Kinh tế đêm
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải trải qua không ít khó khăn sau những năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, việc phát triển kinh tế đêm cũng được kỳ vọng là giải pháp linh hoạt, hiệu quả có thể tạo ra những tác động tích cực vào quá trình phục hồi trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
I. CUỘC SỐNG SAU KHI MẶT TRỜI LẶN VÀ KINH TẾ ĐÊM
Trung tâm mua sắm Great Tang All Day Mall ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc về đêm_Ảnh: TL
“Lược sử” cuộc sống về đêm
Ngày và đêm là một trong những hiện tượng tự nhiên nhất của Trái đất. Ngày là thời gian tiến hành các hoạt động; đêm là thời gian dành cho nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động. Tuy nhiên, ngay từ thời cổ đại, bên cạnh các hoạt động kinh tế - xã hội sôi động diễn ra vào ban ngày, cuộc sống về đêm cũng hết sức phong phú.
Nhiều nghiên cứu về cuộc sống ban đêm đã cho thấy, tại La Mã, cuộc sống bận rộn, ồn ào không chỉ thuộc về ban ngày, mà các buổi tiệc tùng, lễ hội và những hoạt động liên quan chủ yếu diễn ra từ tối cho đến rạng sáng, như một nhà thơ đã viết: “tiếng cười của đám đông đi ngang qua đánh thức tôi và cả thành Rome đang ở bên giường tôi”. Nhiều người La Mã cổ đại cũng có thói quen tham gia một số hoạt động khác trong thời gian ngắn giữa “giấc ngủ đầu tiên” và “giấc ngủ thứ hai” như cầu nguyện, suy ngẫm, đọc sách, thưởng thức đồ uống...
Trong khi đó, ở Trung Mỹ cổ đại, người Maya ở các thành phố nhiệt đới cũng rất bận rộn. Các hoạt động vào ban đêm như săn bắn, canh gác đồng ruộng, chuẩn bị bữa ăn cho ngày hôm sau, tiệc tùng và lễ kỷ niệm,... đều diễn ra sau khi Mặt trời lặn. Còn ở Oman, nông dân thời đại đồ đồng (3100 - 1300 Trước công nguyên) thường tưới cây trồng trong không khí mát mẻ về đêm để giảm bớt sự bốc hơi nước; ở Zimbabwe vào khoảng những năm 2000 - 1900 Trước công nguyên, những người thợ kim loại thường đốt lò rèn của họ vào ban đêm để tránh phải chịu thêm sức nóng từ Mặt trời...
Những hoạt động về đêm như vậy vẫn được duy trì trong xã hội loài người cho đến ngày nay như sự nối dài của cuộc sống ban ngày, với hàng triệu người làm việc ca đêm trong các công xưởng hay các ngành dịch vụ, với rất nhiều những “thành phố không bao giờ ngủ”.
Kinh tế đêm
Kinh tế đêm là gì?
Dù các hoạt động, trong đó có hoạt động kinh tế của con người vào ban đêm, đã có lịch sử rất lâu đời, nhưng phải đến cuối những năm 70 của thế kỷ XX, khái niệm “kinh tế ban đêm” (night time economy - NTE) hay “kinh tế đêm” mới ra đời, bắt nguồn từ chuỗi sự kiện văn hóa do Hội đồng thành phố Rome (Italia) tổ chức từ năm 1977 đến 1985 và ở các nước châu Âu khác trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước.
Văn phòng Thống kê quốc gia vương quốc Anh (ONS) định nghĩa: kinh tế đêm là tất cả các hoạt động sản xuất, dịch vụ diễn ra trong khoảng thời gian từ 18 giờ đến 6 giờ sáng. |
Tại Anh, khái niệm kinh tế đêm được đưa ra nhằm mô tả sự nối dài của nền kinh tế ban ngày với định hướng sản xuất ở các thành phố, vốn đang suy giảm do quá trình phi công nghiệp hóa, bằng cách kéo dài thời gian hoạt động vào buổi tối và ban đêm. Kinh tế đêm cũng được xem là thước đo để giải thích các xu hướng khác nhau trong quản trị đô thị và kinh doanh tại các thành phố hậu công nghiệp của Anh.
Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác thường tiếp cận khái niệm kinh tế đêm với những hoạt động tiêu dùng và cơ hội kinh tế liên quan trong các ngành định hướng dịch vụ ở khu vực đô thị. Theo đó, kinh tế đêm được hiểu là tất cả những hoạt động dịch vụ diễn ra từ 18 giờ hôm trước cho đến 6 giờ sáng hôm sau, bao gồm các dịch vụ về văn hóa (biểu diễn nghệ thuật, âm nhạc...), thể dục thể thao, vui chơi giải trí, ẩm thực, bán lẻ, giao thông, lưu trú và các hoạt động trải nghiệm tại các điểm du lịch cũng như những hoạt động hỗ trợ các lĩnh vực này như an ninh, chăm sóc sức khỏe và chuỗi cung ứng...
