19/04/2025 | 02:33 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Phát huy phẩm chất, bản lĩnh ngoại giao Hồ Chí Minh trong đối ngoại hiện nay

Xuân Sơn
Phát huy phẩm chất, bản lĩnh ngoại giao Hồ Chí Minh trong đối ngoại hiện nay Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tuyên bố chung tại Hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân quốc tế họp ở Thủ đô Moscow, Nga, tháng 11-1960_Ảnh: TL
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhận xét: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người biết mình muốn gì và đi đến đâu, biết tránh thác ghềnh, biết thắng quân địch..., nắm vững nghệ thuật của điều có thể và không ngừng mở rộng giới hạn của điều có thể”. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực hiện nay luôn biến động không ngừng với nhiều thuận lợi và thách thức đan xen, phẩm chất và bản lĩnh ngoại giao Hồ Chí Minh càng được phát huy cao độ trên con đường Việt Nam hội nhập quốc tế.
Phát huy bản lĩnh tự tin, trí tuệ và khéo léo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giữ vững độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế

 Sự kiên định giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, nhưng lại hết sức mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược, khéo léo và bản lĩnh trong đấu tranh ngoại giao nhằm giành, giữ và bảo vệ nền độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân Việt Nam đã trở thành nét đặc sắc và được nhắc đến nhiều trong bản lĩnh ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ: “Độc lập nghĩa là chúng tôi tự điều hành lấy công việc nội bộ của mình, không để ai can thiệp” và độc lập về chủ quyền phải gắn liền với thống nhất đất nước, toàn vẹn lãnh thổ. Trong thực tiễn hoạt động đối ngoại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt quan điểm chỉ đạo là “phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ” để biết mình, biết người, luôn làm chủ tình thế; hiểu rõ vị trí chiến lược của Việt Nam trong mối quan hệ giữa các nước lớn. Người đặc biệt coi trọng việc xử lý khéo léo quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng và các nước lớn; luôn chủ trương tôn trọng và giữ thể diện cho nước lớn; luôn “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế” để “cương nhu kết hợp” vì lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc.

Khi nói về phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ Xô-viết Osip Emilyevich Mandelstam đã viết: “... qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên biển lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”.

Tư duy này được Người vận dụng từ cách đây hơn 60 năm một cách linh hoạt, khéo léo và trí tuệ. Vào thời điểm đó, những mâu thuẫn giữa 2 nước xã hội chủ nghĩa đồng thời là 2 nước lớn Liên Xô và Trung Quốc đã gây ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng chung của thế giới cũng như cách mạng Việt Nam. Ngày 2-11-1960, đại biểu của 81 đảng cộng sản và công nhân quốc tế họp tại Thủ đô Moscow (Nga), cả Liên Xô và Trung Quốc đều không tìm được tiếng nói chung. Với uy tín cao, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những ứng xử khéo léo, kết hợp giải thích, thuyết phục và hòa giải. Người nhấn mạnh: “Trong sự đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa, giữa các đảng Mác - Lênin trên thế giới, sự đoàn kết giữa Liên Xô và Trung Quốc, giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc có một tầm quan trọng đặc biệt. Chúng tôi cảm thấy rất sâu sắc tầm quan trọng của sự đoàn kết giữa Liên Xô và Trung Quốc... Chúng ta đều là anh em ruột thịt trong đại gia đình cộng sản quốc tế. Để đánh thắng kẻ thù chung, chúng ta nhất định phải đoàn kết chặt chẽ”. Với sự nỗ lực của Người, 2 đoàn Liên Xô, Trung Quốc đã đi tới đồng thuận; Tuyên bố chung của hội nghị với sự tham dự của 81 đảng được thông qua.

Trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến khác so với trước, việc phát huy bản lĩnh, trí tuệ đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở ra khả năng rộng lớn để vận dụng vào thực tiễn đối ngoại Việt Nam theo đường lối Đại hội XIII của Đảng đề ra nhằm vừa chủ động hội nhập quốc tế, vừa giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao tinh thần độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế. Đặc biệt, xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn là một trong những thành tựu nổi bật thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng trong thời kỳ đổi mới.

