Ba người bạn đặc biệt của Bác Hồ
Đỗ Thị Mỹ An
Trong bài viết này, tác giả xin đề cập đến 3 trong số những con người đáng kính ấy, đó là: luật sư Francis Henry Loseby, bà Tống Khánh Linh và bà Vera Vasilieva. Họ đã không quản ngại khó khăn, thậm chí nguy hiểm, giúp Bác vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn trong cuộc đời, đó là thời kỳ trước, trong và sau khi bị chính quyền Anh bắt giam tại Hồng Kông (từ năm 1931 đến năm 1938).
Luật sư Francis Henry Loseby
Ngày 6-6-1931, Bác Hồ (khi đó có tên gọi là Sung Man Cho - Tống Văn Sơ) bị nhà cầm quyền Anh bắt tại nhà số 186 đường Tam Kung, Cửu Long, Hồng Kông. Được tin nhà đương cục Anh bắt được Tống Văn Sơ, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương tiến hành cuộc vận động ngoại giao rầm rộ, yêu cầu dẫn độ Tống Văn Sơ về Việt Nam, để xử theo bản án tử hình do tòa án Nam triều tuyên từ năm 1929 tại Vinh.
Tuy nhiên sự cấu kết đó nhanh chóng bị thất bại, khi những người đồng chí biết tin Người bị bắt đã tìm đến sự giúp đỡ của luật sư Francis Henry Loseby - Công ty luật “RUSS&CO” của Anh đặt tại Hồng Kông. Luật sư Loseby kể lại: “sau 30 phút gặp gỡ, Người đã hoàn toàn chinh phục tôi. Ở Người toát ra một sức mạnh cảm hóa rất kỳ diệu”.
Sau khi tiếp xúc và trả lời những câu hỏi liên quan đến vụ án mà luật sư nêu ra, Tống Văn Sơ cảm ơn sự quan tâm của luật sư đối với mình, tỏ ý băn khoăn vì không có tiền để trả công cho ông. Trước một người thanh niên Việt Nam gầy gò, xanh xao, song vẻ cương nghị, sự thông minh trong từng câu nói bằng tiếng Anh và đôi mắt sáng đã làm luật sư xúc động. Luật sư chân tình nói: “tôi nhận giúp vì danh dự chứ không phải vì tiền!”. Luật sư nói sẽ ra sức cứu giúp, mong người tù hãy tin tưởng và cung cấp cho luật sư những điều gì có thể. Từ sự kính trọng, ngưỡng mộ Tống Văn Sơ, Loseby và các cộng sự đã viện dẫn tất cả những điều có thể khai thác trong luật pháp Anh để bảo vệ Tống Văn Sơ, rồi buộc tòa án Hồng Kông phải tuyên Người vô tội, sau 9 phiên tòa xét xử, thậm chí phải chống án lên Hội đồng cơ mật nhà vua ở London.
Ngày 28-12-1932, Tống Văn Sơ được thả và Người dự định đi đến nước Anh, song khi đến Singapore bị chính quyền sở tại yêu cầu quay trở lại Hồng Kông và ngày 19-1-1933, Người lại bị bắt giam. Biết tin, luật sư Loseby kịch liệt phản đối, yêu cầu Thống đốc Hồng Kông phải thi hành quyết định của Hội đồng nhà vua, thả ngay Tống Văn Sơ. Đầu năm 1933, Bác được trả tự do. Sau đó, Loseby bí mật thu xếp chỗ ăn, ở cho Tống Văn Sơ và mua đồ cho Người cải trang lên một con tàu của Nhật Bản đi Thượng Hải.
Thời gian sau, Bác Hồ đã 2 lần viết thư cho luật sư Loseby, nhưng vì sợ nhà cầm quyền tìm ra địa chỉ của Người nên luật sư đã không trả lời. Sau này, khi trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giữa bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên gửi thư, thiếp và quà đến gia đình luật sư Loseby mỗi dịp Noel, năm mới.
Năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời gia đình luật sư sang thăm Việt Nam. Người sắp xếp thời gian đích thân đưa gia đình luật sư đi thăm một số công trình kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Tại cuộc mít tinh chào mừng luật sư ở Hội trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lên bục giảng với luật sư, Người cầm tay luật sư giơ cao, trân trọng giới thiệu: “đây là ân nhân cứu mạng của Bác”. Đáp lại, luật sư Loseby khiêm tốn nói: “hồi ấy, khi nhận lời bảo vệ ngài, tôi chỉ nghĩ rằng đó là một việc tốt nên làm, chứ không dám nghĩ là ân nhân của nhân dân Việt Nam”.
