21/11/2024 | 16:29 GMT+7 | Điện thoại: 034 39429756 | Email: hososukien@gmail.com

Mô hình tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh trong tầm nhìn kết nối khu vực và nâng cao chất lượng nguồn lực đầu vào

PGS, TS. Bùi Văn Huyền
Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Mô hình tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh trong tầm nhìn kết nối khu vực và nâng cao chất lượng nguồn lực đầu vào

Là một trong những địa phương thành công trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu cả về tốc độ và chất lượng tăng trưởng trên cơ sở khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực đặc biệt là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để đạt được mục tiêu đề ra trong đầy khát vọng đã đề ra của Quảng Ninh thời gian tới, mô hình tăng trưởng mới cần đặt trong tầm nhìn kết nối khu vực và nâng cao chất lượng nguồn lực đầu vào.

Một số kết quả nổi bật

Với vị trí địa kinh tế đặc biệt, Quảng Ninh sở hữu những giá trị riêng biệt đầy tiềm năng và trên thực tế, đã đạt được những thành tựu nổi bật về kinh tế, xã hội, với những điểm nhấn đáng chú ý:

- Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, liên tục: Trong giai đoạn 2016 - 2022, Quảng Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số và giữa được nhịp độ cũng như động lực tăng trưởng. Điểm đáng chú ý là trong giai đoạn 7 năm đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, có những giai đoạn kinh tế Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, các hoạt động dịch vụ đóng cửa, chuỗi cũng ứng bị đứt gãy,... với tất cả những khó khăn đó, Quảng Ninh vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trên 10% cho thấy, một mặt, tiềm năng cho tăng trưởng và phát triển là rất lớn, mặt khác cho thấy, phản ứng chính sách và kịp thời và hợp lý, kích hoạt được những tiềm năng cho tăng trưởng và phát triển trong những điều kiện, bối canh khác nhau.

- Chuyển đổi mô hình tăng trưởng: Từ một địa phương theo đuổi mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, Quảng Ninh được xem là thành công trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, từng bước “xanh hóa các màu nâu”. Đóng góp của ngành công nghiệp khai khoáng giảm dần về tỷ trọng trong cơ cấu GRDP cũng như thu ngân sách địa phương. Song song với quá trình đó, ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp ngày càng nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh[1].

- Hoán chuyển các nguồn lực cho tăng trưởng: Đây là một trong những điểm nhấn và thành tựu nổi bật của Quảng Ninh trong suốt thời gian qua. Bằng những chính sách phù hợp, bằng việc không ngừng hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, bằng sự năng động của lãnh đạo địa phương, các nguồn lực đã được khơi thông, được huy động và phục vụ cho sự phát triển các mặt kinh tế xã hội của tỉnh, điển hình như phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị, tạo động lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững. Việc huy động và hoán chuyển thành công các nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài tỉnh, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là một trong những thành công mang tính dấu ấn của Quảng Ninh thời gian qua.

- Kích hoạt các động lực tăng trưởng mới: Bằng tầm nhìn dài hạn và nhất quán, Quảng Ninh đã kiến tạo những động lực tăng trưởng mới thông qua hoàn thiện các quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên. Chính những động lực tăng trưởng mới này đã giúp cho Quảng Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng cao ngay cả khi nền kinh tế gặp những cú sốc như đại dịch Covid 19. Ngoài ra, tìm kiếm và kích hoạt các động lực tăng trưởng mới còn tạo dư địa dài hạn cho tăng trưởng và phát triển kinh tế Quảng Ninh trong trung và dài hạn.

- Duy trì vị thế tiên phong: Trong tương quan so sánh với các địa phương cấp tỉnh, thách thức lớn nhất của Quảng Ninh là vượt qua chính mình, duy trì vị thế tiên phong về tiến trình và kết quả và thành quả của quá trình phát triển, của những nỗ lực trong quản trị địa phương. Không chỉ là địa phương dẫn đầu 6 năm liên tục trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), mà các chỉ số quản trị khác như PAPI, Par Index cũng đạt những kết quả tốt.

