19/04/2025 | 02:35 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Bác Hồ và nỗi niềm thương nhớ miền Nam

Lam Giang
Bác Hồ và nỗi niềm thương nhớ miền Nam Quảng trường Hồ Chí Minh ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình_Ảnh: daidoanket.vn
Thăm mộ bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh - ở núi Động Tranh, nhìn về phương Nam lại nhớ hình ảnh và tâm tư của Bác ngày ở Đồng Hới, khi Người vào thăm đồng bào Quảng Bình - Vĩnh Linh. Đồng Hới là mảnh đất cuối cùng Bác trở về Nam... Mong muốn lớn nhất của Người là được vào thăm đồng bào và mảnh đất miền Nam. Nhưng Bác chưa khép trọn một vòng đất nước, như Bác nói: “vẫn là chưa đi đến nơi, về đến chốn...”.

Bà Hoàng Thị Loan sinh năm 1868, tạ thế năm 1901. Bà là tấm gương mẫu mực cho những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam: tần tảo, dịu dàng, nhân hậu, giàu tình yêu thương và đức hy sinh. Lúc tạ thế, bà được an táng tại chân núi Tam Tầng thuộc dãy núi Ngự Bình, thành phố Huế. Năm 1922, người con gái cả là bà Nguyễn Thị Thanh đã đưa hài cốt bà Hoàng Thị Loan về trong vườn nhà ở làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1942, ông Nguyễn Sinh Khiêm, anh của Bác Hồ, bí mật an táng hài cốt mẹ ở núi Động Tranh, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn. Năm 1984, tỉnh Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh) xây dựng Khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Từ đó đến nay, sau nhiều lần tỉnh Nghệ An bảo tồn, tôn tạo, Khu mộ bà Hoàng Thị Loan đã trở thành một di tích văn hóa - lịch sử đặc biệt của đất nước, luôn thu hút tình cảm, sự quan tâm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.

Nhiều điều thú vị về Khu mộ bà Hoàng Thị Loan là phía trước khu mộ là hướng Nam, phương ấy ở vùng đất Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) có phần mộ của cụ Nguyễn Sinh Sắc - người chồng thân yêu của bà, như thê phu ngóng đợi nhau từ 2 miền đất nước. Mái che ngôi mộ có hình cách điệu khung cửi, với 6 dải lụa mềm, gợi nhớ những tháng năm bà Hoàng Thị Loan vất vả dệt vải nuôi chồng, nuôi con. Sau mộ là bức phù điêu khắc họa những cánh hoa sen thanh khiết của làng Sen quê nhà. Từ phần mộ xuống đến sân bia có 33 bậc, tượng trưng 33 tuổi đời của bà Hoàng Thị Loan. Đường từ cổng đón lên mộ có 269 bậc, số 69 ý nghĩa là năm 1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Từ mộ xuống đến cổng kết có 242 bậc, số 42 ý nghĩa là năm 1942 ông Khiêm đưa hài cốt bà về an táng ở đây.

Hai bên mộ là 2 giàn hoa giấy được chiết giống từ Huế, nơi bà Hoàng Thị Loan tạ thế, và từ khu lăng mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Toàn cảnh khu mộ toát lên sự bình dị và gần gũi như chính cuộc đời vì chồng, vì con của bà. Đó cũng là ý tưởng chủ đạo của khu mộ, hợp với núi non, cảnh sắc vùng đất linh này... Là kết tinh của những tinh hoa văn hóa - kiến trúc, giới kiến trúc Việt Nam, bằng tấm lòng thành kính, biết ơn của mình đã thiết kế và sáng tạo nên công trình văn hóa tâm linh đặc biệt này. Một điều lý thú nữa là việc tôn tạo Khu mộ bà Hoàng Thị Loan được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 100 năm (1911 - 2011) ngày Bác Hồ rời bến Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước.

Hôm nay đến thăm mộ bà Hoàng Thị Loan, giữa bao la xanh thắm của đất trời núi Hồng sông Lam, lại bồi hồi nhớ những câu chuyện về ngày Bác Hồ ở Đồng Hới, trong chuyến Bác vào thăm đồng bào Quảng Bình - Vĩnh Linh. Ở đó, Bác nhìn mãi về phương Nam xa xôi, đau đáu nỗi niềm cha và đất đai Tổ quốc còn bị chia cắt...

Dù bước chân Bác từng bôn ba khắp nơi trên thế giới này, nhưng khi muốn khép trọn một vòng đất nước, Bác đã không thực hiện được. Người đã phải dừng chân ở Đồng Hới, mảnh đất gần nhất với nơi mà Người đã ra đi tìm đường cứu nước. Như nhà thơ Nguyễn Văn Dinh đã viết: Mảnh đất tột cùng Bác trở về Nam/ Đồng Hới nhận phần vinh dự nhất...

Đó là sáng ngày 16-6-1957, Bác Hồ vào thăm đồng bào Quảng Bình - Vĩnh Linh. Đây là lần thứ ba Bác đặt chân lên mảnh đất Quảng Bình. Lần thứ nhất là năm 1895, lần thứ hai là năm 1906, lúc còn ấu thơ, Bác theo chân cha mẹ vào Huế sống. Lần thứ ba ở Quảng Bình, Bác mang nặng nỗi niềm đau day dứt trong lòng, vì như Bác nói là, Bác đi thì đến nơi nhưng về chưa đến chốn. Bởi ước muốn duy nhất của Bác ngày đó là được vào thăm đồng bào miền Nam, sau đó là thăm mộ cha...