Phát huy phẩm chất giản dị, chân tình, dễ cảm hóa, có tính thuyết phục cao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong “ngoại giao tâm công”

Một trong những trụ cột của công tác đối ngoại Việt Nam là đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế - nhiệm vụ không chỉ đòi hỏi nỗ lực thông qua các kênh đối ngoại chính thức, mà còn cần tới khả năng tranh thủ sự thiện chí, tình cảm tốt đẹp của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, hay còn gọi là ngoại giao tâm công. Đây vốn là một trong những nội dung chủ yếu của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, có hiệu quả to lớn và mãi bền vững với thời gian bởi giá trị nhân văn xuất phát từ những nét đẹp trong văn hóa, con người Việt Nam. Với phong cách giản dị, không câu nệ đối đẳng chức vụ trong giao tiếp với các tầng lớp nhân dân trên thế giới ở những cương vị khác nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khiến mọi người cảm thấy được sự gần gũi, thân tình của Người. Thực hiện chính sách ngoại giao tâm công, Người phân biệt rất rõ đâu là “thù”, đâu là “bạn” để có ứng xử phù hợp nhằm khơi dậy những tình cảm tốt đẹp của nhân dân thế giới yêu chuộng hòa bình, kêu gọi sự ủng hộ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Năm 1946, khi tiếp luật sư Pháp Max Clainville Bloncourt, Người bày tỏ: “Tôi không hề căm thù người Pháp. Tôi không hề ghét bỏ nhân dân Pháp. Tôi yêu mến nước Pháp và nhân dân Pháp. Tôi đến đây để đàm phán, để đòi độc lập và tự do cho nhân dân tôi. Chỉ có thế thôi”. Năm 1964, khi trả lời phỏng vấn nữ phóng viên Pháp Danien Huynơben, Người cho biết: “Nhân dân Pháp trước đây đã ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam nay lại tỏ sự đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam... Nhân dân Việt Nam rất biết ơn nhân dân Pháp về mối tình cảm đó”. Đối với nhân dân Mỹ, Người nhấn mạnh: “Chúng tôi không có xích mích gì với nhân dân Mỹ. Chúng tôi muốn sống hòa bình và hữu nghị với nhân dân Mỹ”. Sự chân thành của Người đã lay động hàng triệu người dân tiến bộ ở Mỹ, góp phần thổi bùng phong trào phản chiến ở Mỹ và nhiều nơi trên thế giới.


Phẩm chất và bản lĩnh ngoại giao Hồ Chí Minh là sự kết hợp của nhiều nguồn lực trí tuệ, tinh thần, vật chất, tạo nên một sức mạnh tổng hợp to lớn. Đúng như nhà báo Mỹ David Halberstam (ảnh) kết luận trong cuốn sách “Hồ” rằng: “Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này - hơi giống Gandhi, hơi giống Lênin, hoàn toàn Việt Nam”.

Hiện nay, trong bối cảnh phát triển mới, đất nước ta vừa có nhiều thuận lợi, thời cơ lớn, vừa phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gay gắt hơn. Việc phát huy phẩm chất ngoại giao Hồ Chí Minh trong tiếp xúc, trao đổi, đàm phán với các đối tác, bạn bè quốc tế góp phần nâng cao hình ảnh, gia tăng nguồn “sức mạnh mềm” của Việt Nam, tạo ra những điều kiện thuận lợi để tạo sức bật mạnh mẽ, kết hợp với sức mạnh thời đại và sức mạnh dân tộc, quyết tâm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dưới sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của Đảng, sự phối hợp đồng bộ, triển khai quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của đồng bào, chiến sĩ cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, Việt Nam ngày càng thích ứng an toàn, linh hoạt với những biến chuyển của tình hình quốc tế, khu vực để phát triển đất nước.

Tính hiệu quả của phẩm chất và bản lĩnh Hồ Chí Minh thể hiện rõ nét qua việc vận dụng những phương pháp, phong cách ứng xử nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động đối ngoại. Nghệ thuật đó còn thể hiện trong việc am hiểu và vận dụng nhuần nhuyễn phương châm “ngũ tri” của triết lý phương Đông: biết mình, biết người, biết thời thế, biết dừng, biết biến trong quan hệ quốc tế. Theo đó, trong bối cảnh tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng, phức tạp, khó lường, Việt Nam cần xác định đúng đắn và rõ ràng vị trí, vai trò trong hợp tác và phân công lao động quốc tế, cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực cũng như toàn cầu. Đường lối, chính sách và mục tiêu trước sau như một của Việt Nam luôn phù hợp với xu thế lớn của thời đại trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc./.

8 February 2024