Đọc thơ xuân, nhớ Bác
Đỗ Hàn
Khỏi bàn về phương pháp dùng thơ lục bát dễ nhớ, dễ hiểu để nhân dân nhanh thuộc; mà ta còn thấy Bác đã vận dụng hết sức vi diệu phương pháp tuyên truyền của người cách mạng với tâm hồn thi sĩ trong một con người - Hồ Chí Minh! Tất cả các từ khẳng định về tình cảm “cội với cành” rồi “ruột thịt” rồi “một lòng”,... để nói lên sự gắn bó không thể tách rời giữa 2 miền Nam - Bắc, giữa nhân dân 2 miền như máu cùng máu, xương cùng xương. Nhưng đến câu sau: “... ta lại vui chung một nhà” đã nói lên rằng những yêu thương, gắn bó máu thịt mà chúng ta vẫn không được chung một mái nhà! Cái ẩn ý vừa rất đau đớn, vừa rất khát khao ấy, Bác đã nén trong lòng trong bao đêm Người thao thức? Kỳ tài thay chữ “lại” khi Bác dùng trong câu: “Bắc Nam ta lại vui chung một nhà”. Ấy là Người muốn công bố rõ ràng với toàn dân và thách thức kẻ thù: chúng ta đã có, đã từng và sẽ mãi mãi “chung một nhà!”.
Nếu ai từng trải nghiệm ở những năm 60, 70 của thế kỷ trước đều hiểu rằng: năm 1964 (Giáp Thìn) ấy là một năm bản lề trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Khi ấy, người Mỹ đã không thể hy vọng vào chế độ Cộng hòa thứ nhất do Tổng thống Ngô Đình Diệm đứng đầu ở miền Nam Việt Nam. Họ đã chỉ đạo cuộc đảo chính, ám sát Tổng thống Diệm chỉ trước tết nguyên đán gần 2 tháng. Lúc này, người Mỹ càng choáng váng hơn khi Tổng thống John F. Kennedy của họ cũng ra đi đầy bí hiểm, để Tổng thống Lyndon B. Johnson lên nắm quyền với phái Diều hâu đầy hiếu chiến. Các chính phủ bù nhìn do người Mỹ lập nên lần lượt chống nhau rồi hạ nhau ở miền Nam. Thế rồi sự kiện Vịnh Bắc Bộ (tháng 8-1964), người Mỹ lấy cớ để leo thang chiến tranh, đánh phá dữ dội miền Bắc Việt Nam, để năm sau (1965) họ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào chiếm đóng nhiều vùng ở miền Nam nước ta...
Hơn lúc nào hết, khát vọng thống nhất đất nước như tiếng gọi thiêng liêng của dân tộc đối với toàn thể nhân dân Việt Nam. Và, hơn ai hết, khát vọng ấy càng cháy bỏng trong huyết quản người cha già dân tộc - Lãnh tụ Hồ Chí Minh! Phải hơn 10 năm sau, khát vọng ấy mới thành hiện thực vào mùa xuân năm 1975, với Chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc, Bắc Nam mới chung một nhà. Nhưng khi ấy Bác đã về thế giới người hiền, không còn thấy cảnh nhân dân nghẹn ngào nối hai bờ sông Bến Hải... Bài thơ chúc tết Giáp Thìn của Bác chỉ có 6 câu, nhưng cốt lõi là 2 câu giữa: “Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc Nam ta lại vui chung một nhà...”. Các câu trước (2 câu) và sau (cũng 2 câu) dù rất sâu nặng, hoặc rất giản dị cũng đều tạo nên hoặc tạo ra từ hai câu thơ trung tâm ở trên.
Cái giỏi, cái tài tình của người dụng tâm viết là không làm ra vẻ làm thơ, nhưng lời chúc vẫn toát lên chất thơ hoàn chỉnh. Có ý thơ, có từ ẩn, có mở đề, có cảm, có luận và có kết theo đúng một bài thơ truyền thống. Đọc 2 câu cuối, người yêu thơ lục bát rất dễ liên tưởng đến câu kết đầy khiêm nhường trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du: “Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng được một vài trống canh”. Đại thi hào nghĩ đến chức phận của thi ca với nhân quần. Bác cũng khiêm tốn kết bài thơ của mình: “Mấy lời thân ái nôm na/ Vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân”. Là Bác nghĩ đến nhiệm vụ cách mạng, nghĩ đến nhân dân của Người đang trong cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà... Hai nhân cách lớn đều gặp nhau ở một điểm: thơ có hay, có vi diệu đến đâu, cũng để phục vụ cho dân, cho chúng sinh.
Năm Giáp Thìn đang đến sau đúng một hội (60 năm). Khát vọng thống nhất non sông đã thành hiện thực gần nửa thế kỷ. Câu thơ của Bác ngày ấy nghe như lời tiên tri: “Bắc Nam ta lại vui chung một nhà”. Nhân dân ta từ mũi Cà Mau đến Móng Cái địa đầu Tổ quốc, gần 50 năm qua, năm nào cũng cùng nhau mừng đón xuân sang với những vận hội mới, vươn lên những tầm cao mới.
Trong niềm vui rộn rã của trời xuân, đất xuân, người xuân hôm nay; chúng ta lại nghe văng vẳng đâu đây lời chúc tết của Bác, giờ đây lại như một lời răn: “Bắc Nam như cội với cành...”. Vâng, thưa Bác, mọi người dân chúng con đang gắng chăm chút cho cây nước Việt, cội vững và cành càng đơm hoa kết trái! ./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn




