19/04/2025 | 01:53 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong thời kỳ mới

Đặng Văn Luận
TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong thời kỳ mới “Dân là gốc”, là trung tâm, chủ thể của công cuộc đổi mới
Trong suốt quá trình xây dựng, trưởng thành và lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quán triệt quan điểm quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân; dân là gốc của nước, là cơ sở của mọi thắng lợi, là lực lượng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần cho xã hội. Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng tiếp tục đề ra tư tưởng lấy nhân dân làm trung tâm, lấy ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nhân dân trong thời kỳ mới, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Đảng có sứ mệnh cao cả lãnh đạo nhân dân, songtoàn bộ sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Sức mạnh của nhân dân chỉ được phát huy đầy đủ, tối đa khi được một Đảng thật sự cách mạng lãnh đạo; chỉ khi nào huy động được sức dân, được tổ chức, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng, khi đó mới có thể trở thành sức mạnh vô địch.

Trong Văn kiện Đại hội XIII, Đảng tiếp tục đề ra tư tưởng “lấy nhân dân làm trung tâm”, “lấy ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Nhân dân làm trung tâm có nghĩa là mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của nhân dân; coi nhân dân là một nguồn lực, động lực của đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó đặt ra yêu cầu phải giải phóng mọi tiềm năng, sức mạnh, khả năng sáng tạo của nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Lấy ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu thể hiện mục tiêu của Đảng và cả hệ thống chính trị nước ta. Xét đến cùng, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tồn tại không có mục đích tự thân mà vì cuộc sống no ấm, tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Đây là mối quan hệ biện chứng có tính quy luật khách quan. Khi Đảng chân chính vì hạnh phúc của nhân dân thì sẽ được nhân dân đồng tình ủng hộ, nhân dân là người bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, khi đó, Đảng mới tồn tại vững bền. “Vì hạnh phúc của nhân dân, trách nhiệm của chính đảng” là chủ đề bài phát biểu của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với các chính đảng trên thế giới nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong đó, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “việc xây dựng và thực hiện chủ trương, đường lối, cương lĩnh cần xuất phát từ nhận thức “lấy dân làm gốc”, lấy người dân là trung tâm, coi hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu cao nhất, từ đó thúc đẩy Nhà nước xây dựng, triển khai thực hiện luật pháp, chính sách phù hợp, hiệu quả và cụ thể nhằm bảo đảm phát triển theo hướng đó”[1].

Cơ chế bảo đảm nhân dân là trung tâm, chủ thể của công cuộc đổi mới

Trước hết, Đảng yêu cầu phải hoàn thiện các quy định pháp luật bảo đảm nhân dân là trung tâm, là chủ thực sự của xã hội. Trong Văn kiện Đại hội VII, Đảng cho rằng: “Vấn đề mấu chốt là phân định rõ chức năng và giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước và các đoàn thể nhân dân...”[2]. Vì mỗi chủ thể trong hệ thống chính trị có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, trong đó, có những cơ quan đại diện trực tiếp cho ý chí, nguyện vọng nhân dân (Quốc hội, hội đồng nhân dân), có những cơ quan đại diện cho một giới, ngành nhất định (các tổ chức chính trị - xã hội); có cơ quan đóng vai trò lãnh đạo, có cơ quan đóng vai trò tổ chức thực hiện; có cơ quan giữ vai trò tuyên truyền, vận động, giám sát, phản biện... Do vậy, phân định chức năng để chống bao biện, làm thay, chuyên quyền, độc đoán.

Tại Đại hội VIII, Đảng nêu lên một trong những thành tựu của 10 năm đổi mới (1986 - 1996) là quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội được khẳng định và lần đầu tiên đưa ra cơ chế để thực hiện phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đối với các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, Đảng ban hành chỉ thị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm “mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là mục tiêu, đồng thời là động lực bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng, của công cuộc đổi mới”[3].

Đến Đại hội XIII, Đảng ta yêu cầu phải kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[4] (Quốc hội đã ban hành Luật Thực hiện dân chủ cơ sở ngày 10-11-2022). Điều này cho thấy, quan điểm nhân dân là trung tâm, là chủ thể xã hội ngày càng thoát ra khỏi tính hình thức để trở nên thực chất, thiết thực hơn. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã và đang là “chiếc chìa khóa” để giải quyết những khó khăn, phức tạp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Trong toàn bộ tiến trình mở rộng, thực hiện quyền dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp, Đảng xác định khâu quan trọng và cấp bách là phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, là nơi cần thực hiện quyền dân chủ của nhân dân một cách trực tiếp và rộng rãi nhất. Bởi vì, “quần chúng càng chủ động, càng có nhiều ý kiến, càng mạnh dạn và càng có tinh thần sáng tạo khi tiến hành công việc đó thì lại càng tốt”[5].

Thực tiễn gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn, mức tăng trưởng kinh tế trung bình mỗi năm khoảng 7%, quy mô GDP không ngừng được mở rộng. Năm 2023, nền kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, GDP quy mô 430 tỷ USD, tăng trưởng 5,05%, cao gấp 1,5 lần so với mức tăng trưởng 2,9% của kinh tế toàn cầu. Quốc phòng, an ninh, đối ngoại được củng cố, tăng cường; giữ vững trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm tốt an sinh xã hội; cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân (GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD, bước vào ngưỡng thu nhập trung bình cao), tạo chuyển biến tốt về tâm trạng, niềm tin trong xã hội, được dư luận nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Từ sự phân tích trên cho thấy, trong mọi thời kỳ cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt “nhân dân là trung tâm”, là chủ thể của xã hội. Đồng thời, Đảng ta yêu cầu cơ chế bảo đảm nhân dân là trung tâm, là chủ thực sự của xã hội. Chính thực tiễn công cuộc đổi mới là cơ sở khách quan cho những nhận thức đó. Tuy nhiên, “nhận thức là một quá trình đi từ hiện tượng tới bản chất”, nhận thức và hoàn thiện cơ chế vận hành bảo đảm nhân dân là trung tâm, là chủ thực sự của xã hội ở Việt Nam cũng là một quá trình như vậy! ./.


[1] Nguyễn Phú Trọng: Nhân dân là nền tảng chính trị - xã hội, là cội nguồn sức mạnh của các chính đảng và tổ chức chính trị, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 7-7-2021.

[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 27.

[5] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, t. 31, tr. 337.

8 February 2024