Kinh tế đêm - từ cầu đến cung
Sự phát triển của các hoạt động kinh tế đêm được xem là để đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm người khác nhau, bao gồm cả người dân bản địa và khách du lịch.
- Những người thích vui chơi: những người thích tiệc tùng, nhảy múa, cảm giác mạnh, vui vẻ,... muốn vui chơi từ hoàng hôn đến bình minh luôn cần những địa điểm thú vị, trải nghiệm mới lạ. Đây là nhóm khách hàng lớn và tiềm năng của các dịch vụ ban đêm mà nhiều đô thị trên khắp thế giới đang hướng đến thông qua việc cập nhật xu hướng tổ chức hoạt động vui chơi phù hợp, xây dựng hệ thống hỗ trợ như hoạt động vận chuyển ban đêm thuận lợi và an toàn...
- Những người yêu thích văn hóa: những người yêu thích văn hóa, bị thu hút bởi văn hóa đô thị, dù là du khách hay cư dân đều có nhu cầu được tận hưởng cảm giác náo nhiệt và hồi hộp qua những trải nghiệm tại thành phố. Đó có thể là một buổi trải nghiệm tại các công trình lịch sử - văn hóa, là một buổi biểu diễn tại nhà hát hay thưởng thức văn hóa ẩm thực sau khi Mặt trời lặn...
- Người lao động làm ca muộn: đây có lẽ là đối tượng dễ bị lãng quên nhất của nền kinh tế ban đêm. Tuy nhiên, ngay trong quá trình di chuyển giữa nơi làm việc và nhà ở, rất nhiều người trong số này cũng có nhu cầu về những món đồ ăn trước khi lên chuyến tàu muộn hoặc sớm để về nhà hoặc thưởng thức một món đồ uống giải khát trong bữa ăn khuya.
- Các gia đình: hoạt động kinh tế đêm không chỉ dành cho những nhóm người trẻ tuổi hay các cặp vợ chồng trẻ, mà gia đình cũng là một bộ phận khách hàng rất lớn và quan trọng của kinh tế đêm ở nhiều thành phố trên thế giới. Đặc biệt, ở Trung Đông, Nam Âu và châu Á - nơi khí hậu và văn hóa cho phép cũng như khuyến khích sự tham gia của các gia đình - việc đáp ứng nhu cầu trải nghiệm về đêm của nhóm đối tượng này được xem là rất cần thiết.
- Những “tín đồ mua sắm”: những hoạt động kinh tế về đêm, nhất là mua sắm vào đêm muộn luôn có sự hấp dẫn đặc biệt. Tại châu Á và Trung Đông, nhiều trung tâm mua sắm luôn mở cửa muộn hơn so với các địa điểm trải nghiệm văn hóa, đưa bán lẻ trở thành một hoạt động nhiều tiềm năng.
II. NHỮNG TIỀM NĂNG TỪ KINH TẾ ĐÊM
Hoạt động đêm ở Quảng trường Thời đại, thành phố New York, Mỹ_Ảnh: TL
Thúc đẩy phát triển kinh tế
Nhiều nghiên cứu gần đây khẳng định, những giá trị và tiềm năng tăng trưởng từ việc chú trọng phát triển các hoạt động kinh tế đêm, từ các lĩnh vực chủ chốt như ăn uống và giải trí đến các lĩnh vực kinh tế thứ cấp như giao thông vận tải... Những hoạt động này thu hút hàng triệu lao động; đồng thời được xem là “thỏi nam châm” thu hút khách du lịch, tạo ra những đóng góp đáng kể cho thành phố và rộng hơn là nền kinh tế của nhiều quốc gia.
Theo Hiệp hội Kinh tế ban đêm vương quốc Anh (NTIA), năm 2021, kinh tế ban đêm ở Anh có sự tham gia của 34.000 doanh nghiệp và đóng góp 4,1% (khoảng 93,7 tỷ bảng) cho nền kinh tế; hỗ trợ khoảng 392.000 việc làm. Năm 2022, ước tính các hoạt động này thu hút 33.500 doanh nghiệp và tạo khoảng 424.000 việc làm.
Báo cáo Kinh tế cuộc sống về đêm của thành phố New York (Mỹ) cũng cho thấy, vào năm 2016, ngành công nghiệp giải trí về đêm đã hỗ trợ 299.000 việc làm và tạo ra sản lượng kinh tế trị giá 35,1 tỷ USD. Nền kinh tế ban đêm của New York trong nhiều lĩnh vực có sự phát triển vượt trội, với tốc độ tăng trưởng việc làm hằng năm là 5%, cao hơn so với mức tăng trưởng việc làm chung của thành phố là 3%. Trong khi đó, Báo cáo Các ngành công nghiệp giải trí về đêm ở San Francisco cập nhật năm 2016 cho thấy, từ năm 2010 đến 2015, số việc làm trong các doanh nghiệp giải trí về đêm tăng từ 12.000 lên hơn 60.000; doanh thu từ các ngành công nghiệp giải trí về đêm cũng đạt tới 6 tỷ USD vào năm 2015.