- Thúc đẩy khu vực kinh tế nội tỉnh, nội địa, bản địa, kinh tế của người Việt Nam: Những đóng góp quan trọng nhất cho tăng trưởng và phát triển kinh tế của Quảng Ninh thời gian qua đến từ khu vực kinh tế trong nước, trong đó khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng vai trò động lực, thể hiện qua tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng qua từng thời kỳ, từng gian đoạn khác nhau. Điều này không chỉ là lựa chọn phương thức phát triển đúng với chủ trương của Đảng trong Văn kiện Đại hội XIII, trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021 - 2030, mà quan trọng hơn, là sự chủ động, là nền tảng cho phát triển, tạo ra các giá trị thực trong tương lai.

- Khai thác tốt những tiềm năng phi kinh tế: Với vị trí là một cực trong tam giác phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; là cửa ngõ kết nối liên vùng giữa vùng đồng bằng sông Hồng và miền núi trung du phía Bắc; cửa ngõ kết nối khu vực liên quốc gia với Trung Quốc. Các giá trị này đã từng bước được tính toán, từng bước khai thác, phát huy trong chiến lược và kế hoạch phát triển của tỉnh và đã đem lại những đóng góp quan trọng không chỉ về GRDP cho Quảng Ninh, mà còn là tiền đề cho thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế. Ngoài ra, các giá trị văn hóa phi vật thể, các giá trị tuyền thống khác cũng đã được khai thác một cách hợp lý và hiệu quả, góp phần cho sự phát triển của Quảng Ninh trong thời gian qua.

Một số thách thức và điểm nghẽn trong quá trình phát triển

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, mô hình tăng trưởng của tỉnh đã bộc lộ một số thách thức cần giải quyết, cụ thể:

Một là, phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh và trong một vài ngành, lĩnh vực, còn có dấu hiệu “cạnh tranh xuống đáy” với một số địa phương có điều kiện tương đồng trong Vùng, như Hải Phòng. Tăng trưởng nhanh, nhưng đã xuất hiện dấu hiệu chậm lại trong thời gian gần đây là một trong những thách thức cần giải quyết.

Hai là, đóng góp cho tăng trưởng của các ngành truyền thống, thâm dụng lao động, khai khoáng và đầu tư vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Ứng dụng và đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn chưa cao, chưa bảo đảm năng lực cạnh tranh và động lực tăng trưởng trong dài hạn. Cơ cấu giá trị sản xuất nhóm ngành công nghiệp chất lượng cao còn thấp; tác động của công nghệ vào gia tăng giá trị sản phẩm, tăng năng suất lao động và chuyển dịch cơ cấu sản phẩm còn chậm. Phần lớn các dự án, các doanh nghiệp công nghiệp tập trung vào việc khai thác tiềm năng, nguồn lực sẵn có về tài nguyên, đất đai, lao động.

Công nghiệp chế biến chế tạo trong giai đoạn 10 năm (2013 - 2022) đóng góp trung bình 11% giá trị tăng thêm của tỉnh, thấp hơn mức trung bình chung cả nước và thấp hơn một số tỉnh trong vùng, như Bắc Ninh (73%) và Hải Phòng (44%).

Ba là, mô hình tăng trưởng hiện nay của tỉnh vẫn còn những “mảng nâu” đi kèm với các vấn đề về môi trường, chậm được “xanh hóa”. Các hoạt động tăng trưởng xanh, số, tuần hoàn và bền vững của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp còn nhiều hạn chế, chủ yếu nằm ở phạm vi nội bộ doanh nghiệp. Công nghệ mới, thân thiện với môi trường chưa được các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư.

