19/04/2025 | 03:04 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Nâng cao vị thế, uy tín quốc tế trong dòng chảy thời đại

Bùi Phương Mai
Nâng cao vị thế, uy tín quốc tế trong dòng chảy thời đại Cán bộ, chiến sĩ đội 2 của bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 lên đường đi Nam Sudan thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc_Ảnh: TL
Vị thế của một quốc gia được hiểu là chỗ đứng và uy tín của quốc gia đó ở khu vực và thế giới. Là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ở trung tâm Đông Nam Á, thuộc châu Á - Thái Bình Dương - khu vực phát triển năng động nhất hiện nay - những kết quả quan trọng của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế gắn liền với sức mạnh tổng hợp quốc gia ngày càng gia tăng là những yếu tố then chốt góp phần nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.

Định vị vị thế quốc gia của Việt Nam

Vị thế của Việt Nam đã được khẳng định ngay từ rất sớm, thông qua các bản tuyên ngôn độc lập đanh thép và đầy tự hào, như Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi và bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ khi Nhà nước Việt Nam mới được thành lập năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, vị thế của Việt Nam ngày càng được củng cố, nâng cao trên cơ sở sức mạnh tổng hợp quốc gia ngày càng vững mạnh, cùng với đó là chủ trương, đường lối phát triển đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Về sức mạnh tổng hợp quốc gia. Các nhân tố tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia bao gồm cả khía cạnh vật chất và tinh thần, truyền thống và hiện đại, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh[1]. Về an ninh - chính trị, Việt Nam có vị trí địa - chiến lược quan trọng tại một khu vực trọng yếu của thế giới; nằm ở vị trí “cửa ngõ” và là địa bàn cạnh tranh ảnh hưởng, triển khai các chiến lược của nước lớn. Về kinh tế, Việt Nam nằm ở vị trí huyết mạch, cầu nối giữa 2 vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của các nước Đông Nam Á và châu Á. Do đó, Việt Nam có vai trò then chốt về kinh tế, là cơ hội để đất nước phát huy tiềm lực, thu hút hợp tác và đầu tư từ bên ngoài. Về văn hóa và sức mạnh mềm, Việt Nam nổi tiếng với truyền thống yêu nước, lịch sử hào hùng, cùng với đó là khát vọng độc lập; truyền thống hòa hiếu và nhân nghĩa ngàn đời nay truyền lại.

Về chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Nhiệm vụ của đối ngoại là phát huy vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Do đó, các chủ trương và đường lối của Đảng và Nhà nước về đối ngoại góp phần quan trọng trong việc khẳng định vị thế đất nước trên trường quốc tế. Điều này được thể hiện qua Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013, của Bộ Chính trị, “Về hội nhập quốc tế”; chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa; việc phát huy bản sắc ngoại giao truyền thống và hướng tới ngoại giao toàn diện, hiện đại mang đặc sắc “ngoại giao cây tre”...

Các nhân tố trên thúc đẩy vị thế và uy tín Việt Nam không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế, tiếp tục góp phần vào lời khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Vị thế của Việt Nam trong cục diện thế giới hiện nay

Những năm qua, tình hình thế giới có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp hơn so với dự báo, tác động sâu sắc đến các khu vực trên thế giới nói chung và môi trường an ninh, phát triển của mỗi quốc gia nói riêng, trong đó có Việt Nam. Cụ thể:

Vai trò của hợp tác đa phương và quản trị toàn cầu tiếp tục được đề cao nhưng hiệu quả hoạt động có thể suy giảm do mâu thuẫn nước lớn gay gắt. Các thể chế quốc tế, luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương, với Liên hợp quốc là trung tâm đang đứng trước nhiều thách thức khi tính chính danh, khả năng thúc đẩy hợp tác và mức độ hiệu quả đều giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó, các tổ chức, cơ chế đa phương, tiểu đa phương mới tiếp tục xuất hiện, phản ánh nhu cầu và các hình thức tập hợp lực lượng mới, nhất là đối với các nước nhỏ và tầm trung. Đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với Việt Nam trong việc phát huy vai trò tại các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương dự báo tiếp tục giữ vị trí chiến lược quan trọng, là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới, nhưng cũng là trọng điểm cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Khu vực Đông Nam Á, tiếp tục được các nước coi trọng, song đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đứng trước nhiều thách thức từ cạnh tranh nước lớn, sự hình thành các tập hợp lực lượng mới và các vấn đề nội bộ của ASEAN.

