06/10/2024 | 00:35 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Quản lý tiêu dùng đồ uống có cồn: Không thể lợi bất cập hại

Vũ Thanh Vân

Một quán bar tại Soho, London, Anh_Ảnh: Getty

Lợi và hại

Hành vi tiêu dùng đồ uống có cồn ở một số nước được định nghĩa là việc tiêu thụ đồ uống có cồn tại các địa điểm được cấp phép như câu lạc bộ, quán rượu trong khoảng thời gian từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng. Hành vi này không bao gồm việc mua đồ uống có cồn tại các địa điểm không cần cấp phép như siêu thị, dù sau đó người mua vẫn tiêu thụ đồ uống trong khung giờ kể trên. Mỗi địa phương, quốc gia có quan niệm khác nhau đối với hành vi tiêu dùng đồ uống có cồn, từ đó có cách tiếp cận khác nhau đối với việc quản lý hành vi này trong nền kinh tế đêm.

Trên phương diện vĩ mô, việc kinh doanh và tiêu thụ đồ uống có cồn mang lại nguồn thu thuế đáng kể cho các chính phủ. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu đô thị Mỹ, năm 2020, chính quyền liên bang Mỹ và các chính quyền địa phương thu được 7,5 tỷ USD tiền thuế từ đồ uống có cồn. Theo số liệu của Chính phủ Anh, trong năm tài chính 2022 - 2023, nguồn thu từ thuế đồ uống có cồn là 10 triệu bảng. Ở một số nước, chính quyền địa phương có thêm nguồn thu từ việc cấp phép cho các địa điểm kinh doanh đồ uống có cồn, mặc dù họ phải dùng một phần kinh phí này cho hoạt động giám sát và quản lý.

Theo thống kê của chính quyền thành phố London (Anh), việc tiêu thụ đồ uống có cồn trong nền kinh tế đêm ước tính mang lại nguồn thu khoảng 1,6 đến 1,9 tỷ bảng/năm. Việc bán đồ uống có cồn trong thời gian ban đêm được coi là một hoạt động kinh tế có lợi cho nhiều doanh nghiệp. Việc tiêu thụ đồ uống luôn đem lại nguồn thu lớn hơn so với tiêu thụ đồ ăn, đặc biệt với nhóm khách hàng có nhu cầu uống hơn ăn. Việc kinh doanh đồ uống có cồn bao gồm chi phí trả trực tiếp cho đồ uống và chi phí dịch vụ, chưa kể tiền thưởng thêm cho người phục vụ.

Theo thống kê của hãng kiểm toán Deloitte, các nhà bán lẻ rượu ở Australia có doanh thu khoảng 2 tỷ USD và tạo hơn 27.200 việc làm, trong khi dịch vụ đồ ăn và đồ uống đóng góp hơn 8,8 tỷ USD, tạo ra hơn 178.900 việc làm. Mỗi một người có việc làm trong ngành đồ uống có cồn của Australia có khả năng hỗ trợ một người có việc làm khác. Ngành đồ uống có cồn thường tuyển dụng lao động có bằng cấp về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Deloitte cũng cho rằng, đồ uống có cồn và ẩm thực chất lượng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền du lịch Australia. Việc thúc đẩy kinh tế đêm ở một mức độ nào đó chính là khuyến khích việc tiêu thụ đồ uống có cồn.

Tuy nhiên, việc tiêu thụ đồ uống có cồn trong kinh tế đêm cũng gây ra những lo ngại về tội phạm, hành vi lái xe không an toàn khi đã uống rượu, bia hay các hành vi gây rối trật tự công cộng. Nghiên cứu của Phòng kinh tế thành phố London chỉ ra, các hành vi tội phạm hoặc gây rối trong kinh tế đêm có thể xảy ra khi hội tụ 3 điều kiện: có người vi phạm, có đối tượng bị hại và không có mặt lực lượng chức năng để ngăn chặn tội phạm. Việc tiêu thụ đồ uống có cồn được coi là nguyên nhân chính thúc đẩy các hành vi mất kiểm soát, mất tự chủ của người vi phạm. Việc di chuyển từ địa điểm uống rượu về nhà, hoặc sang một địa điểm khác, dù bằng xe hay đi bộ, đều có thể dẫn đến những nguy cơ xung đột.

Tại Australia, bạo lực liên quan đến đồ uống có cồn, đặc biệt trong nhóm thanh niên tham gia kinh tế đêm, là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận và tranh luận trong giới hoạch định chính sách. Nam giới thường được coi là chủ thể chính của bạo lực bị thúc đẩy bởi đồ uống có cồn. Tuy nhiên, điều này không loại trừ sự tham gia của phụ nữ trong việc tiêu thụ đồ uống có cồn và việc thực hiện các hành vi mất kiểm soát. Giáo sư Tom Babor, trong nghiên cứu Việc thúc đẩy Luật đồ uống có cồn (2022): Phân tích lợi và hại, cho rằng, việc gia tăng sử dụng đồ uống có cồn nhằm thúc đẩy kinh tế đêm sẽ gây thêm rủi ro về những bệnh, chấn thương, tội phạm và bạo lực gia đình liên quan đến đồ uống có cồn.