Sự tăng trưởng này được ghi nhận trên quy mô toàn cầu, với rất nhiều thành phố có xu hướng tương tự. Năm 2018, doanh thu của nền kinh tế ban đêm ở Melbourne (Austalia) tăng 310,3 triệu USD, lên 3,5 tỷ USD. Xu hướng tăng trưởng này được lặp lại trong những số liệu được báo cáo về sự tăng trưởng của các cơ sở kinh tế ban đêm cốt lõi cũng như tăng trưởng việc làm của Melbourne, với mức tăng lần lượt 4,4% và 2,5% trong các năm 2017 và 2018. Nhiều thống kê trước đó cũng cho thấy, các hoạt động kinh tế đêm của thành phố này đóng vai trò quan trọng trong việc định vị thành phố là một điểm đến du lịch quan trọng của Australia.
Mặc dù việc phát triển kinh tế đêm khiến chính quyền các địa phương phải đối mặt với nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ ban đêm, như: phải bổ sung nhân viên cảnh sát, kiểm soát giao thông và đỗ xe, mở rộng giao thông công cộng hoặc kiểm tra việc tuân thủ quy tắc vào đêm khuya..., nhưng những chi phí này có thể được bù đắp bằng sự đóng góp ngày càng tăng cả về kinh tế và xã hội từ kinh tế đêm mang lại. |
Được vinh danh là “thành phố du lịch về đêm hằng năm” bởi Giải thưởng Ảnh hưởng du lịch Trung Quốc, ngành du lịch của Nam Kinh đã có sự tăng trưởng ổn định, với mức tăng hằng năm là 13,2% trong tổng doanh thu du lịch vào năm 2019.
Xây dựng hình ảnh
Danh tiếng về nền kinh tế ban đêm của một thành phố trên thế giới đặc biệt vang xa và thường sẽ được nhiều người biết đến, ngay cả với những người chưa bao giờ đến thăm thành phố. Sự khuếch đại này thường được tạo ra thông qua các hình thức văn hóa đại chúng, đặc biệt là âm nhạc, văn học và trên hết là điện ảnh. Quan trọng nhất, những hình ảnh, dấu ấn về thành phố tạo được hiệu ứng này sẽ có xu hướng tồn tại qua nhiều thế hệ, chẳng hạn như cuộc sống về đêm nổi tiếng ở các thành phố như Paris, Amsterdam hay những “biểu tượng kinh tế đêm” như nhà hát Broadway ở New York, quán rượu ở Dublin (Ireland), nhà hàng ở Tokyo (Nhật Bản) hay câu lạc bộ khiêu vũ ở Berlin (Đức)... Nhiều chuyên gia cho rằng, các thành phố mới hơn đang nổi lên như những “thành phố không ngủ” của tương lai cũng có thể sẽ tạo được danh tiếng tương tự khi tiếp tục đầu tư và phát triển tài sản văn hóa của mình. Tất nhiên, danh tiếng của các thành phố đêm không chỉ tạo ra những giá trị kinh tế trực tiếp qua việc thu hút khách du lịch, tăng chi tiêu..., mà còn được xem là một công cụ để kích thích các lợi ích rộng lớn hơn, như Ken Livingstone - Thị trưởng London giai đoạn 2000 - 2008, đã nói: “lý do London vượt Frankfurt trở thành thủ đô tài chính của châu Âu rất đơn giản: bạn đã bao giờ bị Frankfurt “giữ chân” vào tối thứ sáu chưa?”.
Nâng cao trải nghiệm
Trong những năm gần đây, khái niệm “làm sống động thành phố” thu hút được sự chú ý, với việc các nhà lãnh đạo thành phố quảng bá những buổi biểu diễn, lễ hội và hoạt động mang lại cảm giác kỳ diệu cho du khách và người dân. Rất nhiều thành phố đang tập trung khai thác các công nghệ nghe nhìn tiên tiến từ ngành công nghiệp trò chơi cũng như những hiệu ứng đặc biệt để phục vụ nhu cầu trải nghiệm ban đêm. Các chương trình ánh sáng lớn như Lumiere diễn ra trên khắp các thành phố của Vương quốc Anh như London, Durham và Derry, hay những nội dung và hình thức trình chiếu độc đáo tại Quartier de Spectacle ở Montréal (Canada),... đã trở thành những ví dụ mang tính biểu tượng về việc nâng cao trải nghiệm của các gia đình cũng như những đối tượng đặc thù như trẻ nhỏ, thanh niên khi tới các thành phố này.
Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế đêm cũng tạo ra nhiều trải nghiệm về văn hóa, chẳng hạn như sự xuất hiện của thực đơn từ nông trại đến bàn ăn hay những đổi mới trong trải nghiệm ẩm thực đường phố với những xe bán đồ ăn và người bán hàng rong. Những dự án kinh doanh này cũng mang lại những hương vị văn hóa và sắc tộc đa dạng...
III. SỨC SỐNG CỦA MỘT SỐ THÀNH PHỐ ĐÊM NỔI TIẾNG THẾ GIỚI
Một góc thành phố Montréal, Canada về đêm_Ảnh: Getty
Montréal (Canada)
Montréal là một thành phố nổi tiếng với cuộc sống về đêm và được mệnh danh là thủ đô văn hóa của Canada. Là nơi giao thoa của truyền thống Pháp và Anh, Montréal đã phát triển bộ mặt văn hóa độc đáo và nổi bật trên thế giới, với đoàn xiếc Cirque de Soleil nổi tiếng cùng nhiều công ty kịch, múa ba lê và biểu diễn âm nhạc cũng như vô số nhà hàng và quán bar...
Montréal cũng là địa điểm du lịch đêm thu hút hàng triệu người mỗi năm, với 1/4 số du khách nói rằng họ đến để tận hưởng những sự kiện văn hóa được tổ chức quanh năm như Lễ hội nhạc Jazz quốc tế Montréal, Lễ hội pháo hoa quốc tế, Lễ hội bia Montréal... Năm 2016, Montréal được xếp hạng là thành phố lễ hội thứ 7 trên thế giới. Được mệnh danh là “thủ đô tiệc tùng của Canada”, Montréal cung cấp các điểm tham quan và giải trí ban đêm tốt nhất, với các câu lạc bộ đêm, quán rượu, quán bar ca hát và câu lạc bộ nhạc jazz,... thu hút nhiều loại khách hàng khác nhau.
Đặc biệt, tại Montréal, cư dân và du khách còn có thể trải nghiệm chương trình Cité Mémoire (Ký ức thành phố) - một trong những trải nghiệm nhập vai hàng đầu - để cùng tham dự một loạt sự kiện quan trọng của thành phố và cơ hội “gặp gỡ” những nhân vật nổi tiếng, những người đã chứng kiến lịch sử của thành phố và sự phát triển của nó theo thời gian. Xuất hiện ở nhiều địa điểm nổi tiếng, nội dung trải nghiệm được chiếu trực tiếp lên các bức tường, mặt đất và cây cối. Ký ức thành phố thể hiện các giá trị của sự tồn tại, đổi mới, lòng khoan dung và độ lượng được coi là nền tảng của thành phố. Trong đó, ứng dụng miễn phí Montréal en Histoires là cách tốt nhất để tìm hiểu về lịch sử của Montréal cũng như các điểm ưa thích qua công nghệ thực tế ảo và tăng cường.
Ngoài ra, Lễ hội ánh sáng Montréal là một trong những lễ hội mùa đông lớn nhất thế giới, diễn ra vào tháng 2 hằng năm và kéo dài trong 2 tuần. Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2000, trở thành một trong những lễ hội diễn ra lâu nhất ở Montréal, Lễ hội ánh sáng bao gồm chương trình biểu diễn nghệ thuật đa dạng, nhạc sống, biểu diễn ngoài trời, sắp đặt ánh sáng, thức ăn ngon, rượu vang,... hiện chào đón hơn 1 triệu du khách mỗi năm; đồng thời định vị Montréal là một điểm đến mùa đông được yêu thích.
Những hoạt động này kết hợp với các khía cạnh khác của văn hóa Montréal làm cho cuộc sống về đêm của thành phố trở nên độc đáo và đóng góp đáng kể, tạo việc làm và thu nhập cho 52.000 người.
London (Anh)
Vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, London trải qua thời kỳ suy thoái công nghiệp, trở nên hơi tồi tàn và đôi khi mang đến những trải nghiệm ảm đạm. Năm 2000, người đứng đầu thành phố đã đưa ra một loạt sáng kiến và chính sách với tham vọng định vị danh tiếng của London như một thành phố hàng đầu thế giới bên cạnh các thành phố khác như New York, Paris và Tokyo... Để làm được điều đó, chính quyền thành phố đã tiến hành cải cách kết cấu hạ tầng để xúc tiến du lịch, thành lập một tổ chức mới hướng đến khu vực tư nhân ở Visit London. Luật cấp phép cũng được cải cách vào năm 2005, cho phép việc uống rượu vào đêm khuya. Đến năm 2014, sự ra đời của Night-tube tạo điều kiện thuận lợi cho bước tiếp theo trong việc phát triển kinh tế đêm của London, đưa thủ đô nước Anh hướng tới nền kinh tế 24 giờ, tạo ra tiềm năng phát triển dịch vụ khách sạn, giải trí và các ngành văn hóa. Năm 2016, London đã chỉ định một quan chức đóng vai trò điều phối để làm việc với ngành công nghiệp, cơ quan pháp luật và chính quyền địa phương nhằm tiếp tục hướng tới nền kinh tế 24 giờ nhưng vẫn bảo đảm cân bằng an toàn và phúc lợi của người dân với việc phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm.