Bên cạnh những khó khăn và thách thức, những thời cơ mới xuất hiện, tạo điều kiện để đối ngoại đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ kết quả, thành tựu chung của đất nước.

Việt Nam đã chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng, những đóng góp của Việt Nam có giá trị cao, giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Việt Nam được tín nhiệm đề cử đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế quan trọng trong các cơ chế, diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, nhất là ASEAN và Liên hợp quốc. Việt Nam đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế, như cắt giảm khí thải và chống biến đổi khí hậu; cử cán bộ, chiến sĩ tham gia thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc...

Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước. Năm 2023 là năm bản lề tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, chuẩn bị tổng kết 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cũng là năm nhìn lại nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng... Đây là năm quan trọng để đánh giá vai trò của đối ngoại trong việc nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam. Trong năm 2023, đã có những chuyến thăm lịch sử giữa Việt Nam với các nước, đối tác quan trọng, như chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Campuchia Hun Manet... Việc Việt Nam triển khai thành công nhiều hoạt động đối ngoại đã vẽ lên một bức tranh sinh động và tạo nên vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế[2].

Nhìn chung, Việt Nam luôn cho thấy là một đất nước có nền chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, hội nhập quốc tế, đối ngoại được thúc đẩy và mở rộng. Chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay[3].

Định hướng đối ngoại thời gian tới

Về những phương hướng, nhiệm vụ của đối ngoại Việt Nam trong thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, “cần xây dựng vị thế và tâm thế mới của Việt Nam trong ứng xử và xử lý mối quan hệ với các nước, song phương cũng như đa phương”. Từ quan điểm chỉ đạo trên, để tiếp tục nâng cao vị thế trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào một số định hướng sau:

Thứ nhất, mở rộng mạng lưới quan hệ song phương, khẳng định vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong các liên kết quốc tế trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động đối ngoại thể hiện sự ưu tiên hàng đầu trong quan hệ với các nước láng giềng[4]. Ý nghĩa thực chất và hiệu quả của các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác truyền thống cần được nâng cao, qua đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, nâng cao vị trí của mỗi bên trong chính sách đối ngoại và phát triển của nhau.

Thứ hai, tiếp tục triển khai tích cực các hoạt động đối ngoại đa phương, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế và vị thế, tâm thế mới của Việt Nam; ưu tiên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc, ASEAN... Đặc biệt, đối với ASEAN, Việt Nam cùng các nước ASEAN cần duy trì đoàn kết, giải quyết các vấn đề phức tạp mới đặt ra, xây dựng tầm nhìn mới, phát triển quan hệ với các đối tác, nâng cao vai trò của Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA); phát huy vai trò của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cơ chế hợp tác Mekong...

Thứ ba, kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi”. Việc “bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc” không phải là xem nhẹ các giá trị quốc tế và bỏ qua trách nhiệm quốc tế. Do đó, Việt Nam cần nhìn nhận rõ hơn về tầm quan trọng của lợi ích quốc tế, bởi khi các quốc gia có những lợi ích chung mới có thể cùng nhau hợp tác, xử lý và giải quyết những vấn đề xung đột lợi ích[5].

Tựu trung, sau gần 40 năm đổi mới, những thành công trong công tác đối ngoại đã khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, việc tiếp tục nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đề cao tự cường, tự tin, nỗ lực hòa mình trong dòng chảy thời đại để có tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay đối với Việt Nam càng có ý nghĩa quan trọng./.









8 February 2024