòa và có nội tâm.

Dù vậy, việc xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa ở Ninh Bình chưa thực sự khởi sắc để tạo ra các sản phẩm chủ lực, trọng tâm; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa chưa đa dạng; nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa còn hạn chế...

Tầm nhìn để vươn mình trong kỷ nguyên mới của dân tộc

Với mục tiêu xây dựng thương hiệu giá trị văn hóa Cố đô Hoa Lư, tạo bước phát triển toàn diện về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao, tỉnh Ninh Bình đã và đang tập trung đầu tư các lĩnh vực công nghiệp văn hóa - giải trí giàu tiềm năng, lợi thế như du lịch văn hóa; tổ chức sự kiện; công nghiệp điện ảnh; kinh tế thể thao; kinh tế di sản; kinh tế làng nghề; nghệ thuật truyền thông và quảng cáo; các ngành công nghiệp văn hóa số... 

Tỉnh đã hoàn thiện cơ chế, chính sách của địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp văn hóa; xây dựng và ban hành các chính sách mới và cụ thể đồng thời đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng, giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung đưa công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế, đem lại nhiều việc làm, thu nhập, thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác...

Ninh Bình đang mở rộng kết nối, giao lưu, hợp tác, liên kết với những nơi đã thành công trong phát triển công nghiệp văn hóa để học hỏi kinh nghiệm, hợp tác xây dựng, phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp văn hóa của địa phương.

Trong kế hoạch gần, Ninh Bình tăng cường tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có quy mô lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế; tạo lập những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, xác lập thương hiệu du lịch, văn hóa, nghệ thuật của tỉnh; thu hút những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, các văn nghệ sĩ, đơn vị, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật có uy tín đến Ninh Bình thực hiện các hoạt động sáng tạo và tổ chức những chương trình, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao chất lượng cao. 

Công việc đó đồng thời với đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ sẽ tạo điều kiện cho hoạt động sáng tạo, sản xuất, lưu giữ, phổ biến các sản phẩm văn hóa, văn học - nghệ thuật bắt kịp với các xu hướng thế giới... 

Việc lâu dài, thường xuyên cần được chăm chút của Ninh Bình còn là đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực quản lý nhà nước về các ngành công nghiệp văn hóa; có chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo cơ bản, có kinh nghiệm chuyên môn và đội ngũ chuyên gia đến Ninh Bình trực tiếp làm việc hoặc tham gia vào các hoạt động tư vấn, hỗ trợ xây dựng chính sách phát triển công nghiệp văn hóa./.

15 February 2025
Tản văn
Những ngày hè cháy khát (11/07/2024 20:35:42)
Nguồn cội… (29/04/2024 10:22:58)
Vết sẹo (17/04/2024 17:02:17)