Hợp tác giữa Việt Nam và các nước Arab: Lịch sử và tương lai tốt đẹp
Nguyễn Quang KhaiNguyên Đại sứ Việt Nam tại một số nước Trung Đông

Quan hệ lịch sử giữa Việt Nam với các nước Arab
Quan hệ giữa Việt Nam và các nước Arab được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XX. Trên con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước, Người đã dừng chân tại Ai Cập năm 1911 và Tunisia, Algeria năm 1912. Ở đâu, Người cũng tận mắt chứng kiến những cảnh tượng người dân lao động bị chế độ thực dân áp bức, bóc lột tàn bạo.
Đầu năm 40 của thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Algeria theo lời mời của Đảng Cộng sản Algeria. Những thanh niên Algeria bị thực dân Pháp bắt đi lính sang Việt Nam, nhưng khi sang Việt Nam, họ đã đào ngũ và gia nhập hàng ngũ quân đội nhân dân Việt Nam, cùng chung chiến hào chiến đấu chống thực dân Pháp.
Năm 1949, theo lời đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Morocco đã cử ông M’hamed Ben Aomar Lahrech - chiến sĩ cách mạng của Đảng Cộng sản Morocco sang Việt Nam - để vận động những người lính Morocco bị Pháp đưa sang chiến trường Việt Nam không tham gia chiến đấu, đồng thời tập hợp các hàng binh và lính đào ngũ gia nhập lực lượng Việt Minh. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, những người lính Morocco đã ở lại Việt Nam và được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho một khu đất ở Ba Vì để làm ăn, sinh sống. Hiện nay, chiếc cổng Morocco được xây dựng tại khu làng ở Ba Vì vẫn được gìn giữ và trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết không chỉ giữa Việt Nam và Morocco, mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 đã cổ vũ nhân dân các nước nói chung, nhân dân Arab nói riêng đứng lên đấu tranh chống chế độ thực dân cũ, giành độc lập dân tộc. Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và thống nhất đất nước năm 1975 của nhân dân Việt Nam đã góp phần làm sụp đổ chế độ thực dân mới ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có khu vực Trung Đông - châu Phi. Nhiều nước Arab coi cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam là tấm gương cho các dân tộc ở khu vực đứng lên giành độc lập dân tộc.
Trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, các nước Arab đều ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, dành cho Việt Nam sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn cả về tinh thần lẫn vật chất. Những nước có khả năng tài chính, như Iraq, Algeria, Libya,... giúp đỡ Việt Nam về vật chất còn những nước không có điều kiện vật chất dồi dào như Syria, Ai Cập, Yemen, Mauritania, Morocco, Tunisia,... tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam về tinh thần. Ngay sau khi tuyên bố thành lập vào tháng 6-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhiều nước Arab. Một số nước đặt trụ sở Đại sứ quán của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại nước họ.
Ngày nay, tình hình thế giới đã thay đổi nhiều, nhưng các nước Arab vẫn duy trì tình cảm tốt đẹp và mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực châu Á. Với chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường quan hệ hợp tác với các nước Arab và đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước Arab. Quan hệ giữa Việt Nam và các nước Arab không ngừng củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực quan trọng như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...
Tiềm năng hợp tác to lớn giữa Việt Nam với các nước Arab
Các nước Arab có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới. Trữ lượng dầu mỏ của các nước Arab hiện nay lên tới hơn 753 tỷ thùng, chiếm hơn 1/2 tổng trữ lượng dầu mỏ thế giới, còn trữ lượng khí đốt chiếm 1/3 trữ lượng toàn cầu.
Dầu mỏ và khí đốt đem lại nguồn thu nhập tài chính rất lớn cho ngân quỹ của các nước Arab. Các nước Arab vùng Vịnh sở hữu nhiều quỹ đầu tư hàng đầu thế giới với tổng số vốn lên tới hơn 2.000 tỷ USD, lớn nhất là quỹ đầu tư của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Qatar và Saudi Arabia. Quỹ đầu tư Abu Dhabi của UAE có nguồn vốn lên tới 853 tỷ USD, tiếp theo là Quỹ Kuwait 592 tỷ USD, Quỹ Qatar 300 tỷ USD, Quỹ Saudi Arabia 160 tỷ USD.