Theo một báo cáo do Văn phòng thị trưởng London công bố, vào năm 2018, giá trị kinh tế đêm của thành phố này chiếm tới 40% tổng giá trị nền kinh tế đêm của Vương quốc Anh; giải quyết khoảng 1/3 tổng số việc làm trong toàn thành phố, với khoảng 178.000 người làm việc trong các dịch vụ chuyên nghiệp và 168.000 người làm việc trong ngành khách sạn... Việc làm của nhân viên trong nền kinh tế đêm của London cũng có mức tăng trưởng cao hơn so với mức trung bình toàn thành phố và nền kinh tế quốc gia.
Nam Kinh (Trung Quốc)
Nam Kinh là một thành phố cổ với 2.400 năm lịch sử, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Năm 2019, Nam Kinh đón 147 triệu khách du lịch quốc tế và nội địa, với tổng doanh thu du lịch là 278,5 tỷ nhân dân tệ. Vào năm 2017, thành phố Nam Kinh đã công bố “Hướng dẫn thực hiện nhằm đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế ban đêm”, trong đó vạch ra tham vọng trong việc phát triển “Jinling at Night” (Kim Lăng về đêm) thành một dịch vụ văn hóa về đêm nổi tiếng Trung Quốc; đồng thời cải thiện doanh thu bán hàng từ các khu thí điểm kinh tế ban đêm để đạt 4% doanh thu bán lẻ của thành phố.
Tận dụng chính sách hỗ trợ và tài sản văn hóa phong phú, Nam Kinh đã tạo ra một dịch vụ ban đêm đa dạng bao gồm các lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, hệ thống khách sạn, giao thông, du lịch, mua sắm và giải trí trên cơ sở mô hình chợ đêm truyền thống. Trong đó, ẩm thực và du lịch văn hóa là những lời mời gọi hấp dẫn.
Chẳng hạn, tại Khu văn hóa và lịch sử đường Trường Giang, nhiều tòa nhà và địa điểm lịch sử dọc theo tuyến đường này vẫn được bảo tồn; một số địa điểm chính như Bảo tàng Dệt, Bảo tàng Lục đại và Nhà tưởng niệm Vườn Mai,... đã kéo dài thời gian mở cửa đến 10 giờ tối; đồng thời cung cấp những chương trình lớn như “Sự tao nhã của Lục triều” và phiên bản mới của vở opera “Giấc mơ của Phòng Hồng”... Ngoài các chuyến tham quan bảo tàng ban đêm, khu vực đường Trường Giang còn là nơi triển khai 8 chương trình văn hóa về đêm, bao gồm chợ đồ cổ, trình diễn ban đêm và mua sắm ban đêm, tìm kiếm món ngon ban đêm trong ngõ, tham quan phòng trưng bày ban đêm và đọc sách ban đêm. Bằng cách kết hợp du lịch bán lẻ, trải nghiệm văn hóa và kinh doanh với nền kinh tế ban đêm, đường Trường Giang đã được đổi mới và tạo ra cụm tiêu dùng và du lịch văn hóa vào ban đêm hết sức phong phú.
Bangkok (Thái Lan)
Bangkok là một trong những thành phố điểm đến hàng đầu ở Đông Nam Á và đứng đầu bảng xếp hạng Thành phố điểm đến toàn cầu mới nhất. Năm 2018, thành phố này đã đón hơn 23 triệu khách du lịch quốc tế, với doanh thu 20 tỷ USD.
Sự thành công của Bangkok có sự đóng góp không nhỏ từ các dịch vụ ban đêm đa dạng. Cuộc sống và các hoạt động về đêm chắc chắn là những đặc điểm chính của dịch vụ du lịch Bangkok. Ngoài những gì được biết đến theo truyền thống, chẳng hạn như câu lạc bộ đêm và chợ thực phẩm, phần lớn nỗ lực gần đây của chính quyền Bangkok đã tập trung vào việc phát triển dịch vụ ban đêm đa dạng hơn bằng cách kết hợp bán lẻ với văn hóa và sự sáng tạo.
Hoạt động về đêm tại chợ Chang Chui, Bangkok, Thái Lan_Ảnh: TL
Chang Chui là một trong những không gian sáng tạo đa năng mới nhất của Bangkok, rộng 27.000m2, là một tập hợp gồm 18 tòa nhà cùng các cấu trúc được làm từ vật liệu tái sử dụng. Công viên được tổ chức thành 2 khu vực - “khu vực xanh” không có cồn (mở cửa từ giữa buổi sáng đến tối muộn) và “khu vực ban đêm” (mở cửa từ chiều đến tận đêm khuya). “Khu vực ban đêm” có các khu vực biểu diễn âm nhạc và sân khấu, quán bar và bia thủ công cũng như các cửa hàng thời trang và trưng bày thiết kế địa phương. |
Văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo là trụ cột chính của quá trình chuyển đổi kinh tế Thái Lan trong 2 thập niên qua. Việc thành lập Trung tâm Thiết kế và Sáng tạo Thái Lan vào năm 2005 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc tái tạo đô thị và phát triển du lịch. Nhiều điểm đến nổi tiếng như chợ đêm xe lửa Ratchada và công viên sáng tạo Chang Chui là những điển hình về những nỗ lực sáng tạo từ di sản lịch sử.
