19/04/2025 | 01:47 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Vững tin vào Đảng trong hành trình khát vọng Việt Nam hùng cường

Lê Trung Kiên
TS, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Vững tin vào Đảng trong hành trình khát vọng Việt Nam hùng cường Lễ rước rồng diễn ra trên dòng sông Ngô Đồng tại khu du lịch Tam Cốc - Bích Động_Ảnh: vietnam.vn
Gần 94 năm từ khi Đảng ra đời đến nay, trong tư duy nhận thức và hành động của Đảng luôn thể hiện trách nhiệm chính trị gắn với trách nhiệm đạo đức vì dân tộc độc lập, đất nước phồn thịnh và sự tiến bộ của giống nòi Việt Nam.

Trách nhiệm đạo đức của một Đảng văn minh

Ngay từ năm 1946, trong nhật ký hành trình của bản thân mình khi làm việc ở Pháp trong thời gian gần 4 tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn câu nói của người xưa rằng: dân giàu thì nước có, dân quẫn thì nước nghèo. Đảng ta thấm nhuần tinh thần đó mà luôn tự thân nỗ lực gánh vác công việc của đất nước như bổn phận thiêng liêng và vinh dự. Chính vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định một phương châm: Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Sự nghiệp cách mạng của Đảng có những khó khăn, thách thức, song thắng lợi rất vẻ vang, ngày càng chứng tỏ vị thế và lòng trung thành tuyệt đối của Đảng đối với dân tộc. Khi Đảng ra đời, Đảng có trách nhiệm lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh, giải phóng dân tộc, giành độc lập, gây dựng chính quyền nhân dân và mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Khi Đảng trở thành Đảng duy nhất cầm quyền, trách nhiệm chính trị của Đảng ngày càng lớn lao đối với sự thịnh vượng của dân tộc và sự phát triển xã hội mà không thể có tổ chức nào có thể thay thế được.

Đảng lãnh đạo dân tộc ta qua gần 40 năm đổi mới toàn diện đất nước và đạt được những thành tựu to lớn, có cơ đồ, tiềm lực đáng tự hào, nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Đảng ta với phương châm tự phê bình và phê bình, nhìn thẳng vào sự thật, rút ra những bài học kinh nghiệm, đề ra quan điểm định hướng lãnh đạo với quyết tâm chính trị cao nhất, tận dụng mọi thời cơ, vận hội, tạo bước chuyển biến mới nhằm đạt mục tiêu đề ra.

Trong bối cảnh mới, Đảng ta đòi hỏi đội ngũ đảng viên, cán bộ phải có tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung trong hành trình độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đó chính là trách nhiệm đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên để cho Đảng thực sự là một “Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”, Đảng dứt khoát phải vững mạnh và trường tồn.

Mặt trời chân lý và niềm tin chế độ

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc là mục tiêu xuyên suốt, là một chân lý mang giá trị thời đại, thực tiễn sâu sắc trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Chân lý này được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục vận dụng, phát huy, trở thành triết lý phát triển cốt lõi của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Đó cũng là niềm tin, nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng, là mục tiêu, động lực phấn đấu của nhân dân ta.

Thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước là lời giải đáp cho dân tộc và nhân dân ta về con đường cách mạng của Đảng trên cơ sở nắm đúng quy luật phát triển và thuận với lòng người. Lòng người ở đây là đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng lên nhanh chóng, cụ thể: năm 1990 là 95 USD/năm; đến năm 2000 là 390 USD/năm; năm 2008 là 1.149 USD/năm, bắt đầu bước vào nhóm có thu nhập trung bình; năm 2015 là 2.200 USD/năm; năm 2021 là hơn 3.373 USD/năm; năm 2022 là 4.124 USD/năm; năm 2023 là 4.284 USD/năm. Năm 2012, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 153,3 tỷ USD; năm 2013 đạt gần 171,2 tỷ USD; năm 2015 đạt 204 tỷ USD; năm 2020 đạt 342,7 tỷ USD; năm 2023 ước đạt 430 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD. Đất nước có tích lũy nội bộ của nền kinh tế, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ lệ nghèo tiếp cận đa chiều năm 2023 khoảng 2,9%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,8%; chỉ số hạnh phúc quốc gia ngày càng tăng lên. Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác với 193 quốc gia, vùng lãnh thổ và có trách nhiệm với nhiều tổ chức lớn trên thế giới, tạo ra những thuận lợi cho tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên nhanh chóng; uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.

Những thành tựu đạt được tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại. Việt Nam trở thành một mô hình cho thế giới học hỏi, tham chiếu kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhưng thế giới đang tồn tại nhiều bất định, những thách thức có liên quan đến hòa bình, ổn định, sinh tồn của con người chưa bao giờ được đề cập nhiều như bây giờ. Những vấn đề có tác động trực tiếp, gián tiếp đến sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam là thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, khủng bố vũ trang, sức mạnh quân sự, xung đột sắc tộc, trào lưu dân túy, tranh chấp trên biển, ảnh hưởng chính trị, cạnh tranh kinh tế, đặc biệt là những biến động về thị trường tài chính và chuyển dịch đầu tư từ nước giàu có về tài nguyên và lao động phổ thông sang các nước có nguồn nhân lực công nghệ cao và thị trường tiêu thụ tiềm năng.