Theo hồi ức của nhiều cán bộ tỉnh Quảng Bình đã làm việc và đón Bác ngày ấy, tối ngày 16-6, Bác nghỉ lại ở biển Nhật Lệ. Bác nhắc lại với cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Bình những ký ức thời niên thiếu cùng thân sinh đi dọc dài đất Quảng Bình, vào đến Huế. Bác kể: “thuở trước đi qua làng Đồng Cao, phía Nam đèo Lý Hòa, một làng quá đói nghèo, những túp lều tranh nhỏ nằm ven đường dưới chân các động cát trắng...”. Rồi Bác hỏi: “nay đã có ngôi nhà ngói nào chưa?”. Bác lại nói: “Bác nhớ hồi nhỏ trên đường vô kinh đô Huế, ngang qua một làng ở Quảng Bình, Bác không còn nhớ tên làng, nhiều đồng bào bị bệnh chân voi to như cột nhà hiện ra sao?”. Khi nghe các cán bộ trả lời là đã có vài ngôi nhà ngói nhỏ và bệnh chân to đó đã chữa được, Bác rất vui.

Trong thời gian ở Quảng Bình, Bác luôn muốn được vào thăm đồng bào vùng giới tuyến, và Bác đã ngỏ lời mong muốn ấy với đoàn cán bộ đi cùng Bác. Nhưng tại thời điểm đó, Bác không thể vào gần vùng sông Bến Hải, nơi giới tuyến chia cắt hai miền Bắc - Nam. Sau này, theo lời kể của các cán bộ Khu ủy Vĩnh Linh đã ra gặp Bác tại Đồng Hới, các cán bộ Vĩnh Linh nói với Bác là bà con ai cũng mong được đón Bác vào thăm. Bác nói: “Bác biết thế, nhưng lần này Bộ Chính trị không chấp thuận để Bác vào. Ngày thống nhất đất nước nhất định Bác sẽ vào Quảng Trị, Thừa Thiên, vào Nam...”. Lời hẹn ước của Bác, đã trở thành sức mạnh trong sự đợi chờ của người dân Vĩnh Linh, người dân miền Nam, sức mạnh ấy đã theo người dân Vĩnh Linh tuyến lửa và đồng bào miền Nam thành đồng đi suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước.

Ai cũng biết hai tiếng miền Nam và niềm thương nhớ miền Nam không phút giây nào nguôi trong trái tim của Bác Hồ... Nhưng vì việc nước, Bác phải luôn giấu vào tim, giấu vào những đêm dài trăn trở một mình đốt thuốc nghĩ suy... Sau chuyến thăm đồng bào Quảng Bình - Vĩnh Linh ngày 16-6-1957 của Bác, đồng chí Vũ Kỳ - thư ký của Bác Hồ - kể lại với các cán bộ tỉnh Quảng Bình: đêm 16-6 đó, ông nằm cạnh Bác ở nhà nghỉ của Sư đoàn 325 bên biển Nhật Lệ, thoạt đầu thấy Bác cứ liên tiếp đốt thuốc lá, thao thức mãi. Những tháng năm sống bên Bác, ông thấy Bác rất ít khi nói chuyện về mình. Chỉ khi nào có những giây phút tĩnh lặng, trong lòng thanh thản và cảm xúc thật sâu lắng, Bác mới tâm sự về đời riêng... Vậy mà trong đêm ấy, bỗng nhiên có một mảnh sao băng chói lọi rạch sáng trời đêm, cứ như muốn chiếu rọi vào cõi lòng của Bác, khiến một góc tâm tư sâu thẳm nào đó trong Bác bừng dậy. Bác mới nói: “mẹ mình mất ở Huế, bố mất ở Cao Lãnh (Đồng Tháp), vậy là quê mình còn suốt mãi trong kia, cho nên mình về thăm quê lần này, mới dừng chân ở đây vẫn là chưa đi đến nơi, về đến chốn...”.

Theo kế hoạch, Bác vào Quảng Bình sáng 16-6-1957 và trở ra Hà Nội vào chiều ngày 17-6-1957. Nhưng đêm 16-6 đã có điện của Trung ương mời Bác ra gấp sáng 17-6. Sau này mới được biết là vì vào thời điểm đó, ở phía Nam giới tuyến chia cắt Bắc - Nam đã biết Bác vào Quảng Bình, nên Bộ Chính trị đề nghị Bác phải ra Hà Nội sớm hơn kế hoạch. Sáng ấy, Bác ra sân bay Đồng Hới. Bác không vào nhà khách, mà rút đôi dép cao su ngồi xuống thảm cỏ bên đường băng. Ngay cả thời khắc này, dường như trong cõi lòng của Bác, nỗi nhớ miền Nam vẫn chưa nguôi. Cũng có thể Bác cảm nhận được từ sâu thẳm trong cõi lòng mình, rằng đây là chuyến đi cuối cùng xa nhất về phương Nam. Vì vậy Bác ngồi quay mặt vào hướng Nam, trầm ngâm nhìn về phương ấy, rồi nói: “vì xa chưa đến được, mà Bác cũng không có điều kiện vào thăm...”.

Suốt 58 năm từ ngày Bác rời bến Nhà Rồng năm 1911 đến khi trái tim Bác ngừng đập ngày 2-9-1969, Đồng Hới là nơi Bác đặt chân đến gần nhất với mảnh đất miền Nam của Tổ quốc. Năm 1975, đất nước thống nhất rồi, lời Bác hẹn với cán bộ, đồng bào Vĩnh Linh: “ngày thống nhất đất nước nhất định Bác sẽ vào Quảng Trị, Thừa Thiên, vào Nam...”, Bác không thể thực hiện được nữa. Cho đến tận lúc ra đi, trong sâu thẳm của Bác vẫn là nỗi niềm thương nhớ miền Nam...

Như nhà thơ Nguyễn Văn Dinh đã viết: Mỗi người cố ngăn dòng nước mắt/ Lắng từng lời Bác nhớ miền Nam.../.

8 February 2024