Tận dụng lối sống về đêm, tại Bangkok còn có nhiều trung tâm mua sắm 24/24 giờ, như Samyan Mitrtown, Street Ratchada, Samyan Mitrtown... Trong đó, Samyan Mitrtown được phát triển theo khái niệm Thư viện cuộc sống đô thị - Thư viện thực phẩm và học tập để tạo ra không gian sống 24 giờ cho cộng đồng địa phương, sinh viên, người lao động, người khởi nghiệp và khách du lịch. Ý tưởng quan trọng đã được đưa vào thiết kế là trung tâm mua sắm này được kết nối trực tiếp với ga tàu điện ngầm bằng một con đường ngầm độc đáo - nơi trở thành điểm đến phổ biến để chụp ảnh. Không giống như Street Ratchada với hầu hết các cửa hàng 24 giờ chuyên bán đồ ăn và hàng tiêu dùng, Samyan Mitrtown có rất nhiều ưu đãi 24 giờ bao gồm hiệu sách, cửa hàng phụ kiện phong cách sống Miniso và thậm chí cả không gian học tập, làm việc chung...
IV. NHỮNG GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐÊM
Khu cắm trại ở thị trấn Dongguo, thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc vào kỳ nghỉ cuối tuần, ngày 13-5-2023_Ảnh: TL
Khán giả và sự tham gia
Một nền kinh tế đêm mạnh mẽ phải tập trung vào khán giả thông qua việc phát triển những trải nghiệm hấp dẫn, cho phép cả người dân cũng như du khách tham gia. Điều đó đòi hỏi các nhà lãnh đạo thành phố cần tạo điều kiện để các chuyên gia sáng tạo tạo ra nội dung, cũng như tạo điều kiện cho tất cả mọi người tham gia vào mọi hoạt động của cuộc sống thành phố vào ban đêm. Chẳng hạn như tại Seattle, Washington, Austin, Texas (Mỹ), chính quyền địa phương đã cung cấp nhiều nguồn lực để hỗ trợ các nhạc sĩ, chẳng hạn như trợ cấp nhà ở, hỗ trợ đào tạo về đàm phán hợp đồng, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và các khoản vay lãi suất thấp để nâng cấp hệ thống âm thanh,... nhằm phát triển hoạt động biểu diễn. Bên cạnh đó, không gian của các thành phố cũng cần được thiết kế lại để đáp ứng nhu cầu của những người thực hiện và tham gia các hoạt động kinh tế ban đêm.
Tạo môi trường thuận lợi
Một nền kinh tế ban đêm hưng thịnh phải được củng cố bởi kết cấu hạ tầng hoạt động tốt và các dịch vụ công tích hợp được quản lý tốt và an toàn. Điều đó bao gồm việc hình thành mạng lưới giao thông công cộng (dịch vụ xe buýt, tàu điện ngầm) rộng khắp, cũng như bảo đảm dịch vụ taxi và các phương tiện giao thông cá nhân được quản lý an toàn và có giá hợp lý.
Vì vai trò lãnh đạo và các biện pháp hỗ trợ cụ thể rất có ý nghĩa, nên cần bảo đảm rằng các kế hoạch hỗ trợ nền kinh tế đêm được đưa vào khuôn khổ chính sách, như chính sách đầu tư cho kết cấu hạ tầng hay phát triển dịch vụ cần thiết vào ban đêm như vận chuyển đêm, các cửa hàng tiện lợi và hiệu thuốc 24 giờ...
Bên cạnh đó, chính quyền đô thị muốn phát triển kinh tế đêm cũng cần lưu ý cải cách thủ tục cấp phép cho hoạt động liên quan; đồng thời có một nền tảng thể chế vững chắc cùng đội ngũ nhân viên tận tụy để điều phối các nguồn lực, bao gồm cảnh sát, cứu hỏa hay các bộ phận lập kế hoạch, phân vùng, cấp phép, quản lý công trình công cộng, bãi đậu xe, kiểm soát giao thông... Đặc biệt, cần bố trí các hoạt động kinh tế đêm với mật độ phù hợp với các tiêu chuẩn cộng đồng để giảm tác động từ tiếng ồn, rác thải và bảo đảm mức độ tập trung đông người phù hợp...