Hơn ai hết, Đảng ta nhận thức rõ mọi vấn đề trong bối cảnh mới nên có chủ trương mang tầm chiến lược về công cuộc đổi mới với trình độ, năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, năng lực quản lý ở tầm cao mới, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ các giải pháp trọng tâm của Đại hội XIII từ nay đến hết nhiệm kỳ là: tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ theo hướng phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, trọng tâm là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; tiếp tục phát huy kết quả đạt được nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên mọi lĩnh vực, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; hội nhập quốc tế sâu rộng, thu hút đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; phát huy thế mạnh của 6 vùng kinh tế - xã hội, thực hiện chuyên môn hóa sản xuất, bảo đảm sinh kế bền vững, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có đồng bào dân tộc thiểu số ít người; quản lý phát triển xã hội gắn với thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm công bằng xã hội và an ninh con người; tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, phát huy dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là quyền là chủ và làm chủ của nhân dân.

Đặc biệt, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, lý luận, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện “lộng quyền”, “lạm quyền”, “chuyên quyền”, “cậy quyền”, không bị “Tây hóa”, “tha hóa”, “thoái hóa” trong đội ngũ nhằm hướng đến một nền công vụ liêm chính, đáp ứng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tất cả những thành tựu và nỗ lực của Đảng đã và đang lan tỏa trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội, ngày càng làm sáng rõ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam, tiếp tục tạo dựng niềm tin, hài lòng, sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân.

Khát vọng phồn vinh, hùng cường

Kể từ sau khi lập quốc, trong bài phát biểu tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I ngày 9-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, với sự đồng thuận của đồng bào và Chính phủ nhất trí, “chúng ta thế nào cũng đạt được độc lập, thống nhất, nước mạnh, dân giàu”. Và kể từ đó cho đến khi qua đời năm 1969, Người có tới hơn 30 lần nhắc đến “dân giàu, nước mạnh”, cho thấy tầm quan trọng trong tư duy và khát vọng “dân giàu, nước mạnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khát vọng của Đảng và dân tộc hôm nay cũng chính là khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là mong muốn nhân dân giàu có, đất nước phồn vinh, hùng cường!

Tuy nhiên, khát vọng về non sông gấm vóc đẹp tươi có trở thành hiện thực hay không là nỗ lực rất lớn của toàn Đảng cùng với sự đồng thuận, cộng hưởng của nhân dân; là nói đi đôi với làm, là sự thôi thúc mãnh liệt trong từng quyết sách của mỗi con người Việt Nam; chứ không phải là mong muốn, ước ao, khẩu hiệu, hay ngẫu hứng duy ý chí về những điều tốt đẹp mà tự nhiên có được. Đó là sự đồng thuận của “lòng dân, ý Đảng” về mục tiêu mang đến lợi ích cho Tổ quốc, cho dân tộc, cho mỗi người dân và cũng chính là tiền đồ của Đảng.

Đảng nhận rõ trách nhiệm đặc biệt của mình gắn với vận mệnh dân tộc, khát vọng của nhân dân, thông qua việc triển khai đường lối đúng và lãnh đạo đúng, đặc biệt vấn đề “then chốt của then chốt” là xây dựng một đội ngũ lãnh đạo có tâm, có tầm, có năng lực lãnh đạo và cầm quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược, dài hơi, nhiều cấp, nhiều độ tuổi có năng lực, phẩm chất được thử thách trong một thể chế tối ưu, phát huy tối đa tiềm năng sáng tạo với tâm thế không ngừng vươn lên, xây dựng và chỉnh đốn, kiên định và đổi mới tư duy đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Khát vọng hiện thực hóa Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao theo dấu mốc kỷ niệm 100 năm lập quốc (năm 2045) có đầy đủ cơ sở lý luận và thực tiễn, từ niềm tin vững chắc của nhân dân vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước mà Đảng đã và đang lãnh đạo nhằm tiếp tục phát huy nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hơn ai hết, Đảng nhận thấy cần phải khơi dậy khát vọng phát triển phồn vinh cho mỗi người dân Việt Nam trong nỗ lực phát huy trí tuệ, năng động, sáng tạo, phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, xã hội là vô cùng cần thiết.

Muốn vậy phải thực hiện tốt, có hiệu quả trong thực tế dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ cơ sở theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.

Hiện nay, mô hình và cơ chế vận hành Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ ngày càng phát huy hiệu quả, tuy nhiên vẫn tồn tại những bất cập cần được tiếp tục xây dựng và hoàn thiện. Đặc biệt, chú trọng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, phát huy tối đa sự đồng thuận đoàn kết của nhân dân để các cơ quan công quyền thực sự phụng sự, phục vụ nhân dân, để nhân dân thực hiện theo đúng pháp luật.

Cùng với dự báo “từ sớm, từ xa” những biến động khó lường và những triển vọng tạo đà nước rút hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đặt ra, Đảng và Nhà nước cần giương cao tinh thần thâu thái những giá trị của Đông, Tây, kim cổ và những nguồn lực của thời đại kết hợp với sức mạnh dân tộc thúc đẩy cho sự phát triển đất nước: nắm bắt chính xác đặc điểm, xu thế phát triển của thời đại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả, đặc biệt là hiệu quả kinh tế đối ngoại; kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, hành động can thiệp của các thế lực thù địch vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia và ổn định chính trị đất nước.

Có những khó khăn và thử thách, song sứ mệnh lịch sử đã trao cho Đảng khơi dậy, thắp lên ngọn lửa tinh thần dân tộc quyết thắng, tất yếu hành trình khát vọng sẽ đi đến đất nước phồn vinh, hạnh phúc và hùng cường./.

8 February 2024