Bốn là, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế nhanh, một số vấn đề xã hội chưa được giải quyết căn cơ, bền vững. Còn khoảng cách lớn giữa GRDP/người và thu nhập bình quân/người, cho thấy thành quả của tăng trưởng chưa được phân bổ một cách tối ưu cho các nhóm cư dân trong tỉnh. Mặc dù chất lượng lao động đã từng bước được nâng cao nhưng nhìn chung là chưa đủ để đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Bên cạnh những thách thức nêu trên, một số điểm nghẽn trong quá trình phát triển bao gồm:

Thứ nhất, khai thác lợi thế của liên kết vùng và liên kết quốc tế chưa tối ưu

Quảng Ninh có đường biên giới cả trên bộ và trên biển với Trung Quốc - nền kinh tế có quy mô và tốc độ tăng trưởng hàng đầu, đồng thời là cánh cửa mở kết nối Trung Quốc với các quốc gia ASEAN. Chưa kể, những ưu tiên trong phát triển hệ thống hạ tầng giao thông liên tỉnh và nội tỉnh của Quảng Ninh trong thời gian vừa qua đã giúp tỉnh trang bị được hệ thống hạ tầng giao thông vượt trội so với các địa phương khác.

Với điều kiện như vậy, kết nối liên tỉnh và quốc tế của Quảng Ninh, có thể đánh giá là chưa xứng tầm với vị thế và năng lực kết nối của tỉnh - Quảng Ninh chưa phát huy hết thế mạnh là điểm giao thông trung chuyển nội vùng, liên vùng hay kết nối với thị trường bên ngoài. Điều này thể hiện qua số lượng lưu chuyển hàng hóa và hành khách qua Quảng Ninh. Bên cạnh đó, hạ tầng kết nối giữa các hình thức vận tải chưa đồng bộ, hệ thống kho bãi chưa đáp ứng tốt nhu cầu lưu kho của hàng hóa và chi phí logistics vẫn còn ở mức cao, là những cản trở lớn cho cơ hội mở cửa thị trường tỉnh với các đối tác nội vùng và quốc tế.

Với điều kiện như vậy, kết nối liên tỉnh và quốc tế của Quảng Ninh, có thể đánh giá là chưa xứng tầm với vị thế và năng lực kết nối của tỉnh - Quảng Ninh chưa phát huy hết thế mạnh là điểm giao thông trung chuyển nội vùng, liên vùng hay kết nối với thị trường bên ngoài. Điều này thể hiện qua số lượng lưu chuyển hàng hóa và hành khách qua Quảng Ninh. Bên cạnh đó, hạ tầng kết nối giữa các hình thức vận tải chưa đồng bộ, hệ thống kho bãi chưa đáp ứng tốt nhu cầu lưu kho của hàng hóa và chi phí logistics vẫn còn ở mức cao, là những cản trở lớn cho cơ hội mở cửa thị trường tỉnh với các đối tác nội vùng và quốc tế.

Thứ hai, về chất lượng tăng trưởng

Mặc dù Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao thuộc nhóm đầu toàn quốc, nhưng phương thức và động lực tăng trưởng lại tiềm ẩn một số yếu tố kém bền vững. Khai thác khoáng sản tuy đang dần giảm vai trò, khai thác than đóng góp vào GRDP đã giảm từ 1/3 năm 2011 xuống còn dưới 1/5 năm 2020, nhưng Quảng Ninh vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thu nhập từ khai thác than và sản xuất nhiệt điện than. Cũng trong chính lĩnh vực sản xuất công nghiệp, quy mô và đóng góp của các ngành sản xuất và chế biến còn thấp trong tương quan so sánh với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Đặc biệt, sản xuất hàng xuất khẩu của Quảng Ninh vẫn còn khá nhỏ lẻ và manh mún nên không thể khai thác lợi thế về cảng biển hay hoạt động biên mậu với Trung Quốc.

Điểm nghẽn này có mối quan hệ tương tác hai chiều, tạo ra sự cộng hưởng kém tích cực trong việc mở rộng liên kết vùng và liên kết quốc tế.

Thứ ba, điểm nghẽn về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao

Thực tế cho thấy Quảng Ninh cho đến nay vẫn chưa phải là điểm đến hấp dẫn đối với lao động từ địa phương khác. Quảng Ninh đứng ở nhóm giữa trong xếp hạng các địa phương mà cư dân địa phương khác muốn đến sinh sống và làm việc. Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn trong thu hút nguồn ngân lực chất lượng cao, dù thời gian di chuyển tới Hà Nội chỉ khoảng hơn 2 giờ. Điều này phần nào được lý giải bởi sự phát triển khiêm tốn của các ngành công nghiệp dẫn dắt như điện tử, bán dẫn, vi mạch, ngành chế biến chế tạo hay các ngành dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao như ngân hàng, bảo hiểm, logistics...