Chính sách cân bằng

Các nhà hoạch định chính sách và quản lý cần cân nhắc thấu đáo lợi và hại của việc tiêu thụ đồ uống có cồn trong nền kinh tế đêm để duy trì các lợi ích về mặt kinh tế, trong khi kiểm soát được những vấn đề xã hội do đồ uống có cồn gây ra. Các nhà nghiên cứu và tư vấn chính sách cho rằng, không có một chính sách chung, phù hợp với tất cả cho vấn đề tiêu thụ đồ uống có cồn trong nền kinh tế đêm. Mỗi quốc gia, mỗi địa phương cần có cách tiếp cận riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và văn hóa của mình, miễn sao chính sách đó không gây ra những hệ lụy, nguy cơ xã hội nặng nề, phức tạp. Bên cạnh đó, cách tiếp cận về chính sách hay quy định cần mang tính dài hạn nhằm gửi đi thông điệp rõ ràng đối với giới doanh nghiệp, khách du lịch và người dân.

Tại một số thành phố như Newcastle (Anh), để hạn chế và kiểm soát các nguy cơ của hành vi tiêu thụ đồ uống có cồn, chính quyền địa phương giới hạn khung giờ của kinh tế đêm. Việc giới hạn khung giờ của kinh tế đêm có tác dụng trực tiếp đối với mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn. Kết hợp với biện pháp kiểm soát cấp phép các địa điểm được phép kinh doanh đồ uống có cồn và đối tượng được phép sử dụng đồ uống có cồn, việc tiêu thụ sẽ được giới hạn. Các hãng sản xuất rượu, bia cũng luôn đưa ra các thông điệp, chiến dịch truyền thông về uống có trách nhiệm, không lái xe sau khi uống rượu.

Việc quy hoạch và tổ chức các khu phố, đường phố kinh tế đêm không chỉ giúp các biện pháp quản lý địa điểm kinh doanh đồ uống có cồn hiệu quả hơn, mà còn giảm thiểu những tác động không mong muốn với cộng đồng dân cư xung quanh như ô nhiễm ánh sáng, âm thanh. Các khu kinh tế đêm thường gắn liền với các địa điểm thu hút khách du lịch, có sự tách biệt tương đối với khu dân cư. Trong trường hợp này, việc phát triển kinh tế đêm gắn liền với việc thu hút, xúc tiến du lịch hướng tới du khách từ nơi khác đến và khách du lịch nước ngoài, hơn là nhắm đến cộng đồng dân cư sở tại.

Phát triển kinh tế đêm không phải là chiến lược kinh tế riêng rẽ mà gắn liền với việc xây dựng một hệ thống giải pháp quản lý, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ. Kế hoạch phát triển các giải pháp quản lý, cung cấp dịch vụ hỗ trợ mang tính dài hạn, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ khi nêu ý tưởng đến triển khai, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội cùng với các hệ lụy kèm theo. Thành phố Stockholm (Thụy Điển) đã xây dựng dự án Stockholm kiểm soát các vấn đề về đồ uống có cồn và thuốc (STAD) trong thời gian 10 năm ở khu vực phía Bắc của thành phố. Dự án bao gồm việc khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, huấn luyện người phục vụ đồ uống có trách nhiệm và thắt chặt các quy định cấp phép. Dự án này góp phần giảm đáng kể các hành vi tội phạm có yếu tố bạo lực, ghi nhận mức giảm 29% các hành vi tấn công, đe dọa, quấy rối...

Các giải pháp về định giá đồ uống có cồn cũng được áp dụng để tác động đến nhu cầu tiêu thụ. Nguyên lý giá tăng thì cầu giảm, buộc những người tiêu thụ đồ uống có cồn cân nhắc yếu tố tài chính. Việc tiêu thụ đồ uống có cồn bao gồm chi phí cho đồ uống, thuế đánh vào đồ uống có cồn, thuế giá trị gia tăng và phí dịch vụ, chưa bao gồm các chi phí phát sinh khác. Giải pháp này góp phần tiết chế hành vi tiêu thụ đồ uống có cồn, khiến hành vi này diễn ra với số lần hạn chế hơn là trở thành hoạt động thường xuyên. Chính quyền thành phố London đã tiến hành nghiên cứu tác động của các mức định giá khác nhau đối với mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn và tương quan với các hành vi của những người có hành vi quấy rối, nguy hiểm để đưa ra mức giá hợp lý.

Việc tiêu thụ đồ uống có cồn là một phần không thể thiếu trong kinh tế đêm. Không thể phủ nhận được rằng, việc kinh doanh đồ uống có cồn có những đóng góp đáng kể cho nguồn thu địa phương và quốc gia, đồng thời tăng cường xúc tiến du lịch, tạo việc làm cho người lao động. Nhiều thành phố trên thế giới coi kinh tế đêm là chiến lược phát triển kinh tế quan trọng nhưng cũng ý thức đầy đủ về các hệ lụy kinh tế, xã hội và văn hóa mà việc tiêu thụ đồ uống có cồn gây ra. Hệ lụy kinh tế - xã hội phải nhỏ hơn lợi ích kinh tế - xã hội là nguyên tắc căn bản khi xây dựng và triển khai các hoạt động kinh tế đêm, bao gồm việc tiêu thụ đồ uống có cồn./.

Chuyên mục: Bên lề sự kiện