Bảo vệ các tài sản kinh tế ban đêm
Trong những năm gần đây, các thành phố trên thế giới ngày càng đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng, bảo vệ kết cấu hạ tầng văn hóa và những tài sản được cần thiết như phòng trưng bày nghệ thuật, phòng hòa nhạc, bảo tàng... Trong quá trình này, các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu việc bảo vệ các tài sản quy mô nhỏ và có thể là không chính thức nhưng vẫn là một yếu tố thiết yếu của đời sống văn hóa của mỗi địa phương. Nếu không chú ý vấn đề này, nhiều tài sản có thể bị mai một hoặc mất đi. Trên thực tế, đã có nhiều thành phố trên thế giới rơi vào tình huống tương tự, ví dụ như London trong thập niên qua đã tập trung đầu tư vào các địa điểm mới, lớn và các khu văn hóa nhưng điều đó cũng kéo theo sự sụt giảm mạnh về số lượng quán rượu, câu lạc bộ đêm và các địa điểm âm nhạc quy mô nhỏ vốn rất hấp dẫn đối với trải nghiệm ban đêm. Do vậy, việc cam kết bảo vệ những tài sản văn hóa này là rất quan trọng.
Tăng sức hấp dẫn của kinh tế đêm
Danh tiếng của một thành phố về hoạt động ban đêm là một yếu tố quan trọng trong việc xác định sức hấp dẫn của nó. Khách du lịch qua đêm cũng là một dấu hiệu tốt cho thấy kinh tế đêm của thành phố đang có sức hấp dẫn. Tương tự, danh tiếng của thành phố về chất lượng cuộc sống tốt cũng là một chỉ số quan trọng cho thấy thành phố an toàn, sạch sẽ và hấp dẫn đối với du khách và người dân. Tuy nhiên, những sáng kiến cụ thể nhằm tăng cường việc cung cấp các dịch vụ ban đêm cũng rất cần thiết. Chúng có thể bao gồm các chương trình biểu diễn bắt đầu muộn; kéo dài thời gian mở cửa bảo tàng và phòng trưng bày; khuyến khích cung cấp dịch vụ ban đêm tại các không gian công cộng như trình diễn ánh sáng, đi dạo ban đêm, du ngoạn và trải nghiệm nhập vai,... để giúp thành phố trở nên sống động vào ban đêm.
Lãnh đạo kinh tế đêm
Khi nền kinh tế ban đêm của một thành phố phát triển và trở nên thành công hơn, cần quan tâm đến việc bảo đảm quản lý và điều hành tốt. Những chính sách đặc biệt có thể được các nhà lãnh đạo thành phố yêu cầu, bao gồm việc tiến hành các nghiên cứu để thu thập bằng chứng và đánh giá tài sản kinh tế đêm của thành phố; tiến hành tham vấn với các ngành dịch vụ ban đêm như lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, biểu diễn nghệ thuật,... để hiểu rõ hơn các yêu cầu cụ thể của họ; đưa ra một chiến lược hoặc chính sách kinh tế đêm, hoặc thiết lập cơ chế làm việc liên ngành phát huy hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng liên quan đến quản lý, điều hành...
Khách du lịch trải nghiệm khung cảnh Hồng Kông (Trung Quốc) về đêm trên tàu điện lên đỉnh núi Thái Bình (Victoria Peak)_Ảnh: TL
Hiện nay, hơn 40 thành phố trên toàn thế giới đã thành lập vị trí chịu trách nhiệm về kinh tế đêm, hoặc thành lập văn phòng hay sáng kiến để thực hiện quản lý những hoạt động kinh tế - xã hội cũng như văn hóa trong thời gian từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. |
V. VIỆT NAM TẬN DỤNG TỐI ĐA CƠ HỘI PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐÊM
Phố đêm Hoàng thành Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) là sự kết hợp giữa phố đi bộ, các chương trình nghệ thuật, khu vực trưng bày, kinh doanh các sản phẩm nghề truyền thống độc đáo và ẩm thực Huế_Ảnh: thanhnien.vn
Khai thác tiềm năng
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú; nền văn hóa nghệ thuật và ẩm thực đặc sắc; có dân số trẻ đông và sống tập trung tại các thành phố có mức độ hội nhập và toàn cầu hóa cao, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu... Đặc biệt, Việt Nam có nền chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội bảo đảm. Đó là những điều kiện rất thuận lợi trong việc phát triển kinh tế đêm. Phát huy những điều kiện đó, các loại hình kinh tế đêm phổ biến đã được triển khai ở một số thành phố lớn tại Việt Nam, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các địa phương như Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang)..., qua mô hình các khu chợ đêm, phố ăn đêm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi 24/24 giờ, các tuyến phố đi bộ hoặc tuyến phố dịch vụ ẩm thực và giải trí như: Tạ Hiện (Hà Nội), Bùi Viện (Thành phố Hồ Chí Minh)... Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch và khoảng 2.300 cửa hàng tiện lợi, trong đó khoảng 1.000 cửa hàng hoạt động 24/24 giờ, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Sự phát triển của các hoạt động kinh tế đêm tại Việt Nam thời gian qua đã có những đóng góp đáng ghi nhận vào nguồn thu ngân sách và phát triển kinh tế các địa phương; tạo thêm nhiều việc làm và tăng thu nhập, qua đó nâng cao đời sống một bộ phận người dân. Kinh tế đêm trở thành nét văn hóa đặc trưng, quen thuộc của một bộ phận người dân địa phương và là địa điểm hấp dẫn đối với khách du lịch, nâng cao sức thu hút của du lịch Việt Nam nói chung...