Đồng thời, việc đào tạo tại chỗ đối với nguồn nhân lực chất lượng cao của Quảng Ninh cũng gặp khó khăn. Trường Đại học Hạ Long mới thành lập, năng lực đào tạo còn khiêm tốn; dự án Đại học FLC đã bị tạm dừng vô thời hạn; chi nhánh của một số trường đại học lớn như Đại học Ngoại thương cũng chỉ vận hành ở quy mô nhỏ. Chưa kể đến, các chính sách thu hút nhân tài, ưu đãi đầu tư cho các ngành công nghiệp đòi hỏi hàm lượng giá trị gia tăng cao, hay khuyến khích phát triển các viện nghiên cứu còn khá mờ nhạt và chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Cuối cùng, sự về đồng bộ trong phát triển kinh tế và phát triển xã hội

Năm 2022, Quảng Ninh xếp hạng thứ 6 trên cả nước về chỉ số HDI - chỉ số tiêu chuẩn thế giới đánh giá toàn diện sự phát triển con người về cả kinh tế lẫn xã hội. Thế nhưng, thứ hạng cao của Quảng Ninh chủ yếu được đóng góp bởi chỉ số về thu nhập. Thứ hạng của các chỉ số phát triển xã hội như y tế và giáo dục của Quảng Ninh đều khá khiêm tốn. Mặt khác, tương quan giữa tăng trưởng GRDP và mức tăng thu nhập của người dân tồn tại khoảng cách chênh lệch khá lớn. Nói cách khác, người dân Quảng Ninh vẫn chưa được hưởng lợi đầy đủ từ kết quả của tăng trưởng và phát triển kinh tế. Kết nối kinh tế, thương mại giữa đô thị và nông thôn, giữa vùng biển, ven biển với vùng núi, giữa đất liền với các đảo, giữa nông nghiệp, công nghiệp với dịch vụ vẫn còn hạn chế. Hạ tầng kinh tế - xã hội tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn còn chưa đồng bộ. Tỷ lệ hộ nghèo tại khu vực miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn cao so với tình hình phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh.

Điều quan trọng hơn là, những điểm nghẽn kể trên có mối tương quan và liên kết khá chặt chẽ với nhau. Quy mô và triển vọng phát triển của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo chịu ảnh hưởng khá lớn bởi khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh; và hạn chế này kéo theo những khó khăn trong liên kết kinh tế nội vùng và mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế. Trong khi đó, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao lại chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi điều kiện sống và chất lượng các dịch vụ công cộng như giáo dục, y tế, văn hóa - giải trí. Chính vì vậy, để tháo gỡ dược những điểm nghẽn nêu trên, tỉnh cần có hệ thống giải pháp đồng bộ và hệ thống.

Một số định hướng và giải pháp

Một số mục tiêu quan trọng được Quảng Ninh xác định trong các Nghị quyết, Quyết định, Quy hoạch và các văn bản quan trọng khác cho giai đoạn 2021 -2030 tầm nhìn 2050 nhấn mạnh: (1) Trở thành tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; (2) Một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện và trở thành cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; (3) Trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; (4) Đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng..., theo đó, để đạt được các mục tiêu đề ra, Quảng Ninh cần tập trung giải quyết đồng thời nhiều nội dung, trong đó chú trọng một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, phát huy hơn nữa vai trò “kết nối”, “dẫn dắt” “cực tăng trưởng”. Với vị thế của một địa phương điểm nút trong kết nối kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tỉnh có vai trò đặc biệt trong tổ chức không gian kinh tế, thúc đẩy các liên kết, hợp tác về sản xuất, đầu tư, thương mại, du lịch, đặc biệt là logictics. Không chỉ ở vai trò kết nối, Quảng Ninh còn có thể dẫn dắt sự phát triển của một số ngành, lĩnh vực trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và trong hành lang kinh tế Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Ngoài ra, với vị thế của một cực tăng trưởng trong tam giác vàng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh có lợi thế đặc biệt trong các hoạt động vận tải, logicstics và phát triển đô thị. Với hệ thống kết cấu hạ tầng khá hoàn chỉnh, tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với 3 cảng hàng không quốc tế, 300km đường bộ toàn tuyến, hệ thống cảng biển nước sâu và cảng nội địa, Quảng Ninh cần phát huy hơn nữa vai trò kết nối và dẫn dắt của mình cho sự phát triển của tỉnh nói riêng và của vùng, trong hành lang kinh tế và trong tam giác kinh tế nói chung. Vị thế này khiến Quảng Ninh không chỉ đặt phát triển kinh tế của tỉnh trong mối quan hệ cạnh tranh với các địa phương xung quanh, mà còn cần tìm ra điểm mạnh riêng của mỗi địa phương để phát triển mối quan hệ hợp tác nội vùng, liên vùng, làm nền tảng cho hợp tác khu vực và quốc tế.