Các nước Arab, hay còn gọi là Liên đoàn các quốc gia Arab (Liên đoàn Arab) là một liên minh các quốc gia châu Phi và châu Á nói tiếng Arab, được thành lập tại Thủ đô Cairo (Ai Cập) vào năm 1945 nhằm thúc đẩy độc lập, chủ quyền và các vấn đề lợi ích của các nước thành viên. Liên đoàn Arab hiện có 22 quốc gia thành viên, gồm Algeria, Bahrain, Comoros, Djibouti, Ai Cập, Iraq, Jordan, Kuwait, Lebanon, Libya, Mauritania, Morocco, Oman, Palestine, Qatar, Saudi Arabia, Somalia, Sudan, Syria, Tunisia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Yemen. |
Hợp tác Việt Nam - Arab ngày càng phát triển
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và thị trường Trung Đông tiếp tục tăng, đạt 18,8 tỷ USD, chủ yếu là với các nước Arab. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,3 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 11,5 tỷ USD. Hai nước có kim ngạch thương mại song phương với Việt Nam vượt ngưỡng 1 tỷ USD là UAE và Saudi Arabia. UAE lọt vào top 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trên thế giới với kim ngạch thương mại có năm lên tới 8,7 tỷ USD. Vì vậy, Việt Nam và UAE đã đề ra mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 10 tỷ USD thời gian tới.
Về đầu tư, Việt Nam đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư Arab, đặc biệt là các nước Arab vùng Vịnh. Hiện nay, các nước Arab đang đầu tư hơn 70 dự án tại Việt Nam. Các dự án lớn nhất là Kuwait cùng với Nhật Bản đầu tư vào nhà máy lọc dầu Nghi Sơn trị giá hơn 9 tỷ USD, trong đó Kuwait đóng góp 35,1%. Cảng container Hiệp Phước Sài Gòn (SCPT) 250 triệu USD của Tập đoàn DP World Dubai, tổ hợp khách sạn 5 sao Hạ Long Star của UAE 250 triệu USD, Liên doanh chè Phú Đa 15,1 triệu USD và nhà máy xay sát lúa xuất khẩu 12 triệu USD của Iraq. Quỹ đầu tư Nhà nước Qatar (QIA) đã đầu tư 300 triệu USD vào các dự án của Tập đoàn Vingroup. Tập đoàn Aramco của Saudi Arabia cũng đang xem xét đầu tư xây dựng nhà máy lọc hóa dầu mới tại Việt Nam.
Tháng 3-2023, tại cuộc gặp gỡ giữa Đại sứ các nước khối Arab ở Việt Nam với các nguyên Đại sứ Việt Nam ở các nước Arab, Đại sứ các nước Arab khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước Arab phát triển; tin tưởng vào vai trò các nguyên Đại sứ Việt Nam như là “sợi dây kết nối” giữa hai bên, đồng thời mong muốn hợp tác, phối hợp và nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè Việt Nam để đưa quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam với các nước Arab lên tầm cao mới. |
Về hợp tác lao động, Việt Nam có khoảng hơn 30.000 lao động đang làm việc tại các nước Arab, tập trung chủ yếu ở Saudi Arabia, UAE, Kuwait và Qatar.
Có thể nói, những kết quả hợp tác hai bên đạt được là rất đáng ghi nhận, nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng thực chất của hai bên. Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động, phức tạp, hai bên cần tăng cường quan hệ giao lưu văn hóa, giáo dục và nhân dân, coi đây là kênh ngoại giao tiên phong, mở đường để tạo tiền đề nâng tầm quan hệ hợp tác. Thế hệ trẻ hai bên cần có sự hiểu biết về đất nước của nhau, đồng thời đưa ra nhiều sáng kiến, đề xuất, như thiết lập đường bay thẳng, đẩy mạnh các sự kiện giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân, tận dụng các học bổng đào tạo của các nước Arab, tăng cường hợp tác du lịch, thể thao bên cạnh hợp tác chính trị, kinh tế, đầu tư (tổ chức hội thảo kinh tế, kết nối doanh nghiệp hai bên), thúc đẩy hợp tác địa phương..., góp phần tăng cường đoàn kết, hợp tác chặt chẽ, khai thác các tiềm năng to lớn của nhau để đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa vì lợi ích chung của nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước Arab./.
MỚI NHẤT
Các bài cũ hơn