Tống Khánh Linh
Sau khi vượt qua được mạng lưới mật vụ dày đặc, Tống Văn Sơ đã thành công rời khỏi Hồng Kông tới Thượng Hải. Tuy nhiên, khi đó, cả thành phố Thượng Hải đang bị bao trùm bởi không khí khủng bố gắt gao của phái hữu Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu.
Để qua mắt những nhà chức trách đang tìm kiếm và bắt bớ gắt gao những người cộng sản, Bác đóng vai một thân sĩ Trung Hoa giàu có, mặc quần áo sang trọng, thuê phòng tại một khách sạn thật sang để ở, song tối đến lại khóa cửa phòng, ăn khoai trừ bữa và tự giặt lấy quần áo[1]... Nhưng tiền đã gần cạn mà chưa bắt được liên lạc với tổ chức. Tình thế rất gấp gáp và khó khăn. Một hôm, nhờ đọc báo, Người được biết có một đoàn đại biểu từ châu Âu đến Viễn Đông tuyên truyền chống chiến tranh đế quốc đang có mặt ở Thượng Hải, trong đoàn có Pôn Vay-ăng Cu-tuy-ri-ê. Mẩu tin ngắn này làm Bác tràn đầy hy vọng về việc có thể gặp lại những người đồng chí cũ. Bởi Pôn Vay-ăng Cu-tuy-ri-ê chính là người đã giới thiệu Nguyễn Ái Quốc (bí danh của Bác khi ở Pháp) vào Đảng Xã hội Pháp năm 1919. Sau đó, tại Đại hội Tua năm 1920, ông là một trong những người đấu tranh bảo vệ chủ trương Đảng Xã hội Pháp gia nhập Quốc tế Cộng sản và ủng hộ bài phát biểu của Nguyễn Ái Quốc.
Vì thế, Bác viết thư ngay cho Pôn Vay-ăng Cu-tuy-ri-ê. Thư không ký tên, chỉ nhắc tới những kỷ niệm mà Người tin chắc rằng, khi đọc thư Pôn sẽ hiểu ai là người viết bức thư đó. Lá thư được dán kín và trong thư, Người đề gửi cho bà Tống Khánh Linh, nhờ bà chuyển cho Pôn Vay-ăng Cu-tuy-ri-ê. Trước đó, Người và Tống Khánh Linh từng có thời gian quen biết từ năm 1924 ở Quảng Châu. Khi đó, bà là vợ và là cộng sự đắc lực của lãnh tụ Quốc Dân Đảng - Tôn Trung Sơn. Vào những năm 30 của thế kỷ XX, Tống Khánh Linh là Chủ tịch Liên minh bảo vệ nhân quyền của Trung Quốc, nhà lãnh đạo phái tả của Quốc dân đảng đấu tranh kiên cường với phái hữu do Tưởng Giới Thạch cầm đầu, là người bảo vệ và giúp đỡ nhiều đảng viên cộng sản và nhân sĩ yêu nước.
Vài ngày sau, nhờ sự giúp đỡ của bà Tống Khánh Linh, tại một nơi kín đáo giữa khu người Trung Quốc và tô giới quốc tế, Bác gặp lại Pôn Vay-ăng Cu-tuy-ri-ê trong niềm vui sướng vô hạn. Người kể cho Pôn Vay-ăng Cu-tuy-ri-ê về hoàn cảnh khó khăn của mình. Chỉ một thời gian ngắn sau cuộc gặp gỡ này, Người đã chắp được liên lạc với đoàn thể. Năm 1934, Người bí mật rời khỏi Thượng Hải trở lại Liên Xô.
Thời gian sau, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam đi thăm các nước anh em. Quốc gia đầu tiên mà Đoàn tới thăm là Trung Quốc. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Bắc Kinh cũng là lúc trời nổi giông và bắt đầu mưa. Vì quý trọng khách nên các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng như đại biểu nhân dân Thủ đô Bắc Kinh vẫn giữ nguyên đội ngũ, vẫy hoa, vẫy cờ chào Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị khách Việt Nam. Bước xuống cầu thang máy bay, trông thấy bà Tống Khánh Linh, là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến lại, lấy chiếc mũ trên đầu mình đội lên đầu bà và nói: “bà đội để khỏi ướt đầu. Năm 1933, ở Thượng Hải, tôi hết tiền, bắt liên lạc với đoàn thể không được, nếu không được phu nhân giúp đỡ thì thật là khó khăn...”.