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn lực đầu vào, bao gồm cả phân bổ, sử dụng cũng như thu hút và hoán chuyển các nguồn lực cho phát triển. Với nguồn nhân lực, tỉnh ưu tiên 2 nhóm: (1) Nâng cao nhân lực chất lượng cao trong khu vực công thông qua các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và thiết kế, hoàn thiện các hệ thống đánh giá gắn với kết quả và hiệu quả công việc; (2) Đối với nguồn nhân lực cho các ngành, lĩnh vực, tùy thuộc vào mức độ ưu tiên để có các chính sách thu hút bằng các đãi ngộ tài chính, phi tài chính đối với nguồn nhân lực ngoài tỉnh, nhân lực là con em của tỉnh; đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực hiện hữu là lấy thị trường lao động, lấy mức lương để kích thích các hoạt động tự đào tạo và lấy cạnh tranh nguồn nhân lực trên thị trường lao động để nâng cao chất lượng.

Với nguồn lực vốn, bên cạnh phân bổ và sử dụng hiệu quả vốn ngân sách nhà nước, tỉnh tiếp tục phát huy kinh nghiệm và thế mạnh trong việc thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách, từ khu vực kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân. Ưu tiên khu vực kinh tế tư nhân trong nước bằng các biện pháp tiếp tục hoàn thiện thể chế, duy trì vị thế đứng đầu trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và cam kết nhất quán, mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh.

Với nguồn lực khoa học công nghệ, tập trung vào cả 3 nhóm vấn đề: (1) Ứng dụng thành tựu của khoa học công nghệ trong quản trị, quản lý cả khu vực công và khu vực tư theo hướng minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình và chuẩn mực quốc tế; (2) Thúc đẩy chuyển giao và chuyển hóa các nguồn lực khoa học công nghệ thành nguồn lực của tỉnh, của người dân và doanh nghiệp Quảng Ninh, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, bao gồm cả các nguồn lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; (3) Đầu tư cho khoa học công nghệ theo hướng tập trung, ưu tiên, phù hợp với mục tiêu, chiến lược và các ngành, lĩnh vực đã xác định.

Với nguồn lực đất đai, cần sử dụng một cách tiết kiệm và ưu tiên đất đai cho phát triển những ngành, lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên trong tương lai, như phát triển du lịch, logicstics và công nghiệp.

Bên cạnh 2 giải pháp ưu tiên, để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, các giải pháp khác cũng cần chú trọng thực hiện đồng bộ, trong đó sớm ưu tiên các kế hoạch cụ thể cho phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, số, tuần hoàn và bền vững; khai thác và phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch và phát triển thương mại biên giới. Song song với các mục tiêu về phát triển kinh tế, các mục tiêu phát triển về xã hội, trong đó y tế, giáo dục và an sinh xã hội là những vấn đề đặc biệt cần quan tâm./.


[1](1) Trong 6 ngành đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh, ngoại trừ khai khoáng, tất cả các ngành còn lại (Chế biến chế tạo; sản xuất và phân phối điện; xây dựng; bán buôn bán lẻ; vận tải kho bãi) đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung của tỉnh.

29 December 2023
29 December 2023
CÁC BÀI HỘI THẢO