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế đêm ở nước ta mới chỉ phổ biến ở một số thành phố lớn và các khu du lịch phát triển, trong khi tại các địa phương khác, loại hình kinh tế này vẫn còn sơ khai, chưa phát triển. Điều đó bắt nguồn những hạn chế về nhận thức đối với vai trò của kinh tế đêm cũng như thiếu các chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển kinh tế đêm thông qua cung cấp các dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, ẩm thực, mua sắm cũng như các dịch vụ hỗ trợ như giao thông, y tế...; các địa phương đều chưa có một cơ quan hay bộ phận chuyên trách quản lý hoạt động kinh tế đêm, trong khi đây là một mô hình phát triển mới, có nhiều tác động đến kinh tế, văn hóa - xã hội và môi trường. Bên cạnh đó, các sản phẩm, dịch vụ ban đêm tại hầu hết địa phương vẫn chưa thực sự đa dạng, chủ yếu là ăn uống, các hoạt động văn hóa nghệ thuật còn chưa nhiều; các chợ đêm hay các khu phố đêm của một số địa phương chưa thực sự ấn tượng, thiếu các sản phẩm đặc sắc; các dịch vụ ban đêm hầu hết có quy mô trung bình và nhỏ; chưa có sự kết nối các dịch vụ để tạo ra các chương trình hấp dẫn du khách.
Tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế đêm
Với quan điểm kinh tế đêm không phải là một bộ phận tách rời của nền kinh tế; việc phát triển kinh tế đêm là phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế nhằm góp phần tận dụng tối đa thời gian, tạo thêm những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, đồng thời phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch..., tháng 7-2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”.
Để khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; Đề án xác định 5 nhóm giải pháp phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam theo hướng chủ động. Cụ thể, bên cạnh nhóm giải pháp nâng cao nhận thức về lợi ích và rủi ro phát triển kinh tế ban đêm của bộ máy quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và toàn xã hội, đặc biệt là việc khắc phục rào cản tư duy “không quản được thì cấm” trong quản lý; theo Đề án này, Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế ban đêm và kiểm soát rủi ro, trong đó tập trung vào các quy định về: khu vực hoạt động; sản phẩm ưu tiên phát triển; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động; đồng thời phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động kinh tế ban đêm, trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế ban đêm; chú trọng việc bảo đảm an ninh, an toàn của du khách.
Cùng với đó, chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào nội dung quy hoạch tỉnh; quy hoạch các khu vực phát triển kinh tế ban đêm cần gắn với phát triển kết cấu hạ tầng để bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, hạn chế tác động của ô nhiễm tiếng ồn, rác thải sinh hoạt... Chủ động lồng ghép nội dung phát triển kinh tế đêm vào nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành. Đề án cũng cho thí điểm kéo dài thời gian tổ chức hoạt động dịch vụ ban đêm tại một số thành phố và khu du lịch lớn trên cả nước như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc, trên cơ sở đó đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý, hoàn thiện mô hình để nhân rộng ra các địa phương khác. Nghiên cứu, đề xuất ưu tiên đầu tư xây dựng một số khu vực tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài ra, xây dựng và thực thi các chính sách khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia hoạt động kinh tế đêm thông qua nâng cao năng lực, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh tiếp cận nguồn tài chính chính thức, đặc biệt là vốn tín dụng ngân hàng. Nghiên cứu hỗ trợ các phương tiện vận tải công cộng trên một số tuyến giao thông quan trọng nhằm tăng cường kết nối các trung tâm đô thị về đêm. Thiết lập các đường dây nóng cho du khách thông tin kịp thời về các vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường... Đẩy mạnh xúc tiến du lịch, quảng bá các hoạt động kinh tế ban đêm. Xây dựng sản phẩm du lịch đêm dựa trên yếu tố văn hóa bản địa, tạo điểm nhấn theo đặc trưng địa phương. Chủ động nguồn nhân lực, vật lực, tài lực cho việc phát triển kinh tế đêm, trong đó tăng cường nhân lực quản lý, kiểm tra, giám sát công tác an ninh, trật tự xã hội, y tế, môi trường,... tại các địa bàn phát triển kinh tế đêm.../.
Thành Nam - Khôi Nguyên - Tiến Thắng - Công Minh (thực hiện)