Vera Vasilieva
Mùa hè năm 1934, Bác trở về nước Nga Xô viết. Tuy nhiên, Người phải đối mặt với những khó khăn, nghi kỵ từ chính một số người đồng chí của mình. Sự việc thoát khỏi nhà tù Hồng Kông một cách “ngoạn mục” khiến Người phải đối mặt với sự cáo buộc như: hoạt động sơ hở, vì sao bị bắt và chỉ bị kết án nhẹ như vậy? Bằng cách nào lại có thể trở về nước Nga?...
Khi đó, Vasilieva làm việc trong bộ máy Quốc tế Cộng sản, là Trưởng phòng Đông Dương của Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản. Trên cơ sở những hiểu biết về Nguyễn Ái Quốc, cũng như qua những lần trực tiếp gặp gỡ và trao đổi công việc, Vera Vasilieva hiểu rất rõ tình thế nguy hiểm của Nguyễn Ái Quốc trước những cáo buộc trên. Trong một thời gian ngắn, bà đã có 2 lần gửi bản báo cáo dài (10 trang) cho Quốc tế Cộng sản với nội dung khách quan, trung thực, đặc biệt còn nói rõ về việc Nguyễn Ái Quốc “rất đau khổ vì tại sao đồng chí không được tham gia vào việc này hay việc khác của công tác bí mật”.
Để chấm dứt những cáo buộc, tạo điều kiện cho Nguyễn Ái Quốc tiếp tục các hoạt động cách mạng, Vasilieva cùng một số đồng chí khác đề nghị Quốc tế Cộng sản gấp rút thành lập Ban thẩm tra đặc biệt. Thành phần Ban thẩm tra dứt khoát phải có mặt đồng chí Hải An (Lê Hồng Phong) - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương - như một sự bảo lãnh an toàn về chính trị đối với Nguyễn Ái Quốc. Ngày 3-8-1935, đồng chí Hải An ra tuyên bố và khẳng định: “tôi biết rằng đồng chí Quốc rất tích cực trong hoạt động cách mạng và các vấn đề sự nghiệp của Đảng luôn được đồng chí đặt cao hơn cuộc sống cá nhân. Có thể nói rằng đồng chí ấy luôn sống và làm việc vì Đảng”. Sau khi tiến hành điều tra, ngày 19-2-1936, Ủy ban đặc biệt về Nguyễn Ái Quốc có kết luận và đề nghị kết thúc hồ sơ: “đối với những nghi ngờ về thái độ chính trị của đồng chí Quốc thì Ủy ban không tìm thấy một bằng chứng nào”.
Có thể nói, với sự tin tưởng của các đồng chí Việt Nam, sự ủng hộ của một số đồng chí trong Quốc tế Cộng sản, trong hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Ái Quốc vẫn kiên trì, chờ thời cơ, tìm được lối thoát, như Vasilieva nhận định: “anh ấy bình thản tiếp nhận sự chỉ trích trong các mối quan hệ của mình, luôn nhất trí với những sự phê bình này” và đánh giá: “cần nhấn mạnh rằng tên tuổi đồng chí Quốc được biết như một chiến sĩ cách mạng trong nước, có thể hiện tại đang được sử dụng để tập hợp và đoàn kết các lực lượng cách mạng rộng rãi trong việc thành lập mặt trận nhân dân thế giới chống chủ nghĩa đế quốc ở Đông Dương”.
Trước những biến chuyển không ngừng của tình hình thế giới và phong trào cách mạng trong nước, Bác có nguyện vọng được trở về hoạt động tại khu vực Đông Dương. Mong mỏi ấy được Người đề đạt nhiều lần nhưng chưa nhận được sự cho phép. Đầu năm 1938, Vasilieva đề nghị lên cấp cao nhất của Quốc tế Cộng sản cho phép Nguyễn Ái Quốc về nước với lý do “trong nước cần và các đồng chí sẽ lắng nghe Nguyễn Ái Quốc”. Với sự giúp đỡ của một số đồng chí công tác tại Quốc tế Cộng sản, trong đó có Vera Vasilieva, đề nghị đó đã được chấp nhận. Tháng 10-1938, Người đáp xe lửa đi về phương Đông, bắt đầu một thời kỳ mới, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam.
Giữa năm 1955, trong chuyến thăm hữu nghị Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh có dịp gặp lại Vera Vasilieva. Bà nói về việc đang viết một công trình khoa học về cách mạng Việt Nam và Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh chân tình mời Vera Vasilieva sang thăm Việt Nam. Tuy nhiên, rất tiếc chuyến đi đó không thực hiện được vì lý do sức khỏe của bà./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn




